| Hotline: 0983.970.780

Sức sống mới nơi tâm bão càn quét

Thứ Ba 03/12/2024 , 10:45 (GMT+7)

Quảng Ninh Chỉ hơn 2 tháng từ ngày bão số 3 càn quét, giờ đây, màu xanh đầy sức sống đã bao trùm trên những cánh đồng đất mỏ, hứa hẹn một vụ đông bội thu.  

LTS: Chưa năm nào, sản xuất vụ mùa tại các tỉnh phía Bắc chịu thiệt hại nặng nề như năm nay do bão số 3. Sản xuất vụ đông vì thế có ý nghĩa đặc biệt, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm, tạo việc làm và thu nhập cho nông dân mà còn bù đắp cho thiệt hại ở vụ mùa.

Nông dân Quảng Ninh thu hoạch củ đậu vụ đông năm 2024. Ảnh: Nguyễn Thành.

Nông dân Quảng Ninh thu hoạch củ đậu vụ đông năm 2024. Ảnh: Nguyễn Thành.

Bắt tay ngay vào vụ đông sau bão

Vụ mùa năm 2024, bão số 3 đã làm gãy đổ, ngập úng gần 4.700ha cây trồng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Trong đó diện tích bị thiệt hại trên 70% năng suất là 890ha. Diện tích cây trồng bị ảnh hưởng giảm năng suất là hơn 3.800ha.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Quảng Ninh, do ảnh hưởng của bão số 3, năng suất lúa mùa toàn tỉnh dự kiến chỉ đạt khoảng trên 50 tạ/ha, tổng sản lượng đạt khoảng trên 100.000 tấn. So với vụ mùa năm 2023, năng suất giảm 1,12 tạ/ha và sản lượng giảm trên 6.000 tấn.

Đơn cử tại TP Đông Triều, địa phương được xem là trọng điểm phát triển trồng trọt của tỉnh Quảng Ninh, vừa qua, tổng diện tích lúa, hoa màu của Thành phố bị ảnh hưởng, thiệt hại là khoảng 3.000ha. Trong đó, diện tích lúa bị thiệt hại là trên 2.300ha, hoa màu bị ngập lụt gần 700ha.

Ngay sau bão, Sở NN-PTNT Quảng Ninh cũng như địa phương, nông dân các xã, phường bị thiệt hại trên địa bàn Đông Triều đã khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục. Thành phố cũng đã tiếp nhận từ Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh 1,6 tấn giống ngô nếp HN88 và đã cấp phát cho 12 xã, phường để trồng vụ đông năm 2024 theo kế hoạch.

Ngoài cây ngô, nhiều diện tích cây màu cũng đã được các địa phương trong tỉnh triển khai sớm để khắc phục hậu quả ở những diện tích bị ngập úng, gãy đổ. Đến nay, diện tích cây vụ đông toàn tỉnh đã được trồng là 530ha cây khoai lang, 27ha lạc, rau các loại 1.380ha, hoa 270ha...

Bà Nguyễn Thị Miền (phường Bình Khê, TP Đông Triều) cắt tỉa quất phục vụ dịp Tết. Ảnh: Thanh Phương.

Bà Nguyễn Thị Miền (phường Bình Khê, TP Đông Triều) cắt tỉa quất phục vụ dịp Tết. Ảnh: Thanh Phương.

Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh tiếp tục phối hợp với cơ quan chuyên môn các địa phương hướng dẫn, hỗ trợ người dân triển khai kịp thời các giải pháp phục hồi sản xuất, triển khai có hiệu quả sản xuất cây vụ đông theo Kế hoạch số 227 (ngày 7/10/2024) của UBND tỉnh về sản xuất cây vụ đông năm 2024, đặt mục tiêu đạt và vượt kế hoạch đã đề ra, bảo đảm sinh kế cho người dân và nguồn cung lương thực, thực phẩm trong thời gian tới.

Màu xanh no đủ hồi sinh những cánh đồng

Dọc theo con đường nông thôn mới khang trang tại làng hoa Bình Khê (TP Đông Triều) thời điểm này là những luống hoa dơn, hàng cây quất được trồng thẳng tắp, xanh mướt một vùng, trái ngược hoàn toàn với vẻ tan hoang sau bão số 3 thời điểm hơn 2 tháng trước.

Miệt mài cắt tỉa, tạo dáng cho vườn quất rộng hơn 3 sào, bà Nguyễn Thị Miền (khu Đồng Đò, phường Bình Khê) hồ hởi khoe: “Tôi có hơn 10 năm kinh nghiệm trồng cây cảnh phục vụ dịp Tết. Năm nay quất phát triển tốt lắm, nhờ thay đổi phương pháp chăm sóc từ các loại phân vô cơ sang bón các loại phân hữu cơ, kết hợp phun thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học nên cây khỏe mạnh, ít sâu bệnh”.

Cũng theo bà Miền, trồng quất yêu cầu vốn đầu tư ban đầu lớn hơn so với rau màu và lúa nhưng bù lại, thu nhập từ quất cũng cao hơn từ 3 - 4 lần. “Năm nay do ảnh hưởng của bão nên giá quất dự kiến sẽ cao hơn mọi năm. Giá bán tại vườn của gia đình tôi khoảng 700.000 đồng/cây. Đối với cây mẫu mã đẹp có thể lên đến 1.200.000 đồng/cây, có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Với 600 cây quất đang trồng, trừ các chi phí, vụ đông năm nay có thể mang lại thu nhập trên 200 trăm triệu đồng”, bà Miền chia sẻ.

Cách vườn quất chừng hơn 1km, dù đã gần 11h trưa nhưng tại vườn hoa dơn mới xuống giống chừng 1 tháng, ông Nguyễn Văn Thi (khu Dọc Mản, phường Bình Khê) vẫn cần mẫn xới từng luống đất.

“Nay vợ giao nhiệm vụ làm đất cho hoa xong mới được về ăn cơm nên tôi cố làm cho xong”, ông Thi tếu táo. Được biết, gia đình ông đang trồng 11 sào hoa dơn vụ đông. Nhờ học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, kết hợp với việc theo học các lớp tập huấn kỹ thuật, những luống hoa của ông Thi phát triển tốt.

Diện tích trồng hoa, cây cảnh vụ đông tại TP Đông Triều đạt 255ha. Ảnh: Nguyễn Thành.

Diện tích trồng hoa, cây cảnh vụ đông tại TP Đông Triều đạt 255ha. Ảnh: Nguyễn Thành.

“Bão số 3 đổ bộ khiến hơn 5 sào lúa vụ mùa của gia đình tôi bị ngập úng, hư hỏng hoàn toàn. Vậy nên tôi rất mong chờ vào chỗ hoa dơn vụ đông này. Tôi cũng đã được chính quyền địa phương hỗ trợ thiệt hại do bão số 3, số tiền đó tôi dùng để mua giống hoa về trồng. Trồng hoa dơn thu nhập cao hơn lúa nhiều lần. Với giá bán khoảng 10.000 đồng/bông, mỗi sào có thể cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng”, mắt ông Thi ánh lên hi vọng về một vụ đông no đủ.

Theo kế hoạch sản xuất cây vụ đông năm 2024 được UBND tỉnh giao, TP Đông Triều thực hiện gieo trồng 1.380ha, tập trung phát triển và mở rộng những cây trồng có giá trị kinh tế cao để nhằm bù vào thiệt hại do bão số 3 gây ra. Trong đó, diện tích trồng rau các loại là 370ha, hoa cây cảnh 255ha, ngô 160ha…

Ông Lê Quốc Ruyến, Trưởng phòng Kinh tế Thành phố cho biết, bắt đầu vụ đông, đơn vị đã đi nắm bắt điều kiện sản xuất, thời tiết; điều tra, giám sát các đối tượng dịch hại để thông báo cho người dân chủ động các biện pháp phòng trừ ngay từ đầu vụ.

Thành phố cũng chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thủy lợi Đông Triều tận dụng hiệu quả nguồn nước từ sông Cầm và các hồ chứa, dẫn nước qua các kênh tưới đến các khu vực sản xuất vụ đông để phục vụ tưới. Nhờ đó, cây vụ đông luôn giữ được độ xanh tốt, đảm bảo nguồn hàng cung cấp vào dịp Tết sắp tới. Đến thời điểm này, nông dân các xã, phường trên địa bàn Đông Triều đã triển khai trồng vụ đông đạt gần 100% kế hoạch.

Giá trị mang lại từ cây vụ đông cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa. Ảnh: Thanh Phương.

Giá trị mang lại từ cây vụ đông cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa. Ảnh: Thanh Phương.

Hướng đến vụ đông 1.400 tỷ đồng

Ông Trần Văn Thực, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Quảng Ninh cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3, vụ đông năm nay triển khai chậm hơn mọi năm gần 1 tháng.

Để sản xuất vụ đông thành công, Sở NN-PTNT khuyến khích các hình thức liên kết giữa người dân với doanh nghiệp, HTX, sản xuất thành vùng tập trung với quy mô lớn, có hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị. Áp dụng cơ giới hóa đồng bộ nhằm giảm công lao động, kiểm soát tốt sinh vật gây hại, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất.

“Đối với ngành nông nghiệp, trong đó có trồng trọt, để đạt mục tiêu cao nhất, một trong những yếu tố quan trọng là nhận thức của người dân. Tại Quảng Ninh, 2 vụ chính là vụ xuân và vụ mùa có nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực, vụ đông là vụ mang lại giá trị kinh tế cao, là nguồn thu nhập chính cho bà con. Chính vì vậy, sản xuất vụ đông phải mang tính chất hàng hóa, nông dân cần chú trọng tăng chất lượng sản phẩm, từ đó tăng giá trị”, ông Thực nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Thi chăm sóc cánh đồng hoa dơn, hi vọng vụ đông đạt hiệu quả cao. Ảnh: Nguyễn Thành.

Ông Nguyễn Văn Thi chăm sóc cánh đồng hoa dơn, hi vọng vụ đông đạt hiệu quả cao. Ảnh: Nguyễn Thành.

Cùng với đó, mở rộng diện tích và phát triển một số cây màu vụ đông có giá trị kinh tế cao, có lợi thế về thị trường để tăng thu nhập cho người sản xuất; tận dụng tối đa phế phụ phẩm trong trồng trọt để sản xuất phân bón hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao đảm bảo sản xuất an toàn. Đồng thời, bố trí các vùng sản xuất trồng trọt gắn với thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị thu nhập.

Sau khi hoàn thành kế hoạch gieo trồng cây vụ đông năm 2024, các phòng, đơn vị chuyên môn của Sở NN-PTNT đã theo sát đồng ruộng để nắm bắt tình hình và phối hợp với các xã, phường hướng dẫn người dân chăm sóc cũng như phòng trừ sâu bệnh để cây trồng sinh trưởng, phát triển ổn định. Theo thống kê của Sở NN-PTNT, trung bình 1ha trồng cây vụ đông đang mang lại thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng, trong khi thời gian sản xuất chỉ trong 3 tháng cuối năm.

Theo kế hoạch được UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành, tổng diện tích cây trồng vụ đông năm nay dự kiến đạt trên 8.000ha, tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt trên 4.400 tấn. Trung bình nguồn thu từ vụ đông trên địa bàn tỉnh là 1.400 tỷ mỗi năm, chiếm gần 20% tổng thu toàn ngành nông nghiệp.

Xem thêm
Người làm nên thương hiệu 'heo say xỉn'

NINH BÌNH Mấy năm nay tôi không thể vào một trại lợn nào vì chủ trại phòng dịch rất nghiêm, thế mà anh Nga bảo vào thoải mái, lao động ở đây còn thường xuyên về nhà.

Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.