| Hotline: 0983.970.780

Vùng cao thiệt hại nặng do thiên tai

Thứ Ba 05/12/2023 , 08:49 (GMT+7)

Trong năm 2023, thiên tai ở các tỉnh miền núi phía Bắc tiếp tục gây ra nhiều thiệt hại tới tính mạng, tài sản của người dân và công trình cơ sở hạ tầng.

Theo báo cáo tổng hợp từ 63 Sở NN-PTNT, trong 11 tháng năm 2023, thiên tai làm 156 người chết và mất tích, 141 người bị thương; gần 30.300 ngôi nhà bị sập đổ và hư hỏng; 94.800 con gia súc, gia cầm bị chết; gần 107.900 ha lúa và 43.700 ha hoa màu bị hư hỏng.

Tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính hơn 4.408 tỷ đồng. Các tỉnh miền núi phía Bắc như: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng... tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai gây ra.

Cao Bằng thiệt hại gần 177 tỷ đồng

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Cao Bằng xảy ra 15 đợt hạn hán, mưa lớn, lốc, sét, ngập úng, lũ, lũ quét, sạt lở đất đá gây nhiều thiệt hại về người, tài sản. Ước tính tổng thiệt hại hơn 176,7 tỷ đồng.

Cụ thể, thiên tai làm 2 người chết, 4 người bị thương; gần 1.800 nhà ở bị tốc mái, hư hỏng; khoảng 8.950 ha cây lúa, hoa màu bị hạn hán, đổ gãy, vùi lấp, thất thu; 2,61 ha nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi.

Một số vị trí trọng yếu trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường nông thôn bị sạt lở taluy dương, taluy âm, hư hỏng nền đường; 14 công trình kênh mương thủy lợi bị đổ, sạt lở; 1 công trình kè rọ đá đang thi công, bị sạt lở, cuốn trôi; 2 cột điện hạ thế bị đổ; 8 điểm trường tại các huyện: Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm bị hư hại do sạt lở đất; 10 nhà văn hóa xóm tại các huyện: Quảng Hòa, Bảo Lạc, Bảo Lâm bị tốc mái…

Sạt lở tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. 

Sạt lở tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. 

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, tỉnh Cao Bằng tập trung huy động lực lượng 4 tại chỗ, sử dụng nguồn ngân sách dự phòng địa phương và ngân sách Trung ương cấp cho các địa phương hỗ trợ khắc phục hậu quả. UBND Tỉnh cũng chỉ đạo ngành giao thông vận tải khẩn trương thông đường, xử lý các điểm sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương tổng hợp nhu cầu vật tư, thiết bị thực hiện các giải pháp cấp bách chống hạn vụ đông xuân 2022 - 2023, trình UBND tỉnh với tổng kinh phí hơn 22 tỷ đồng. Thực hiện kế hoạch kiểm tra an toàn đập, hồ chứa thủy lợi, qua kiểm tra, có 20/23 hồ chứa có hạng mục hư hỏng.

Tại buổi làm việc của Đoàn Kiểm tra của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai với Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Trần Hồng Thái (thành viên Ban Chỉ đạo) đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng chỉ đạo các sở, ban ngành nhanh chóng rà soát, bổ sung các phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai, chú ý trọng tâm đến các loại thiên tai lũ quét, sạt lở đất, rét hại, sương muối, mưa lớn, lốc, sét, mưa đá.

Đồng thời, UBND tỉnh tập trung triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác phòng chống thiên tai theo Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai cùng với Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai và các Công điện của Thủ tướng Chính phủ.

Mưa lớn đã gây lũ trên suối qua thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng.

Mưa lớn đã gây lũ trên suối qua thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng.

Đặc biệt, địa phương tổ chức rà soát nhà ở an toàn cho các cụm dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân sửa chữa, gia cố nhà cửa.

Bà Ma Thị Huyền Linh, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy lợi tỉnh, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng cho biết: “Năm 2023, UBND tỉnh Cao Bằng đã chủ động huy động lực lượng, phương tiện, vật tư tại chỗ để ứng phó và khắc phục kịp thời hậu quả khi thiên tai gây ra; các đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã đã phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt tại cơ sở trong hỗ trợ nhân dân ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai”.

Thời gian tới, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng sẽ tiếp tục tăng cường phổ biến tuyên truyền, triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, văn bản của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng chống thiên tai.

Rà soát, bổ sung lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án, nhất là các dự án phát triển hạ tầng giao thông; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, xây dựng, bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai; nâng cao chất lượng rừng phòng hộ đầu nguồn.

Từ nay đến cuối năm, Sở NN-PTNT tỉnh Cao Bằng sẽ tiếp tục rà soát kiểm tra, đánh giá thực trạng công trình phòng, chống thiên tai và những khu vực, vùng dân cư có nguy cơ cao về thiên tai, đề xuất giải pháp và kinh phí thực hiện đảm bảo an toàn khu dân cư, các công trình trọng điểm.

Phối hợp triển khai thực hiện các hoạt động thông tin truyền thông, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai phổ biến như mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất bằng nhiều hình thức, bảo đảm thông tin về thiên tai đến được người dân tại khu vực chịu ảnh hưởng.

Từ đầu năm 2023 đến nay, tại tỉnh Bắc Kạn đã xảy ra 18 đợt mưa, gió lốc và 1 đợt hạn hán kéo dài khiến sản xuất nông, lâm nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tổng diện tích bị thiệt hại do hạn hán, mưa lũ hơn 6.000ha, trong đó có hơn 700ha lúa, hơn 3.500ha ngô và hoa màu.

Trong đợt hạn hán từ tháng 6 đến tháng 7 vừa qua, tỉnh Bắc Kạn cũng có gần 1.700ha cây lâm nghiệp bị chết hoặc không thể phát triển, phải trồng lại. Tổng thiệt hại sản xuất nông, lâm nghiệp lên tới 40 tỷ đồng.

Khắc phục hậu quả sạt lở tại huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Quang Linh.

Khắc phục hậu quả sạt lở tại huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Quang Linh.

Năm 2023, nguồn vốn dự phòng ngân sách cấp tỉnh của Bắc Kạn gần 80 tỷ đồng, số tiền này chi cho nhiệm vụ phát sinh của các đơn vị, địa phương ở tất cả các lĩnh vực phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, dịch bệnh. Ngoài ra, nguồn vốn dự phòng này dự kiến còn sử dụng để bù hụt thu cân đối ngân sách năm 2023.

Nguồn dự phòng ngân sách tỉnh để thực hiện nhiệm vụ khắc phục các công trình phòng, chống thiên tai trong thời gian tới là rất khó khăn, không đáp ứng nhu cầu thực tế. Theo thống kê, hiện nay tỉnh Bắc Kạn có 24 công trình phòng, chống thiên tai thuộc diện cấp bách và rất cấp bách, cần hơn 600 tỷ đồng để thực hiện. Do khó khăn về nguồn lực, tỉnh Bắc Kạn khó cân đối nguồn vốn triển khai các dự án này.

Trước tình hình khó khăn về việc bố trí nguồn kinh phí đầu tư các công trình phòng, chống thiên tai, UBND tỉnh Bắc Kạn đã báo cáo, đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai xem xét, ưu tiên hỗ trợ kinh phí để tỉnh sớm xử lý khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng người dân và hạ tầng kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.

Bắc Kạn cần xử lý khẩn cấp chống sạt lở bờ sông, suối, sạt lở đất khu dân cư tại 8 điểm nguy cơ sạt lở cao với tổng kinh phí khoảng 337 tỷ đồng gồm:

- Khắc phục hậu quả thiên tai khu vực sạt lở đất tại tổ 1, thị trấn Đồng Tâm, huyện Chợ Mới.

- Kè chống xói lở Nà Chỏm - Quan Nưa, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn.

- Kè chống sạt lở bờ sông Chu, sông Cầu đoạn qua thị trấn Đồng Tâm, huyện Chợ Mới.

- Kè chống sạt lở khu dân cư thôn Chi Quảng B, thị trấn Phủ Thông và bờ sông Bản Lạnh, xã Tân Tú, huyện Bạch Thông.

- Kè Bản Chang, thôn Nà Bjoóc, xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn.

- Sửa chữa hồ đập Khuổi Cuộn, xã Nông Hạ, huyện Chợ Mới.

- Xây kè bờ suối thôn Nà Khoang đến thôn Nà Duồng, thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn.

- Kè chống sạt lở thôn Nà Mộ - Cốc Tèo, xã Cao Tân, huyện Pác Nặm.

Xem thêm
Xuất khẩu cao su của Việt Nam kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025

Xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2024 đã ghi nhận những kết quả rất tích cực, dù nhu cầu tiêu thụ tại thị trường chủ lực Trung Quốc giảm mạnh.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Long An có thêm 2 điểm giao dịch ngân hàng tự động Autobank

Agribank Long An vừa đưa vào hoạt động 2 máy gửi rút tiền tự động Autobank (CDM) tại chi nhánh huyện Tân Hưng và Châu Thành, mang đến trải nghiệm ngân hàng số hiện đại.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.