| Hotline: 0983.970.780

Đẩy lùi bệnh đốm nâu thanh long

Thứ Sáu 22/05/2015 , 06:12 (GMT+7)

Tính đến giữa tháng 5/2015, ở Bình Thuận không có diện tích thanh long bị nhiễm nặng và trung bình bệnh đốm nâu, diện tích nhiễm nhẹ chỉ còn hơn 300 ha, giảm hơn 1.200 ha so với tháng 3.

Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, hiện diện tích thanh long của tỉnh là 24.212 ha, trồng tập trung tại 7/10 huyện, TX, TP. Năm 2014, bệnh đốm nâu đã gây thiệt hại nặng cho người trồng thanh long; trong đó diện tích nhiễm cao nhất từ tháng 8 - 9, lên đến 12.870 ha, chiếm 53,1% diện tích thanh long toàn tỉnh.

Để tiêu diệt nguồn bệnh và hạn chế tối đa sự lây lan của nấm bệnh, Bộ NN-PTNT đã phát động “Tháng hành động phòng chống bệnh hại thanh long” từ ngày 28/11- 31/12/2014 trên địa bàn 3 tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang và Long An...

Trên cơ sở quy trình phòng chống bệnh đốm nâu do Cục BVTV ban hành, UBND tỉnh đã chỉ đạo Chi cục BVTV biên tập và hoàn chỉnh tài liệu, trong đó nêu rõ nguyên nhân, cơ chế lây bệnh, phương thức lây lan, triệu chứng bệnh và các biện pháp phòng trừ… theo hướng tinh gọn, dễ hiểu, đầy đủ để chuyển giao, hướng dẫn cho cán bộ cơ sở và người trồng thanh long. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn cho người dân nắm bắt quy trình phòng chống bệnh.

Trên kết quả kế thừa từ 2 mô hình ủ cành thanh long bằng chế phẩm BIO-ADB được thực hiện tại xã Hàm Hiệp (Hàm Thuận Bắc) và Hàm Minh (Hàm Thuận Nam), tháng 12/2014 Chi cục BVTV tiếp tục xây dựng 4 mô hình nhân rộng với diện tích 20 ha được triển khai tại các xã Hàm Chính (Hàm Thuận Bắc), xã Tân Thuận, Hàm Thạnh (Hàm Thuận Nam), thị trấn Chợ Lầu (Bắc Bình).

Theo đánh giá của bà con trồng thanh long, việc ủ cành thanh long bằng chế phẩm BIO-ADB mang lại hiệu quả cao bởi tiêu diệt được mầm bệnh, vì vậy mô hình này rất được quan tâm.

Điển hình tại huyện Hàm Thuận Bắc, nông dân nhân rộng được 127 điểm, ủ hơn 130 tấn cành (93 điểm ủ bằng chế phẩm Bio-ADB và 34 điểm ủ bằng vôi); huyện Hàm Thuận Nam 51 điểm, ủ hơn 105 tấn cành; huyện Bắc Bình 15 điểm, ủ 30 tấn cành; huyện Tuy Phong tổ chức hướng dẫn cho 40 hộ trồng thanh long ở xã Phú Lạc thu gom, ủ 6 tấn cành; Trạm BVTV TX La Gi cung cấp chế phẩm Bio-ADB cho 100 hộ nông dân ở xã Tân Hải, Tân Tiến và ủ 30 tấn cành.

Ông Phạm Hữu Thủ, Trưởng phòng Nông nghiệp (Sở NN-PTNT Bình Thuận) cho biết, từ khi phát động tháng cao điểm, đến nay toàn tỉnh đã tổ chức vệ sinh vườn thanh long được 8.863 ha; tổ chức 192 lớp tập huấn với 10.678 cán bộ, nông dân tham gia; cấp phát 38.904 tờ rơi; cung ứng 878 gói chế phẩm BIO-ADB và thu gom, tiêu hủy 700 tấn cành, trái thanh long bị bệnh.

Ông Phạm Hữu Thủ đề nghị các địa phương tiếp tục vận động các hộ trồng thanh long thực hiện ủ cành làm phân hữu cơ bằng chế phẩm BIO-ADB. Việc triển khai các biện pháp phòng chống bệnh phải thường xuyên, liên tục và kiên trì để giảm thiểu tối đa dịch bùng phát trong mùa mưa tới.

“UBND các huyện, các xã đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung chỉ đạo của Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh. Kết quả mang lại rất hiệu quả, đầy lùi được bệnh đốm nâu. Nếu như trong tháng 3/2015 diện tích bị bệnh đốm nâu là 1.527 ha, đã giảm 5.051 ha so với tháng 12/2014 thì đến ngày 11/5/2015, diện tích nhiễm nặng và trung bình bệnh đốm nâu không có, diện tích nhiễm nhẹ chỉ còn hơn 300 ha.

Mặt khác nhận thức của chính quyền các cấp ở địa phương và người trồng thanh long đã nâng lên. Công tác vệ sinh vườn, thu gom tàn dư cành, trái tại các nơi công cộng được quan tâm xử lý; nhiều địa phương có cách làm hay trong công tác tuyên truyền như treo băng rôn nơi công cộng, tuyên truyền không những đối với người SX mà cả các cơ sở thu mua, sơ chế thanh long để tiêu hủy nguồn bệnh”, ông Thủ chia sẻ.

Huyện Hàm Thuận Nam nhờ thực hiện các đợt cao điểm phòng chống bệnh đốm nâu nên diện tích thanh long bị bệnh đã giảm xuống còn 100 ha. Ông Đỗ Đình Trung, nông dân xã Hàm Mỹ cho biết, phương pháp cắt tỉa thu gom cành thanh long bị bệnh vào thành đống giữa các hàng, sau đó sử dụng chế phẩm vi sinh Bio ADB và nấm đối kháng Trichoderma bổ sung để ủ diệt bào tử nấm đã giúp vườn thanh long nhà ông sạch bệnh.

“Hiện nay việc xử lý cành, quả bị bệnh để ủ không cần phải lót bạt phía dưới bởi được cơ quan khuyến cáo là không ảnh hưởng, nên nông dân tiết kiệm được chi phí và sau 30 - 45 ngày ủ đống xác cành thanh long phân hủy có thể sử dụng làm phân bón rất tốt”, ông Trung chia sẻ.

Ông Lê Hoàng Anh ở thôn Liêm Bình, xã Hồng Liêm (Hàm Thuận Bắc) cũng cho biết, ông đã áp dụng trên vườn thanh long 2.500 trụ bằng cách cắt tỉa cành bị bệnh, thu gom và đem ủ, phun bổ sung chế phẩm sinh học BIO-ADB vào đống ủ, đến nay bệnh đốm nâu được đẩy lùi. Để xử lý cành và ủ hiệu quả, ông còn quy hoạch phân lô ngay tại vườn; khoảng cách giữa hai lô cách nhau 5 m, nhờ đó việc vận chuyển cành thành đống rất thuận lợi.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.