Tiếp tục thúc đẩy các chuỗi giá trị lúa gạo, cà phê
Đối với lúa gạo tại ĐBSCL, dự án VnSAT đã đã thiết kế và hoàn thiện được hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ với sản phẩm gạo VnSAT. Đến nay đã có 2 sản phẩm gạo ST24 và Đài thơm 8 của HTX Tiến Cường tỉnh Đồng Tháp được sản xuất, chế biến, phân phối theo chuỗi của dự án VnSAT, đạt giải TOP 10 thương hiệu – nhãn hiệu độc quyền uy tín năm 2019 do Cục Sở hữu trí tuệ và Hội chống hàng giả, Bảo vệ thương hiệu TP Hà Nội tổ chức. Gạo ST được tiêu thụ tại thành phố Hà Nội với sản lượng khoảng 50 tấn/tháng.
Đối với cà phê, dự án đã sàng lọc, lựa chọn các HTX tiêu biểu để hỗ trợ chuyên sâu các hoạt động như đào tạo chuyên sâu về thị trường, xây dựng thương hiệu và cấp mã QrCode truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho 30 HTX; 22 HTX được ký kết hợp đồng bao tiêu ổn định với doanh nghiệp; 5 HTX được trang bị đầy đủ năng lực để tham gia chuỗi giá trị cà phê thương hiệu bao gồm: Đào tạo đội ngũ nhân lực quản lý, nâng cao năng lực sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng và máy móc trang thiết bị, xây dựng website, hồ sơ năng lực, Poster, bao bì sản phẩm, phim quảng bá và hỗ trợ chương trình truyền thông quảng bá thương hiệu, xúc tiến liên kết chuỗi, tổng diện tích cà phê được bao tiêu hơn 5.000 ha.
Trong giai đoạn gia hạn dự án đến tháng 6/2022, Bộ NN-PTNT đã đồng ý bố trí nguồn vốn đối ứng để thực hiện, VnSAT Trung ương đã tuyển chọn và ký hợp đồng với tư vấn liên kết chuỗi cà phê cảnh quan để xây dựng thương hiệu nông sản và tổ chức kinh doanh để tư vấn, kết nối hình thành nên các chuỗi giá trị cho các tổ chức nông dân/HTX và truyền thông quảng bá kết quả này để nhân rộng hiệu quả tác động đối với các vùng cà phê cảnh quan khác.
Đến nay, tổng diện tích canh tác lúa gạo và cà phê trong vùng Dự án tại các tỉnh được bao tiêu với các doanh nghiệp nông nghiệp liên tục tăng lên qua các lần đánh giá. Đối với lúa gạo, vụ hè thu 2021 đã có 61.372 ha lúa có hợp đồng bao tiêu, đối với cà phê niên vụ 2020 - 2021 đã có 13.783 ha có hợp đồng bao tiêu.
Ban Quản lý (BQL) Dự án VnSAT Trung ương đề nghị các tỉnh, thành phố tham gia dự án tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị lúa gạo và cà phê để phát triển ngành hàng lúa gạo và cà phê bền vững.
Từ đầu năm 2021 hợp phần tín dụng chỉ còn giải ngân vốn từ quỹ quay vòng. Số tiền giải ngân quỹ quay vòng trong 10 tháng đầu năm 2021 đạt 80,27 tỷ đồng, theo đó số tiền giải ngân lũy kế từ quỹ quay vòng đến nay đạt 265,47 tỷ đồng.
Trong khi đó, đối với vốn phi tín dụng, từ đầu năm đến tháng 11/2021, 13 tỉnh, hợp phần A, Ban quản lý TW đã giải ngân tổng số 377 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng là 126 tỷ đồng, đạt 51% vốn kế hoạch năm, vốn IDA giải ngân là 250,6 tỷ đồng đạt 31% kế hoạch năm. Chia theo tính chất vốn: Vốn tín dụng IDA là 2.414 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch); vốn IDA phi tín dụng là 1.592 tỷ đồng (đạt 59% kế hoạch).
Đẩy nhanh thực hiện các tiểu dự án
Đối với các tiểu dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cho tổ chức nông dân/HTX, các hoạt động đầu tư xây lắp trong Dự án đều không yêu cầu thu hồi đất. Số tiểu dự án được phê duyệt danh mục đợt 1, đợt 2 và đợt 3 của 13 tỉnh là 133 tiểu dự án.
Tất cả các tiểu dự án này đã thực hiện đầy đủ các thủ tục về báo cáo giải phóng mặt bằng. Trong quá trình thi công, các tiểu dự án nhóm chính sách an toàn của BQL Dự án VnSAT Trung ương đã phối hợp với các BQL Dự án VnSAT địa phương thực hiện giám sát để các tiểu dự án đều đảm bảo tuần thủ thực hiện các chính sách an toàn xã hội của dự án.
Về các tiểu dự án đầu tư cơ sở hạ tầng giai đoạn gia hạn dự án, VnSAT Trung ương đã phối hợp cùng các BQL VnSAT địa phương thực hiện các đợt thực địa sàng lọc các điều kiện về chính sách an toàn môi trường - xã hội của tiểu dự án đã nộp báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Trên cơ sở kết quả thực địa BQL VnSAt địa phương đã góp ý, bổ sung đảm bảo các hồ sơ đáp ứng yêu cầu về chính sách an toàn môi trường - xã hội phù với Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam.
Tiến độ thực hiện đến đầu tháng 11/2021 trong 113 tiểu dự án được đầu tư, các tỉnh đã gửi BQL dự án Trung ương xin góp ý 113 tiểu dự án, sau khi được góp ý, VnSAT địa phương đã gửi 113 tiểu dự án.
"Dự án VnSAT tỉnh An Giang được thực hiện tại 5 huyện, 45 xã, với tổng số hộ tham gia 26.018 hộ, trên diện tích 38.602 ha. Dự án VnSAT An Giang đã được WB hỗ trợ thực hiện, đã mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con nông dân trồng lúa. Ban Quản lý Dự án VnSAT đã truyền đạt những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác lúa như “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm”, tưới tiết kiệm nước… giúp nông dân tiết giảm đầu tư phân bón và thuốc BVTV mà năng suất vẫn tăng lên, giúp cuối vụ đạt năng suất cao như kỳ vọng".
(Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án VnSAT An Giang).
Tập trung hoàn thành các hoạt động trước tháng 30/6/2022
BQL Dự án VnSAT Trung ương cho hay, sẽ tập trung phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) và làm việc với các Bộ, ngành liên quan về nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư, phấn đấu đến 30/11/2021 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; điều phối và hỗ trợ các hoạt động toàn dự án liên quan đến kế hoạch, mua sắm đấu thầu, quản lý tài chính, các chính sách an toàn; cơ sở hạ tầng, giám sát đánh giá. Hoàn thành thi công 2 tiểu dự án hỗ trợ vườn ươm do VnSAT địa phương làm chủ đầu tư, 2 gói thầu tư vấn chuỗi và truyền thông.
Đối với hợp phần A, sẽ tập trung thực triển khai đánh giá lần cuối về chất lượng dịch vụ công trong nông nghiệp, nhằm đánh giá mức độ cải thiện chất lượng dịch vụ công của 4 đơn vị thuộc Bộ và 10 tỉnh được chọn; hỗ trợ một số hội nghị, hội thảo, tập huấn nhằm phổ biến về kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới và tiếp tục xây dựng và triển khai hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật, chủ trương chính sách phục vụ cho việc triển khai kế hoạch cơ cấu lại ngành và các tiểu ngành.
Theo BQL Dự án VnSAT Trung ương, đối với các tỉnh tham gia dự án VnSAT, sẽ tiếp tục tổ chức đào tạo tập huấn quy trình canh tác bền vững trên cây lúa và cây cà phê để đảm bảo sự bền vững của các mục tiêu về áp dụng quy trình canh tác bền vững trong dự án (bố trí vốn đối ứng); triển khai công tác tập huấn quản lý, sử dụng, vận hành bảo trì cho đơn vị hưởng lợi; đẩy mạnh phát triển liên kết chuỗi giá trị, quảng bá thương hiệu, phát huy nhân rộng các thành công của dự án; giải ngân vốn xây lắp công trình, tổ chức thi công hoàn thành trước 30/6/2022.
Ông Phan Hoàng Lâm, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Búk (Đăk Lăk) cho biết: Dự án VnSAT đã giúp địa phương định hình được mô hình cà phê bền vững. Dự án giúp nâng cáo giá trị sản phẩm cà phê của địa phương. Các loại cà phê tái canh đa số là giống mới, cộng với việc người dân được tập huấn khoa học kỹ thuật nên vườn cây được đầu tư bài bản.
Các địa phương cần tiếp tục quyết liệt thực hiện
Để hoàn thành tất cả các hoạt động, BQL Dự án VnSAT Trung ương đề nghị Sở NN-PTNT/BQL Dự án VnSAT các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý hợp đồng, hướng dẫn nhà thầu xây dựng biện pháp thi công phù hợp với điều kiện thi công trong mùa mưa và dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Tăng cường sự phối hợp giữa chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu và địa phương trong công tác bàn giao mặt bằng, xây dựng tiến độ chi tiết đối với từng tiểu dự án và có giải pháp thi công phù hợp với thực tế.
Một số tỉnh còn lại đẩy nhanh công tác trao thầu gồm: Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Sóc Trăng; tiếp tục hỗ trợ các tổ chức nông dân/HTX về nâng cao năng lực, xây dựng chuỗi giá trị sản xuất và bao tiêu sản phẩm, sử dụng hiệu quả trang thiết bị, cơ sở hạ tầng mà dự án đã hỗ trợ, nâng cao hiệu quả đầu tư.
Đối với tỉnh Kiên Giang, sớm hoàn thành thủ tục để thi công đối với 3 tiểu dự án còn dang dở ở giai đoạn 1; các tỉnh, thành phố tổ chức kiểm tra, giám sát tiến độ và chất lượng các tiểu dự án đầu tư công đảm bảo hoàn thành trước ngày 30/6/2022 theo quy định.
Bên cạnh đó, BQL Dự án VnSAT Trung ương đề nghị đẩy nhanh rà soát, trình cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh báo cáo kinh tế kỹ thuật và triển khai phần khối lượng bổ sung tại các tiểu dự án đầu tư công đang thực hiện; đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét, trình điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án (chủ yếu là điều chỉnh nguồn vốn).