Nhiều nút thắt cần được tháo gỡ
Tọa lạc tại "thủ phủ" cà phê của tỉnh Kon Tum, HTX Nông nghiệp Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung (huyện Đăk Hà) có 113 thành viên đang chăm sóc hơn 300 ha cà phê Robusta, thu hoạch bình quân trên 1.000 tấn nhân/năm. Hiện nay, HTX đã hoàn thành được chuỗi sản xuất khép kín từ trồng, chăm sóc, chế biến và tiêu thụ theo quy chuẩn.
Theo đó, HTX đã chăm sóc vườn cà phê theo hướng hữu cơ, được dự án VnSAT hỗ trợ kinh phí lắp đặt hệ thống tưới phun mưa tại gốc. Ngoài ra, các thành viên của HTX đầu tư thêm, đã hoàn thiện được 80 ha, vận hành theo công nghệ số, hiệu quả rất rõ.
HTX cũng đã lắp đặt được trên 2.000 m2 nhà kính sấy thu nhiệt bằng năng lượng mặt trời, đảm bảo được chất lượng của từng sản phẩm.
Về chế biển, HTX đã chế biến ra được 17 dòng sản phẩm từ cà phê nguyên chất như cà phê pha phin, chế biến ra tinh cà phê hòa tan nguyên chất uống liền, cà phê sữa hòa tan thượng hạng, cà phê sữa sầu riêng uống liền và nhiều dòng sản phẩm khác, cơ sở chế biến trên 1.000m2 đạt chứng nhận HACCP, công suất chế biến 2 tấn sản phẩm/ngày.
Về tiêu thụ sản phẩm, HTX đang thực hiện tiêu thụ theo 2 hướng: Truyền thống (các đại lý, siêu thị, nhà phân phối) và bán hàng trên nền tảng số (các sàn thương mại điện tử; website, shopee, lazada... )
Ông Nguyễn Tri Sáu, Giám đốc HTX Sáu Nhung cho biết, những năm qua, HTX gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn vốn, thiếu nhân lực có chuyên môn. Các thành viên của HTX góp vốn tính giá trị chủ yếu bằng vườn cây cà phê, trình độ chuyên môn tiếp cận cách làm mới rất hạn chế.
“Với quy trình sản xuất khép kín theo công nghệ cao, đảm bảo chất lượng sản phẩm cần phải đầu tư đồng bộ từ công nghệ tưới, chăm sóc, công nghệ sau thu hoạch cho đến khâu chế biến, đóng gói bảo quản và tiêu thụ. Đây là vấn đề mà nhiều HTX vẫn còn hạn chế”, ông Sáu chia sẻ.
Cũng theo ông Sáu, dịch bệnh Covid-19 bùng phát cũng đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đầu ra cho sản phẩm của HTX, vì nhiều cửa hàng khắp nơi trên cả nước phải thường xuyên đóng cửa, sản phẩm làm ra không đi giới thiệu được, chuỗi cung ứng bị dứt gãy gây khó khăn cho sản xuất.
Trong những năm qua, HTX Nông nghiệp Công bằng Pô Kô (huyện Đăk Hà) đã được dự án VnSAT hỗ trợ phát triển mô hình cà phê bền vững thông qua công tác tập huấn về canh tác bền vững, truy xuất ngồn gốc sản phẩm…cho gần 100 nông hộ sản xuất.
Hỗ trợ mô hình tưới nước tiết kiệm cho 2 nông hộ với tổng diện tích 4 ha, hỗ trợ một phần kinh phí mua máy móc nhằm nâng cao năng lực sản xuất cà phê chất lượng cao của HTX giúp đẩy mạnh thu mua cà phê giá cao với tổng diện tích khoảng 180 ha. Ngoài ra, VnSAT cũng hỗ trợ một phần kinh phí giúp HTX phát triển website quảng bá sản phẩm.
Bà Phạm Thị Huyền Anh, Chủ tịch HĐQT HTX Pô Kô cho biết, các mô hình tổ chức sản xuất, chế biến, kết nối doanh nghiệp, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị liên kết của các tổ chức nông dân, HTX được dự án VnSAT hỗ trợ khá bền vững. Từ đó, năng lực sản xuất và kinh doanh sản phẩm cà phê của HTX được nâng cao.
Ngoài ra, dự án VnSAT cũng giúp các tổ chức nông dân có cơ hội tiếp cận với nhiều cách nhìn, hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh, qua đó mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng để mở rộng quy mô sản xuất.
Về những khó khăn, vướng mắc, bản thân HTX cũng gặp phải việc chậm giải ngân khoản hỗ trợ từ VnSAT, điều này cũng gây trở ngại trong tiến độ thực hiện các hoạt động sản xuất tham gia dự án. Ngoài ra, nguồn thông tin về các tiểu dự án VnSAT đến với HTX Pô Kô nói riêng cũng như các HTX ở Kon Tum nói chung còn rất hạn chế, ít được cập nhật.
Rất cần dự án VnSAT vào cuộc
Để hướng đến mô hình phát triển cà phê bền vững, ông Nguyễn Tri Sáu đề xuất, Bộ NN-PTNT cần kết hợp với các Bộ ngành có liên quan giúp đỡ các HTX phát triển sản xuất đúng hướng, tập trung vào chế biến sâu. Khi đó, cần đánh giá chất lượng sản phẩm ở từng vùng khác nhau để có các tiêu chí cụ thể.
“Hiện nay, các nhà chế biến cà phê trong nước còn tình trạng lạm dụng hương liệu, nhất là cà phê hòa tan, làm cho người tiêu dùng khó bề lựa chọn. Để lấy lại hình ảnh đẹp, chất lượng đích thực cho hạt cà phê Việt Nam, người tiêu dùng được hưởng chất lượng tinh hoa của cà phê Việt Nam, rất cần sự vào cuộc của Bộ, ngành để kiểm tra, đánh giá, cấp chứng nhận cho các sản phẩm, qua đó giúp các HTX sản xuất chế biến đúng hướng”, ông Sáu chia sẻ.
Theo ông Sáu, cơ quan nhà nước cũng thường xuyên có thông tin hướng dẫn các quy định, quy tắc, cách tiêu dùng của người dân các nước sử dụng sản phẩm cà phê, để các HTX, doanh nghiệp sản xuất đúng quy định, hợp với khách hàng, qua đó, tiêu thụ tốt sản phẩm làm ra.
Riêng đối với dự án VnSAT, ông Sáu mong muốn dự án luôn đồng hành và hỗ trợ HTX về máy móc thiết bị sản xuất, chế biến sâu. Hỗ trợ đầu tư xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm khách hàng phân phối trong nước và xuất khẩu.
Bà Dương Thị Thanh Lương, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án VnSAT Kon Tum cho biết, đến thời điểm này, các tiểu dự án trong hợp phần phát triển cà phê bền vững đã được VnSAT Kon Tum thực hiện đúng tiến độ và kế hoạch đề ra.
Riêng chỉ còn 2 tiểu dự án đường giao thông nội đồng đang trong giai đoạn triển khai xây dựng. Hiện nay đang trong giai đoạn mùa mưa, đồng thời do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ thi công các tuyến đường. Để khắc phục những khó khăn này, VnSAT Kon Tum đã đôn đốc các nhà thầu thi công bổ sung thêm nhân lực để khi thời tiết thuận lợi sẽ đảm bảo thi công đúng tiến độ đề ra.
Trước những khó khăn về thị trường tiêu thụ, VnSAT Kon Tum cũng đã hỗ trợ cho người dân, HTX kết nối với các doanh nghiệp để thu mua sản phẩm không để ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Trang thông tin có sự đồng hành của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT