| Hotline: 0983.970.780

Đầu tư mạnh các mô hình 'biến chất thải thành tiền'

Thứ Hai 31/07/2023 , 14:50 (GMT+7)

An Giang ưu tiên các nguồn lực, thu hút đầu tư nhằm đẩy mạnh việc sử dụng các phế, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp để sản xuất phân bón hữu cơ.

Hiện nay, việc sử dụng phân bón vô cơ (hóa học) trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam đã tăng rất nhanh, đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguyên liệu và có nhu cầu sử dụng phân bón rất lớn. Bộ NN-PTNT và các tỉnh ĐBSCL đang khuyến khích doanh nghiệp, HTX và bà con nông dân tận dụng rơm rạ, tro trấu, lục bình, phân chuồng (trâu, bò, gà vịt, heo), phụ phẩm nông sản, phụ phẩm thủy sản từ nhà máy chế biến sẵn có rất phong phú để làm phân bón hữu cơ phục vụ lại cho cây trồng.

Chất thải trong nuôi thủy sản là một trong những tiềm năng rất lớn để tận dụng làm phân bón hữu cơ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chất thải trong nuôi thủy sản là một trong những tiềm năng rất lớn để tận dụng làm phân bón hữu cơ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Việc tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất phân hữu cơ vừa giúp giảm chi phí đầu vào trong sản xuất, cải thiện dinh dưỡng đất lâu dài, từ đó tạo ra sản phẩm nông sản an toàn, bền vững, đồng thời giảm tác động tiêu cực tới môi trường.

Theo TS Châu Thị Đa, nghiên cứu viên Khoa Khoa học ứng dụng (Trường Đại học Tôn Đức Thắng - TP.HCM), việc sử dụng phân hữu cơ được sản xuất từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp - thủy sản trộn với các nguyên liệu hữu cơ khác tại địa phương vừa là giải pháp giảm thiểu ô nhiễm trong khu vực, vừa là tiềm năng lớn để cải thiện đất nông nghiệp.

An Giang là tỉnh phát triển nuôi trồng thủy sản lớn, đứng nhất nhì ở ĐBSCL với hàng trăm ao nuôi cá tra có diện tích khoảng 1.200ha/năm. Các chất lơ lửng trong ao nuôi cá tra như phân cá, bùn thải đáy ao nuôi cá tra được hút nạo vét 2 tháng/lần trong chu kỳ nuôi (6 tháng) là lượng chất thải lớn có thể tận dụng để làm phân hữu cơ. Đặc biệt trong ao nuôi cá, bùn thải từ các đáy ao thủy sản thâm canh rất giàu chất hữu cơ, ni tơ, phốt pho và các chất dinh dưỡng đa lượng, vi lượng.

An Giang đang triển khai một số mô hình tận dụng rơm rạ để chế biến thành phân hữu cơ phục vụ lại cho cây trồng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

An Giang đang triển khai một số mô hình tận dụng rơm rạ để chế biến thành phân hữu cơ phục vụ lại cho cây trồng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

“Việc tận dụng và tái sử dụng bùn thải giàu dinh dưỡng từ phân cá, bùn thải ao nuôi, xác cá chết phối trộn với phụ phẩm nông nghiệp, cùng với các nguyên liệu sẵn có khác ở địa phương để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh là một trong những thách thức và cũng là giải pháp tiềm năng có thể làm giảm sự phụ thuộc vào phân bón hóa học. Từ đó giúp địa phương giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, mang lại lợi ích kinh tế, góp phần sản xuất nông nghiệp bền vững trong tương lai”, TS Châu Thị Đa đề xuất.

Bà Lê Thị Cẩm Tiên, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bioway Hitech cho biết, hiện công ty đang áp dụng công nghệ hiện đại để xử lý phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp thành phân bón hữu cơ phục vụ lại cho cây trồng, vừa giúp cây xanh tốt, ít sâu bệnh, vừa hạn chế sử dụng phân, thuốc hóa học. Bên cạnh đó, phân bón hữu cơ vừa giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, vừa cho ra nông sản đạt yêu cầu an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Để có sản phẩm phân bón hữu cơ phục vụ nông dân, công ty còn đưa ra 5 chủng vi sinh để biến các sản phẩm thực vật bỏ đi thành phân hữu cơ có ích thông qua công nghệ Bioway ủ phân compost dạng kín, xử lý phế phụ phẩm hữu cơ thành phân bón hữu cơ qua quá trình lên men siêu tốc, nhiệt độ cao chỉ trong 6 giờ. Công nghệ ủ phân Bioway sẽ tạo ra các nhóm vi sinh vật cố định đạm, phân giải lân, phân giải cellulose, giúp tăng quang hợp, đối kháng...

Sản xuất phân bón hữu cơ tại Công ty Cổ phần Phân bón Bioway Hitech. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sản xuất phân bón hữu cơ tại Công ty Cổ phần Phân bón Bioway Hitech. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết, công nghệ hữu cơ và tuần hoàn là chiến lược quan trọng của nông nghiệp Việt Nam. Việc tận dụng phụ, phế phẩm nông, lâm, thủy sản được tỉnh ủng hộ thực hiện. UBND tỉnh An Giang đã giao Sở NN-PTNT phối hợp với Công ty Antesco và Bioway Hitech nghiên cứu xây dựng nhà máy chế biến phân bón hữu cơ trên địa bàn huyện Chợ Mới, trên cơ sở vùng nguyên liệu của Antesco.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp An Giang phối hợp Sở KH-CN tỉnh triển khai đề tài nghiên cứu sử dụng phụ phế phẩm nông nghiệp, thủy sản trên nền tảng Bioway Hitech. Từ đó thử nghiệm, đề xuất đề tài cơ sở để đánh giá phân hữu cơ, thử nghiệm trên các sản phẩm chiến lược như rau màu, cây ăn trái.

"Để lan rộng sử dụng phân hữu cơ, ngành nông nghiệp đề nghị sử dụng nguồn vốn khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới triển khai các mô hình Bioway Hitech, trước mắt phối hợp với Antesco thử nghiệm sử dụng phụ phẩm đậu nành rau, cây bắp để làm phân hữu cơ. Đối với các địa phương khác có yêu cầu, cần lên danh mục, tập hợp lại để thực hiện, biến chất thải thành tiền, ít tốn chi phí xử lý, tạo ra sản phẩm phân hữu cơ phục vụ lại cho cây trồng", ông Trương Kiến Thọ đề nghị.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.