| Hotline: 0983.970.780

Đẩy mạnh liên kết chăn nuôi an toàn, kiểm soát dịch bệnh

Thứ Hai 17/12/2018 , 08:01 (GMT+7)

Mới đây, tại TP Vũng Tàu, diễn ra Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm triển khai dự án: “Xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn có kiểm soát dịch bệnh để hướng tới xuất khẩu”, do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: Trong 3 năm triển khai dự án đã xây dựng được 21 điểm trình diễn tại 8 tỉnh (Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, BR-VT), trong đó 7 điểm trình diễn chăn nuôi lợn và 14 điểm trình diễn chăn nuôi gà theo hướng an toàn kiểm soát dịch bệnh, có 220 hộ tham gia với tổng số 1.378.500 con gia súc gia cầm. Dự án cũng đã công nhận được 134 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, trong đó 38 cơ sở chăn nuôi lợn và 96 cơ sở chăn nuôi gà. Đây cũng chính là những mô hình điểm tham quan học tập về kỹ thuật chăn nuôi cũng như vệ sinh thú y của người chăn nuôi trên địa bàn.

15-09-31_1
Các hộ chăn nuôi tiêu biểu trong dự án. 

Kết quả đến nay dự án đã thành lập mới 21 tổ hợp tác (THT) chăn nuôi, 1 HTX từ các THT chăn nuôi tại huyện Châu Thành (Tây Ninh). Các hộ chăn nuôi trong mô hình liên kết đã được dự án hỗ trợ về kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn và đã được các hộ áp dụng nghiêm ngặt các quy trình phòng chống dịch. Ngoài ra, dự án cũng hỗ trợ một số vật tư gồm vacxin cúm gia cầm, Newcastle, thuốc sát trùng và thuốc trị ký sinh trùng, lấy mẫu xét nghiệm để giám sát dịch bệnh đảm bảo điều kiện được công nhận an toàn dịch bệnh đối với bệnh đăng ký an toàn… Các THT đi vào hoạt động cũng đã giúp các thành viên ổn định chăn nuôi, giảm chi phí đầu vào, tỉ lệ gia súc, gia cầm ốm, bệnh rất thấp.

Sau 3 năm kết quả có nhiều tín hiệu tích cực về quy mô số lượng gia súc gia cầm tham gia mô hình chăn nuôi an toàn gấp 5,5 lần so với quy mô được duyệt; về số cơ sở được công nhận vượt 2 cơ sở so với phê duyệt, 100% các hộ chăn nuôi tham gia mô hình được tiêm phòng dịch bệnh và không xảy ra dịch bệnh, giảm chi phí thức ăn, thuốc thú y. Các khóa tập huấn và công tác tuyên truyền được thực hiện mạnh mẽ.

Ông Trần Văn Phương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Bình Phước chia sẻ: “Trong những năm qua tình hình an toàn dịch bệnh chăn nuôi trên địa bàn tỉnh khá ổn định, tỉ lệ đàn gà chết giảm. Đến nay, đã công nhận được 27 cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh, hầu hết tư tưởng và nhận thức của người chăn nuôi có chuyển biến tích cực”.

15-09-31_2
15-09-31_3
Mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Theo ông Phương, dự án mang lại hiệu quả rất lớn, bà con đã thấy rõ được hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, mang lại sản phẩm tốt phục vụ thị trường trong nước cũng như hướng tới xuất khẩu.

Ông Nguyễn Năng Cường, xã Tân Phú, huyện Tân Châu (Tây Ninh) cho biết: Nhờ dự án triển khai nên nhiều nhóm hộ chăn nuôi đã được hình thành và chia sẻ kinh nghiệm kỹ thuật với nhau; đồng thời còn nhận được hỗ trợ vacxin từ chương trình.

Theo ông Cường, con gà của các tỉnh phía Nam đang trong “bão giá” cuộc chiến hơn thua, ai nhiều vốn thì mạnh vượt qua, còn ít vốn có thể phải giải nghệ. Để đảm bảo tốt đầu ra đề nghị dự án cùng các cơ quan quản lý có khuyến cáo thật sát về dữ liệu, tổng đàn chăn nuôi để giúp bà con tham khảo có được cơ sở triển khai chăn nuôi hiệu quả hơn.

Ông Huỳnh Văn Dũng, thôn Sông Xoài 4, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức (BR-VT) chia sẻ: “Khi được tham gia vào dự án bà con chúng tôi rất phấn khởi, vì nhờ sự hỗ trợ của dự án và địa phương khiến người chăn nuôi phát triển nghề chăn nuôi rất hiệu quả. Tuy nhiên, do thị trường giá cả bấp bênh nên việc chăn nuôi cũng còn gặp nhiều khó khăn”. Theo ông Dũng, gia đình ông có 1.500 con gà, trước kia nuôi theo kinh nghiệm và kỹ thuật của thú y làng xã thì không hiệu quả lắm, nhưng khi tham gia vào dự án được hỗ trợ vacxin, thuốc sát trùng…hiệu quả chăn nuôi thấy rõ rệt, tỉ lệ gà chết rất thấp.

15-09-31_4
15-09-31_5
Tham quan mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Theo báo cáo, đối với các tỉnh phía Nam tất cả các mục tiêu của dự án đều đạt được, số cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh tăng hơn 2 cơ sở được công nhận. Hiệu quả thấy được tỉ lệ hao hụt rất thấp, chi phí thuốc thú y, vacxin và các chi phí khác giảm đáng kể. Qua triển khai các hộ có sự thay đổi rõ rệt, chuyển biến về mặt kỹ thuật, thay đổi về phương pháp và cơ bản đều áp dụng về an toàn sinh học, từ đó sản phẩm vật nuôi cũng được ưa chuộng hơn.

Ngoài ra, dự án cũng góp phần thúc đẩy hình thành các vùng chăn nuôi an toàn, cụ thể tại Bình Phước cũng đang hình thành vùng chăn nuôi an toàn tại huyện Đồng Phú với bệnh cúm gia cầm. Hầu hết các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, vừa và nhỏ ở Đồng Nai cũng đã được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh từ nguồn của dự án cũng như nguồn ngân sách địa phương.

Các tỉnh phía Nam có thuận lợi khi là vùng có diện tích đất đai lớn và các hộ có quy mô lớn theo hướng hàng hóa. Tuy nhiên, vấn đề nhận thức của người dân ban đầu khi triển khai chỉ theo kinh nghiệm riêng, không đồng đều về mô hình, kỹ thuật, nhưng qua các khóa tập huấn đã dần thay đổi các hộ đã hình thành định hướng. Đối với việc thành lập THT, ban đầu họ vẫn có xu hướng tự chủ cá nhân, nhưng khi tham gia dự án đã khắc phục được hạn chế này.

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Văn Hưởng, Chủ nhiệm dự án cho biết: "Đến hết năm 2018, dự án đã kết thúc, chúng tôi sẽ tập hợp để báo cáo kết quả với Bộ NN-PTNT để tiếp tục hỗ trợ xây dựng dự án cho giai đoạn tiếp theo. Từ 2019 - 2021 Bộ đã phê duyệt danh mục dự án triển khai xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn hướng đến xuất khẩu cho các tỉnh trọng điểm Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Nghệ An gắn với những vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất chế biến và xuất khẩu”.

Theo ông Hưởng, đây là dự án thí điểm thúc đẩy việc liên kết giữa người chăn nuôi với các nhà sản xuất, chế biến xuất khẩu. Hiện các tỉnh này cũng đang chủ động triển khai mô hình.

 

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.