| Hotline: 0983.970.780

Đầu tư 3.800 tỷ đồng xây kè chống sạt lở sông, rạch

Thứ Ba 05/12/2023 , 09:17 (GMT+7)

Theo thống kê năm 2023, trên địa bàn TP.HCM có 32 vị trí sạt lở. Trong đó có 24 vị trí sạt lở nguy hiểm và 8 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm.

Các vị trí có nguy cơ sạt lở nói trên làm ảnh hưởng đến khoảng hơn 1.300 hộ dân. Trong đó, nhiều nhất là TP Thủ Đức với 8 điểm. Kế đến là Nhà Bè và Cần Giờ, mỗi huyện có 7 vị trí. Huyện Bình Chánh, quận Bình Thạnh, mỗi địa phương có 4 điểm, Hóc Môn và Củ Chi mỗi địa phương có 1 vị trí.

Riêng 8 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm có 2 điểm ở TP Thủ Đức, 2 điểm tại Bình Chánh, 3 điểm ở huyện Nhà Bè, và 1 ở huyện Cần Giờ.

Quán cà phê Giao Khẩu nằm bên bờ sông Sài Gòn (phường Thạnh Lộc, quận 12) bị nhấn chìm gần hết sau 1 vụ sạt lở. Ảnh: Hồng Thủy.

Quán cà phê Giao Khẩu nằm bên bờ sông Sài Gòn (phường Thạnh Lộc, quận 12) bị nhấn chìm gần hết sau 1 vụ sạt lở. Ảnh: Hồng Thủy.

Tính từ tháng 6/2023 đến nay, đã có 2 vụ sạt lở nghiêm trọng, dù không tổn thất về người, nhưng đã gây thiệt hại nhiều tài sản của người dân. Đặc biệt là ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân ở quanh vị trí sạt lở.

Cụ thể, vụ sạt lở tại bờ phải sông Sài Gòn hồi tháng 8 vừa qua đã khiến phần lớn diện tích quán cà phê Giao Khẩu nằm bên bờ phải sông Sài Gòn, thuộc phường Thạnh Lộc, quận 12, bị cuốn xuống sông. Khu vực sạt lở thuộc tuyến đường thủy nội địa quốc gia, cách cầu Phú Long khoảng 2km. Vụ sạt lở không gây thiệt hại về người, nhưng hơn 800m2 đất, bên trên có quán cà phê với rất nhiều vật dụng, bàn ghế, tủ… đã chìm dưới sông.

Có mặt tại khu vực quán cà phê Gia Khẩu, chúng tôi thấy diện tích sạt lở dài khoảng 40m, sâu vào bên trong 20m. Diện tích sạt lở đang có nguy cơ lấn dần vào trong bờ khoảng 20m. Ngoài ra, còn xuất hiện một số vết nứt rộng từ 6-10cm, chạy dài theo bờ sông khoảng 30m.

Sau khi khảo sát hiện trường sạt lở, đại diện Sở GTVT TP.HCM đã đánh giá sơ bộ nguyên nhân sạt lở là do biên độ triều cường lớn, dòng sông chảy mạnh và nền đất yếu.

Sở GTVT đánh giá tình trạng sạt lở có thể tiếp diễn và đề xuất chủ đất lập rào chắn khu vực sạt lở, đồng thời đề nghị Chi cục Đường thủy nội địa khu vực III đôn đốc các đơn vị liên quan khẩn trương thiết lập hệ thống báo hiệu đường thủy tại khu vực trên để cảnh báo tàu, thuyền hạn chế tốc độ khi đi qua; Trung tâm Quản lý đường thủy TP.HCM phải theo dõi chặt chẽ diễn biến vụ sạt lở, phối hợp với chính quyền địa phương để cảnh báo kịp thời những nguy cơ sạt lở có thể tiếp diễn trong những ngày tới.

Một trong số những căn nhà ven bờ kè Thanh Đa bị sạt lở. Ảnh: Hồng Thủy.

Một trong số những căn nhà ven bờ kè Thanh Đa bị sạt lở. Ảnh: Hồng Thủy.

Trước đó, một vụ sạt lở nghiêm trọng khác xảy ra trong khu dân cư bên bờ sông Sài Gòn khu vực bờ kè Thanh Đa, phường 25, quận Bình Thạnh khiến 15 hộ dân phải di dời trong đêm. Tại hiện trường, một đoạn bờ kè dài gần 500m bị sạt, lún sâu, nhiều nền nhà thấp hơn mặt đường khoảng 50cm, nhiều chỗ nứt rộng, đồ đạc trong các căn nhà sụt lún nằm lăn lóc.

“Chiều hôm trước tôi thấy nhà của con gái ở đối diện nó nghiêng rồi, nên báo chúng nó dọn đi. Đến đêm, tôi đang ngủ thì nghe tiếng động mạnh, giật mình dậy xem thì thấy nhà nó đang chìm rồi. May là chúng nó cũng dọn được hết đồ đạc đi chứ nếu không mất hết rồi. Nhà tôi ở đây dù không nằm trong vị trí sạt lở, nhưng cũng bị nghiêng”, bà N, nhà ở đối diện đoạn bờ kè bị sạt lở, nói.

Theo đánh giá của Sở GTVT TP.HCM, hiện trạng khu vực quan trắc có hiện tượng nhà dân bị lún sụt, nghiêng, hệ thống lan can, cột đèn đỉnh kè bị nghiêng, xô ngang và biến dạng. Khoảng 10m phía sau đỉnh kè trong khu vực nhà dân đang sinh sống xuất hiện vết nứt, bề rộng vết nứt tại vị trí lớn nhất là 10,6cm.

Bờ kè lên Thanh Đa sau 15 năm sử dụng đã xuống cấp. Ảnh: Hồng Thủy.

Bờ kè lên Thanh Đa sau 15 năm sử dụng đã xuống cấp. Ảnh: Hồng Thủy.

Đối chiếu với các quy chuẩn hiện hành, Sở GTVT TP.HCM xác định bờ kè không đạt hệ số an toàn, nền tiếp tục sụt lún, trượt ra phía sông. Do đó, Sở này đề nghị UBND  quận Bình Thạnh tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân trong khu vực nguy hiểm.

Về nguyên nhân sạt lở, Sở GTVT TP.HCM cho hay thời điểm xảy ra sụt lún là mùa mưa bão, có mưa lớn nhiều ngày, kết hợp với việc không có hệ thống thoát nước trong khu vực dân cư sau kè khiến cho nước thoát chậm, ngập úng làm cho đất phía sau kè bão hòa nước, gây ra chênh mực nước lớn khi thủy triều kiệt, làm gia tăng áp lực ngang lên kè. Ngoài ra, công trình bờ kè Thanh Đa dài gần 500m, sau 15 năm sử dụng, công trình bắt đầu xuống cấp.

UBND TP.HCM đã có chủ trương đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng để đầu tư xây dựng kè chống sạt lở cho 23/32 điểm sạt lở. Riêng bờ kè Thanh Đa, sau sự cố sạt lở mới đây, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương xây dựng lại bờ kè với tổng kinh phí 90 tỉ đồng theo đề xuất của Sở GTVT.

Ngoài ra, Sở GTVT cũng đề xuất UBND TP.HCM xây kè chống sạt lở hai đoạn bờ sông ở TP Thủ Đức và huyện Nhà Bè, tổng chiều dài hơn 500m, kinh phí 150 tỷ đồng. Trong đó, phần giải phóng mặt bằng hơn 26 tỷ đồng, xây lắp khoảng 90 tỷ đồng; còn lại là chi phí quản lý, dự phòng... Thời gian thực hiện từ nay đến năm 2025.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Thái Bình phục hồi 'làng muối tâm linh’

Hạt muối sạch phơi cát Tam Đồng sẽ được phục hồi gắn với du lịch tâm linh, với di tích Đền Bà chúa Muối nức danh cả nước và sẽ là 'hạt muối di sản'.