| Hotline: 0983.970.780

Liên kết sản xuất lúa bền vững từ Dự án VnSAT

Thứ Năm 13/01/2022 , 10:30 (GMT+7)

Thông qua sự hỗ trợ từ Dự án VnSAT, các tổ chức nông dân ở ĐBSCL đã từng bước xây dựng, hình thành chuỗi liên kết sản xuất lúa cho hiệu quả cao.

Chuỗi liên kết giúp nông dân trụ vững giữa Covid-19

Giai đoạn 2010-2015, chi phí đầu vào sản xuất lúa ở ĐBSCL tăng cao đã vượt qua mức tăng giá lúa, lợi nhuận của người trồng lúa ngày càng giảm. Đồng thời, do tập quán sạ dày, lượng giống gieo sạ từ 180 - 200 kg/ha cũng như việc bón phân không cân đối, liên kết tiêu thụ không bền vững, việc phá vỡ hợp đồng ký kết tiêu thụ thường xuyên xảy ra. Đây là những khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo mà các tỉnh trong vùng phải đối mặt.

Trạm bơm điện của Dự án VnSAT hỗ trợ nông dân tại HTX Mỹ Quới (Cái Bè, Tiền Giang). Ảnh: Minh Đảm.

Trạm bơm điện của Dự án VnSAT hỗ trợ nông dân tại HTX Mỹ Quới (Cái Bè, Tiền Giang). Ảnh: Minh Đảm.

Từ năm 2015 đến nay, Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) được triển khai tại các tỉnh, thành phố ở ĐBSCL đã và đang tác động tích cực đến nền sản xuất lúa ở ĐBSCL, thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đồng thời, hướng đến sản xuất bền vững, hiện đại và hiệu quả.

Hiện, công tác chuyển giao khoa học công nghệ sản xuất lúa theo hướng "3 giảm 3 tăng" (3G3T), "1 phải 5 giảm" (1P5G), sản xuất lúa theo hướng VietGAP đã mang lại nhiều tích cực. Trên cơ sở nắm bắt khoa học công nghệ được chuyển giao và phát huy hiệu quả cơ sở hạ tầng được đầu tư từ Dự án, các tổ chức nông dân đã hướng đến sản xuất canh tác lúa bền vững.

Hoạt động liên kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu đầu ra cho nông dân đã hình thành nên chuỗi liên kết sản xuất bền vững, hiệu quả. Điều đó được minh chứng trong năm 2021, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chuỗi liên kết đã phát huy hiệu quả trong việc ổn định sản xuất lúa của nông dân.

Dự án VnSAT đặt mục tiêu đào tạo kỹ thuật 3G3T cho nông dân vùng dự án với diện tích 150.000 ha; với quy trình 1P5G là 75.000 ha. Qua đánh giá, các mục tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch ban đầu. Tiêu biểu đến cuối năm 2020, các tỉnh ĐBSCL đã đào tạo quy tình 1P5G cho 88.914 nông dân, với diện tích 125.718 ha. Qua đánh giá, có khoảng 71% diện tích được đào tạo áp dụng đủ các tiêu chí của quy trình 1P5G, tương đương diện tích khoảng 88.712 ha, đạt 120%.

Tiền Giang đạt 112% mục tiêu diện tích lúa sản xuất bền vững

Tại Tiền Giang, ngay từ đầu, công tác đào tạo được tập trung triển khai. Đến nay, đã thực hiện 855 lớp đào tạo 3G3T và 476 lớp đào tạo 1P5G, 42 lớp chuyên đề về quản lý và phát triển HTX, đào tạo sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP…

Theo Ban quản lý Dự án VnSAT tỉnh Tiền Giang, tỷ lệ áp dụng 3G3T sau đào tạo của Tiền Giang là 92,7% về số hộ và 93,3% về diện tích. Tỷ lệ hộ áp dụng 1P5G sau đào tạo là 97,5% về số hộ và 98,8% về diện tích.

Ông Phan Văn Ngọc, Phó Giám đốc HTX Mỹ Quới cho biết: HTX đang liên kết với Công ty Phước Lộc Thiên Hộ bao tiêu lúa hàng hoá cho bà con nông dân. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Phan Văn Ngọc, Phó Giám đốc HTX Mỹ Quới cho biết: HTX đang liên kết với Công ty Phước Lộc Thiên Hộ bao tiêu lúa hàng hoá cho bà con nông dân. Ảnh: Minh Đảm.

Dự án đã hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất với doanh nghiệp, làm cơ sở cho sản xuất lúa gạo bền vững. Đã có 16 tổ chức nông dân, HTX tham gia liên kết tiêu thụ lúa trong cánh đồng lớn với diện tích 8.389 ha lúa được ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Quới (xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) là một trong những HTX được hỗ trợ từ Dự án VnSAT, được đầu tư trạm bơm điện phục vụ khoảng 450 ha lúa, nhà kho chứa lúa. Hiện HTX có diện tích sản xuất lúa 570 ha, trong đó mỗi vụ có từ 200 – 400 ha được Công ty Phước Lộc Thiên Hộ ký kết bao tiêu. Số diện tích còn lại, HTX ký kết bao tiêu với các doanh nghiệp, thương nhân khác.

Theo Ban Quản lý Dự án VnSAT tỉnh Tiền Giang, diện tích áp dụng quy trình canh tác bền vững là 17.847 ha/16.000 ha, đạt 112% so mục tiêu cuối kỳ của dự án.

Ông Phan Văn Ngọc, Phó Giám đốc HTX Mỹ Quới cho biết: “Có vụ, Công ty Thiên Hộ bao tiêu 200 ha, có vụ 300 ha. Công ty bao tiêu theo giá thị trường, trước thu hoạch 15 ngày thì Công ty và HTX chốt giá. Giá cao hơn thị trường từ 50 - 100 đồng/kg”.

Năm 2020, HTX Mỹ Quới đã xây dựng phương án liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa, được UBND huyện Cái Bè phê duyệt thực hiện trong 3 năm, với diện tích 100 ha theo hướng VietGAP.

Việc liên kết sản xuất, tiêu thụ đã giúp lợi nhuận của thành viên khi áp dụng mô hình mới so với sản xuất lúa truyền thống cao hơn từ 800 - 1.000 đồng/kg đối với giống chất lượng cao và từ 500 - 700 đồng/kg đối với các giống khác. 

HTX Mỹ Trung (huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang) cũng là đơn vị có bao tiêu lúa giống sản xuất cho nông dân. Ảnh: Minh Đảm.

HTX Mỹ Trung (huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang) cũng là đơn vị có bao tiêu lúa giống sản xuất cho nông dân. Ảnh: Minh Đảm.

Mang lại lợi ích cộng đồng rất lớn

Tại tỉnh Long An, từ năm 2015 đến nay, Dự án VnSAT được triển khai thực hiện tại địa bàn 23 xã của 5 huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười. Tổng diện tích vùng dự án gần 49.600 ha với 25.140 hộ tham gia.

Theo Ban Quản lý Dự án VnSAT tỉnh Long An: Dự án đã tập trung tập huấn về công nghệ canh tác lúa bền vững, ưu tiên cho các thành viên HTX. Từng bước thay đổi hành vi và tập quán sản xuất của nông dân, góp phần xây dựng vùng nguyên liệu hàng hóa cho các HTX. Kết quả, đã tập huấn tổng cộng cho gần 5.000 hộ về quy trình sản xuất theo 3G3T và trên 4.500 hộ về quy trình sản xuất theo 1P5G.

Sau khi tham gia tập huấn, các thành viên, hộ hưởng lợi đã từng bước áp dụng công nghệ canh tác lúa bền vững. Vụ đông xuân 2020 - 2021, tỷ lệ diện tích áp dụng thành công quy trình sản xuất lúa theo 3G3T đạt từ 90 - 100% có 5 HTX; từ 80 - 89% có 8 HTX; từ 50 - 79% có 10 HTX. Tỷ lệ diện tích áp dụng thành công quy trình sản xuất lúa theo 1P5G đạt từ 90 - 100% có 4 HTX; từ 80 - 89% có 3 HTX; từ 50 - 79% có 16 HTX.

Theo ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An: Sau thời gian triển khai Dự án, nông dân áp dụng tốt hơn các kỹ thuật tiên tiến trong canh tác lúa. Nhiều danh mục hạ tầng, trang thiết bị được đầu tư, phục vụ sản xuất và dân sinh.

Dự án VnSAT tại Long An đã góp phần triển khai, thực hiện tốt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua tăng cường năng lực thể chế của ngành, đổi mới phương thức quản lý canh tác bền vững, nâng cao chuỗi giá trị cho ngành lúa gạo, tăng thu nhập cho nông dân và giảm tác động tiêu cực tới môi trường từ thâm canh lúa.

Ông Trương Hữu Trí, Giám đốc HTX Gò Gòn giới thiệu Trạm bơm điện do Dự án VnSAT hỗ trợ bà con nông dân. Ảnh: TL.

Ông Trương Hữu Trí, Giám đốc HTX Gò Gòn giới thiệu Trạm bơm điện do Dự án VnSAT hỗ trợ bà con nông dân. Ảnh: TL.

Nhằm hỗ trợ liên kết tiêu thụ giữa các HTX với các doanh nghiệp, Dự án đã phối hợp với các đơn vị thuộc Sở NN-PTNT lồng ghép vào các chương trình dự án của ngành, đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết giá trị lúa gạo, xây dựng thương hiệu…

Dự án đã hỗ trợ HTX Gò Gòn (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) tham gia chuỗi liên kết giá trị lúa gạo, thương hiệu của Ban Quản lý dự án VnSAT Trung ương. Cùng với đó là 8 HTX tham gia dự án liên kết chuỗi giá trị lúa gạo của tỉnh và 7 HTX xây dựng nhãn hiệu. Ngoài ra, Dự án còn hỗ trợ 9 HTX tham gia sản xuất lúa giống có hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp. Diện tích hợp đồng bao tiêu lúa toàn vùng Dự án vụ hè thu 2021 là 6.848 ha. Trong đó, trong HTX là 4.151 ha, ngoài HTX là 2.697 ha.

Ông Trương Hữu Trí, Giám đốc HTX Nông Nghiệp Gò Gòn cho hay: Dự án đã mang lại lợi ích cộng đồng rất lớn, hiệu quả rất cao, nhất là nhờ khâu liên kết chuỗi. Ngoài dự án VnSAT, HTX thực hiện sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, toàn bộ diện tích 380 ha sản xuất lúa của HTX Gò Gòn thực hiện liên kết sản xuất quanh năm.

“Tại HTX Gò Gòn đã có quy hoạch vùng trồng, xây dựng thương hiệu, chất lượng. Việc liên kết đầu vào, đầu ra cho thành viên mỗi vụ, mỗi năm đều rất rõ ràng. Riêng sản phẩm gạo gốc tím của HTX được Dự án VnSAT Trung ương hỗ trợ xây dựng thương hiệu, phát triển ổn định”, ông Trương Hữu Trí chia sẻ.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Ban Quản lý Dự án VnSAT tỉnh Long An sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, hỗ trợ phát triển các tổ chức nông dân, HTX đạt tiêu chí Dự án để phát triển kinh tế tập thể. Bên cạnh đó, triển khai nhanh và sớm hoàn thành các tiểu Dự án cũng như tiếp tục vận động nông dân tham gia các tổ hợp tác, HTX để xây dựng mô hình sản xuất, cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm.

Xem thêm
Cái bắt tay lịch sử giữa De Heus, Hùng Nhơn và Olmix

HÀ NỘI Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, cái bắt tay lịch sử giữa De Heus, Hùng Nhơn và Olmix minh chứng cho câu chuyện hợp tác 'muốn đi xa phải đi cùng nhau'.

Gà đồi Phú Bình nức tiếng nhờ chăn nuôi an toàn sinh học

THÁI NGUYÊN Nhắc đến gà đồi Phú Bình là nhắc đến thương hiệu gà đẹp mã, khỏe mạnh, thịt rắn chắc, thơm ngon, trứng có tỷ lệ lòng đỏ cao.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.

Bình luận mới nhất