| Hotline: 0983.970.780

Đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu

Chủ Nhật 05/12/2021 , 16:28 (GMT+7)

Các đơn vị muốn xuất khẩu trái cây số lượng lớn ra thị trường quốc tế thì việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói là điều kiện tiên quyết.  

Muốn xuất khẩu phải có mã số vùng trồng

Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết: Muốn xuất khẩu nông sản đi các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand hay Trung Quốc, việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói là điều kiện tiên quyết.

Các thị trường nhập khẩu hiện không cần đơn vị sản xuất áp dụng VietGAP, GlobalGAP mà yêu cầu kiểm soát mã số vùng trồng và khi đóng gói xuất khẩu không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không được phép sử dụng hoặc vượt quá hạn định. Hiện nay, 63 tỉnh thành đang áp dụng hai tiêu chuẩn 774 và 775 để kiểm soát mã số vùng trồng và đóng gói.

Muốn xuất khẩu nông sản đi các thị trường khó tính, việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói là điều kiện tiên quyết. Ảnh: TL.

Muốn xuất khẩu nông sản đi các thị trường khó tính, việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói là điều kiện tiên quyết. Ảnh: TL.

Riêng với thị trường Trung Quốc, ông Thiệt thông tin: Hiện, có 10 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, hoàn toàn không phải tiểu ngạch như một số thông tin đã nêu. Thời gian tới, Cục BVTV sẽ tiếp tục đàm phán để xuất khẩu khoai lang, bưởi, sầu riêng.

Cũng theo ông Thiệt, nếu không bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, phía Trung Quốc đã sang phối hợp kiểm tra về vùng trồng khoai lang và sầu riêng. Dự kiến cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022, Trung Quốc sẽ áp dụng phương pháp kiểm tra trực tuyến với các loại nông sản trên. Ngoài ra, năm 2022, Trung Quốc có thể sẽ xem xét nhập khẩu chanh leo của Việt Nam.

Bà Trần Thị Bích Trân, đại diện chuỗi trái cây Trân (Cần Thơ) chia sẻ: Hiện nay, để công tác sản xuất, hợp tác tiêu thụ trái cây thuận lợi cần phải giải quyết được 3 vấn đề: Chứng nhận truy xuất nguồn gốc sản phẩm; bao trái đối với đối tượng cần thiết; xây dựng được "người thầy" cho xuất khẩu.

Về chứng nhận truy xuất nguồn gốc sản phẩm, theo bà Trân, đối với thị trường trong nước, hiện nay các siêu thị ngày càng gia tăng thay thế chợ truyền thống. Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp người tiêu dùng không được mua sản phẩm với “giá thật” trong siêu thị vẫn đang diễn ra.

Do đó, nếu có chứng nhận và tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, khách hàng dễ dàng kiểm tra được sản phẩm có thực sự chất lượng. Các doanh nghiệp uy tín sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn.

Đối với vấn đề "người thầy" xuất khẩu, hiện tại, các vấn đề về vốn, đầu tư cơ sở vật chất, pháp lý đều khiến doanh nghiệp tốn nhiều chi phí, nhiều doanh nghiệp đã quá sức. Vì vậy, bà Trân bày tỏ mong muốn, để tháo gỡ việc này cần giải quyết tận gốc vấn đề truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng.

Khi sản phẩm có chứng nhận và tem truy xuất nguồn gốc, khách hàng dễ dàng kiểm tra được sản phẩm có thực sự chất lượng. Các doanh nghiệp uy tín sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn. Ảnh: TL.

Khi sản phẩm có chứng nhận và tem truy xuất nguồn gốc, khách hàng dễ dàng kiểm tra được sản phẩm có thực sự chất lượng. Các doanh nghiệp uy tín sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn. Ảnh: TL.

Ngành nông nghiệp địa phương phải vào cuộc quyết liệt

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết: Muốn xuất khẩu thuận lợi cần phải sản xuất theo tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu. Việc các địa phương hỗ trợ cấp truy xuất nguồn gốc sản phẩm chính là đang tự xây dựng vùng nguyên liệu, tìm ra được những đặc thù của địa phương thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết tiêu thụ.

Do đó, các cơ quan chuyên môn, quản lý ở địa phương cần đồng hành, sát cánh hơn nữa với doanh nghiệp và nông dân trong công tác xây dựng truy xuất nguồn gốc, chứng nhận chất lượng. Đây là trách nhiệm chính của các cơ quan quản lý như Sở NN-PTNT,… trong tư vấn, định hướng cho nông dân, không phải trách nhiệm của doanh nghiệp.

“Ngoài việc xây dựng 'người thầy' cho xuất khẩu, cũng cần xây dựng 'người thầy' cho tiêu thụ nông sản nội địa. Các vùng trồng đã có đầy đủ chứng nhận, song làm thế nào để có thể tiêu thụ thuận lợi thì vai trò của cơ quan quản lý ở địa phương đóng vai trò quyết định”, ông Lê Thanh Tùng nhấn mạnh.

Bà Ngô Tường Vy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chánh Thu (Bến Tre) cho rằng: Khi chất lượng sản phẩm rau quả của Việt Nam được nâng cao thì việc liên kết, tiêu thụ của các doanh nghiệp sẽ giảm được nhiều rủi ro khi bước ra thị trường thế giới.

Với thị trường Trung Quốc, bà Vy nhận định, thị trường này đang thay đổi rất nhiều về vấn đề nhập khẩu. Đây có thể là bước đệm khiến ngành nông nghiệp, các địa phương và doanh nghiệp cùng thay đổi tư duy trong sản xuất và kinh doanh nông sản.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều địa phương vẫn tỏa ra thờ ơ với việc cấp mã số vùng trồng cho cây ăn quả như sầu riêng, để người nông dân tự làm việc với doanh nghiệp. Đây là quan điểm hết sức sai lầm, cần sớm phải thay đổi.

Việc các địa phương hỗ trợ cấp truy xuất nguồn gốc sản phẩm chính là đang tự xây dựng vùng nguyên liệu, tìm ra được những đặc thù của địa phương thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết tiêu thụ. Ảnh: TL.

Việc các địa phương hỗ trợ cấp truy xuất nguồn gốc sản phẩm chính là đang tự xây dựng vùng nguyên liệu, tìm ra được những đặc thù của địa phương thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết tiêu thụ. Ảnh: TL.

“Doanh nghiệp có thể kết nối, thu mua, tiêu thụ nhưng việc định hướng sản xuất phải có sự tham gia của các cơ quan quản lý địa phương. Nếu thay đổi được điều này thì xuất khẩu mới có thể khởi sắc hơn trong thời gian tới”, bà Ngô Tường Vy phân tích.

Ông Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc công ty TNHH nông sản sạch Đại Thuận Thiên (T.P Cần Thơ) cho biết: Theo kinh nghiệm xuất khẩu trái cây của doanh nghiệp, nếu các đơn vị muốn xuất khẩu trái cây số lượng lớn ra thị trường quốc tế, các sản phẩm nông sản cần được sản xuất theo một quy trình đồng nhất. Trong đó, yếu tố tiên quyết mà các thị trường yêu cầu là mã số vùng trồng.

Ông Cung nêu vấn đề, hiện nay người dân cũng như các HTX đang gặp khó khăn trong việc sản xuất một quy trình đồng nhất, các xã viên chưa có liên kết với nhau. Trong khi các doanh nghiệp rất cần những quy mô vùng sản xuất lớn với một quy trình được thống nhất. Đã có trường hợp doanh nghiệp ký cam kết với người dân nhưng khi sản phẩm xuất khẩu sang các nước vẫn bị kiểm tra quy trình sản xuất.

Trên cơ sở đó, ông Cung đề xuất các cơ quan chuyên môn từ Trung ương đến các địa phương cần hướng dẫn, tạo điều kiện để hỗ trợ người dân, HTX thống nhất quy trình sản xuất. Ngoài ra, các HTX cũng cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tới thu mua hơn là cứ tự sản xuất xong tự đi bán.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.