| Hotline: 0983.970.780

ĐBSCL: Chủ động giữ nước ngọt phục vụ sản xuất

Thứ Tư 27/11/2019 , 13:05 (GMT+7)

Đê bao vùng SX nông nghiệp ở ĐBSCL đóng vai trò quan trọng để bảo vệ và nâng cao giá trị gia tăng nông nghiệp.

Thời gian qua, hệ thống các công trình thủy lợi phục vụ SX nông nghiệp, dân sinh vùng ĐBSCL đã được quan tâm đầu tư xây dựng, góp phần bảo đảm tưới, tiêu, ngăn mặn, chống lũ… Bên cạnh đó, đê bao còn chủ động thích nghi và ứng phó với điều kiện biến đổi khí hậu khắc nhiệt như hiện nay.
 

Cần Thơ: Thực hiện tốt quy hoạch đê bao

Trước tình hình lũ nhỏ, nước rút nhanh, dự báo xâm nhập mặn xảy ra sớm và lấn sâu vào nội đồng, ngành nông nghiệp ở ĐBSCL, đặc biệt là các tỉnh giáp biển đã chủ động đóng các cống ngăn mặn, giữ nước ngọt phục vụ SX.

08-26-58_nh_1_de_bo_thuy_loi_dong_vi_tro_qun_trong_trong_viec_bo_ve_v_nng_co_gi_tri_sx_nong_nghiep_o_dbscl
Đê bao thủy lợi đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và nâng cao giá trị SX nông nghiệp ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tại TP Cần Thơ theo đánh giá của giới chuyên môn, vụ lúa đông xuân 2019 - 2020 nguồn nước phục vụ SX nông nghiệp khá thuận lợi so với các tỉnh, thành khác ở ĐBSCL.

Tuy nhiên hằng năm, ngành nông nghiệp đã đầu tư các hệ thống bờ bao nội vùng chủ yếu để ngăn lũ vào đồng trong thời kỳ đầu lũ để bảo vệ SX nông nghiệp và tạo thuận lợi cho việc bơm cấp nước đầu vụ đông xuân và hè thu. Tính đến nay, TP Cần Thơ có 779km kênh trục và kênh cấp 1, 2.000km kênh cấp 2 và 1.000km kênh cấp 3. Phần lớn đê làm bằng đất có kết cấu mặt nhựa đường, tấm đan bê tông cốt thép, đá sỏi, hoặc đất tự nhiên.

Theo đó, quy hoạch thực hiện đê bao phục vụ SX nông nghiệp từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ở các khu vực SX nông nghiệp thuộc các quận, huyện Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt, Ô Môn, Cờ Đỏ, Thới Lai, Phong Điền và Bình Thủy tổng diện tích là 92.682ha.

Về lâu dài, quy hoạch tạo ra hệ thống thủy lợi hợp lý, tiến tới hoàn chỉnh để có thể hạn chế các thiệt hại do lũ gây ra, tận dụng được các mặt lợi do lũ mang lại. Phục vụ phát triển SX nông nghiệp ở mức độ cao chủ động quanh năm, như cánh đồng lớn, cơ giới hóa nông nghiệp.

Đồng thời, bảo vệ môi trường, tạo điều kiện phát triển nông thôn hiện đại, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, ngập úng và khô hạn. Việc thực hiện quy hoạch góp phần hiệu quả trong kiểm soát lũ, tưới tiêu nhằm khai thác tài nguyên nước mặt trên địa bàn một cách hợp lý, bền vững cho từng loại hình SX nông nghiệp, như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản góp phần tăng sản lượng hàng hóa, phục vụ xuất khẩu.

08-26-58_nh_3_de_bo_thuy_loi_con_chu_dong_thich_nghi_v_ung_pho_voi_dieu_kien_bien_doi_khi_hu_khc_nhiet_nhu_hien_ny
Đê bao thủy lợi giúp chủ động thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu khắc nhiệt như hiện nay. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Nguyễn Quí Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ cho biết: Nhằm phục vụ SX nông nghiệp hiệu quả và an toàn, thành phố đã xây dựng các đê bao khép kín nhằm mục đích đem lại hiệu quả trong SX nông nghiệp. Từ đầu năm đến nay đã nạo vét và gia cố các tuyến đê bao, tổng khối lượng công trình đất đào đắp 127.677m3, khép kín phục vụ diện tích gần 500ha SX nông nghiệp chủ yếu phục vụ các vụ ĐX và HT tới đây.
 

Đặc biệt mùa khô năm nay dự kiến sẽ đến sớm, thành phố đã thi công nạo vét, nâng cấp mới 12 công trình đê bao khép kín với tổng chiều dài là 31,240km. Bên cạnh đó sửa chữa, nâng cấp, nạo vét hệ thống thuỷ lợi Ô Môn Xà No do Trung ương đầu tư với tổng mức đầu tư 2.800 triệu đồng, gia cố đê bao vùng SX cây ăn trái ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền trên 568ha.

Kiên Giang: Diễn biến thủy văn sẽ khắc nghiệt

TS Đỗ Minh Nhựt, PGĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang, cho biết, khung thời vụ xuống giống lúa ĐX 2019 - 2020 tại Kiên Giang được đẩy lên sớm từ đầu tháng 9, vùng ĐX chính vụ từ tháng 10, do dự báo lũ thấp, cần gieo sạ sớm để né mặn xâm nhập, hạn chế thiệt hại.

Vụ ĐX 2019 - 2020, kế hoạch của tỉnh gieo sạ 288.823 ha, sản lượng thu hoạch hơn 2 triệu tấn. Khung thời vụ khuyến cáo tại vùng U Minh Thượng gieo sạ từ 1/9, chậm nhất đến 10/10 là kết thúc, để tránh hạn, mặn xâm nhập. Vùng ĐX chính vụ, do dự báo lũ thấp nên có thể gieo sạ sớm, chia làm 3 đợt. Đợt 1 từ 20 - 30/10, đợt 2 từ 20 - 30/11 và đợt 3 từ 20 - 30/12.

Theo nhận định, thời tiết, thủy văn sẽ diễn biến rất khắc nghiệt. Dự báo, từ tháng 12 xâm nhập mặn có khả năng ảnh hưởng trong phạm vi cách biển đến 30 - 35km, từ tháng 1 - 2/2020, ranh mặn 4%o vào sâu nội đồng các cửa sông Cửu Long từ 45 - 55km.

Chi phí bơm tưới vụ ĐX tới sẽ rất cao, do lũ kiệt, mực nước trên sông, rạch sẽ xuống rất thấp. Vì vậy, các địa phương trong tỉnh Kiên Giang, nhất là những vùng giáp biển, cần làm tốt công tác thủy lợi, nạo vét kênh rạch và tăng cường đầu tư các trạm bơm điện để giảm bớt chi phí SX cho người dân.

Ông Đoàn Chí Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Kiên Giang cho biết, để đảm bảo giữ nước ngọt, ngăn mặn phục vụ SX và sinh hoạt của nhân dân vùng Tứ giác Long Xuyên và các vùng lân cận, từ 10/2019 đến nay, chi cục đã cơ bản đóng kín các cống, chủ động giữ nước trong các kênh nội đồng.

08-26-58_nh_2_du_bo_su_tet_kho_hn_v_mn_xp_nhp_su_vo_noi_dong_gi_vy_ngnh_nong_nghiep_o_dbscl_d_chu_dong_dong_cc_cong_ngn_mn
Dự báo sau tết khô hạn và mặn xâp nhập sâu vào nội đồng. Ảnh: Đ.T.Chánh.

Chi cục Thủy lợi phối hợp với các địa phương, quản lý, vận hành đóng mở hệ thống trên tuyến đê biển để ngăn mặn, giữ ngọt hợp lý theo yêu cầu thực tế tại từng thời điểm SX, từng khu vực.

Đối với vùng ven biển An Biên - An Minh, một số khu vực cục bộ ở TP Rạch Giá, huyện Châu Thành, Gò Quao, Kiên Lương, Giang Thành… bị xâm nhập mặn do hệ thống cống ngăn mặn chưa được xây dựng đồng bộ, cần sớm khảo sát, rà soát nắm chắc tình hình, để có biện pháp gia cố các đập giữ lại từ vụ đông xuân 2018 - 2019.

Đồng thời, đắp mới các đập thời vụ tại các khu vực có khả năng bị nhiễm mặn. Thường xuyên kiểm tra, có giải pháp khắc phục ngay các điểm xâm nhập mặn, thiếu nước tưới cho SX nông nghiệp, nước sinh hoạt vùng nông thôn.

Tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ năm 2019, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, nạo vét kênh mương để tạo nguồn tưới tiêu, kết hợp nâng cấp bờ bao, trạm bơm điện, cống điều tiết, thủy lợi nội đồng… để phục vụ tốt cho SX vụ lúa ĐX 2019 - 2010 đạt hiệu quả.
 

An Giang: Đẩy nhanh thi công các công trình thủy lợi

Ông Lương Huy Khanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi An Giang cho biết, mùa khô 2019 - 2020, khả năng sớm hơn trung bình nhiều năm và kéo dài, các huyện trồng lúa và hoa màu đã có kế hoạch, chủ động ứng phó hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn sẽ xảy ra. Chống hạn và xâm nhập mặn, theo phương châm 4 tại chỗ để chủ động ứng phó.

Trong đó lập kế hoạch nạo vét hệ thống kênh mương cạn kiệt, cửa vào các cống lấy nước, lắp đặt trạm bơm dã chiến, khơi thông dòng chảy, đảm bảo đủ nguồn nước để phục vụ cho SX và dân sinh. Xác định từng vùng, khu vực khả năng bị ảnh hưởng khô hạn để có giải pháp cụ thể, bảo đảm giảm thiểu ảnh hưởng đến SX và dân sinh.

Đồng thời phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn tăng cường công tác thông tin, tuyền truyền về nguồn nước để người dân biết chủ động phòng tránh, như thực hiện bơm tưới vào thời điểm con nước lớn để tăng hiệu quả, áp dụng quy trình sản xuất “1 phải 5 giảm” đối với cây lúa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang cây trồng cạn.

08-26-58_nh_4_tinh_den_ny_n_ging_thuc_hien_khong_157_cong_trinh_vet_kenh_muong_su_chu_cong_phuc_vu_to_nguon_nuoc_tich_nuoc_phuc_vu_tuoi
Tính đến nay, An Giang thực hiện khoảng 157 công trình vét kênh mương, sửa chữa cống phục vụ tạo nguồn nước, tích nước. Ảnh: Đ.T.Chánh.

Bên cạnh đó còn phối hợp tỉnh Kiên Giang vận hành hệ thống thủy lợi trong vùng Tứ giác Long Xuyên, đặc biệt các cống vùng ven biển tỉnh Kiên Giang phục vụ ngăn mặn, trữ ngọt cho vùng An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ.

Tính đến nay đã nạo vét kênh mương, sửa chữa cống phục vụ tạo nguồn nước, tích nước phục vụ tưới, tiêu cho khoảng 157 công trình với kinh phí 107 tỷ đồng. Các dự án thủy lợi vùng cao phục vụ tích trữ nước đã xây dựng mới thêm 5 hồ chứa (Tri Tôn 3: Núi Dài, Đắc Lây, Cô Tô và Tịnh Biên 2: Suối Tiên, Tà Lọt), với dung tích 1,56 triệu m3 và 3 trạm bơm vùng cao, sau khi hoàn thành sẽ phục vụ sản xuất 1.700 ha, cung cấp nước sinh hoạt và PCCC rừng. Tổng mức đầu tư khoảng 360 tỷ đồng.

Tại Đồng Tháp, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch phòng, chống hạn, bảo vệ SX năm 2020 nhằm phục vụ và bảo vệ trên 200.000 ha lúa vụ đông xuân và hè thu tiếp theo.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Lũ năm nay nhỏ, dự báo nắng hạn và sẽ thiếu nước sau tết, chính vì vậy UBND tỉnh đưa ra kế hoạch nhằm đảm bảo đủ nước tưới cho hơn 240.000ha vụ lúa đông xuân 2019 và 216.000 ha diện tích gieo trồng vụ hè thu 2020 (lúa 185.000ha, hoa màu hơn 31.000ha), hơn 30.200ha cây lâu năm và 100.000ha lúa vụ thu đông và nhu cầu nước sinh hoạt của người dân.

Ngành NN-PTNT tỉnh sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, khí hậu, mực nước trong mùa khô, rà soát, kiểm tra các công trình kênh mương, cống đập để chủ động thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống hạn, bảo vệ SX.

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Chuyện của Madam Hương Coffee và cà phê đặc sản dưới tán rừng

QUẢNG TRỊ Cây cà phê từng khiến chị rơi vào cảnh trắng tay. Nhưng cũng nhờ trồng và chế biến cà phê đặc sản dưới tán rừng, chị đã tìm lại chính mình.