| Hotline: 0983.970.780

Đẩy nhanh ứng dụng công cụ SMART để bảo vệ tài nguyên rừng

Thứ Hai 11/12/2023 , 17:33 (GMT+7)

Công cụ SMART đã hỗ trợ đắc lực cho các chủ rừng trong việc quản lý, giám sát công tác quản lý bảo vệ rừng và giám sát đa dạng sinh học.

Tại Việt Nam, công cụ quản lý và báo cáo tuần tra (SMART) được áp dụng từ rất sớm tại một số khu bảo tồn với sự hỗ trợ của các dự án quốc tế. Với các chức năng ưu việt, đến nay công cụ SMART đã được triển khai áp dụng tại hơn 40 khu rừng đặc dụng và phòng hộ tại Việt Nam.

Để triển khai đồng bộ SMART tại các khu rừng đặc dụng, phòng hộ, Cục Lâm nghiệp đã có văn bản số 249/LN/ĐDPH ngày 19/6/2023 về việc triển khai bộ công cụ SMART, trong đó thống nhất áp dụng mô hình dữ liệu dùng chung và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các bên liên quan.

Tại khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung (Đắk Nông) đã mở các lớp tập huấn ứng dụng công cụ SMART vào tuần tra, bảo vệ rừng. Theo đó, các học viên được hướng dẫn cách thiết lập các hoạt động tuần tra, thu thập và quản lý dữ liệu tuần tra, cũng như xây dựng các báo cáo trên hệ thống thông qua dữ liệu thu thập từ bộ công cụ SMART.

Ngoài ra, các học viên tham gia còn trực tiếp được hướng dẫn thực hành việc quản lý dữ liệu, xây dựng báo cáo trên mô hình dữ liệu mẫu; cách cài đặt và sử dụng phần mềm SMART trên nền tảng máy tính bàn và điện thoại thông minh; cách vận hành, quản lý dữ liệu, xử lý các lỗi kỹ thuật, khai thác dữ liệu với các phiên bản SMART mới để phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ rừng, giám sát đa dạng sinh học tại đơn vị.

Các cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia Chư Yang Sin trao đổi về ứng dụng công cụ SMART vào nhiệm vụ. Ảnh: Quang Yên.

Các cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia Chư Yang Sin trao đổi về ứng dụng công cụ SMART vào nhiệm vụ. Ảnh: Quang Yên.

Theo các kiểm lâm, trước đây trong quá trình tuần tra, khi phát hiện vụ việc xâm hại rừng, tác động đa dạng sinh học khu bảo tồn thì tổ tuần tra phải thực hiện các công đoạn bằng thủ công, ghi chép các số liệu bằng giấy viết tay, thậm chí nhiều lúc gặp mưa lớn các tài liệu còn bị ướt, làm hư hỏng. Việc này gây khó khăn cho lực lượng thực thi nhiệm vụ, chưa kể các số liệu khi lưu trữ, lập báo cáo cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, khi triển khai áp dụng bộ công cụ SMART vào việc quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra thì thuận lợi hơn rất nhiều.

Hiên nay, cán bộ nếu khi tuần tra phát hiện vụ việc xâm hại rừng sẽ cập nhật lên bản đồ của cơ sở dữ liệu và bản đồ trên điện thoại thông minh các thông tin về số lượng thành viên tổ tuần tra, tuyến đường đi, vị trí của tổ tuần tra trong quá trình di chuyển.

Cũng trong quá trình này nếu phát hiện hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng thì trong cơ sở dữ liệu sẽ tổng hợp chung tất cả các hành vi, đối tượng tác động, phạm vi tác động, mức độ thiệt hại… Kết thúc tuần tra, tổ công tác chỉ cần bấm lưu là toàn bộ dữ liệu sẽ được lưu trữ thành một tập tin, sau đó gửi về phòng kỹ thuật xuất ra trở thành một báo cáo hoàn chỉnh.

Ưu điểm của bộ công cụ SMART là số liệu chính xác, không thể chỉnh sửa, có thể xuất tư liệu bất cứ lúc nào, ban lãnh đạo ở tại đơn vị cũng có thể giám sát được quá trình tuần tra một cách chính xác.

Theo lãnh đạo Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, bộ công cụ SMART đã được áp dụng, triển khai tại nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn và các đơn vị chủ rừng. SMART là công cụ hữu hiệu, hỗ trợ đắc lực cho chủ rừng trong việc quản lý, giám sát công tác quản lý bảo vệ rừng và giám sát đa dạng sinh học để xây dựng các kế hoạch tuần tra, kiểm soát tài nguyên rừng và đa dạng sinh học tại đơn vị ngày càng tốt hơn.

Công cụ SMART được cài đặt trên điện thoại của cán bộ kiểm lâm giúp cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng thuận lợi hơn. Ảnh: Quang Yên.

Công cụ SMART được cài đặt trên điện thoại của cán bộ kiểm lâm giúp cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng thuận lợi hơn. Ảnh: Quang Yên.

Đặc biệt trong thời đại 4.0 thì việc áp dụng bộ công cụ SMART vào công tác quản lý, bảo vệ rừng sẽ đem lại hiệu quả hơn gấp nhiều lần so với phương pháp truyền thống.

Cụ thể, thuận tiện hơn cho lãnh đạo đơn vị trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng để từ đó có các biện pháp điều hành, chỉ đạo, nâng cao năng lực quản lý của đơn vị; kịp thời xây dựng kế hoạch ngăn chặn các nguy cơ xâm hại đến tài nguyên rừng; đề ra các chương trình, dự án để phục vụ cho nhiệm vụ bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học tại đơn vị, đồng thời giải quyết được bất cập trong việc lưu trữ hồ sơ trước đây, có thể kết nối đồng bộ dữ liệu thông qua hệ thống công nghệ, tạo sự minh bạch và khách quan đối với hoạt động toàn đơn vị.

Theo Cục Lâm nghiệp, hiện nay các chủ rừng đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đa dạng sinh học thường xuyên, liên tục, nhằm đề xuất các giải pháp phát triển sinh vật bảo tồn đa dạng di truyền; đa dạng loài và hệ sinh thái, đến nay đã có hơn 40 khu rừng đặc dụng, phòng hộ ứng dụng bộ công cụ SMART trong tuần tra bảo vệ rừng, giám sát đa dạng sinh học. 

Trong thời gian tới, Cục Lâm nghiệp tiếp tục chỉ đạo và hỗ trợ các Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ triển khai áp dụng phần mềm SMART, đặt bẫy ảnh để quản lý thông tin tuần tra rừng và giám sát đa dạng sinh học. 

Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, hiện nay công tác cải cách hành chính, thực hiện các dịch vụ công cũng như ứng dụng công nghệ chuyển đổi số ngành lâm nghiệp từ trung ương đến địa phương đang hoàn thiện, ứng dụng dịch vụ công ở mức độ cao nhất.

Đặc biệt một trong những ưu điểm của ngành lâm nghiệp là chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu với trên 14 triệu ha rừng đã được số hóa trên bản đồ. Hiện nay sử dụng công nghệ hiện đại như ảnh vệ tinh các thiết bị phần mềm để theo dõi, cập nhật hàng năm.

“Trên nền cơ sở dữ liệu này sẽ đánh giá, thực hiện các chương trình trồng rừng, bảo vệ, khôi phục rừng. Đặc biệt là đánh giá việc tăng trữ lượng rừng hàng năm để phục vụ cho mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững”, ông Bảo nói.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.