I.
Tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen đã xảy ra từ nhiều năm nay, gần đây ngày càng bùng phát dữ dội. Đáng lưu ý, tín dụng đen không chỉ ở thành thị mà còn tràn về nông thôn, vùng sâu vùng xa, khắp hang cùng ngõ hẻm với các tờ rơi quảng cáo kiểu “alô là có tiền”.
Ảnh minh họa |
Anh Lê Văn Minhở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) từng vướng vào tín dụng đen, cho biết: “Do túng tiền nên khi thấy tờ rơi cho vay trả góp, tôi đã làm thủ tục để vay 20 triệu đồng. Sau đó, một nhân viên đến giải thích, thỏa thuận cách cho vay và nói lãi suất 25%. Tôi đồng ý thì họ tiến hành làm hợp đồng rất nhanh chóng”.
Từ đây anh Minh bắt đầu “lún”. “Đây là sai lầm chết người vì một khi đã vướng vào tín dụng đen thì lãi mẹ đẻ lãi con. Từ đó tôi phải làm nhiều việc để cơ cấu món vay cũng như tính vay tiếp ngân hàng khác để trả nợ ngoài”, anh Minh tâm sự.
Anh Minh chỉ là một trong những trường hợp điển hình. Về phía người dân, có nhiều con đường để họ vướng vào tín dụng đen và khi vướng vào thì khó có thể thoát ra. Một thực tế tại các địa phương cho thấy, hình thức tín dụng đen vẫn còn tồn tại là do sự hấp dẫn bởi mức lãi suất huy động cao. Bên cạnh đó, những người vay cần vốn trong điều kiện nhất định, nhưng họ không đủ điều kiện tiếp cận ngân hàng, buộc họ phải tìm đến tín dụng đen.
Tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi liên hệ với một số điện thoại trên tờ quảng cáo và được người cho vay tên Phương, tư vấn: “Tham gia vay trả góp, người vay thường chịu lãi suất từ 10 - 15%/tháng hoặc có thể cao hơn tùy thuộc vào mức lãi do bên cho vay quy định. Việc hoàn trả vốn được tính thời hạn bằng tháng, trường hợp người vay không hoàn trả đúng thời hạn thì tiền lãi sẽ được cộng lũy kế vào tiền gốc”.
Hiện nay, dọc theo các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã; nhiều ngóc ngách tại các đường quê, ngõ xóm xuất hiện nhan nhản những tờ rơi, mẫu giấy quảng cáo cho vay trả góp với nội dung hấp dẫn như thủ tục đơn giản, giải ngân trong ngày, không thế chap, không phụ phí... Người có nhu cầu vay chỉ cần có các loại giấy tờ như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký xe máy chính chủ.
II.
Hoạt động “tín dụng đen” thường nấp dưới hình thức đăng ký thành lập doanh nghiệp kinh doanh trên một số lĩnh vực, như cầm đồ, mua bán, cho thuê xe ô tô, xe máy nhưng để làm bình phong, thực chất chỉ hoạt động cho vay tiền lãi suất cao. Các đối tượng thường tổ chức hoạt động bảo kê, đòi nợ, đòi nợ thuê trái pháp luật khi người vay tiền không trả đúng hẹn...
Khi cho vay sẽ thỏa thuận bằng miệng về số tiền vay, lãi suất. Sau đó hợp thức hóa bằng giấy mượn tiền không lãi suất hoặc hợp đồng thuê xe ô tô, xe máy… nên gây khó khăn trong công tác phát hiện, điều tra, xử lý.
Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Trịnh Đức Hùng cho biết: “Thời gian qua, công an huyện Phong Điền đã tiến hành rà soát, lập danh sách, thu thập các tài liệu liên quan đến các đối tượng hoạt động tín dụng đen. Qua rà soát, có 98 đối tượng liên quan, trong đó 49 đối tượng cho vay nóng, 25 đối tượng là chủ hụi cho vay nóng, 10 đối tượng đối tượng cầm đồ và cho vay nóng, 14 đối tượng có biểu hiện tham gia đòi nợ trái pháp luật”.
Ngoài ra, Công an huyện Phong Điền phát hiện 02 đối tượng phát tờ rơi liên quan đến việc cho vay tại xã Phong Mỹ (đối tượng Nguyễn Đức Trung, sinh năm 1996, tạm trú tại 234/36 đường Phan Bội Châu, TP Huế và Nguyễn Đắc Hải Anh, sinh năm 1999, tạm trú tại 131 đường Trần Phú, TP Huế, các đối tượng này đều có hộ khẩu thường trú tại quận Đống Đa, TP Hà Nội).
Công an huyện đã lập hồ sơ, hướng dẫn UBND xã Phong Mỹ xử phạt vi phạm hành chính 2 đối tượng về hành vi phát tờ rơi, quảng cáo ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội, số tiền phạt 700.000 đồng.
Công an huyện đã gọi hỏi răn đe, bắt viết cam kết 10 đối tượng cầm đồ và cho vay trên địa bàn huyện không vi phạm pháp luật. Tổ chức giáo dục pháp luật cho 34 đối tượng liên quan đến cho vay, có biểu hiện đòi nợ trái pháp luật. Tổ chức 23 buổi họp dân tuyên truyền pháp luật liên quan đến công tác phòng ngừa tội phạm, đồng thời lồng ghép truyên truyền sâu rộng về thủ đoạn hoạt động, hệ lụy từ việc vay tiền và cách ứng phó của người dân.
Kiên quyết đẩy lùi “tín dụng đen” trên địa bàn, UBND huyện Phong Điền đã chỉ đạo Công an huyện lập hồ sơ nghiệp vụ để quản lý chặt chẽ đối với đối tượng; thường xuyên rà soát các đối tượng liên quan đến "tín dụng đen", trong đó chú trọng các đối tượng bên ngoài đến lưu trú tại địa phương. UBND 16 xã, thị trấn đã phối hợp với Huyện đoàn Phong Điền thông qua “Ngày Chủ nhật xanh” tiến hành dọn dẹp, bóc dỡ các tờ rơi, quảng cáo cho vay không thế chấp trên các bờ tường, cột điện, hàng rào,… |