| Hotline: 0983.970.780

ĐBSCL: Chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do hạn mặn

Thứ Ba 04/02/2020 , 08:09 (GMT+7)

Cùng với việc đầu tư công trình thủy lợi và chủ động chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, gieo sạ sớm, sử dụng giống ngắn ngày nên lúa đông xuân ở ĐBSCL được bảo vệ tốt.

Kiểm tra độ mặn tai cống Châu Thê (tỉnh Long An).

Thiệt hại có xảy ra nhưng đã giảm đáng kể so với đợt hạn mặn lịch sử năm 2016.

Tháng 10/2019, hội nghị của Bộ NN-PTNT đã xây dựng kế hoạch chủ động cho sản xuất trồng trọt của vụ ĐX 2019-2020, trong đó có cây lúa, đã chủ động bố trí xuống giống sớm ở các tỉnh ven biển với diện tích trên 400.000 ha. Diện tích này nhiều hơn ở thời điểm 2015-2016 khoảng 150.000-200.000 ha. Trong vụ ĐX 2015-2016 thiệt hại về lúa khoảng 150.000 ha, vì vậy Bộ đã chủ động để xuống giống cho diện tích này.

Đối với các vùng cách biển 20-40-60 km, ngoài việc bố trí thời vụ xuống giống sớm còn kèm theo cơ cấu giống lúa. Đối với vùng cách biển 20km, không chỉ xuống giống sớm mà còn sử dụng giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, dưới 90 ngày để rút ngắn được thời gian cây lúa đứng trên đồng, né hạn mạn vào cuối vụ.

Kết quả cho đến thời điểm này, hầu hết các tỉnh ven biển có diện tích bị thiệt hại trong mùa hạn mặn 2015-2016 thì đều thoát qua hết. Cụ thể như Tiền Giang, Sóc Trăng, Long An, một phần của Bạc Liêu. Riêng Bến Tre, đã chủ động không xuống giống lúa ĐX với diện tích khoảng 12.000 ha. Trong năm 2015-2016 diện tích xuống giống lúa ĐX của Bến Tre là 14.000 ha và toàn bộ đều mất trắng.

“Các xã Long Bình, Bình Tân… chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của mùa hạn mặn 2015-2016 tại huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang). Vụ này, địa phương đã chủ động chủ động xuống giống sớm khoảng 10 ngày với diện tích khoảng 1.000 ha, cơ cấu giống thì chọn giống ngắn ngày như 5451, Nàng Hoa 9...

Đến nay, lúa vùng này đã được khoảng 70 ngày, đang trổ, lượng nước trong mặt ruộng cao trên 10 cm. Với lượng nước như thế này thì đến khi lúa chín hoàn toàn không thiếu nước. UBND tỉnh trước đó đã chỉ đạo quyết liệt việc trữ nước các kênh. Như vùng Gò Công Tây này thì nước dưới kênh Mười Bốn Ngàn đã được trữ đầy, đủ cho sản xuất lúa trong vùng”, chị Phương công tác tại Chi cục Trồng trọt - BVTV Tiền Giang cho biết.

Còn tại Long An, hạn mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng và có phần nặng nề hơn. Tuy nhiên, địa phương cũng đã có những giải pháp để chủ động nguồn nước cho sản xuất hơn 14.000 ha đất lúa trong vùng cơ nguy cơ bị ảnh hưởng của mặn. Tại huyện Tân Trụ, tổng diện tích lúa ĐX của toàn huyện khoảng 4.500 ha, trong đó có 700 ha giai đoạn đòng trổ, 3.200 ha kết thúc thời kỳ đẻ nhánh, 525 ha dưới 30 ngày tuổi. Đối với cây thanh long thì huyện hiện có 987 ha, trên 700 ha đang cho trái.

14-43-49_3_cc_trm_bom_d_chien_ung_pho_voi_kho_hn_cu_nguoi_dn_ti_huyen_tn_tru_long_n
Các trạm bơm dã chiến của người dân tại huyện Tân Trụ, Long An.

“Hiện toàn bộ diện tích lúa và cây ăn trái đang sử dụng nước trong hệ thống tích nước kênh Nhật Tảo. Các kênh rạch nội đồng nước đã kiệt nên bà con nông dân phải bơm chuyền cấp. Giải pháp hiện thời là tổ chức cho các xã xác định các trạm bơm dã chiến, để bơm cấp lên các rạch để bà con bơm vào ruộng. Trục vớt lục bình, khai thông dòng chảy, nạo vét các tuyến kênh rạch. Ngoài ra, còn đắp đập tạm bên ngoài rạch chính nếu hết nước thì bơm từ sông vào đập tạm này”, ông Đoàn Văn Hoàng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tân Trụ thông tin.

Đánh giá về công tác phòng chống hạn mặn trong sản xuất lúa tại các địa vùng ĐBSCL trong thời gian vừa qua, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Các tỉnh đã chủ động chuyển đổi thời vụ sớm hơn so với cùng kỳ các năm có hạn mặn. Thứ hai là, đối với những diện tích cảm thấy không an toàn thì các tỉnh đã lùi thời gian xuống giống lại vào một vụ tiếp theo hoặc cắt bỏ. Và vấn đề thứ ba, các tỉnh chủ động chuyển đổi sang cây trồng ngắn ngày hơn như 60 ngày hoặc 70 ngày và sử dụng ít nước hơn để chủ động cho việc ứng phó.

Tại tỉnh Kiên Giang, diện tích lúa ĐX đã gieo sạ là 289.059/289.000 ha, tập trung ở hầu hết các huyện trong tỉnh. Ngoài ra, ở huyện U Minh Thượng có 2.258 ha nông dân gieo sạ tự phát, không theo mùa vụ khuyến cáo. Hiện lúa đang giai đoạn đẻ nhánh.

Ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, diện tích lúa ĐX của tỉnh đang được bảo vệ tốt, một số diện tích gieo sạ sớm đã bắt đầu cho thu hoạch (khoảng trên 23.000 ha ở các huyện vùng U Minh Thượng).

Theo ông Nhựt, đã có một số diện tích lúa ĐX của tỉnh bị thiệt hại về năng suất, do mặn xâm nhập nên thiếu nước tưới vào cuối vụ. Tuy nhiên, đến nay diện tích này đã thu hoạch xong. Cụ thể, tại huyện Vĩnh Thuận, lúa ĐX bị thiệt hại do thiếu nước ngọt 1.453 ha, gây ảnh hưởng năng suất từ 30-70%, tập trung ở các xã Vĩnh Thuận, Tân Thuận, Vĩnh Phong và TT Vĩnh Thuận. Diện tích lúa bị nhiễm mặn 20 ha, ở huyện Châu Thành, tỷ lệ thiệt hại từ 30-40%.

14-43-49_4_kiem_tr_lu_dx_ti_vung_thieu_nuoc_ngot_cu_huyen_tn_tru_long_n
Kiểm tra lúa ĐX tại vùng thiếu nước ngọt của huyện Tân Trụ, Long An.

Ở địa phương ven biển khác là Cà Mau, diện tích lúa ĐX 2019-2020 bị thiệt hại khoảng 11.000 ha. Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng cho rằng: “Đây là những cơn số mà chúng ta phải chấp nhận bởi vì hạn mặn, thiên tai đã diễn ra. Cùng thời điểm này, năm 2015-2016 đã thiệt hại khoảng 150.000 ha. Và tổng thiệt hại vừa mất trắng và từ 30-70% là khoảng 400.000 ha. Cho thấy sự chủ động của sản xuất lúa xây dựng kế hoạch của các cơ quan từ Bộ đến địa phương rất tốt.

Chúng tôi cũng hi vọng rằng với tinh thần chủ động này và sự chuẩn bị rất tốt cùng với việc phát huy các hệ thống công trình cũ và mới được xây dựng trong 5 năm vừa qua sẽ vận hành điều tiết mặn ngọt hợp lý và có sự đồng thuận chấp hành của bà con nông dân thì thiệt hại của vụ ĐX 2019-2020 sẽ giảm đáng kể".

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.