| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp đầu tiên khép kín được quy trình sản xuất, kinh doanh ngọc trai

Thứ Sáu 05/08/2022 , 08:46 (GMT+7)

QUẢNG NINH Công ty Ngọc trai Hạ Long là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam chủ động được quy trình từ sinh sản nhân tạo con giống tới nuôi cấy, chế tác, kinh doanh ngọc trai.

Trong hành trình du lịch, khám phá vẻ đẹp kỳ thú của vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), có một địa chỉ không thể bỏ qua đối với du khách, đó là các trang trại nuôi cấy ngọc trai thuộc Công ty Cổ phần Ngọc trai Hạ Long. Đến đây, du khách sẽ được đắm mình vào không khí trong lành cùng khung cảnh tuyệt vời của thiên nhiên, được chứng kiến và trải nghiệm các công đoạn công phu của nghề nuôi trai cấy ngọc.

Công phu nghề nuôi trai cấy ngọc

Dẫn đoàn tham quan trang trại nuôi trai cấy ngọc, bà Nguyễn Thuỳ Hương - Giám đốc Công ty Cổ phần Ngọc trai Hạ Long đã kể về quá trình phát triển thương hiệu Ngọc trai Hạ Long của doanh nghiệp trong hơn 10 năm qua.

Bà Thùy Hương giới thiệu cho du khách về các loại trai ngọc tại trang trại, nơi vợ chồng bà đã dành nhiều tâm huyết để xây dựng thương hiệu Ngọc trai Hạ Long. Ảnh: Viết Cường.

Bà Thùy Hương giới thiệu cho du khách về các loại trai ngọc tại trang trại, nơi vợ chồng bà đã dành nhiều tâm huyết để xây dựng thương hiệu Ngọc trai Hạ Long. Ảnh: Viết Cường.

Từ Liên doanh ngọc trai Việt Nhật khởi đầu vào những năm 90 cho đến khi vợ chồng ông bà tiếp nhận lại từ đối tác Nhật Bản vào năm 2009, họ đã từng bước hiện thực hoá được giấc mơ xây dựng thương hiệu ngọc trai Việt cho ngọc trai Hạ Long.

Theo bà Hương, từ năm 2009 trở về trước, sản phẩm ngọc trai của Công ty chủ yếu xuất khẩu thô sang thị trường Nhật Bản nhưng giá trị kinh tế thấp, đóng góp cho ngân sách địa phương không được bao nhiêu. Khi ngọc thô đã qua gia công chế tác được chuyển từ Nhật sang Việt Nam thì giá lại khá cao, không phải ai cũng mua được. Thêm nữa, sản phẩm ngọc trai của Quảng Ninh không còn thương hiệu riêng. Xuất phát từ điều đó, ngay sau khi thành lập Công ty, vợ chồng bà đã bắt đầu đi vào chế tác từ ngọc tinh ra các sản phẩm đồ trang sức.

"Ngọc trai là một sản phẩm của tự nhiên nhưng khác với những loại ngọc khác, ngọc trai được sản sinh từ những sinh vật sống. Vợ chồng tôi vốn đều gắn bó, trưởng thành đi lên từ chính thực tế nghề nuôi trai cấy ngọc, vì vậy rất trân quý những con trai biển. Tôi may mắn được làm việc và học hỏi kinh nghiệm của người Nhật trong việc nuôi cấy ngọc và cũng có một thời gian ngắn được sang Nhật Bản học gia công chế tác ngọc trai.

Nhân viên Công ty Cổ phần Ngọc trai Hạ Long giới thiệu cách nuôi cấy ngọc cho du khách tham quan. Ảnh: Tiến Thành.

Nhân viên Công ty Cổ phần Ngọc trai Hạ Long giới thiệu cách nuôi cấy ngọc cho du khách tham quan. Ảnh: Tiến Thành.

Thêm nữa, chồng tôi là một người được đào tạo khá bài bản tại Nhật Bản với chuyên ngành nuôi trai cấy ngọc. Anh đã tích lũy được khá nhiều kiến thức và kinh nghiệm khi làm việc với đội ngũ chuyên gia Nhật. Từ đó, anh đã truyền thụ, đào tạo kỹ thuật nghiệp vụ tại chỗ cho đội ngũ nhân viên. Ngoài ra, hàng năm Công ty đã cử những nhân viên ưu tú sang học tại Nhật nghề nuôi cấy và gia công chế tác ngọc trai. Chính vì vậy, công việc của chúng tôi cũng tiến triển khá tốt", bà Hương tâm sự.

Nói về công việc của mình, bà bảo, con trai lớn lên, trưởng thành, trải qua việc cấy nhân tạo ngọc là cả một quá trình tự nhiên. Sự tác động của con người chỉ có 10 - 15% khi gom lại, vệ sinh, cấy nhân cho trai tạo ngọc - như một bác sĩ phẫu thuật mà người thợ phải được đào tạo rất kỳ công, bởi cấy nhân vào để con trai có thể sống được và tạo ngọc là một kỹ thuật rất khó, nếu không làm tốt, con trai có thể đẩy nhân ra ngoài hoặc có thể bị chết.

Để thu hoạch được viên trai Akoya có kích cỡ từ 3 - 9mm từ những con trai Martensi trưởng thành, kể từ khi được cấy viên nhân vào mình nó, con trai cần 24 tháng để tiết ra canxi, bọc lấy viên nhân theo từng lớp và tạo ngọc. Sau khi lấy ngọc thì con trai cũng kết thúc quy trình sống, nhưng mọi sản phẩm từ con trai đều có giá trị riêng, không bỏ đi thứ gì: Ngọc trai làm trang sức; thịt trai được chế biến thành các món ăn có hương vị độc đáo, ngon miệng; vỏ trai dùng chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ… Ngay khi còn sống, con trai cũng chỉ ăn phù du, tảo biển và là một cỗ máy lọc nước, làm sạch dòng chảy rất tốt.

Khu nuôi trai lấy ngọc của Công ty Cổ phần Ngọc trai Hạ Long trên biển Hạ Long. Ảnh: Tiến Thành.

Khu nuôi trai lấy ngọc của Công ty Cổ phần Ngọc trai Hạ Long trên biển Hạ Long. Ảnh: Tiến Thành.

"Quy trình xử lý, ghép tế bào, cấy nhân tạo ngọc, chăm sóc trai cho đến tuyển chọn, gia công, chế tác tạo nên sản phẩm Ngọc trai Hạ Long đòi hỏi người làm phải rất khéo léo, công phu, tỉ mỉ. Trang trại nằm giữa biển với vô số nguy cơ về thiên tai, đã có lúc bão gió san bằng cả hệ thống bè, bởi kinh nghiệm ngoài biển chưa nhiều, để rồi trắng tay, trở thành con nợ… Nhưng cũng bởi có đam mê, tâm huyết và sự quan tâm của địa phương, sự động viên của bạn bè, chúng tôi đã tiếp tục đứng dậy", bà Hương nhớ lại.

Khẳng định thương hiệu Ngọc trai Hạ Long

Với trăn trở phải tạo dựng, khẳng định được thương hiệu Ngọc trai Hạ Long trên thị trường trong nước và quốc tế, gần 10 năm nay, Công ty Cổ phần Ngọc trai Hạ Long đã thay đổi chiến lược, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, không những chỉ sinh sản nhân tạo ra các con giống mà còn làm trọn giai đoạn nuôi cấy, chế tác và kinh doanh sản phẩm ngọc trai tạo thành một quy trình khép kín đầu tiên ở Việt Nam về nuôi trai lấy ngọc.

"Nhận thức khoa học công nghệ đi liền với xây dựng thương hiệu, Công ty đã chủ động áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng như 5S, CRM, ISO 9000 để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm. Việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng đã góp phần cải thiện năng suất từ 15 - 20%, giúp hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, giảm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm.

Ngọc trai sau một thời gian được cấy nhân sẽ hình thành ngọc cho giá trị cao. Ảnh: Viết Cường.

Ngọc trai sau một thời gian được cấy nhân sẽ hình thành ngọc cho giá trị cao. Ảnh: Viết Cường.

Bên cạnh đó, Công ty đã kế thừa, áp dụng kỹ thuật nuôi cấy tiên tiến từ các chuyên gia Nhật Bản, xây dựng thành công quy trình sinh sản nhân tạo, thu thập và lai tạo các loài trai quý hiếm. Sản phẩm của Công ty được giới chuyên gia đánh giá có độ thuần khiết cao, độ bọc của lớp xà cừ dày, nhiều màu sắc tự nhiên sang trọng, quyến rũ như vàng, lưu ly, hồng anh đào, xám thủy ngân…", bà Hương vui mừng nói.

Nhờ vậy, ngọc trai nuôi trồng trên vùng biển Quảng Ninh đã không còn xuất khẩu sang Nhật dưới dạng sản phẩm thô, để rồi trở về Việt Nam cũng như ra với thế giới bằng thương hiệu của Nhật Bản nữa. Thay vào đó, sản phẩm Ngọc trai Hạ Long đã có thương hiệu riêng cho mình.

Năm 2015, sản phẩm ngọc trai của Công ty Cổ phần Ngọc trai Hạ Long được công nhận là sản phẩm OCOP của TP Hạ Long; năm 2017 đạt sản phẩm OCOP 5 sao và là sản phẩm du lịch độc đáo của tỉnh, tạo được ấn tượng đối với du khách trong và ngoài nước.

Các sản phẩm ngọc trai Hạ Long và các sản phẩm chế tác từ ngọc trai của Công ty Ngọc trai Hạ Long được tỉnh Quảng Ninh lựa chọn là một trong 6 sản phẩm xây dựng chuỗi sản phẩm định hướng chủ lực cấp tỉnh, định hướng cấp quốc gia, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và một số nước khác trên thế giới.

Sản phẩm ngọc trai của Công ty Cổ phần Ngọc trai Hạ Long. Ảnh: Viết Cường.

Sản phẩm ngọc trai của Công ty Cổ phần Ngọc trai Hạ Long. Ảnh: Viết Cường.

Hiện nay, Công ty Cổ phần Ngọc trai Hạ Long có 2 khu nuôi trồng ngọc trai rộng hơn 50ha tại vụng Tùng Sâu trên Vịnh Hạ Long và khu vực Vông Viêng. Tại đây, ngoài sản xuất nuôi cấy ngọc trai, Công ty còn trưng bày, kinh doanh các sản phẩm làm từ ngọc trai.

Bà Nguyễn Thùy Hương cho biết, thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư những trang thiết bị mới để mở rộng quy mô nuôi trồng, sản xuất. Cùng với đó, tập trung ứng dụng khoa học và công nghệ vào việc chế xuất, nuôi cấy để đưa ra thị trường thêm nhiều sản phẩm chất lượng, có mẫu mã, màu sắc đẹp hơn.

Xem thêm
Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.