| Hotline: 0983.970.780

Sông Cầu cần được bảo vệ

Thứ Sáu 05/11/2021 , 09:27 (GMT+7)

Sông Cầu giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội tại vùng Đông Bắc. Hiện nay đang diễn ra tình trạng mực nước giảm và ô nhiễm.

Mực nước đầu nguồn giảm

Sông Cầu bắt nguồn từ vùng núi Bằng Viễn, xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Sông Cầu, trước đây có tên gọi là sông Như Nguyệt, con sông quan trọng nhất khu vực Đông Bắc và một phần vùng đồng bằng Sông Hồng. Sông Cầu có diện tích lưu vực khoảng 6.030 km², với chiều dài khoảng 290 km, độ cao bình quân lưu vực 190 m, độ dốc bình quân 16,1%, chiều rộng lưu vực trung bình 31 km. Khởi nguồn từ Bắc Kạn, con sông chảy về miền xuôi, cung cấp nguồn nước sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân thuộc 6 tỉnh, thành phố là: Thái Nguyên, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Dương.

Những người già trên 70 tuổi ở những xã có sông Cầu chảy qua là những người hiểu rõ nhất về quá trình thay đổi của dòng sông. Một lão nông gần 80 tuổi tên Hòa kể rằng, những năm 1960 muốn qua sông Cầu phải tìm chỗ nông mà lội, còn người dân thì vẫn dùng mảng để sang bờ bên kia. Nhiều người còn đóng mảng để vận chuyển hàng hóa từ huyện Chợ Đồn ra bến cầu Ngầm (thành phố Bắc Kạn ngày nay) để tiêu thụ hàng hóa. Nhưng đến ngày nay, cả tuyến sông từ xã Phương Viên, chạy qua xã Đồng Thắng (huyện Chợ Đồn), Dương Phong, Quang Thuận (huyện Bạch Thông), cho tới thành phố Bắc Kạn,… sông cạn và người lớn có thể dễ dàng lội qua bất cứ một điểm nào.

Sông Cầu bắt nguồn từ suối Bằng Viễn, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Toán Nguyễn.

Sông Cầu bắt nguồn từ suối Bằng Viễn, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Toán Nguyễn.

Đối với người dân ở thành phố Bắc Kạn, thế hệ 8x trở về trước cũng cảm nhận rất rõ về mực nước của sông Cầu đang cạn từng ngày. Trước những năm 2007, khu vực cầu Phà trở thành nơi già trẻ, gái trai kéo ra chơi mỗi buổi chiều, người ngắm cảnh, còn những người tắm sông thích cảm giác mạnh thì có thể nhảy từ trên cầu xuống cao 6 – 7m. Còn đến nay, sông cạn còn không có chỗ bơi chứ chưa nói gì tới việc đủ độ sâu để mà nhảy như trước nữa.

Rõ nhất và chính xác nhất về mực nước của sông Cầu cạn dần, là việc Công ty CP cấp thoát nước Bắc Kạn trước đây chỉ cần thu nước ngay trên sông chính. Nhưng đến năm 2007, nước cạn thì đã phải chuyển vào đặt các cửa thu trên nhánh sông lạnh từ Đôn Phong chảy xuống. Trước mắt, lượng nước đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng trên địa bàn thành phố Bắc Kạn. Tuy nhiên, nếu tốc độ cạn của sông tiếp tục nhanh như thế thì việc thiếu nước sạch bên một dòng sông là điều tưởng như vô lý, nhưng nguy cơ đó hoàn toàn có thể xảy ra.

Nhiều đoạn trên sông Cầu từ huyện Chợ Đồn tới TP. Bắc Kạn mực nước cạn, người dân dễ dàng lội qua sông. Ảnh: TL.

Nhiều đoạn trên sông Cầu từ huyện Chợ Đồn tới TP. Bắc Kạn mực nước cạn, người dân dễ dàng lội qua sông. Ảnh: TL.

Nhiều tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước dòng sông Cầu

Sông Cầu không chỉ đối mặt với sự thật về việc mực nước đang xuống thấp, mà còn đối mặt với nguy cơ bị ô nhiễm. Thực tế cho thấy, ngoài một số khu vực thành phố mà dòng sông chạy qua như Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Ninh,.. đã tiến hành thu gom nước, rác thải sinh hoạt của người dân, nhưng một phần rất lớn vẫn đổ vào sông qua các hình thức trực tiế, hoặc gián tiếp qua các khe suối, mương nước và sông, suối phụ khác.

Nguy hiểm nhất là thường xuyên có tình trạng các nhà máy xả thải trộm nước thải ra sông Cầu. Như tại huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, trong các năm 2020 trở về trước liên tục phát hiện và xử lý các doanh nghiệp chế biến gỗ tại xã Thanh Bình (nay là xã Thanh Thịnh) và Nông Hạ lợi dụng đêm tối hoặc ngày mưa gió xả thải gây bọt trắng cả dòng sông, bốc mùi hôi thối và làm cá chết.

Xả thải trái phép ra sông Cầu tại huyện Chợ Mới vào năm 2019. Ảnh: TL.

Xả thải trái phép ra sông Cầu tại huyện Chợ Mới vào năm 2019. Ảnh: TL.

Còn đoạn sông Cầu chảy qua huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên trở thành điểm đón nguồn nước thải của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản tại các xã Văn Lăng (huyện Đồng Hỷ), Thần Sa (huyện Võ Nhai),... Riêng ở tỉnh Thái Nguyên, cũng đã ghi nhận có tình trạng ô nhiễm tại các suối, kênh chảy vào sông Cầu đoạn phường Cam Giá, TP. Thái Nguyên

Các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Ninh cũng đau đầu vì tình trạng xả thải trái phép ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước sông Cầu. Đầu năm 2021, Theo thống kê của Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bắc Ninh, riêng tại phường Phong Khê, TP. Bắc Ninh hiện có hơn 245 cơ sở sản xuất giấy, tổng lượng nước thải từ các cơ sở nhà máy này lên đến 10.000m3/ngày đêm. Trong khi nhà máy xử lý nước thải tập trung - được đầu tư 194 tỷ đồng, nhưng sau 3 năm đến nay nhà máy này mới chỉ xử lý được 1/3 lượng nước thải phát sinh. Nước thải không qua xử lý của các nhà máy này được xả thẳng ra sông Ngũ Huyện Khê qua cống Đặng Xá, sau đó chảy vào sông Cầu.

Cá lồng của người dân tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh bị chết vị ô nhiễm xảy ra vào tháng 2/2021. Ảnh: TL.

Cá lồng của người dân tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh bị chết vị ô nhiễm xảy ra vào tháng 2/2021. Ảnh: TL.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, lưu vực sông Cầu hiện có trên 4.000 nguồn thải. Trong đó, 3.555 nguồn thải là cơ sở sản xuất, kinh doanh; 144 nguồn thải các khu, cụm công nghiệp; 238 bệnh viện, cơ sở y tế và 140 làng nghề. Nước thải từ sản xuất, kinh doanh chiếm 68,9% toàn vùng; nước thải làng nghề khoảng 24,2%, nước thải khu, cụm công nghiệp chiếm 6,2%... Số lượng nguồn thải lớn nhất tập trung trên địa bàn các tỉnh Thái Nguyên có 1.095 nguồn thải, Bắc Ninh 938 nguồn, Bắc Giang 799 nguồn. Nhiều năm trước đây, nước thải từ các nguồn thải cả khu vực hầu hết chưa được xử lý trước khi xả vào lưu vực. Đặc biệt là nước thải từ sản xuất nông nghiệp, làng nghề và nước thải sinh hoạt. Đây là những tác nhân chính gây suy giảm chất lượng môi trường nước mặt trên lưu vực sông Cầu.

Bảo vệ dòng sông Cầu được cả hệ thống chính trị quan tâm

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu được thành lập vào ngày 28/3/2008 với 6 tỉnh thành viên là Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Dương. Uỷ ban sông Cầu là tổ chức chỉ đạo, điều phối liên ngành, liên vùng để thống nhất thực hiện các nội dung Đề án tổng thể và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu. Nhiệm vụ của Uỷ ban là tổ chức và hướng dẫn thực hiện đề án tổng quan sông Cầu, hoạt động điều phối và giải quyết các vấn đề mang tính chất liên ngành, liên vùng trong hoạt động bảo vệ và phát triển lưu vực sông Cầu.

Tính đến hết năm 2020, theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), hiện nay chất lượng nước sông chưa được cải thiện rõ rệt, một số đoạn sông vẫn còn hiện tượng ô nhiễm cục bộ. Diễn biến chất lượng nước trên Lưu vực sông Cầu giai đoạn 2007 - 2020 ít biến động, chưa có sự cải thiện đáng kể qua các năm, vẫn còn tồn tại một số khu vực chất lượng nước ở mức kém, mặc dù đã có sự cải thiện khá đáng kể so với nhiều năm trước (như đoạn sông Cầu trước khi chảy qua thành phố Thái Nguyên); riêng điểm nóng ô nhiễm môi trường sông Ngũ Huyện Khê vẫn chưa được giải quyết.

Sông Cầu đoạn qua thành phố Thái nguyên. Ảnh: Toán Nguyễn.

Sông Cầu đoạn qua thành phố Thái nguyên. Ảnh: Toán Nguyễn.

Riêng tỉnh Bắc Kạn, là địa phương được đánh giá làm tốt nhất công tác bảo vệ môi trường nước dòng sông Cầu, hiện không còn ghi nhận tình trạng xả thải trái phép chất độc hại từ các nhà máy ra môi trường. Ngoài ra, tỉnh Bắc Kạn cũng làm tốt công tác trồng rừng và bảo vệ rừng đầu nguồn. Chỉ trong 5 năm gần đây nhất, từ 2016 – 2021, toàn tỉnh Bắc Kạn đã trồng được gần 40.000ha rừng. Điều này đảm bảo cho việc, nguồn nước của dòng sông Cầu sẽ được duy trì và luôn trong lành.

Tuy nhiên để bảo vệ dòng sông Cầu trong tương lai, cần những giải pháp quản lý triệt để nhằm hạn chế tình trạng xả thải gây ô nhiễm, đặc biệt là tại 2 tỉnh công nghiệp như Thái Nguyên, Bắc Ninh. Việc hỗ trợ bảo vệ rừng và trồng rừng cũng cần được quan tâm, đầu tư hơn nữa để giữ ổn định mực nước sông Cầu.

Xem thêm
Thủ tướng tặng quà, động viên công nhân thi công tuyến đường cao tốc huyết mạch

Thị sát các dự án đường cao tốc, Thủ tướng nhắc nhở các địa phương chú trọng xây dựng các khu tái định cư, bảo đảm người dân có cuộc sống tốt nhất.

Ứng phó khô hạn, Ninh Thuận đề ra nhiều giải pháp đảm bảo nước tưới

Dự báo vụ hè thu 2024 ở Ninh Thuận sẽ gặp khó do nắng nóng dẫn đến nguy cơ thiếu nước tưới, ngành chức đã đề ra nhiều giải pháp linh hoạt.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Chiếc lược ngà' bên dòng Bến Hải

Ngày vượt sông Bến Hải sang bờ Bắc nhận quân, cô du kích 18 tuổi ngoảnh mặt quay đi khi nghe tiếng gọi của một người du kích tuổi trung niên, tóc đã điểm bạc...

Bình luận mới nhất