| Hotline: 0983.970.780

Công nghệ viễn thám làm 'tai mắt' quản lý, bảo vệ rừng

Thứ Hai 03/07/2023 , 06:44 (GMT+7)

BÌNH THUẬN Thời gian qua, nhờ ứng dụng công nghệ viễn thám, tỉnh Bình Thuận đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời nhiều vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng phức tạp, ở nơi khó phát hiện.

Áp lực giữ rừng

Theo Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trong quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh này hơn 350.000ha. Điều đáng nói, diện tích rừng tự nhiên hơn 272.000ha của tỉnh Bình Thuận có vùng giáp ranh với các tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng với chiều dài hơn 200km.

Mặt khác, đa phần rừng tự nhiên thuộc kiểu rừng khộp, rụng lá vào mùa khô nằm phân bố ở vùng đồi núi cao, độ dốc lớn, địa thế hiểm trở nên gây nhiều khó khăn trong tổ chức quản lý, bảo vệ và tiếp cận đám cháy, tổ chức chữa cháy rừng khi xảy ra.

Bình Thuận đang áp dụng nhiều giải pháp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: Kim Sơ.

Bình Thuận đang áp dụng nhiều giải pháp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: Kim Sơ.

Ông Hồ Thiện Đang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận cho biết thêm, nhiều nơi rừng, đất rừng trên địa bàn tỉnh xen kẽ đất sản xuất nông nghiệp; khu dân cư, các tuyến giao thông đường bộ đi qua. Đây là những khu vực nhạy cảm về giá đất nên kích thích người dân phá rừng, lấn chiếm sử dụng, sang nhượng trái phép.

Trong khi đó, đối tượng phá rừng hiện nay có nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi như tác động, chặt phá vào ban đêm, thực hiện từng cụm diện tích nhỏ dưới mức điều tra khởi tố hình sự nhưng sau một thời gian thì kết nối thành diện tích lớn hoặc lấn ranh từ nương rẫy cũ…

Điều này đã làm gia tăng áp lực cho lực lượng quản lý, bảo vệ rừng phải tổ chức tuần tra rừng liên tục. Trong khi lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, kiểm lâm địa bàn không đủ điều kiện để thực hiện do địa bàn quản lý rộng, lực lượng còn mỏng so yêu cầu do tình trạng nghỉ việc ngày càng nhiều.

Trước tình hình trên, Tỉnh ủy Bình Thuận đã có chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ viễn thám trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Sở NN- PTNT Bình Thuận cũng đã đề xuất phương án “Xây dựng phần mềm quản lý, giám sát, cảnh báo mất rừng bằng ảnh vệ tinh phục vụ công tác quản lý tài nguyên rừng bền vững tỉnh Bình Thuận”.

Cơ quan chức năng đo đếm hiện trường một vụ phá rừng ở Bình Thuận. Ảnh: Kim Sơ.

Cơ quan chức năng đo đếm hiện trường một vụ phá rừng ở Bình Thuận. Ảnh: Kim Sơ.

Từ năm 2019, UBND tỉnh Bình Thuận đã nghe Sở NN- PTNT báo cáo đề xuất phương án sử dụng phần mềm phát hiện mất rừng và quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh Bình Thuận giao Sở NN-PTNT làm việc trực tiếp với Tổng Cục Lâm nghiệp (nay là Cục Lâm nghiệp) và các tỉnh như Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế… đã áp dụng các phần mềm quản lý ứng dụng công nghệ viễn thám để quản lý, bảo vệ rừng nhằm trao đổi, tìm hiểu, tham khảo việc triển khai thực hiện, đánh giá hiệu quả và những bất cập cần khắc phục khi triển khai áp dụng tại tỉnh.

Từ tháng 7/2019 - 1/2020, trên cơ sở kết quả tham quan, học tập kinh nghiệm, lấy ý kiến góp ý của Cục Kiểm lâm và các sở ban ngành có liên quan, Sở NN-PTNT đã hoàn thiện đề xuất dự án “Ứng dụng công nghệ viễn thám sử dụng ảnh vệ tinh phục vụ công tác quản lý, giám sát tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận” và được UBND tỉnh thống nhất chủ trương xây dựng, chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2021 cho đến nay.

Hiệu quả rõ rệt

Ban Quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong (Bắc Bình, Bình Thuận) hiện đang quản lý hơn 15.300ha, trong đó có hơn 9.400ha rừng tự nhiên và gần 4.300ha rừng trồng.

Lực lượng bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong cập nhập thông tin trên phần mềm để kiểm tra thông tin cảnh báo mất rừng. Ảnh: Kim Sơ.

Lực lượng bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong cập nhập thông tin trên phần mềm để kiểm tra thông tin cảnh báo mất rừng. Ảnh: Kim Sơ.

Từ tháng 3/2021, khi ứng dụng công nghệ viễn thám, đơn vị này đã quản lý được diện tích rừng từ xa, nắm được về tình hình mất rừng để kịp thời chỉ đạo kiểm tra, xác minh các điểm cảnh báo mất rừng trên địa bàn quản lý.

Ông Lê Châu Thành, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong cho biết, hiện hàng tuần, hàng tháng, đơn vị đều nhận tin cảnh báo từ phần mềm được vận hành trên nền tảng internet. Các máy tính để bàn, máy tính bảng, laptop hoặc điện thoại thông minh đều có thể dễ dàng mở được phần mềm khi được Chi cục Kiểm lâm tỉnh cấp tài khoản định danh truy cập.

“Qua triển khai ứng dụng công nghệ viễn thám sử dụng ảnh vệ tinh phục vụ công tác quản lý, giám sát tài nguyên rừng, chúng tôi thấy nhiều lợi ích trong việc kịp thời kiểm tra, lập hồ sơ xử lý các vụ việc vi phạm khi vừa mới phát sinh. Từ đó không để xảy ra những vụ phá rừng có quy mô lớn đến mức nghiêm trọng mà không được phát hiện ngăn chặn, xử lý”, ông Thành chia sẻ và cho biết thêm, trong 6 tháng đầu năm nay, tại đơn vị không có trường hợp nào để xảy ra cảnh báo mất rừng.

Lực lượng kiểm lâm, chủ rừng sử dụng phần mềm để quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: Kim Sơ.

Lực lượng kiểm lâm, chủ rừng sử dụng phần mềm để quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: Kim Sơ.

Theo Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận, từ khi ứng dụng công nghệ viễn thám để quản lý, bảo vệ rừng, phần mềm đã phát hiện và gửi tin cảnh báo hơn 1.500 điểm có nguy cơ mất rừng. Tất cả các điểm cảnh báo này đều được các hạt kiểm lâm, đơn vị chủ rừng tổ chức kiểm tra, xác minh hiện trạng, thời gian mất rừng…

Đặc biệt, phần mềm đã để lại một số dấu ấn như phát hiện 1 vụ phá rừng ở lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sông Dinh. Sau khi nhận được tin cảnh báo, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với chủ rừng đã đến ngay hiện trường, lập hồ sơ khởi tố vụ án và được Công an huyện Tánh Linh thụ lý đưa ra tòa xét xử, xử phạt 1 đối tượng 15 tháng tù.

“Nếu không được phần mềm cảnh báo thì vị trí phá rừng này rất khó phát hiện vì ở sâu trong rừng, trên núi cao. Phần mềm cũng đã giúp chúng tôi phát hiện diện tích trồng cây cần sa trên núi cao ở khu vực núi Bể thuộc lâm phần do Trường bắn Quốc gia khu vực 3 quản lý.

Đặc biệt, các vụ lấn chiếm đất không có rừng cũng được phần mềm cảnh báo khi đối tượng vào phát dọn thực bì để xuống giống. Từ đó góp phần giúp chủ rừng kiểm tra, ngăn chặn việc xuống giống hoặc nhổ bỏ cây trồng trái phép kịp thời mặc dù lúc xây dựng phần mềm tính năng này chưa có trong mục tiêu xây dựng phần mềm”, ông Đang chia sẻ.

Phần mềm được vận hành trên nền tảng internet, các chủ rừng có thể sử dụng điện thoại để truy cập. Ảnh: Kim Sơ.

Phần mềm được vận hành trên nền tảng internet, các chủ rừng có thể sử dụng điện thoại để truy cập. Ảnh: Kim Sơ.

Theo Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận, tổng kinh phí xây dựng, vận hành phần mềm khoảng 2 tỷ đồng, trong đó mua sắm 1 máy chủ khoảng 200 triệu đồng. Ngoài ra, hằng năm chi phí cho việc vận hành, bảo dưỡng phần mềm khoảng 50 triệu đồng.

Về mặt lý thuyết khi xây dựng phần mềm, diện tích cảnh báo của phần mềm đảm bảo tính chính xác khi diện tích thay đổi từ 0,5ha trở lên, tuy nhiên trong thực tế, nhiều diện tích mất rừng hoặc thay đổi lớp thực bì với diện tích 0,1ha trở lên cũng được phần mềm phát hiện và cảnh báo.

Ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, từ tháng 1/2021, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo, triển khai cho các đơn vị chủ rừng, kiểm lâm thực hiện ngay vận hành phần mềm đưa vào theo dõi và định kỳ tổng hợp báo cáo diễn biến rừng trong thời gian 15 ngày/lần.

Theo đó, vào ngày 2 và ngày 16 hàng tháng, hệ thống phần mềm tự động giải đoán ảnh vệ tinh Sentinel - 2 mới nhất để phát hiện các điểm mất rừng. Sau khi phát hiện, hệ thống tự động gửi email và tin nhắn cảnh báo mất rừng tới các cấp quản lý có liên quan.

Thông tin gửi đi bao gồm: Cấp hành chính, tiểu khu, khoảnh/lô, đối tượng rừng, chủ rừng, số lượng điểm và diện tích bị mất. Có thể nói nhờ phần mềm này mà chủ rừng, kiểm lâm đã kịp thời kiểm tra, lập hồ sơ xử lý các vụ việc vi phạm khi vừa mới phát sinh; không để xảy ra những vụ phá rừng có quy mô lớn đến mức nghiêm trọng mà không được phát hiện ngăn chặn, xử lý.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

C.P. Việt Nam bàn giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam vừa phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, ban giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.