| Hotline: 0983.970.780

Đầu mối quốc gia là 'nhạc trưởng', dân bàn, dân thực hiện

Thứ Năm 27/04/2023 , 11:57 (GMT+7)

Phiên thứ 8 của Hội nghị Hệ thống Lương thực thực phẩm nhấn mạnh về vai trò kết nối, dẫn dắt triển khai kế hoạch hành động của các đầu mối quốc gia.  

Video: Duy Học, Quang Dũng.

Đầu mối quốc gia là người dẫn dắt hành động

Tại phiên thảo luận, Bà Sylvia Ekra, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Hệ thống thực phẩm, người điều hành phiên số 8 chia sẻ: Trong phiên đối thoại lần này sẽ tập trung vào việc đối thoại cụ thể với đại diện của các quốc gia. Bởi lẽ, để Hệ thống lương thực thực phẩm (LTTP) được vận hành hiệu quả thì điều quan trọng đầu tiên là các quốc gia phải có đầu mối để triển khai những hoạt động.

Phiên thứ 8 nhấn mạnh về vai trò kết nối, dẫn dắt triển khai kế hoạch hành động của các đầu mối quốc gia. Ảnh: Trung Quân.

Phiên thứ 8 nhấn mạnh về vai trò kết nối, dẫn dắt triển khai kế hoạch hành động của các đầu mối quốc gia. Ảnh: Trung Quân.

Đại diện các quốc gia sẽ như một “nhạc trưởng”, dẫn dắt lộ trình triển khai các hoạt động xây dựng hệ thống LTTP ở quốc gia của mình; có sự can thiệp, tác động để các Bộ ngành trong nước kế nối, hỗ trợ, đồng thuận với mục tiêu chung. Từ đó, các hoạt động sẽ được triển khai có hiệu quả, giúp các quốc gia đạt được mục tiêu, tầm nhìn của mình.

Ông Alwin Kopse, Văn phòng Nông nghiệp liên bang Thụy Sỹ cũng chia sẻ về những kinh nghiệm xoay quanh việc phát triển hội đồng công dân của nước mình. Theo ông Alwin Kopse, Thụy Sỹ có các nhóm vận động, Viện trưng cầu dân ý để lấy ý kiến của người dân liên quan tới những vấn đề quan trọng của đất nước như sửa đổi Hiến pháp. Đồng thời, đây cũng là một kênh đối thoại để lấy ý kiến về vấn đề phát triển, đảm bảo LTTP.

Thông qua những kênh này, trong thời gian qua, đã có 5 - 6 sáng kiến liên quan tới LTTP được triển khai hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành những tổ chức này vẫn có những tranh luận gay gắt giữa cộng đồng ở khu vực nông thôn và thành thị.

Hội đồng công dân có thể xem là cầu nối giữa khu vực nông thôn và thành thị. Hội đồng được thiết lập và vận hành theo một quy trình chặt chẽ. Trong đó, sẽ chọn khoảng 80 người trẻ đại diện cho các lứa tuổi, ngành nghề, môi trường sống… khác nhau. Hội đồng này sẽ được tạo không gian thông thoáng để trao đổi, tranh luận với nhau, đưa ra những sáng kiến. Các sáng kiến đó phải có cơ sở khoa học, được phân tích chặt chẽ dựa trên những dẫn chứng thực tế thuyết phục. Từ đó, chỉ ra những việc cần khuyến nghị để xây hệ thống LTTP hiệu quả. Lúc này không còn sự phân biệt giữa sản xuất ở khu vực nông thôn hay thành thị.

Tuy nhiên, điều quan trọng để hội đồng này hoạt động hiệu quả là tất cả mọi người phải có niềm tin vào khả năng thảo luận của họ. Bên cạnh đó, các bước triển khai phải tường minh để thuyết phục mọi người. Nhóm này sẽ đưa ra các khuyến nghị với Chính phủ để Chính phủ xem xét, sau đó sẽ có phản hồi cụ thể cho từng khuyến nghị lý do có thể triển khai hoặc không.

Đại điện đầu mối mốt số quốc gia chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hệ thống LTTP. Ảnh: Trung Quân.

Đại điện đầu mối mốt số quốc gia chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hệ thống LTTP. Ảnh: Trung Quân.

Phải để dân biết, dân bàn, dân thực hiện

PGS. Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế, Việt Nam đã có những chia sẻ về kinh nghiệm và định hướng của Việt Nam trong việc phát triển Hệ thống LTTP bền vững. Theo bà Mai, Việt Nam luôn xác định việc chuyển đổi, xây dựng Hệ thống LTTP bền vững là việc làm cấp thiết hiện nay. Việc Việt Nam là chủ nhà tổ chức Hội nghị LTTP lần thứ 4 là minh chứng rõ nét nhất cho việc vào cuộc tích cực, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với những cam kết với cộng đồng thế giới.

Bà Mai cho hay, để xây dựng được Hệ thống LTTP thành công, điều quan trọng đầu tiên là sự phải có sự vào cuộc mạnh mẽ từ Chính phủ đến các Bộ ngành và tất cả các địa phương.

Minh chứng cho việc này là ngày 28/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã bàn hành Quyết định số 300/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống LTTP minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030.

Từ khi có văn bản này, tất cả các Bộ ngành, địa phương, người dân, chủ thể có liên quan đã cùng nhau vào cuộc. Tất cả 63 tỉnh thành, dựa trên bộ khung hành động chung sẽ chủ động xây dựng kế hoạch hành động riêng của mình để mọi thông tin đến tận cấp xã, đến từng người dân để có thể huy động được mọi nguồn lực tham gia vào hoạt động này.

Tuy nhiên, vẫn có những khó khăn bắt buộc phải giải quyết như phải khắc phục sự thiếu thông tin về thế nào là hệ thống LTTP bền vững; để xây dựng được hệ thống này cần nguồn lực rất lớn, vậy, nguồn lực này sẽ được huy động từ đâu; thách thức về mặt công nghệ hiện đại…

Bà Mai cũng cho rằng, yếu tố quyết định để xây dựng thành công Hệ thống LTTP bền vững là phải để mọi người dân nắm bắt được thông tin, bàn bạc và thực hiện. Từ đó, mỗi người sẽ tự giác nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình, đóng góp tích cực vào những hành động chung.  

Sự tham gia đầy đủ của người dân là mục tiêu của Hệ thống lương thực thực phẩm

GS David Nabarro, đồng Giám đốc Viện Đổi mới sức khỏe toàn cầu đánh giá, các đầu mối quốc gia đã làm được nhiều việc để tạo ra sự thay đổi trong hệ thống LTTP tại quốc gia và cộng đồng của mình. Việc tham gia vào một hệ thống có vai trò khuyến khích mọi người làm việc tốt hơn, từ đó, đòi hỏi ở họ các kỹ năng cao hơn.

“Cần có một đường hướng rõ ràng để hệ thống LTTP tầm nhìn đến năm 2030 và có một cấu trúc của hệ thống LTTP đó. Khi có được cấu trúc sẽ có cái nhìn dễ dàng hơn để dịch chuyển những điểm còn chưa đồng bộ, mâu thuẫn để có lộ trình các năm tiếp theo”, GS David chia sẻ.

Theo GS David, mục tiêu phát triển bền vững là nền tảng, nguyên tắc để các quốc gia kết nối các bên liên quan cùng nhau hướng tới một mục tiêu đã xác định. Bên cạnh mục tiêu phát triển bền vững, các đầu mối quốc gia còn sử dụng quyền tiếp cận LTTP.

“Chúng ta không thể đạt được mục tiêu LTTP trong tương lai nếu không coi sự tham gia đầy đủ của người dân là tâm điểm, trọng tâm. Đó là những yếu tố then chốt, là mục tiêu để chúng ta tham gia hệ thống LTTP, đồng thời là chất keo kết dính chúng ta lại với nhau”, GS David nhấn mạnh.

Trên cở sở đó, ông cũng đưa ra các thông điệp đối với các đầu mối quốc gia cần thực hiện, đó là nhìn nhận vấn đề LTTP trên một khía cạnh rộng, liên quan tới cuộc sống, tương lai của hành tinh. Do đó, không nên nhìn nhận hệ thống LTTP chỉ là một nội dung riêng lẻ.

Thứ hai, cần có sự phối hợp giữa các ngành với nhau như môi trường, sức khỏe, biến đổi khí hậu... Sự tham gia của tất cả các bên liên quan, kể cả các nông hộ nhỏ nằm trong mối liên hệ với LTTP, sau đó mở rộng mối quan hệ đó để thu hút các bên khác cùng tham gia.

GS David Nabarro, đồng Giám đốc Viện Đổi mới sức khỏe toàn cầu đánh giá, các đầu mối quốc gia đã làm được nhiều việc để tạo ra sự thay đổi trong hệ thống LTTP tại quốc gia và cộng đồng của mình. Ảnh: Trung Quân.

GS David Nabarro, đồng Giám đốc Viện Đổi mới sức khỏe toàn cầu đánh giá, các đầu mối quốc gia đã làm được nhiều việc để tạo ra sự thay đổi trong hệ thống LTTP tại quốc gia và cộng đồng của mình. Ảnh: Trung Quân.

“Chúng ta phải quan tâm tới tất cả các vùng miền, kết hợp các mục tiêu ngắn hạn – dài hạn; kết nối với các nhà khoa học; kết nối các hệ sinh thái để hỗ trợ hệ thống LTTP thích ứng được vì chuyển đổi LTTP là một quá trình dài. Giá cả tăng, leo thang hay biến đổi khí hậu… đều có sự tác động tới hệ thống LTTP. Tôi hoàn toàn tin tưởng vai trò tập hợp các bên liên quan của các đầu mối quốc gia là vô cùng quan trọng. Họ hiểu hơn ai hết về vấn đề của chính quốc gia mình. Họ biết họ cần gì và làm như thế nào để đạt được mục tiêu quốc gia. Họ chính là người chèo lái phương thức đó tại quốc mình”, GS. David chia sẻ.

Đại diện đầu mối Campuchia - TS Sok Silo, Tổng thư ký Hội đồng Nông nghiệp, phát triển nông thôn Campuchia cho biết: Campuchia quan tâm và tham gia vào mạng lưới hệ thống LTTP để đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực, từ đó tăng cơ hội tiếp cận thực phẩm, dinh dưỡng cho người dân. Campuchia được hưởng lợi từ việc tham gia vào mạng lưới hệ thống LTTP này.

Theo TS Sok Silo, 2 năm qua, Campuchia đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng thông qua việc cam kết thực hiện đảm bảo dinh dưỡng cho người dân, hoàn thiện vận hành kế hoạch hành động toàn cầu, đưa ra chiến lược quốc gia về an ninh lương thực, đảm bảo dinh dưỡng đến năm 2028. Camuchia là 1 trong những thành viên tích cực của mạng lưới toàn cầu.

Hệ thống LTTP là hệ thống xuyên suốt yêu cầu sự liên kết của các bên liên quan chia sẻ, cung cấp thông tin; cần có sự điều phối để thực hiện loại trừ những cách tiếp cận rời rạc, các chiến lược rời rạc.

Đại diện đến từ Đức - Trưởng bộ phận các vấn đề an ninh LTTP - thủy sản (Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Đức) nêu quan điểm: Khi thu hút các đối tác cùng quan tâm đến hệ thống LTTP cần tiếp cận họ dựa trên tiêu chí nhu cầu, xem xét nhu cầu là gì để đáp ứng những nhu cầu đó. Ông cũng đánh giá cao vai trò của hộ cá thể, nông dân là mắt xích quan trọng, là đầu tàu trong chuỗi hệ thống LTTP.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).