| Hotline: 0983.970.780

Đầu nguồn sông Cầu đang bị xâm hại

Thứ Ba 07/02/2023 , 09:21 (GMT+7)

Nhiều hành vi xâm hại, mực nước xuống thấp kỷ lục là những gì mà đầu nguồn dòng sông Cầu, đoạn chảy qua tỉnh Bắc Kạn đang phải hứng chịu từng ngày.

Nhiều hành vi xâm hại sông Cầu

Sông Cầu bắt nguồn từ tỉnh Bắc Kạn, dòng sông này có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho các tỉnh phía hạ lưu như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương.

Nhưng trong suốt nhiều năm qua, đầu nguồn sông Cầu đang phải hứng chịu nhiều tác động xấu từ con người. Đáng nói nhất là việc đổ đất, đá tràn lan xuống hai bờ sông.

12.04 BAO DONG TINH TRANG XAM HAI DONG SONG CAU.00_02_40_24.Still001

Một điểm đổ đất đá xuống sông Cầu, đoạn chảy qua xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông. Ảnh Ngọc Tú. 

Đầu nguồn sông Cầu bắt nguồn từ huyện Chợ Đồn, chảy uốn lượn dọc theo Quốc lộ 3B ra thành phố Bắc Kạn. Dọc đường không khó để nhận ra, hàng chục vị trí đổ đất đá tràn lan xuống dòng sông này. Múc đồi làm nền nhà, san gạt mặt bằng, không có chỗ đổ thải, người ta ngay lập tức chở ra đổ bừa bãi xuống bờ sông. Lúc đầu chỉ là những đống đất nhỏ, dần dần hàng nghìn m3 đất đá trút từ trên cao thẳng xuống lòng sông.

Không chỉ có người dân, dự án mở đường, hoặc hót dọn đất đá sạt lở đường giao thông người ta cũng cũng vô tư đổ thẳng xuống sông Cầu. Suốt nhiều năm qua, việc đổ đất đá xuống bờ sông, lòng sông diễn ra đều đặn đến mức nếu như người dân có thấy cũng coi đó như chuyện thường ngày.

Không ai để ý đến dòng sông đang “ngạt thở”, năm này qua năm khác, những núi đất đá vẫn tiếp tục trút xuống, nhiều chỗ trước là lòng sông giờ đã thành bãi ngô, vườn rau.  

12.04 BAO DONG TINH TRANG XAM HAI DONG SONG CAU.00_01_37_24.Still005

Lòng sông Cầu bị thu hẹp do hoạt động đổ đất, đá xuống lòng sông. Ảnh Ngọc Tú. 

Hệ quả để lại ai cũng thấy, chỉ hơn 30km dọc Quốc lộ 3B đoạn từ huyện Chợ Đồn đến thành phố Bắc Kạn nhiều đoạn lòng sông đã bị thu hẹp nghiêm trọng, dòng chảy bị thay đổi thấy rõ. Dòng sông Cầu trước kia uốn lượn, dọc hai bờ sông là những cánh rừng xanh mướt, thì giờ loang lổ đến thảm hại.

Trong một lần đến tiếp xúc cử tri tại tỉnh Bắc Kạn, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã từng phải thốt lên rằng, sông Cầu thơ mộng đẹp như thế nhưng dọc từ thành phố Bắc Kạn vào huyện Chợ Đồn chỗ này thì đổ đất, chỗ kia thì đổ đá, rồi không cẩn thận dòng sông này thành dòng sông chết.

Đổ đất 1

Tình trạng đổ đất, đá xuống dòng sông Cầu diễn ra suốt nhiều năm qua. Ảnh tư liệu - Ngọc Tú.

Mực nước đầu nguồn sông Cầu xuống thấp kỷ lục

Gắn bó với dòng sông Cầu từ khi còn nhỏ, đến giờ đã hơn 80 tuổi nhưng ông Ma Văn Lân, xã Phương Viên (huyện Chợ Đồn) chưa bao giờ thấy dòng sông Cầu lại ít nước như bây giờ. Trong ký ức của ông, sông Cầu trước kia nước cuồn cuộn, muốn qua sông phải bắc cầu tạm. Nhưng nay, vào mùa khô người dân có thể lội qua, nước chưa tới đầu gối, nhiều đoạn sông chỉ như khe suối nhỏ, lòng sông bị thu hẹp trở thành bãi trồng trọt.

Có 22 năm công tác, rồi làm giám đốc Đài Khí tượng – Thủy văn tỉnh Bắc Kạn, ông Nguyễn Anh Tuấn cảm nhận rõ sự thay đổi của dòng sông Cầu. Chỉ cách đây hơn chục năm, lưu lượng nước trên sông Cầu đoạn qua thành phố Bắc Kạn luôn ở mức khoảng 3 - 5m3/s, nhưng hiện tại có những thời điểm nước gần như không chảy.  

aaaaa

Có những thời điểm nước trên sông Cầu gần như không chảy. Ảnh Ngọc Tú. 

Theo số liệu từ Đài Khí tượng – Thủy văn tỉnh Bắc Kạn, trước đây mực nước thấp nhất trên sông Cầu là 9411cm vào năm 1990 (đo tại trạm thủy văn Thác Giềng), nhưng đến năm 2022, có thời điểm đã giảm xuống còn 9383cm (tức là độ sâu tính từ mặt nước xuống đáy sông tại trạm đo chỉ còn khoảng 10cm), giảm khoảng 50cm so với mực nước trung bình từ năm 2006 đến năm 2020.

“Hai năm trở lại đây, có những thời điểm sông Cầu cạn kiệt, nước gần như không chảy, các trạm đo tê liệt vì mực nước đã chạm ngưỡng mực nước chết. Để có số liệu, các trạm thủy văn trên sông Cầu phải hạ cốt máy đo tự động mới có thể đo được mực nước”, ông Nguyễn AnhTuấn, Giám đốc Đài Khí tượng – Thủy văn tỉnh Bắc Kạn cho biết.

123434

Sông Cầu cạn kiệt tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái. Ảnh Ngọc Tú.

Đi dọc sông Cầu vào mùa khô từ huyện Chợ Đồn qua thành phố Bắc Kạn đến huyện Chợ Mới dòng sông bây giờ chỉ như một con suối nhỏ. Phía đầu nguồn nước ít đến mức rác còn không thể trôi, đi xa hơn về xuôi nước đọng thành từng vũng như những cái ao.

Nỗi lo từ thủy điện

Sông Cầu cạn kiệt là thực tế thấy rõ, nhưng đáng lo ngại hơn, trên đoạn sông chỉ dài khoảng 40km từ thành phố Bắc Kạn đến huyện Chợ Mới, nhiều nhà máy thủy điện đã và sẽ mọc lên.

Theo quy hoạch, có 4 dự án thủy điện nhỏ sẽ triển khai trên đoạn sông này. Hiện nay, nhà máy thủy điện Thác Giềng 1 đã đi vào hoạt động, nhà máy thủy điện Thác Giềng 2 đang chuẩn bị khởi công. Ngoài ra còn 2 nhà máy khác trong quy hoạch cũng có thể được xây dựng trong tương lai gần.

00696.00_01_21_19.Still004

Thủy điện Thác Giềng 1 từng tích nước khiến sông Cầu cạn kiệt. Ảnh Ngọc Tú.  

Việc một đoạn sông chỉ dài khoảng 40km nhưng có quá nhiều thủy điện làm dấy lên lo ngại sông Cầu sẽ cạn kiệt trong tương lai.

Nhưng chưa cần khi có đủ 4 nhà máy thủy điện đi vào hoạt động, tháng 2/2021, khi nhà máy thủy điện Thác Giềng 1 tích nước lần đầu tiên, phía hạ lưu đã cạn trơ đáy.

Số liệu quan trắc cho thấy, có nhiều thời điểm việc duy trì dòng chảy tối thiểu (tức là khi tích nước nhà máy thủy điện phải xả 3m3/s theo quy định) không được thực hiện nghiêm túc dẫn tới dòng sông thường xuyên cạn trơ đáy.

Để điều tiết nguồn nước trên sông Cầu, Bộ NN&PTNT đã đầu tư hồ chứa nước Nặm Cắt (thành phố Bắc Kạn) với dung tích hơn 12 triệu m3. Hồ chứa này sẽ tích nước để điều tiết xả nước vào mùa khô đảm bảo lưu lượng nước trên sông Cầu. Tuy nhiên, mục tiêu này sẽ khó đạt được khi hồ chứa nước lại ở phía trên các thủy điện. Thực tế hồ chứa nước này đã vận hành từ giữa năm 2022, nhưng sông Cầu vẫn thường xuyên cạn kiệt nước. Nguyên nhân là khi hồ chứa xả nước trùng với thời điểm tích nước của thủy điện dẫn đến dòng chảy tối thiểu không đảm bảo.

00696.00_00_09_21.Still003

Có thời điểm sông Cầu cạn nước, nhiều chỗ nước không chảy đọng thành vũng như cái ao. Ảnh Ngọc Tú. 

Anh Hà Văn Tùng, xã Hòa Mục (huyện Chợ Mới) thường xuyên đánh cá trên sông Cầu, nhưng nay nước quá ít không còn có cá, gia đình anh cũng phải chuyển sang làm nghề khác. Từ nhỏ đến giờ anh chưa bao giờ thấy sông Cầu cạn kiệt như lúc này.

Nước sông Cầu cạn kiệt khiến cho các công trình thủy lợi khó phát huy hiệu quả, người dân các xã Hòa Mục, Thanh Thịnh, Cao Kỳ của huyện Chợ Mới gặp khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Người dân phải sử dụng máy bơm dẫn tới chi phí tăng nhưng cũng không đáp ứng đủ nước cho sản xuất.

IMG_3881

Người dân lo lắng nếu không có giải pháp kịp thời, sông Cầu có thể biến mất trong tương lai. Ảnh Ngọc Tú. 

Xa hơn, sông Cầu cạn kiệt tác động rất lớn đến các tỉnh phía hạ lưu như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc vốn có dân cư đông đúc và nhiều khu công nghiệp. Lưu lượng nước quá ít dẫn đến không đủ nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp, nước phục vụ hoạt động sản xuất công nghiệp. Những lúc sông Cầu trơ đáy cũng tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái ở nhưng nơi mà nó chảy qua, kéo theo đó là tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng gia tăng.

Theo báo cáo đánh giá của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu, thời gian qua có 3 vấn đề môi trường trực tiếp ảnh hưởng tới sông Cầu tại Bắc Kạn, gồm: Tỉnh chưa xây dựng được khu xử lý nước thải sinh hoạt tập trung do vậy nước thải sinh hoạt thải trực tiếp ra sông Cầu; rác thải sinh hoạt chủ yếu là chôn lấp nên nguy cơ ảnh hưởng lớn tới nước mặt, nước ngầm; tình trạng ô nhiễm nguồn nước do khai thác khoáng sản, sử dụng hóa chất thuốc bảo vệ thực vật và ý thức bảo vệ của một số đơn vị, doanh nghiệp còn thấp.

Xem thêm
Việt Nam - bang California tăng cường hợp tác thực hành nông nghiệp bền vững

Ngày 16/5 (giờ địa phương), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam gặp mặt và làm việc với Bộ Lương thực và Nông nghiệp bang California, Hoa Kỳ (CDFA).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.