Tác động từ biến đổi khí hậu
Trong những năm gần đây, tình trạng ngập lụt, thủy triều, sạt lở… do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn ra phổ biến tại các đô thị của tỉnh Đồng Nai. Đặc biệt, xuất hiện nhiều điểm ngập nặng như ở TP Biên Hòa và các huyện Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch… Ngoài ra, các khu dân cư cũng xảy ra tình trạng tương tự trên các tuyến đường liên tỉnh và quốc lộ khiến người dân phải “căng mình” hứng ngập.
Theo khảo sát của các cơ quan chuyên môn, nguyên nhân khiến khu vực hạ lưu suối Chùa, suối Bà Lúa và suối Cầu Quan ở các phường Long Bình, Long Bình Tân, An Hòa, Phước Tân (TP Biên Hòa) bị ngập ngày càng nặng do tình trạng đô thị hóa nhanh, tuy nhiên hệ thống thoát nước tổng thể cho khu vực này lại không có. Ngoài ra, các tuyến suối bị bồi lắng nhiều năm không được nạo vét, nhiều hộ dân lấn chiếm đất, dòng chảy bị thu hẹp, khi gặp mưa lớn nước thoát không kịp khiến người dân quanh khu vực rất lo lắng.
Để minh chứng cho sự khẩn thiết cần chống ngập, bà Thanh Hà (sống gần cầu Bà Lúa) cho biết, từng có học sinh và người lớn khi chạy xe máy qua đoạn đường ven suối bị nước cuốn trôi. Do vậy, mỗi lần mưa xuống, nước đổ về ào ạt, bà cũng như nhiều hộ dân sinh sống quanh khu vực này lại thót tim, chỉ biết cầu khẩn mọi sự an lành.
Ông Nguyễn Văn Cường ở khu phố 1, phường Hố Nai, TP Biên Hòa (nhà gần bờ sông Cái) cũng xác nhận: “Lúc trước khu vực bờ sông này bị sạt lở dữ lắm, thậm chí có nhiều chỗ nước xoáy rất nguy hiểm. Mỗi khi triều cường lên cao, nước ngập nửa mét, đường cống thoát nước không kịp. Trước khi có bờ kè, khu vực này bị ngập thường xuyên, mỗi tháng phải vài ba lần lội bì bõm, bà con xung quanh khu vực rất khổ sở. Tuy nhiên, từ ngày có bờ kè và tuyến đường ven sông Cái được xây dựng, tình trạng ngập úng do triều cường và mưa bão đỡ hẳn, bà con an tâm hơn”.
Theo đề nghị của ông Cường, chính quyền TP Biên Hòa cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình bờ kè và tuyến đường ven sông Đồng Nai để việc tiêu thoát nước đô thị được tốt hơn, giúp đời sống dân sinh ổn định.
Khi xóa được các điểm ngập này thì lại xuất hiện điểm ngập khác, ông Lộc lý giải, nguyên nhân chính do tốc độ đô thị hóa nhanh và tác động của BĐKH khiến TP Biên Hòa những năm gần đây xuất hiện nhiều điểm ngập và ngập nặng gây ảnh hưởng cho giao thông và đời sống sinh hoạt của người dân.
Không chỉ ở khu vực cầu Bà Lúa, những cơn mưa đầu mùa còn nhấn chìm hàng loạt tuyến đường ở TP Biên Hòa, khiến nhiều phương tiện chết máy, giao thông ùn tắc. Các hộ dân bày tỏ và mong các cơ quan chức năng sớm triển khai dự án chống ngập để bảo đảm an toàn cho mọi người. Lãnh đạo UBND phường Long Bình Tân cũng xác nhận, chính quyền đã nhận được phản ánh, kiến nghị của rất nhiều người dân và đã báo cáo lên cấp trên để có phương án xử lý dứt điểm tình trạng này.
Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho biết, đến nay địa phương đã xử lý được nhiều điểm ngập lụt, trong đó có những khu vực từng là “điểm đen” như cầu Săn Máu (phường Trảng Dài - phường Hố Nai), ngã năm Biên Hùng (phường Trung Dũng - phường Quyết Thắng), giao lộ Phạm Văn Thuận - Võ Thị Sáu (phường Thống Nhất - phường Tân Mai)... Riêng đối với dự án chống ngập suối Cầu Quang, suối Bà Lúa, suối Chùa đi qua các phường Long Bình Tân, An Hòa, Phước Tân đã được khởi công nhưng bị chậm tiến độ vì giải phóng mặt bằng kéo dài.
Xây dựng chiến lược và các giải pháp ứng phó
Theo các chuyên gia, để phát triển đô thị bền vững, cần phải xây dựng chiến lược, giải pháp ứng phó với BĐKH và các tác động bất lợi khác trong quá trình đô thị hóa. Các chuyên gia cũng cho rằng hiện tượng ngập úng hay sạt lở có nguyên nhân sâu xa là do sụt lún mặt đất. Thực trạng này không chỉ xuất hiện ở các thành phố lớn mà còn ở nhiều địa phương khu vực Nam bộ.
Đồng Nai mặc dù không phải là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề bởi BĐKH, nhưng tác động của nó đã ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, địa phương này đang chú trọng phát triển mô hình kinh tế xanh, công nghiệp xanh, đô thị xanh, nông thôn xanh; đồng thời đầu tư nhiều công trình dự án nhằm ứng phó thiên tai và BĐKH trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Lương, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai cho rằng, sông Đồng Nai là một trong những lưu vực lớn của cả nước, có nguồn nước phong phú, phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam bộ. Tuy nhiên, hiện nay dòng sông đang phải đối diện với nhiều thách thức liên quan đến tác động môi trường và tài nguyên nước.
Theo ông Lương, dự thảo quy hoạch lưu vực sông Đồng Nai đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, đảm bảo phân bổ nguồn nước hợp lý và hài hòa lợi ích giữa các địa phương, tiểu vùng, nhất là tiểu vùng hạ lưu sông Đồng Nai. Đồng thời khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và thích ứng với BĐKH…
Dự thảo quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng cho thấy, tỉnh này định hướng sẽ phát triển 17 đô thị vào năm 2030, tăng thêm 6 đô thị so với thời điểm hiện tại. Do đó, cần có giải pháp ứng phó với vấn đề sụt lún và ngập lụt, nước biển dâng do tác động của thiên tai, BĐKH trong tương lai.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, các đô thị lớn của tỉnh như Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch cần có giải pháp phát triển phù hợp, trong đó hướng tới hình thành các đô thị xanh để phát triển bền vững. Đồng thời, tỉnh yêu cầu các địa phương cần phải chủ động di dời, sắp xếp lại các điểm dân cư ở những vùng thường xuyên bị tác động của lũ lụt, bão và những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn. Ngoài ra, thực hiện lồng ghép công tác ứng phó với BĐKH vào quy hoạch của các ngành, địa phương để xây dựng kế hoạch chủ động trong mọi tình huống.
‘Đồng Nai đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới thích ứng với BĐKH trong xây dựng đô thị, phát triển, sử dụng năng lượng, giao thông, vật liệu xây dựng, tiêu thoát nước,… trên địa bàn tỉnh. Hiện đã có nhiều dự án, đề án nghiên cứu khoa học được tỉnh phê duyệt và cho triển khai, như: Dự án Đánh giá phân tích ảnh hưởng của ngập lụt do tác động tăng cường của BĐKH đến hạ tầng ngành công nghiệp tỉnh Đồng Nai và đề xuất giải pháp ứng phó; Xây dựng hệ thống quản lý tài nguyên nước và cảnh báo thiên tai; Xây dựng bờ kè đường ven sông Đồng Nai..."