Sáng 19/11, cơ quan chức năng đã ghi nhận 4 người chết tại thôn, tuy nhiên vẫn còn 2 người mất tích. Hiện cơ quan chức năng đang huy động mọi lực lượng để giúp dân khắc phục hậu quả và tìm kiếm người mất tích bằng mọi giá.
|
Hiện trường tan hoang tại thôn Thành Phát |
2 tiếng đồng hồ kinh hoàng
Chúng tôi có mặt tại thôn Thành Phát vào sáng 19/11, không thể kìm nén được cảm xúc khi chứng kiến cảnh đau thương, tang tóc bao trùm cả xóm núi sau lũ quét, sạt lở đất kinh hoàng xảy ra vào sáng 18/11.
Tại trụ sở thôn Thành Phát, tiếng trống, kèn tổ chức khâm liệm cho những người không may thiệt mạng liên tục vang lên. Từng đoàn người ra vào phúng điếu, tiếc thương.
Dọc bên trụ sở thôn là con đường dẫn lên xóm Núi - nơi khoảng 350 hộ dân sinh sống. Chúng tôi men theo con đường đầy bùn, đất đá ngổn ngang. Càng lên cao khung cảnh xóm núi càng tan hoang với nhiều cảnh đổ nát từ nhà cửa, đồ đạc.
Lúc này, lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn gồm bộ đội, công an, dân quân tự vệ vẫn đang nỗ lực giúp dân khắc phục hậu quả, tìm kiếm người mất tích.
Theo người dân, trong vòng 20 năm qua đây là trận mưa lớn lịch sử, không chỉ gây thiệt hại nặng nề người, mà cả tinh thần lẫn vật chất đối với người dân.
Bà Chín kể lại giây phút kinh hoàng |
Bà Trần Thị Chín (58 tuổi), chưa hết bàng hoàng khi kể lại giây phút sinh tử mà chính bà là nạn nhân.
“Lúc ấy khoảng 8 giờ kém, mưa như trút nước. Gia đình tôi đang chuẩn bị ăn sáng và ra đứng trước hiên nhà để xem xét tình hình. Bỗng nghe một tiếng đùng thật to từ sau lưng nhà. Chưa kịp trở tay thì nước đã “đâm” thủng vách sau nhà, cuốn phăng sành sạch tất cả đồ đạc và 2 vợ chồng ra khỏi nhà tầm 2m. Tôi bị nước nhấn chìm, chỉ kịp với tay kêu cứu. Rất may con trai nhanh chóng chụp tay kéo tôi và chồng tôi lên. Sau đó, đưa 2 vợ chồng vào khu nhà hoang bên cạnh bám chặt vào trụ, đợi nước rút. Cả gia đình ai nấy đều run sợ. May đến tầm 10 giờ, mưa ngừng và nước rút. Con trai tôi đã cõng 2 vợ chồng lên chỗ an toàn tránh trú, chứ không bây giờ chẳng biết sao nữa”, bà Chín kể.
[video] Thôn Thành Phát tan hoang...
Bà Mai Thị Sương (54 tuổi) cũng may mắn sống sót trong trận lũ quét này, cho biết, nước từ trên núi đổ ập xuống như “sóng thần” cuốn phăng nhà bà. Toàn bộ đồ đạc chẳng còn gì ngoài vài chiếc nồi còn mắc kẹt trong đống đất đá.
Bà Sương bảo, sáng hôm ấy nhờ đứa con trai nhanh trí, khi thấy nước trên núi đổ xuống đã nhảy qua cửa sổ đưa liền 4 đứa cháu nhỏ cùng gia đình sang nhà bà Sáu hàng xóm có móng nhà cao. Sau đó, toàn bộ gia đình bà và hàng xóm trèo lên gác gỗ trú ẩn, nếu không bây giờ thiệt mạng phải hơn 10 người.
“Chỉ 2 phút thôi, nếu con trai tôi không đưa hết gia đình sang nhà hàng xóm thì giờ chết hết rồi”, bà Sương nghẹn ngào.
Theo ông Nguyễn Tiến Luật, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng, hiện chưa thống kê hết thiệt hại về nhà ở, song ước ban đầu có khoảng 50 nhà bị sập hoàn toàn.
Toàn xã đã ghi nhận 5 người chết, 4 người mất tích. Trong đó, thôn Thành Phát có 4 người chết và 2 người mất tích.
Nỗ lực tìm kiếm
Có mặt tại hiện trường thôn Thành Phát trực tiếp tham gia công tác cứu hộ cứu nạn, ông Nguyễn Tấn Dũng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BCH Quân sự TP Nha Trang, cho biết: Sau khi sự việc xảy ra, từ 9 giờ sáng 18/11 đến nay chúng tôi đã huy động hơn 300 cán bộ chiến sỹ từ lực lượng bộ đội, biên phòng, công an và dân quân tập trung hỗ trợ giúp dân khắc phục hậu quả, tìm kiếm người mất tích.
Tuy nhiên công tác tìm kiếm đang gặp nhiều khó khăn, các phương tiện máy móc không vào được hiện trường, chỉ dùng tay không, cuốc xẻng nên mất nhiều thời gian.
"Chúng tôi đang đề xuất phương án là cho cần cẩu nhỏ lên trên đó để làm và tìm kiếm người mất tích. Hiện nay chúng tôi chỉ tập trung đưa xe máy, đồ đạc bị vùi lấp dưới đất đá của bà con ra khỏi hiện trường. Đồng thời bố trí các lực lượng tập trung đưa tất cả bà con xuống hết hiện trường khi đêm tối, không để họ quay lại nhà khi nguy hiểm còn rình rập.
|
Lực lượng cứu hộ, cứu hạn giúp dân khắc phục hậu quả |
Sáng 19/11, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng đã có mặt tại thôn Thành Phát, thăm hỏi, động viên các gia đình có người thân bị chết, đồng thời kiểm tra các nơi bị sạt lở. “Mưa lớn 390mm lại chỉ dồn trong 12 tiếng đã tạo ra một áp lực rất lớn về dòng chảy khiến sạt lở đất”, Thứ trưởng nói. Theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, vấn đề ngập trên diện rộng ở các xã, phường TP Nha Trang, TP Cam Ranh cũng như các huyện, trong quá trình đô thị hóa cần quan tâm kỹ lưỡng vấn đề cấp thoát nước để tránh các hệ lụy về sau. Các huyện ven TP chúng tôi nhận thấy các kênh, trục tiêu, các sông tiêu đều bị bồi lắng, thậm chí các công trình hạ tầng lấn vào các hệ thống thoát nước.Với việc nhiều chỗ cống thoát nước bị san lấp, khi có thiên tai không có chỗ để nước thoát dẫn đến ngập lụt. Không chỉ ngập trên diện rộng như năm 2018 mà mấy năm nay chúng tôi đều thấy như vậy (từ 2016 - 2018). Do đó, đây là vấn đề cần được chú trọng trong việc xây dựng đô thị hóa. Về lâu dài, tại thôn thành Phát, Thứ trưởng lưu ý tỉnh có nghiên cứu, đánh giá, hỗ trợ đưa người dân ra khỏi vùng dễ xảy ra nguy cơ cao. Ngoài ra, việc đào xới những khu vực đồi núi để làm mặt bằng xây dựng phải hết sức cân nhắc. |