| Hotline: 0983.970.780

Đầu tư thiết bị hiện đại cho tàu cá, lợi nhuận tăng 2 - 3 lần

Thứ Sáu 12/07/2024 , 10:46 (GMT+7)

BÀ RỊA - VŨNG TÀU Rất nhiều ngư dân ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã 'mạnh tay' đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại cho tàu cá, nhờ đó thu nhập mỗi chuyến biển tăng 2-3 lần.

Lợi nhuận tăng gấp 2 - 3 lần

Đầu năm 2023, ông Nguyễn Hoàng Anh ở khu phố Hải Điền, thị trấn Long Hải (huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận thấy ngư trường ngày càng cạn kiệt. Bên cạnh các loại máy định vị, máy ra đa..., ông Hoàng Anh đã đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng mua máy tầm ngư dạng chụp, có thể chụp hình ảnh vùng biển, luồng cá trong vòng bán kính hơn 1km. Việc khai thác thủy hải sản từ đó tăng lên.

Ngày càng nhiều tàu cá tại Bà Rịa - Vũng Tàu ứng dụng công nghệ cao để tiết kiệm nguyên liệu, nhân công và giảm bớt chi phí. Ảnh: Lê Bình.

Ngày càng nhiều tàu cá tại Bà Rịa - Vũng Tàu ứng dụng công nghệ cao để tiết kiệm nguyên liệu, nhân công và giảm bớt chi phí. Ảnh: Lê Bình.

"Từ khi có máy tầm ngư, hiệu quả đánh bắt của tàu cá tăng lên rõ rệt, sản lượng khai thác tăng gấp 2, thậm chí có hôm gấp 3 lần tàu cá gắn máy quét tầm ngư bình thường", ông Hùng chia sẻ.

Tại thị trấn Long Hải, khi hỏi tàu thuyền đầu tư máy móc hiện đại nhất, sử dụng công nghệ cao nhất, ai cũng phải nói đến đội tàu với biển số đuôi 45 của nhà ông Tuấn - bà Tuyền. Đội tàu của vợ chồng ông Trương Minh Tuấn có 9 chiếc, trong đó 5 tàu đánh cá và 4 tàu vận tải, công suất từ 700 - 1.200CV chuyên đi lưới vây đánh bắt xa bờ.

Tất cả các tàu đều được trang bị điện tử hàng hải (máy định vị, thiết bị thông tin, liên lạc) máy đo độ sâu, máy dò cá (tầm ngư), hệ thống đèn màu, đèn LED dẫn dụ cá, các công đoạn đánh bắt đều được cơ giới hóa hoàn toàn. Mỗi tàu đều đầu tư bộ lưới có máy tời thu lưới treo cao, khi thả lưới ở đuôi tàu đã tăng tốc độ vây lưới rất nhiều, có lợi khi vây bắt các đàn cá có tốc độ bơi nhanh.

Bên cạnh đó, ông Tuấn còn kết hợp kỹ thuật dùng máy tầm ngư dò tìm đàn cá theo hình thức vây tự do, nếu đàn cá không đủ lớn để vây bắt sẽ áp dụng mô hình vây kết hợp chà và ánh sáng vào buổi tối. Nhờ áp dụng các công nghệ này, các chuyến đi biển của tàu gia đình ông Tuấn thường đạt sản lượng gấp 3 lần bình thường.

Hầm lạnh composite giúp ngư dân bảo quản hải sản tốt hơn trong mỗi chuyến đánh bắt dài ngày. Ảnh: Lê Bình.

Hầm lạnh composite giúp ngư dân bảo quản hải sản tốt hơn trong mỗi chuyến đánh bắt dài ngày. Ảnh: Lê Bình.

Năm 2014, khi có Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn, hiện đại để đánh bắt vùng khơi, ông Nguyễn Đình Ngọc (phường 2, TP Vũng Tàu) đã đăng ký, liên tiếp đóng và mua mới 4 tàu vỏ composite

Các tàu có chiều dài từ 21,5 - 22,5m, công suất 820CV. Ông Ngọc đầu tư dàn lưới dài 15km với trị giá hơn 4 tỷ đồng, máy móc cũng hiện đại hơn. Toàn bộ thiết bị thả lưới, thu lưới, thiết bị định vị đều được đầu tư loại tốt, tàu cũng có máy biến nước biển thành nước ngọt cho thuyền viên.

“Tàu vật liệu mới composite với nhiều máy móc, giàn lưới hiện đại đã giúp tăng hiệu quả đánh bắt lên gấp 3 lần tàu cũ. Thêm vào đó hầm bảo quản tốt hơn, cá về bờ tươi hơn, bán được giá hơn, doanh thu và lợi nhuận từ đó cũng tăng theo. Nếu trước kia 1 chuyến biển chỉ được khoảng 200 triệu đồng thì nay được 500 - 600 triệu đồng”, ông Ngọc cho biết.

Giảm thất thoát nhờ công nghệ cao

Ông Lê Đức Hiển (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu) vừa đầu tư hầm bảo quản cá theo công nghệ CPF bằng vật liệu composite do Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Công ty PUFOAM chuyển giao, mang lại hiệu quả khá tốt. Tàu của ông Hiển chuyên đánh bắt xa bờ các loại cá thu, cá ngừ. Từ khi có hầm chứa cá theo công nghệ CPF, độ tươi của cá được bảo quản sau đánh bắt tăng từ 50% lên 70% và lượng cá dạt giảm từ 40% xuống còn 20%, nhờ đó lợi nhuận tăng lên.

Hơn 800 tàu cá ở Bà Rịa - Vũng Tàu trang bị máy tời thu, kéo lưới. Ảnh: Lê Bình.

Hơn 800 tàu cá ở Bà Rịa - Vũng Tàu trang bị máy tời thu, kéo lưới. Ảnh: Lê Bình.

Nếu trước đây với hầm bảo quản cũ bằng gỗ, bình quân một chuyến biển 2 tháng, tàu ông thu hoạch được 10 tấn cá (5 tấn cá thu, 5 tấn cá ngừ), lượng cá dạt là 4 tấn thì nay chỉ còn 2 tấn, lượng cá tốt bán giá cao từ 6 tấn tăng lên 8 tấn. Từ đó doanh thu bán cá từ 450 triệu đồng/chuyến biển nay đã tăng lên 550 triệu đồng.

Ngoài ra, do hầm bảo quản tốt, lượng đá cây tiêu thụ cũng giảm từ 1.000 cây xuống còn 650 cây/chuyến biển, ngư dân lợi thêm 4,2 triệu đồng.

“Với chi phí đầu tư hầm khoảng hơn 240 triệu đồng thì chỉ cần đi 3 chuyến biển là tôi đã lấy lại vốn. Đó là chưa nói đến khoản lợi khác về tuổi thọ mà hầm công nghệ CPF đem lại. Hầm composite theo công nghệ CPF được bảo hành 20 năm, trong khi hầm gỗ cũ chỉ 4 - 5 năm là phải đóng mới, 20 năm phải đóng mới 5 lần mất tới 700 triệu đồng”, ông Hiển tính toán.

Đội tàu "đuôi 66” của ông Nguyễn Đình Ngọc (phường 2, TP Vũng Tàu) hầm đông lạnh bảo quản cá cũng được đầu tư bằng chất liệu composite, rộng gấp 1,5 lần hầm cũ, giúp tăng chất lượng cá bảo quản sau đánh bắt lên thêm 20%.

Theo thời gian, nguồn lợi hải sản ngày càng giảm dần. Ngư dân bắt đầu hiểu rằng nguồn lợi hải sản có hạn, phải thay đổi cách đánh bắt truyền thống, tuyệt đối không thể đánh bắt vô tội vạ mà phải hướng tới nghề cá có trách nhiệm, bền vững.

Hệ thống máy tầm ngư, thiết bị giám sát hành trình và các máy móc khác được ngư dân 'mạnh tay' đầu tư giúp việc khai thác hải sản hiệu quả, bền vững hơn. Ảnh: Lê Bình.

Hệ thống máy tầm ngư, thiết bị giám sát hành trình và các máy móc khác được ngư dân "mạnh tay" đầu tư giúp việc khai thác hải sản hiệu quả, bền vững hơn. Ảnh: Lê Bình.

Từ đó, ông Ngọc tiếp tục tìm cách cải thiện, đầu tư cho đội tàu. Bên cạnh việc đầu tư cơ giới hóa hầu như toàn bộ quá trình đánh bắt, ông còn đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu các công nghệ giúp giảm bớt chi phí cho tàu cá và tăng chất lượng sản phẩm.

Sau máy lọc nước biển thành nước ngọt, đội tàu của ông Ngọc đã thử nghiệm đầu tư máy lọc dầu, lọc nhớt theo công nghệ nano của Công ty Hiệp lực phát triển Việt, giúp giảm lượng nhiên liệu đến 15%. Đặc biệt, công nghệ này giúp tăng tuổi thọ cho động cơ, tăng công suất của máy. Công nghệ làm đá sệt cũng đã được thử nghiệm trên đội tàu của ông Ngọc.

“Đây là công nghệ mới, đá sệt ở thể lỏng, dạng bùn nên có thể thẩm thấu vào tất cả các khe hở nhỏ nhất, bao chặt đông lạnh con cá 100%. Từ đó giúp tăng chất lượng, độ tươi của con cá sau đánh bắt khi vào bờ lên đến hơn 80%, giá bán cá nhờ đó cũng tăng lên”, ông Ngọc cho biết.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao cho tàu cá

Theo Sở KH-CN Bà Rịa - Vũng Tàu, ứng dụng công nghệ cao trong khai thác hải sản trong tỉnh đang diễn ra khá tích cực. Số lượng tàu khai thác hải sản ứng dụng các trang thiết bị hiện đại khá cao, như trang bị điện tử hàng hải (máy định vị, thiết bị thông tin, liên lạc), máy đo độ sâu (gần 5.000 tàu); máy dò đàn cá (3.626 tàu); trang bị máy đo độ sâu, máy tầm ngư kết hợp hệ thống đèn màu, đèn ngầm, đèn LED dẫn dụ cá (338 tàu); trang bị cơ giới hóa (máy tời thu lưới) là 820 tàu.

Số lượng tàu cá có trang bị máy lọc nước biển thành nước ngọt là hơn 300 máy. Nhiều tàu đánh bắt xa bờ trang bị hầm bảo quản hải sản vật liệu PU (theo công nghệ lạnh thấm, lạnh nhanh), sử dụng công nghệ đá sệt làm từ nước biển để bảo quản.

Các tàu cá nghề lưới rê, vây phần lớn được cơ giới hóa hỗ trợ việc thu lưới, giảm bớt lao động thủ công nặng nhọc. Tổng cục Thủy sản đã chuyển giao ứng dụng các loại máy điện tử hàng hải cho nghề lưới vây, lưới rê khai thác xa bờ như máy ra đa Furuno, Kode với tầm quét từ 32 đến 72 hải lý. Điều này giúp các tàu cá tránh va chạm, tai nạn khi thời tiết xấu và khả năng phát hiện các tàu lạ để kịp thời xử lý bảo vệ ngư trường và biển đảo của Tổ quốc.

Cán bộ Phân viện Nghiên cứu hải sản phía Nam (Viện Nghiên cứu hải sản) sửa chữa, bảo dưỡng máy làm đá sệt trên tàu cá BV 91666 TS của ông Nguyễn Đình Ngọc. Ảnh: Lê Bình.

Cán bộ Phân viện Nghiên cứu hải sản phía Nam (Viện Nghiên cứu hải sản) sửa chữa, bảo dưỡng máy làm đá sệt trên tàu cá BV 91666 TS của ông Nguyễn Đình Ngọc. Ảnh: Lê Bình.

Theo ông Nguyễn Văn Cường, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, công nghệ sử dụng đèn LED dẫn dụ đàn cá đã được Trung tâm chuyển giao cho ngư dân và có hiệu quả rõ rệt, nhất là tiết kiệm nhiên liệu đến 70% so với sử dụng đèn cao áp và sản lượng khai thác cũng tăng.

Điển hình như đội tàu của ông Nguyễn Hoàng Anh cũng đã đầu tư hệ thống đèn LED dẫn dụ cá. Hệ thống đèn được bố trí đều hai bên mạn tàu và phía sau lái, lắp đặt phía trên cabin tàu cố định vào khung thép. Năng suất khai thác trung bình của tàu lưới vây sử dụng đèn LED của ông Hoàng Anh đạt 2,8 tấn/mẻ, cao hơn tàu lưới vây sử dụng đèn truyền thống 0,2 - 0,9 tấn/mẻ.

“Nhiện liệu dầu diesel sử dụng cho máy phát điện để chong đèn thu hút cá sử dụng đèn LED tiết kiệm được 56,4% so với tàu sử dụng đèn truyền thống. Mỗi đêm trung bình tiết kiệm bình quân khoảng 57 lít dầu, tương đương mỗi chuyến biển tiết kiệm trung bình khoảng 1.100 lít dầu diesel”, ông Hoàng Anh chia sẻ.

Xem thêm
Thái Nguyên: Hệ thống ao hồ nuôi thủy sản khôi phục an toàn sau mưa lũ

Đến nay, hệ thống ao hồ nuôi thủy sản tại Thái Nguyên đã được khôi phục an toàn sau mưa lũ và không ghi nhận xuất hiện dịch bệnh sau thiên tai.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Quảng Bình chậm hỗ trợ xử lý mất kết nối

Đã có hàng trăm lá đơn của ngư dân đề nghị gửi các cơ quan chức năng để xin được hỗ trợ xử lý việc mất kết nối thiết bị giám sát hành trình…