| Hotline: 0983.970.780

Niềm vui với mã số vùng trồng

Thứ Tư 17/11/2021 , 15:29 (GMT+7)

ĐBSCL Việc cấp mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Cấp mã số vùng trồng là mong muốn của bà con nông dân trong sản xuất tập trung. Ảnh: Ngọc Thắng.

Cấp mã số vùng trồng là mong muốn của bà con nông dân trong sản xuất tập trung. Ảnh: Ngọc Thắng.

Giúp truy xuất nguồn gốc đáp ứng yêu cầu thị trường

Ông Huỳnh Mộc Khải, Chủ tịch Hội Nông dân phường Châu Phú B, TP Châu Đốc, An Giang vui mừng cho biết: Lần đầu tiên Tổ hợp tác trồng xoài phường Châu Phú B, TP Châu Đốc được cấp giấy chứng nhận mã số vùng trồng xoài Thái ăn xanh với diện tích 10,3ha và liên kết của 10 nông hộ trong vùng được sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm. Quy trình sản xuất xoài Thái ăn xanh theo chương trình xuất khẩu trái cây sang thị trường khó tính như Nhật Bản, Australia, Mỹ, Hàn Quốc... "Được cấp mã số vùng trồng mong muốn của Tổ hợp tác sẽ có các doanh nghiệp đến liên kết tiêu thụ trong mùa vụ tới", ông Khải nói.

Còn tại TP Cần Thơ, ông Lê Văn Suốt, Giám đốc HTX cây ăn trái Thái Thanh ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ cho biết: HTX tham gia xuất khẩu trái thanh nhãn đi thị trường các nước thông qua hợp đồng mua bán với Công ty Chánh Thu và Công ty Vina T&T. Cụ thể, thanh nhãn của HTX xuất khẩu đi Mỹ năm 2018-2019, Úc và Singapore năm 2020. Dự kiến năm 2022 sẽ xuất sang thị trường Nhật Bản. Sản lượng thanh nhãn xuất khẩu mỗi năm khoảng 30 tấn. Đến nay, hầu hết diện tích vùng trồng nhãn của HTX đã được cấp mã số vùng trồng.

Mã số vùng trồng hiểu nôm na là một chứng nhận mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm thuận lợi cho việc theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm. Đồng thời đảm bảo nông sản đưa vào quá trình lưu thông trên thị trường phải đúng nguồn gốc tại vùng trồng đó.

Giám đốc HTX Lê Văn Suốt cho biết thêm: Khởi đầu từ Tổ hợp tác sản xuất trồng cây ăn trái, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, HTX Thái Thanh được thành lập vào năm 2018. HTX có 20 xã viên, với 120ha trồng cây ăn trái. Nhờ tăng cường liên kết với nhau và với doanh nghiệp theo hướng chất lượng, an toàn và có mã số vùng trồng, mặt hàng thanh nhãn của HTX đã xuất khẩu sang Singapore và các thị trường khó tính như Mỹ và Úc.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết: Đối với việc cung cấp mã số vùng trồng, theo Luật Trồng trọt và Nghị định 94 đã giao cho UBND cấp tỉnh thực hiện. Bộ NN-PTNT là cơ quan hướng dẫn các địa phương cấp. Đến thời điểm này tại TP Cần Thơ đã có 59 mã số vùng trồng gắn với truy xuất nguồn gốc nông sản được cấp cho nông dân tại các HTX, Tổ hợp tác và vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp xuất khẩu. 

Đối với các vùng sản xuất tập trung, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đã có định hướng gắn với Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Xây dựng theo từng vùng sản xuất tập trung quy mô lớn nhỏ khác nhau. Chẳng hạn như chọn lúa là cây chủ lực của địa phương sẽ xây dựng cánh đồng lớn. Còn con cá tra sẽ xây dựng vùng sản xuất tập trung và khu sản xuất con giống chất lượng cao. Ngoài ra, một số đặc sản của các địa phương sẽ xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ cho các sản phẩm OCOP.

Xây dựng mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Ảnh: Ngọc Thắng.

Xây dựng mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Ảnh: Ngọc Thắng.

Tại Đồng Tháp hiện có 39.184 ha diện tích cây ăn trái, trong đó hơn 145 ha xoài, nhãn, cây có múi, thanh long được chứng nhận thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Có 154 mã số vùng trồng với diện tích 6.033 ha. Đối với thị trường Trung Quốc có 94 mã số vùng trồng và 11 cơ sở đóng gói xuất khẩu, chủ yếu là xoài. 

Ông Trần Trí Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Đồng Tháp có thế mạnh với các sản phẩm chủ lực phục vụ xuất khẩu như: Gạo, thủy sản chế biến, trái cây. Trong đó, sản xuất lúa gạo đã áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, một số vùng đã áp dụng công nghệ thông minh vào sản xuất.

Chế biến thủy sản là một trong những ngành hàng chủ lực và có giá trị sản xuất cao. Toàn tỉnh hiện có 22 doanh nghiệp đang hoạt động. Đây là ngành lợi thế của tỉnh đang còn dư địa phát triển, hàng năm cung cấp ra thị trường trên 551.600 tấn thủy sản các loại (cá tra khoảng 460.000 tấn), một số sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong chế biến như dầu cá, collagen từ da cá tra.

Theo ông Quang, việc xây dựng mã số vùng trồng cho lúa, cây ăn trái, rau màu và thủy sản không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định để đáp ứng yêu cầu của các thị trường. Theo đó góp phần làm thay đổi nhận thức và hành động của người dân, doanh nghiệp và cán bộ quản lý tại địa phương. Theo dõi chặt chẽ quá trình sản xuất và có giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành sản xuất, thúc đẩy liên kết, hình thành các chuỗi giá trị bền vững.

Mã số vùng trồng cho nhiều loại cây ăn trái

Theo Cục Bảo vệ thực vật, đến nay cả nước đã có 48/63 tỉnh, thành phố xây dựng được mã số vùng trồng cho các loại cây trồng và hiện đã có tổng cộng 3.624 mã số vùng trồng. Các địa phương đã xây dựng được 2.821 mã số vùng trồng cho 12 loại cây ăn trái. Trong đó xoài và thanh long là hai loại trái cây có số lượng mã số vùng trồng lớn nhất. Đồng thời, các địa phương cũng xây dựng 193 mã số vùng trồng cho các loại rau gia vị, 389 mã số vùng trồng cho cây cảnh, cây hoa xuất khẩu và 11 mã số vùng trồng cho vùng sản xuất hạt giống ớt và cà chua.

Hiện nay, đối với các nước như Mỹ, Úc, Nhật Bản đều đưa ra yêu cầu về mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói đối với nông sản nhập khẩu. Từ năm 2018, Trung Quốc cũng đưa ra yêu cầu các loại nông sản nhập khẩu vào nước họ phải có mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói. Do vậy, các địa phương cũng quan tâm xây dựng mã số cơ sở đóng gói. Hiện ngành chức năng đã cấp 1.826 mã số cơ sở đóng gói cho các tổ chức, cá nhân tại 37 tỉnh, thành phố để đóng gói các loại rau quả tươi xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Mã số vùng trồng là một chứng nhận mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm thuận lợi cho việc theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm. Đồng thời đảm bảo nông sản đưa vào quá trình lưu thông trên thị trường phải đúng nguồn gốc tại vùng trồng đó. Tránh tình trạng trà trộn sản phẩm nơi khác vào vùng trồng đã được cấp mã số.

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Bảo vệ sức khỏe trái tim: Chìa khóa cho cuộc sống khỏe mạnh

Hiện nay, nhiều người chưa thật sự quan tâm đúng mực đến sức khỏe của trái tim, dẫn đến nhiều hệ lụy từ các bệnh lý tim mạch.  

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất