| Hotline: 0983.970.780

Nâng tầm nghề nuôi tằm bên dòng sông Cầu

Thứ Năm 21/01/2021 , 13:24 (GMT+7)

Làng Phú Cốc, xã Tân Phú (TX Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) vẫn đang bảo nhau từng ngày gìn giữ, cải tiến, nâng tầm nghề nuôi tằm truyền thống bao đời nay.

"Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng"

Làng Phú Cốc nằm trên đất bồi phù sa giữa dòng sông Cầu thơ mộng, ven con sông hiền hòa là dải đất soi Dâu nằm nghiêng nghiêng, có thời gian diện tích trồng dâu tại đây lên tới 50ha.

Hơn 10 năm trước, HTX Dâu tằm tơ Tân Phú đã từng hoạt động, đến năm 2009, làng nghề truyền thống nuôi tằm Phú Cốc được thành lập. Làng Phú Cốc có 4 thôn chung lại là Bến Cả, Đồng Nẩm, Nợi Bến và thôn Đình.

Bà Trần Thị Son còn nhớ rõ, năm ấy, làng nghề có gần 400 hộ dân nuôi tằm với diện tích soi Dâu xấp xỉ 50ha. Giữa biêng biếc màu xanh soi bãi, lúc nào cũng thấp thoáng bóng người làng Phú Cốc chăm dâu, hái lá. Vậy mà chỉ vài năm sau, nghề truyền thống cứ lụi dần, giờ chỉ còn vài chục hộ giữ nghề, soi Dâu cũng nhỏ lại, cỡ chục ha.

Lý giải về sự mai một của làng nghề, bà Son cho rằng, từ một huyện thuần nông, Phổ Yên trở thành thị xã, lại sắp tiến lên thành phố, phần lớn cư dân nông nghiệp trong độ tuổi lao động được hút vào các khu công nghiệp.

Do đó, chỉ còn lại những già không ra khỏi làng giữ nghề cha ông như một hoài niệm. Nghề trồng dâu nuôi tằm theo bà Son ngoài chịu thương chịu khó còn đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, bởi các loại giống dâu và tằm hay bị thoái hóa, bị bệnh dẫn đến năng suất thấp.

Một nong tằm bằng 5 nong kén. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Một nong tằm bằng 5 nong kén. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Bà Nguyễn Thị Sinh ở thôn Đình chia sẻ, nuôi tằm không nhàn hạ, mà đòi hỏi sự chăm chút, chu đáo của người nuôi. Giai đoạn tằm tuổi một, tuổi hai, tuổi ba, người nuôi phải liên tục để ý như con mọn. Thời tiết nóng một chút, lạnh một chút cũng có con bị chết, phải nhanh chóng loại ra khỏi nong. Những con ốm thường bỏ ăn, bò ra miệng nong cũng phải loại bỏ ngay.

Bên cạnh đó, không gian nuôi tằm bắt buốc phải rất sạch, tằm rất dễ dị ứng với các loại mùi như xà phòng, khói than... nên không đđược để các loại mùi lẫn vào không gian nuôi. Hơn nữa, trong thời gian tằm ăn rỗi, tuyệt đối không để các chất độc hại xâm phạm nong tằm.

Chính bởi yêu cầu khắt khe nên vùng trồng dâu chủ yếu tập trung ở bãi Soi, không được xen canh với cây trồng khác để tránh việc khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho các loại cây này ảnh hưởng đến cây dâu, dẫn đến tằm ăn phải lá có nhiễm thuốc bảo vệ thực vật rồi sinh bệnh mà chết.

Lá dâu khi hái phải đảm bảo lá tươi, không dính nước, không bị sâu bệnh. Cho tằm tuổi một, hai và ba ăn phải thái nhỏ như thuốc lào. Tằm ăn rỗi không cần thái nhỏ nữa, nhưng giai đoạn ăn rỗi của tằm phải luôn đảm bảo đủ thức ăn, cứ 3 tiếng lại chăn một lần.

"Vậy mới nói “nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, dù rất thạo nghề song hai vợ chồng già như chúng tôi lúc cao điểm cũng chỉ chăm được 6 sào dâu cho 18 - 20 nong tằm mỗi lứa," bà Sinh tâm sự.

Cổng làng nghề tơ tằm Phú Cốc. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Cổng làng nghề tơ tằm Phú Cốc. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Chăn nuôi cả năm không bằng nuôi tằm một lứa

Vất vả, nhọc nhằn lại đứng trước nhiều khó khăn trong sản xuất nhưng với bà con trồng dâu nuôi tằm ở Phú Cốc, làm ra những sản phẩm mang nét đẹp văn hóa truyền thống khó mấy họ cũng vẫn giữ nghề cho con cháu mai sau.

Giám đốc trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã Phổ Yên Ngô Minh Phượng, cho biết, năm 2016, thị xã đã thực hiện hỗ trợ sản xuất đối với làng nghề trồng dâu nuôi tằm Phú Cốc. Các hộ có nhiều năm gắn bó với nghề được hỗ trợ con giống, vật tư phân bón và hướng dẫn quy trình kỹ thuật.

Đó là việc đưa các giống dâu mới như: VA-201, CB-07…vào thay thế giống cũ ở địa phương, đồng thời chuyển giao kỹ thuật canh tác mới gồm: Điều khiển nhiệt độ, độ ẩm, cách thu hái, bảo quản lá dâu để nuôi tằm con tập trung, chuyển từ nuôi tằm trên nong sang nuôi trên trên nền đất...

Bà Trần Thị Lan, xóm Nợi Bến còn nhớ rõ, chỉ cuối những năm 90 thôi, làng Phú Cốc còn cơ hàn lắm, nhà xây rất ít, cả làng dùng xe đạp. Nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống của ông cha với giai đoạn thịnh vượng đó đã làm thay đổi đời sống người dân, xe máy được phổ cập, nhiều nhà mới kiên cố được xây dựng.

Đất Soi Dâu kéo dài xuống tận làng bên, nhà ít nuôi vài nong, nhà nhiều vài chục nong. Phong trào phát triển, đời sống tinh thần được cải thiện, Phú Cốc không còn là vùng trũng ngoài đê ở cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Dự án khôi phục làng nghề hiện nay cũng giúp bà con vững tin, yên tâm hơn với kỹ thuật mới.

Một nong kén bằng 9 nén tơ. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Một nong kén bằng 9 nén tơ. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Mùa nuôi tằm ở Phú Cốc được thực hiện từ tháng 2 đến hết tháng 10 âm lịch hàng năm (tránh 3 tháng lạnh nhất trong năm). Mỗi lứa tằm trung bình từ 24 - 30 ngày. Với 6 sào dâu, bà Nguyễn Thị Sinh hạch toán, mỗi lứa, gia đình nuôi được 20 nong tằm. Mỗi nong thu được 5kg kén với giá 100.000 đồng/kg, tổng thu nhập đạt 10 triệu đồng/tháng.

Ông Lê Ngọc Kha, Chủ tịch UBND xã Tân Phú, TX Phổ Yên cho biết, bà con ở Phú Cốc khẳng định vẫn quyết tâm duy trì nghề truyền thống nên chính quyền địa phương chúng tôi cũng rất quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ bà con tìm hướng khắc phục khó khăn.

Trước hết, xã giúp bà con tiếp cận nguồn tằm giống bảo đảm chất lượng, đề xuất chính sách quy hoạch làng nghề rõ nét hơn với vùng chuyên canh cây dâu. Bên cạnh đó là nghiên cứu, chuyển giao, mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc tằm cho bà con, đưa các giống dâu có năng suất cao, khả năng chống sâu bệnh tốt vào trồng rộng rãi.

Đặc biệt, xã Tân Phú sẽ hỗ trợ tối đa để trì hoạt động của HTX Chế biến tằm tơ Tân Phú với mô hình kết hợp nhiều loại dịch vụ nhằm khuyến khích bà con mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.