| Hotline: 0983.970.780

Thái Nguyên: Người trồng rừng lao đao vì 'phát canh thu tô'

Thứ Hai 05/08/2019 , 14:14 (GMT+7)

Nhiều hộ dân thuộc địa bàn xã Cây Thị (huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) phản ánh về quyền lợi khi tham gia trồng rừng đã bị xâm hại.

Đằng đẵng 7 - 8 năm trồng rừng nhưng nguồn thu của người dân lại không được bao nhiêu.

Vào cuộc tìm hiểu về nội dung trên cho thấy có cơ sở, đòi hỏi chính quyền cũng như đơn vị phối hợp thực hiện cần có câu trả lời thỏa đáng.
 

Những bản hợp đồng bất ngờ

Hầu hết đơn thư đều khẳng định, người dân thực hiện trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp đã được giao. Tuy nhiên, đến thời điểm khai thác, khi thực hiện thủ tục để khai thác thì phía Cty Lâm nghiệp Thái Nguyên lại yêu cầu dân phải ký vào bản hợp đồng giao khoán trồng rừng thì mới được phép vận chuyển. Các bản hợp đồng được để trống thời gian cũng như các nội dung thỏa thuận. Chỉ đến khi nhận lại hợp đồng thì người dân mới tá hỏa phát hiện nhiều nội dung bất lợi cho mình.

Ông Triệu Phúc Dương (xóm Suối Găng, xã Cây Thị) cho biết, gia đình ông bỏ vốn tự trồng nhưng phía Cty lâm nghiệp không cho khai thác và yêu cầu phải nộp tiền thuế đất hoặc phải ký hợp đồng nhận giao khoán trồng rừng.

Ông Nguyễn Trọng Oánh (xóm Mỹ Hòa, xã Cây Thị) cho biết, các nội dung trong bản hợp đồng đã bị thay đổi. Thậm chí, bản hợp đồng giao khoán của gia đình ông có lô rừng lại trùng với lô rừng của hộ gia đình ông Hà Văn Sang.

Điều đáng nói là, hầu hết các bản hợp đồng mà phía Cty yêu cầu người dân ký đều là hợp đồng chưa có diện tích, lô khoảnh. Ông Dương Cao Khải (xóm Hoan, xã Cây Thị) cho biết, gia đình ông thực hiện trồng rừng từ 2016 với diện tích được Cty giao khoán hơn 1ha. Cuối năm 2018, ông đến Cty để nhận hợp đồng giao khoán nói trên. Qua kiểm tra, ông Khải ngã ngửa vì diện tích đã được nâng lên là 15,7ha.

Tương tự, ông Triệu Hữu Lưu (xóm Suối Găng) tự bỏ vốn trồng 0,5ha keo, do cây đổ nên phải khai thác non. Khi thực hiện thủ tục vận chuyển thì được ông Trần Văn Định (đội trưởng Đội lâm nghiệp số 4 thuộc Cty Lâm nghiệp Thái Nguyên) yêu cầu ký hợp đồng trống. Sau đó, ông tự trồng lại 0,5ha keo. Khi ông Lưu lấy hợp đồng thì mới phát hiện diện tích đã được cho tăng lên là 4ha.

Trường hợp khác là hộ ông Phạm Duy Quyền (xóm Mỹ Hòa). Năm 2016 ông Quyền thực hiện hợp đồng giao khoán trồng rừng với Cty, diện tích 2,8ha. Đầu năm 2019, khi nhận được hợp đồng thì diện tích thỏa thuận trong bản hợp đồng đã nhảy vọt lên thành 19,50ha, lớn hơn tổng diện tích trong sổ lâm bạ của gia đình ông, chỉ có 18,6ha.
 

Bóc lột người trồng rừng?

Ông Dương Minh Thư (Chủ tịch UBND xã Cây Thị) cho biết, UBND xã đã nhận được đơn thư của các hộ dân. Theo đó, nội dung đơn thư tập trung vào 3 nội dung, gồm: Người dân không được bàn bạc, thỏa thuận khi ký hợp đồng, nhiều trường hợp ký hợp đồng trắng hoặc không được ký nhưng khi Cty cung cấp hợp đồng thì diện tích đã bị thay đổi theo hướng tăng lên. Đặc biệt, việc áp mức khoán quá cao khiến người dân gặp nhiều bất lợi.

Theo ông Chủ tịch UBND xã, những ý kiến phản ánh của người dân là có cơ sở. Chẳng hạn, đối với những diện tích mà người dân đã tự trồng thì tại sao không cho phép họ nộp thuế đất mà cứ phải thực hiện ký hợp đồng. Đối với những hợp đồng có sự thay đổi về diện tích thì phải đo đạc lại cho rõ ràng. Dân sẵn sàng quản lý, sử dụng diện tích theo hợp đồng nhưng phải đảm bảo diện tích đó cũng chính là diện tích trên thực địa.

Được biết, phía Cty Lâm nghiệp Thái Nguyên đang thực hiện việc giao khoán trồng rừng với 3 mô hình. Đối với rừng trồng quốc doanh thì người dân được nhận tiền nhân công là 20,7 triệu đồng/ha/chu kỳ 9 năm. Đối với mô hình rừng trồng khoán hộ đầu tư cao thì người dân được nhận tiền nhân công là 18,9 triệu đồng/ha/chu kỳ 9 năm. Cuối chu kỳ, Cty thu 80m3 gỗ đứng, sản phẩm vượt khoán được chia đôi, mỗi bên hưởng 50%. Đối với mô hình rừng trồng khoán hộ đầu tư thấp thì Cty đầu tư cây giống và mức lương tối thiểu là 1,3 triệu đồng/ha. Cuối chu kỳ 7 năm, Cty thu hồi sản phẩm gỗ đứng là 40m3.

Về mức khoán nói trên, ông Triệu Sinh Tiến (xóm Khe Cạn) cho biết, trên thực tế Cty đầu tư cây giống và một phần tiền nhân công trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng với tổng số tiền mỗi hộ nhận được chỉ 1,3 triệu đồng/ha. Thế nhưng tới cuối chu kỳ trồng rừng, người dân ở đây phải trả cho Cty tới 40m3 gỗ đứng/ha.

Ông Nghiêm Xuân Minh (xóm Khe Cạn) phân tích, trung bình mỗi chu kỳ người dân trong chỉ thu được 50 - 80 triệu đồng/ha rừng, trong khi đó, với mức khoán hiện tại, Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên đã thu mất của người dân từ 20 - 23 triệu đồng/ha rừng.

“Ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, người dân chi? biết bám vào rừng để sinh tồn. Từ lúc trồng, đến chăm sóc, bảo vệ đằng đẵng 7 - 8 năm trời mà chúng tôi chỉ được phần nhân công trên dưới 20 triệu. Phía Cty chỉ đầu tư trên dưới 2 triệu mà thu lại tới hơn 20 triệu/ha thì quá bất công. Chẳng khác gì thu tô kiểu mới”, ông Minh bức xúc.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.