| Hotline: 0983.970.780

Người trồng rừng lao đao vì 'phát canh thu tô'

Dấu hỏi lớn về năng lực Công ty lâm nghiệp

Thứ Ba 06/08/2019 , 09:09 (GMT+7)

Việc thực hiện các thủ tục giao khoán khi mà các hộ dân đã tiến hành trồng rừng cũng như nội dung phản ánh của họ về hợp đồng có nhiều sai lệch đặt ra nghi vấn về năng lực, vai trò quản lý tư liệu đối với Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên.

Chạy theo thực tế

Trước năm 2005, Lâm trường Đồng Hỷ (nay là Chi nhánh Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam - Công ty Cổ phần - Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên) giao khoán cho các hộ dân theo Quyết định 08 của UBND tỉnh Bắc Thái về giao đất, giao rừng cho các thành phần kinh tế để quản lý và sử dụng (giao sổ bìa xanh).

09-16-51_1
Chủ trương trả lại đất của lâm trường cần sớm được các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết.

Lâm trường Đồng Hỷ sau đó được chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Ván dăm Thái Nguyên. Tháng 05/2013, Cty TNHH MTV Ván dăm Thái Nguyên giải thể. Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên được hình thành trên nền tảng đó.

Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên quản lý diện tích đất lâm nghiệp trên 10.000 ha. Năm 2014, thực hiện cổ phần hóa, một phần diện tích được bàn giao lại, hiện Công ty được giao quản lý 8.077 ha đất lâm nghiệp trên địa bàn các huyện Phú Bình, Đồng Hỷ, thị xã Phổ Yên, thành phố Thái Nguyên và TP Sông Công.

Ông Nguyễn Anh Tuấn (Phó Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên) cho biết, phía Công ty vẫn tiếp tục dự kiến trả thêm đất cho địa phương và chỉ để phần diện tích còn khoảng 4.000 ha. Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng thừa nhận, do trước đây không có bản đồ giải thửa, bản đồ chi tiết mà chỉ có bản đồ khoanh vẽ nên việc bàn giao gặp nhiều khó khăn. Muốn bàn giao phải rà soát, sau đó có bản đố giải thửa, bản đồ chi tiết cho phù hợp với xã, với địa phương thì mới thực hiện được.

Đại diện phía Công ty khẳng định bất cập trong công tác quản lý như trên đã phần nào lý giải việc tại sao Công ty buộc phải chạy theo, hoàn thiện thủ tục cho những những diện tích đất đã được người dân trồng rừng.

Bức xúc trước việc diện tích trong hợp đồng bị tăng lên, ông Phùng Văn Tấn (xóm Suối Găng, xã Cây Thị) chứng minh, ngày 24/8/2017, ông nhận được quyết định khai thác của kiểm lâm huyện Đồng Hỷ. Đến tháng 11/2017, ông thực hiện khai thác và vận chuyển xong nhưng hợp đồng do Công ty lâm nghiệp cung cấp thì đã hoàn thiện hồ sơ và có biên bản nghiệm thu trồng rừng đợt 1 từ tháng 04/2017.

Hay như trường hợp của hộ ông Nguyễn Trọng Oánh (xóm Mỹ Hòa, xã Cây Thị) cho biết, các nội dung trong bản hợp đồng đã bị thay đổi. Thậm chí, bản hợp đồng giao khoán của gia đình ông có lô rừng lại trùng với lô rừng của hộ gia đình ông Hà Văn Sang.

Từ những lập luận nói trên, hầu hết người dân đều đặt câu hỏi, tại sao Công ty không can thiệp và đề nghị ký hợp đồng khi người dân triển khai thực hiện trồng mà lại cứ để đến sau khi phát hiện ra, thậm chí đến lúc khai thác mới cho ký hợp đồng? Cách làm đó phải chăng là chạy theo thực tế để hoàn thiện thủ tục mà thôi?
 

Lối mở

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm, trước khi làm thủ tục khai thác rừng hộ dân tự trồng trên đất của Công ty hoặc khai thác rừng do Công ty đầu tư, nếu hộ nhận khoán có nhu cầu trồng rừng với Công ty ở chu kỳ kế tiếp thì phải có đơn xin nhận khoán và ký hợp đồng mới với Công ty. Nếu hộ nhận giao khoán không tham gia trồng với Công ty ở chu kỳ kế tiếp thì Công ty sẽ thu hồi lại đất để giao khoán cho các hộ khác sản xuất.

09-16-51_2
Ông Nguyễn Anh Tuấn (Phó Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên) cho biết, do trước đây không có bản đồ giải thửa, bản đồ chi tiết mà chỉ có bản đồ khoanh vẽ nên việc bàn giao gặp nhiều khó khăn.

Ông Tuấn cũng khẳng định, hộ dân ký hợp đồng trồng rừng với Công ty nhưng chưa nhận đầu tư (nhân công, cây giống) thì đến cuối chu kỳ vẫn phải trả cho Công ty đủ khối lượng gỗ cây đứng là 33m3/ha/chu kỳ. Công ty chỉ giảm trừ sản lượng gỗ giao nộp tương đương với tiền cây giống, nhân công trong 2 năm được quy ra là 3,93m3/ha.

Có thể nói, Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên đã và đang mang trên mình chiếc áo quá khổ. Bởi phải quản lý bằng bản đồ khoanh vẽ, trên một diện tích quá lớn, địa bàn quá rộng chính là yếu tố gây nên những mâu thuẫn lợi ích nói trên. Có một thực tế là ở bất cứ nơi đâu người nông dân cũng không bao giờ để đất hoang phí.

Từ chủ trương tiếp tục bàn giao đất về cho địa phương của Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên, các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên cần sớm vào cuộc phối hợp với Công ty này thực hiện thấu đáo nội dung nói trên.

Quan điểm của ông Lê Văn Sáu (xóm Suối Găng, xã Cây Thị) cho rằng, cho đến tận khi làm thủ tục khai thác thì phía lâm trường mới đưa ra bản hợp đồng mà người dân không hề biết các điều khoản, thậm chí các chữ ký là photo. Việc mập mờ trong cung cấp thông tin, thiếu trách nhiệm và tạo dựng những giấy tờ giả mạo, dùng chữ kỹ của người dân dán vào các văn bản khác rồi đóng dấu đỏ của Công ty lên là sai phạm nghiêm trọng. Sai phạm nghiêm trọng đó của Công ty là mối đe dọa lớn đến phát triển bền vững của rừng cũng như sinh kế của người dân.

Ông Sáu đề nghị, cần làm rõ chủ quyền và trách nhiệm của các khu rừng tái sinh. Đối với Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên phải cung cấp các giấy tờ gốc, có chữ ký sống của người dân, cũng như các dẫn chứng bằng văn bản rõ ràng.

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.