Theo đó, năm 2012 khi kỹ sư Chu Văn Tiệp - người sáng tạo ra phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên (hàng rộng hàng hẹp) và Giáo sư Trần Duy Quý đưa phương pháp này về huyện Yên Lạc thì một số nơi đã nhận thử nghiệm, trong đó có 2 sào của HTX Đống Cao.
Điều mà anh không ngờ là được mùa ngay vụ đầu. Thửa ruộng cấy theo phương pháp mới đẹp như tranh vẽ khi lúa chín, bông bên hàng hẹp rủ xuống bên hàng rộng đều tăm tắp như uốn câu, hạt nào hạt nấy mẩy căng, vàng óng ả.
Thấy vậy vụ sau các thành viên trong HTX Đống Cao đều xin cấy. Ban đầu chưa quen, mọi người phải căng dây căn hàng từ đầu ruộng đến cuối ruộng, sau đã thành thạo chỉ cần căng dây một lần rồi ước lượng bằng mắt cũng được. Tất cả đều phải cấy bằng tay. Gọi là cấy hàng rộng hàng hẹp bởi hàng rộng cách nhau 40cm, hàng hẹp cách nhau 20cm, mật độ chỉ 20-22 khóm/m2, bằng một nửa so với cách cấy thông thường.
Đã 12 năm trôi qua, hiện tổ hợp tác của anh có 75ha áp dụng, còn toàn xã khoảng hơn 200ha áp dụng. Gần Văn Tiến có xã Nguyệt Đức áp dụng gần hết diện tích, Yên Phương áp dụng được khoảng 50% nhưng nhiều xã khác thì không.
“Cấy lúa hàng rộng hàng hẹp khi đã quen rồi thì rất dễ, một lao động một ngày có thể cấy được hai sào. Những nơi phương pháp này không vào được theo tôi là do hệ thống chính trị không vào cuộc, cán bộ không cầm tay chỉ việc cho dân làm. Hiện tôi đang tham gia học chương trình hữu cơ tuần hoàn để về áp dụng bởi đã có sẵn nền tảng cấy lúa hàng rộng hàng hẹp rồi thì ruộng đồng thông thoáng rất ít sâu bệnh”, anh Hải nói.
Những cô gái mới về làng làm dâu lúc đầu cũng tỏ ra lúng túng với việc cấy hàng rộng hàng hẹp nhưng sau khi được hướng dẫn thì chẳng mấy chốc cũng bắt nhịp được với gái làng.
Cấy kiểu này giảm được nhiều thứ như giống (từ 1,5 kg/sào xuống 700-800 gram/sào), công cấy (từ 1 ngày 1 sào lên 1 ngày 2 sào), công làm cỏ cũng giảm theo.
Do cấy thưa, bón phân tập trung nên số dảnh hữu hiệu trên khóm tăng từ 7-8 lên 15, tỷ lệ hạt chắc cao, năng suất vượt kiểu cũ khoảng 10 - 15%. Điều đặc biệt nhất là phương pháp này hạn chế được nhiều loại sâu bệnh nên trước phun 2-3 lần thuốc BVTV/vụ giờ chỉ còn 1 lần, thậm chí có vụ không cần phun.
Cũng theo anh Hải cấy máy rất nhàn nhưng không vào được đồng đất quê mình bởi người dân thích cấy tay để tạo ra hiệu ứng hàng biên. Tuy nhiên, không chối bỏ những tiện ích của máy cấy, đã một vài lần anh đặt cơ sở bán xem có loại nào điều chỉnh được khoảng cách tạo ra hàng rộng, hàng hẹp không nhưng họ đều lắc đầu, bảo chưa có. Mật độ của máy cấy thấp nhất cũng là 30 khóm/m2 nên so với phương pháp mà Đống Cao đang áp dụng vẫn là quá dày.
Chị Nguyễn Việt Xuân - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Vĩnh Phúc - cho biết, dù phương pháp cấy lúa tạo hiệu ứng hàng biên cho hiệu quả cao nhưng diện tích áp dụng vẫn còn khiêm tốn, chỉ những nơi đã quen làm thì vẫn còn giữ chứ khó mở rộng được bởi xu thế mạ khay máy cấy, nông dân rất ngại chăng dây để cấy tay. Tuy nhiên trong thời gian tới, khi tập huấn IPM hay IPHM thì đơn vị vẫn muốn “xới xáo” lại vấn đề cấy lúa theo hàng rộng hàng hẹp để khuyến cáo cho bà con.
Bởi không có chương trình cụ thể cho cấy lúa hàng rộng hàng hẹp như trước nữa nên Vĩnh Phúc sẽ phải lồng ghép vào các chương trình khác. Nếu mà áp dụng cấy lúa theo hàng rộng hàng hẹp thì ưu điểm rất rõ như năng suất cao, bảo vệ môi trường, giảm thuốc BVTV, phân bón, tuy nhiên nhược điểm là tốn công lao động khi phải làm một cách tỉ mỉ hơn...
Theo kinh nghiệm dân gian, trong cùng một ruộng lúa, những hàng, khóm ở rìa bờ được sử dụng ánh sáng mặt trời nhiều hơn, từng lá được quang hợp tốt hơn… nên lớn hơn, bông to hơn những hàng, khóm khác bên trong ruộng. Phương thức cấy lúa hiệu ứng hàng biên của kỹ sư Chu Văn Tiệp là sự sáng tạo và nâng tầm kinh nghiệm dân gian ấy khi chủ động tạo ra hàng rộng và hàng hẹp nhằm tận dụng ánh sáng chiếu trực tiếp vào gốc, thân, lá để kích thích cây phát triển, làm tăng số cây/khóm và tăng số hạt/bông, giảm sâu bệnh, bảo vệ môi trường. Vĩnh Phúc là nơi đầu tiên áp dụng, sau đó đến Nam Định, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương… đều đạt hiệu quả khá tốt. Tuy nhiên hiện nay phương pháp này đang gặp vướng mắc do lao động ở nông thôn khan hiếm, cộng với máy cấy vào đồng ruộng nên người dân ngại chăng dây, cấy tay.