| Hotline: 0983.970.780

Đầu tư vào Việt Nam giảm, doanh nghiệp Hàn Quốc mong 'cải thiện thủ tục hành chính'

Thứ Bảy 22/04/2023 , 11:42 (GMT+7)

Môi trường đầu tư cởi mở và ổn định của Việt Nam là yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá khi đầu tư vào châu Á Thái Bình Dương.

Hiện nay, có khoảng 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam. Ảnh: TL.

Hiện nay, có khoảng 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam. Ảnh: TL.

Theo ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), quý I/2023, tổng sản phẩm trong nước (GDP) chỉ tăng ở mức 3,32%, có phần không như kỳ vọng và đầu tư nước ngoài đã giảm mạnh. Đặc biệt, tỉ trọng đầu tư trong lĩnh vực sản xuất - lĩnh vực mà các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất cũng đã giảm mạnh, cho thấy các doanh nghiệp đang đối mặt với muôn vàn khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy mô đầu tư nước ngoài quý I đạt 5,44 tỷ USD, giảm 38,8% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ tương đương 50% tổng mức đầu tư cùng thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 năm 2019.

Tuy nhiên, về số lượng dự án đã tăng 13,5% đạt 1.459 dự án cho thấy đa phần các dự án đầu tư mới đều là các dự án có quy mô nhỏ.

"Đáng tiếc là tổng quy mô đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam quý I chỉ đạt 474 triệu USD, tương đương 70,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng dự án cũng giảm 9,1% so với cùng kỳ xuống còn 344, đưa Hàn Quốc, nhà đầu tư số một tại Việt Nam, xuống vị trí thứ tư, mức thấp nhất kể từ năm 2008. Cho thấy cơ cấu thương mại tập trung vào một số mặt hàng cụ thể rất nhạy cảm với những biến động kinh tế", ông Hong Sun thông tin.

Tuy nhiên, từ sau khi kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đang đa dạng hóa cơ cấu đầu tư từ sản xuất chế tạo sang công nghiệp dịch vụ, gần đây đã tăng tỷ trọng đầu tư vào các ngành công nghệ cao, vốn trước đây chỉ tập trung vào các ngành thâm dụng lao động nên có thể kỳ vọng vào việc mở rộng hoạt động kinh doanh và các cơ hội đầu tư mới sẽ tiếp tục tăng lên.

Hiện nay, có khoảng 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam và thương mại giữa hai nước năm 2022 đã tăng 175 lần trong 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992 và kim ngạch thương mại năm 2022 đạt mức cao nhất trong lịch sử là 87,7 tỷ USD.

"Hiện nay nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đang cân nhắc việc tăng vốn đầu tư và đầu tư mới nếu như môi trường đầu tư tiếp tục ổn định. Đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao và các công ty tài chính, năng lượng.

Để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp công nghệ cao vào Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp nước ngoài cần sự cải thiện về thủ tục hành chính như đơn giản hơn, hiệu quả hơn, ưu đãi của Chính phủ nhiều hơn… thì nhà đầu tư sẽ cảm thấy an toàn hơn khi đầu tư vào Việt Nam", ông Hong Sun cho biết.

Để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp công nghệ cao, Việt Nam cần cải thiện về thủ tục hành chính. Ảnh: Linh Trang/Vietnam+.

Để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp công nghệ cao, Việt Nam cần cải thiện về thủ tục hành chính. Ảnh: Linh Trang/Vietnam+.

Còn theo ông Preben Elnef, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc LEGO Manufacturing Việt Nam, trong nhiều năm, Việt Nam đã có một môi trường đầu tư cởi mở và ổn định. Đó là một yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá khi đầu tư vào châu Á Thái Bình Dương.

"Bằng cách giữ ổn định hệ sinh thái này, Việt Nam sẽ tiếp tục tạo được uy tín với các nhà đầu tư cũng như khẳng định vị thế dẫn đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài trong dài hạn. Việt Nam đã thiết lập nhiều chính sách thân thiện nhưng điều quan trọng là Chính phủ phải hợp tác với các ngành công nghiệp để tiếp tục đầu tư vào việc nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động, chuyển từ lao động chi phí thấp sang lực lượng lao động có kỹ năng cao", ông Preben Elnef bày tỏ.

Đồng thời, đại diện doanh nghiệp cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng vì đó là xương sống của nền kinh tế. Một quốc gia có mạng lưới giao thông dày đặc và hiệu quả sẽ góp phần vào sự phát triển và tăng trưởng kinh tế xã hội.

Xem thêm
Xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia, chè Việt Nam vẫn cần lưu ý điều gì?

Nhìn chung các thị trường đều yêu cầu ngày càng cao đối với an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Thương hiệu quốc gia Việt Nam 'Vươn mình tiến vào kỷ nguyên Xanh'

Tối 4/11, tại Hà Nội diễn ra Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 với chủ đề ‘Vươn mình tiến vào kỷ nguyên Xanh’.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...