| Hotline: 0983.970.780

Đầu tư tiền tỷ nuôi trai lấy ngọc

Thứ Hai 24/04/2023 , 17:25 (GMT+7)

HÀ TĨNH Sau gần 4 năm 'nếm mật nằm gai', mô hình nuôi trai lấy ngọc nhân tạo đầu tiên ở TP Hà Tĩnh đã thành công bước đầu, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng.

Mô hình nuôi trai lấy ngọc nhân tạo đầu tiên ở Hà Tĩnh hình thành tại xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh. 

Mô hình nuôi trai lấy ngọc nhân tạo đầu tiên ở Hà Tĩnh hình thành tại xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh. 

Đầu tư tiền tỷ

Khoảng 5 năm trở lại đây, TP Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm đến đầu tư phát triển nông nghiệp ven đô kết hợp du lịch sinh thái nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Hàng loạt chính sách kích cầu được HĐND thành phố ban hành, hỗ trợ từ thủ tục hành chính, thuê đất, con giống, khoa học kỹ thuật đến tìm kiếm đầu ra, xây dựng thương hiệu sản phẩm…

Đối với lĩnh vực thủy sản, ngoài phát triển các đối tượng: tôm, cua, cá, một mô hình rất mới và độc đáo được đầu tư là nuôi trai lấy ngọc.

Chị Trần Thị Ánh cho biết, sau 4 năm đúc rút kinh nghiệm, đến nay cơ sở đã làm chủ công nghệ nhân cấy tế bào. Ảnh: Thanh Nga.

Chị Trần Thị Ánh cho biết, sau 4 năm đúc rút kinh nghiệm, đến nay cơ sở đã làm chủ công nghệ nhân cấy tế bào. Ảnh: Thanh Nga.

Năm 2019 trên diện tích 5 ha nước ngọt ở thôn Liên Công, xã Đồng Môn, ông Trần Nhật Duật cùng con gái Trần Thị Ánh (35 tuổi) mạnh dạn đầu tư tiền tỷ xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành mô hình nuôi trai lấy ngọc nhân tạo đầu tiên trên địa bàn TP Hà Tĩnh nói riêng, toàn tỉnh Hà Tĩnh nói chung.

“Đầu tiên chúng tôi thả nuôi 10.000 con giống đã nhân cấy tế bào trên 4 tháng đảm bảo chất lượng, mỗi con được cấy từ 3 - 4 nhân ngọc trai. Quá trình nuôi do chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật hạn chế nên tỷ lệ trai chết mất 15%”, chị Ánh chia sẻ.

Sau đó, bố con chị Ánh tìm đến một số mô hình nuôi trai thành công ở Ninh Bình và tham vấn kinh nghệm từ các chuyên gia trong và ngoài nước để tìm giải pháp khắc phục tồn tại, đến nay mọi việc dần đi vào ổn định.

Kỹ thuật viên thực hiện công đoạn cắt, ghép mô tế bào...

Kỹ thuật viên thực hiện công đoạn cắt, ghép mô tế bào...

Về quy trình nuôi trồng đến khi tạo ra một viên ngọc trai trải qua nhiều giai đoạn. Đầu tiên, chủ cơ sở mua con trai sống về để ghép mô tế bào và nhân ngọc, sau đó đưa ra hồ nuôi tạo ngọc. Loại này thường đạt 1 - 1,5 tuổi, nặng 2 - 4 lạng, sức khỏe tốt, ngoại hình đẹp.

Tiếp đó mua con trai khác về cắt mô tế bào để cấy ghép vào con trai sống được lựa chọn trước đó. Loại để cắt tế bào là những con trai non, từ 5 - 8 tháng, khỏe mạnh, không bị bệnh và vỏ ngoài sáng bóng.

Quá trình này kỹ thuật viên có nhiệm vụ bóc tách, sau đó dùng kéo chuyên dụng cắt hai dải mô nằm ở hai mành áo của con trai non với sự tỉ mỉ, công phu để cắt đúng điểm tế bào tạo ngọc.

và nhân ngọc.

và nhân ngọc.

Sau khi cắt xong hai dải mô, kỹ thuật viên bỏ mô lên vải màn ủ vài giây rồi đặt trên thớt gỗ, dùng chắn làm bằng kim loại chia nhỏ mô. Trung bình một con trai cắt được 40 mô tế bào.

Ghép xong nhân và mô tế bào, toàn bộ trai được cho vào bể xi măng để nuôi từ 15 - 30 ngày, mục đích để tế bào và nhân gắn kết thành một khối, sau đó bọc trai vào các túi lưới, đưa ra thả nuôi dưới hồ rộng 5 ha. Quá trình này trai được cung cấp thức ăn để nuôi dưỡng cơ thể và tạo ngọc.

Sau đó thả nuôi dưới hồ tự nhiên. Ảnh: Thanh Nga

Sau đó thả nuôi dưới hồ tự nhiên. Ảnh: Thanh Nga

“Nếu được nuôi trong điều kiện tốt, mỗi tuần trăng (một tháng), trai tự tiết ra chất xà cừ (hấp thụ từ khoáng chất và ánh nắng mặt trời chuyển hóa thành), bao bọc một lớp viên ngọc nhân tạo. Sau 24 tháng, con trai đạt được 24 lớp phủ, lúc này mới đủ điều kiện thu hoạch”, chị Trần Thị Ánh nói.

Chất lượng ngọc nhân tạo cao gấp nhiều lần ngọc tự nhiên

Khi được hỏi vì sao lựa chọn nuôi trai lấy ngọc nhân tạo, chị Ánh bày tỏ, trai tự nhiên vẫn có thể tạo ra ngọc nhưng tỷ lệ rất thấp, ngọc cho ra không đẹp. Ngọc nhân tạo đã tròn, đẹp sẵn nên khi cấy vào con trai cho ra sản phẩm đẹp hơn.

Một công đoạn khác trong việc cấy ghép trai.

Một công đoạn khác trong việc cấy ghép trai.

Trong môi trường nhân tạo, người nuôi dễ kiểm soát được bệnh, cho ăn đầy đủ dưỡng chất, sẽ khiến ngọc tròn, đẹp, bóng tỷ lệ cao hơn ngọc tự nhiên nhiều lần và thời gian ghép ngọc hiệu quả nhất vào 2 mùa chính là mùa xuân và mùa thu.

Viên ngọc thô khai thác xong được bỏ vào máy đánh bóng trước khi gửi đến xưởng chế tác trang sức trong và ngoài tỉnh để hoàn thiện mẫu mã.

Ông Trần Quang Hưng, Trưởng phòng Kinh tế (UBND thành phố Hà Tĩnh) đánh giá, mô hình nuôi trai lấy ngọc của bố con ông Trần Nhật Duật và chị Trần Thị Ánh là mô hình phát triển kinh tế gắn với du lịch sinh thái hiệu quả. Mô hình này đã xây dựng thành chuỗi khép kín, từ tự chủ vùng nguyên liệu, nắm vững công nghệ, quy trình nhân cấy tế bào, chế tác sản phẩm đến xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường...

Ngọc trai nhân tạo cùng mô tế bào cấy ghép được đưa vào con trai trước khi thả nuôi xuống hồ tự nhiên. 

Ngọc trai nhân tạo cùng mô tế bào cấy ghép được đưa vào con trai trước khi thả nuôi xuống hồ tự nhiên. 

“Hiện nay toàn thành phố có hàng trăm ha mặt nước có thể phát triển nuôi trai lấy ngọc. Để tận dụng lợi thế này, chúng tôi khuyến khích hình thành doanh nghiệp như cơ sở của ông Trần Nhật Duật để liên kết cung cấp con giống, công nghệ, tìm kiếm thị trường, phát triển thương hiệu cho người dân nâng cao thu nhập.

Hiện cơ sở của ông Duật đã liên kết với doanh nghiệp ở Ninh Bình bao tiêu đầu ra sản phẩm và xây dựng thương hiệu OCOP "ngọc trai Thành Quỳnh Giang". Đây là hướng đi tất yếu nhằm đảm bảo tính bền vững”, ông Hưng nhấn mạnh.

Chất lượng sản phẩm ngọc nhân tạo được kiểm nghiệm cao gấp nhiều lần ngọc tự nhiên. 

Chất lượng sản phẩm ngọc nhân tạo được kiểm nghiệm cao gấp nhiều lần ngọc tự nhiên. 

Trưởng phòng Kinh tế thành phố thông tin thêm, hiện UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đồng ý đưa đề tài nuôi trai lấy ngọc bằng công nghệ nhân cấy tế bào thành đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh. Tuy nhiên, về lâu dài, việc tiếp nhận, nhân rộng công nghệ này cần sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo tỉnh và Sở KH-CN để lan tỏa rộng hơn, mạnh mẽ hơn đề tài nhằm tạo thêm cơ hội phát triển nghề nghiệp cho người dân nâng cao thu nhập.

Xem thêm
Mở rộng nuôi tôm sú 2 giai đoạn vùng ven biển miền Trung

Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn có nhiều triển vọng mở rộng nhằm thay thế hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống tại các tỉnh ven biển miền Trung.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.