| Hotline: 0983.970.780

Ứng dụng công nghệ để không lãng phí phế phụ phẩm nông nghiệp

Thứ Hai 08/05/2023 , 18:58 (GMT+7)

Phế phụ phẩm nông nghiệp được xem là nguồn tài nguyên tái tạo phong phú, giàu tiềm năng, nhưng ở nước ta nguồn tài nguyên này đang bị lãng phí.

Ở nước ta, phế phụ phẩm nông nghiệp được xem là nguồn tài nguyên tái tạo phong phú, giàu tiềm năng, nếu làm tốt việc chuyển đổi phế phụ phẩm nông nghiệp thành các sản phẩm giá trị khác sẽ góp phần giảm thiểu tác động tới môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp và nông dân.

Lãng phí quá lớn nguồn phế phụ phẩm

Chia sẻ về thực trạng này, nông dân Nguyễn Văn Đức (huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, cứ vào đầu và cuối mùa mưa, ông đều bón phân hữu cơ được ủ từ vỏ ca cao cho vườn cây, mỗi gốc khoảng 25 - 30kg trong một năm. Nhờ vậy, vườn ca cao của gia đình ông luôn xanh tốt, ông cũng tiết kiệm được 30% chi phí. Tuy hiệu quả là vậy, nhưng đa phần trái ca cao sau khi nhà vườn thu hoạch vẫn bị xem là rác và vứt bỏ, gây ô nhiễm môi trường.

Đa phần trái ca cao sau khi nhà vườn thu hoạch vẫn bị xem là rác và vứt bỏ, gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Lê Bình.

Đa phần trái ca cao sau khi nhà vườn thu hoạch vẫn bị xem là rác và vứt bỏ, gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Lê Bình.

Không chỉ có ca cao, nếu tính riêng vùng Đông Nam bộ đã có gần 14 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp, trong đó 7,8 triệu tấn từ trồng trọt và 6 triệu tấn từ phân vật nuôi. Trên địa bàn TP.HCM, hiện nay các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp cũng chưa được tận dụng triệt để, vẫn còn hoang phí như xơ dừa, bã mía, bã đậu, vỏ sầu riêng…

Đã có những HTX mạnh dạn thu gom các phế phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp để xử lý làm phân bón hữu cơ và tận dụng làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi cũng như ủ làm thức ăn cho vật nuôi. Tuy nhiên, việc thu gom và xử lý nguồn tài nguyên này còn gặp nhiều khó khăn về phương thức, công nghệ.

Bà Phạm Thị Thu Hà, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Vũ Hưng Trường (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết:Thời gian qua, HTX đã liên kết với các đơn vị để thu gom và xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp làm đệm lót sinh học cho những trại gà, trại heo. Tuy nhiên, thực tế còn gặp rất nhiều khó khăn, chúng tôi rất mong được chính quyền địa phương tạo điều kiện để HTX vừa thu gom phế phụ phẩm nông nghiệp, vừa tăng nguồn thu, tạo công ăn việc làm cho người lao động, vừa bảo vệ được môi trường”.

Thực tế cho thấy, có nhiều vướng mắc khi triển khai kinh tế tuần hoàn, điển hình như tại “thủ phủ” chăn nuôi tỉnh Đồng Nai. Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết, nhiều chủ trang trại bò đến các nhà máy chế biến nông sản để mua phụ phẩm làm thức ăn đã vướng khâu vận chuyển vì không đúng theo Luật Bảo vệ môi trường. Ngược lại, phân bò, phân heo vận chuyển cũng rất khó khăn.

Giá trị mà phế phụ phẩm nông nghiệp mang lại là rất lớn, nhưng để khai thác hiệu quả, các HTX, doanh nghiêp lại đang gặp không ít khó khăn. Ảnh: Lê Bình.

Giá trị mà phế phụ phẩm nông nghiệp mang lại là rất lớn, nhưng để khai thác hiệu quả, các HTX, doanh nghiêp lại đang gặp không ít khó khăn. Ảnh: Lê Bình.

Theo các chuyên gia, giá trị mà phế phụ phẩm nông nghiệp mang lại là rất lớn, nhưng để khai thác hiệu quả lại đang gặp không ít khó khăn. Cụ thể là chưa xây dựng được quy trình thu gom, bảo quản chế biến phụ phẩm nông nghiệp; chưa có khung pháp lý về tái chế phụ phẩm nông nghiệp và thực hiện nông nghiệp tuần hoàn; việc kết nối mô hình sử dụng phụ phẩm với chuỗi giá trị nông sản còn bỏ ngỏ…

Thời gian qua, ngành nông nghiệp cũng đã có nhiều chính sách về khai thác, xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp, tuy nhiên vẫn chưa sát thực tế, nhất là trong kế hoạch hành động không cụ thể trong khi lực lượng chính tham gia là doanh nghiệp vẫn chưa có cơ chế hoạt động. Vai trò của các hiệp hội và khuyến nông cũng không rõ ràng, dẫn đến các mô hình thực hiện bị đứt đoạn, không có sự nối tiếp.

Cần có chính sách phát triển

Theo TS Nguyễn Văn Bắc, Phó Trưởng Văn phòng phía Nam (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia), nông nghiệp tuần hoàn là quá trình sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín, chất thải và phế phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác, thông qua áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và các giải pháp công nghệ sinh học, hóa lý. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp sẽ khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao và nhất là đi đến triệt tiêu chất thải gây ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Tiềm năng và giá trị của phế phụ phẩm nông nghiệp nước ta là rất lớn. Ảnh: Minh Sáng.

Tiềm năng và giá trị của phế phụ phẩm nông nghiệp nước ta là rất lớn. Ảnh: Minh Sáng.

Tiềm năng và giá trị của phế phụ phẩm nông nghiệp nước ta là rất lớn. Hàng năm, sinh khối phế phụ phẩm nông nghiệp từ các loại cây trồng chính như lúa, ngô, mía, rau các loại có thể cung cấp tương đương với 43 triệu tấn phân bón hữu cơ, 1,8 triệu tấn urê, 1,6 triệu tấn supe lân đơn và 2,2 triệu tấn kali sulfat. Đây được coi là nguồn tài nguyên tái tạo rất lớn để bù đắp lại dinh dưỡng cho đất và sử dụng cho cây trồng trong canh tác nông nghiệp nhưng phần lớn dưỡng chất này bị bỏ phí.

“Để bảo đảm hiệu quả lâu dài, bền vững trong việc tái chế phụ phẩm nông nghiệp, cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và nông dân về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Các địa phương, trang trại và người dân cũng nên phát triển, mở rộng những mô hình thực hành nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn”, TS Nguyễn Văn Bắc nói.

Theo ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, hiện nay thành phố có nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh hiệp, HTX tham gia vào tiến trình sản xuất tuần hoàn để tận dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp, như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ từ nước ngoài về, đẩy mạnh chuyển giao các kết quả nghiên cứu có hiệu quả của các mô hình từ các trường, viện về cho các HTX cũng như các doanh nghiệp, đồng thời chú trọng đến chính sách hỗ trợ lãi vay để các doanh nghiệp có vốn đầu tư, thực hiện các dự án của mình.

“Hiện nay, phế phụ phẩm trong nông nghiệp cũng như của ngành chế biến khá nhiều, nếu chúng ta tận dụng xử lý làm thức ăn gia súc hoặc làm phân bón hữu cơ thì rất tốt để hướng tới phát triển một nền nông nghiệp hữu cơ hoặc rộng hơn là một nền nông nghiệp sinh thái”, ông Hiệp nói.

Hiện nay phế phụ phẩm trong nông nghiệp khá nhiều, nếu tận dụng xử lý làm thức ăn gia súc hoặc làm phân bón hữu cơ sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Ảnh: Minh Sáng.

Hiện nay phế phụ phẩm trong nông nghiệp khá nhiều, nếu tận dụng xử lý làm thức ăn gia súc hoặc làm phân bón hữu cơ sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Ảnh: Minh Sáng.

Theo Bộ NN-PTNT, hiện nay tổng nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp của nước ta vào khoảng 160 triệu tấn/năm, trong đó có khoảng 90 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng và quá trình chế biến nông sản, 62 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi…

Tuy nhiên, nguồn tài nguyên quý giá này lại đang bị lãng phí khi có tới gần 46% lượng rơm khô và vỏ trái cây bị đốt bỏ đi; chất thải trong ngành chăn nuôi cũng mới chỉ tận dụng được 23% để sản xuất phân bón hữu cơ. Trong khi đó, phế phụ phẩm từ chế biến thủy sản cũng mới chỉ sử dụng làm bột cá, collagen, gelatin…, giá trị đạt được chẳng đáng là bao so với tiềm năng.

Các chuyên gia cho rằng, nếu làm tốt thì đến năm 2025, nguồn phân hữu cơ sẽ tăng lên 40 triệu tấn và đến năm 2030 sẽ tăng lên 50 triệu tấn. Đây là bước đi cần phải hoàn thành sớm trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, đồng thời phát huy được kinh tế từ những phụ phẩm có thể tạo ra giá trị cao.

"Một số địa phương vẫn chưa quan tâm đến quản lý chất thải, phế phụ phẩm nông nghiêp hay đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật đối với các cơ sở sản xuất. Vì vậy, hiện mới có khoảng hơn 10% phế phụ phẩm trồng trọt được sử dụng làm chất đốt tại chỗ, 5% làm nhiên liệu công nghiệp, 3% làm thức ăn gia súc, còn hơn 80% chưa được sử dụng và thải trực tiếp ra môi trường hoặc đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường", TS Nguyễn Văn Bắc, Phó Trưởng Văn phòng phía Nam - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nói.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Hà Nội có 124 cơ sở được cấp mã số vùng trồng với 794 ha

Mã số vùng trồng được cho là phương pháp quản lý tận gốc chất lượng nông sản, tuy nhiên câu chuyện thực hiện và giám sát nó hiện vẫn còn nhiều khó khăn.