Nguồn nước điều tiết từ từ Biển Hồ ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Nguồn nước về ĐBSCL hiện ở mức tương đương 2017-2018.
Ảnh minh họa |
Dự báo lưu lượng về ĐBSCL qua Kratie trong thời gian tới còn duy trì ở mức cao, lưu lượng bình quân ở mức 4.000-5000 m3/s trong tháng 1. Sang tháng 2 lưu lượng có thể giảm xuống 4.000-3.000 m3/s hoặc thấp hơn, vì phụ thuộc vào sự điều tiết từ vận hành thủy điện.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong tháng 1, nhiệt độ trung bình vùng ĐBSCL phổ biến ở mức cao hơn từ 0,5-1,0 độ C so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ, tổng lượng mưa có khả năng ở mức xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ. Các tỉnh ven biển ĐBSCL, có nơi tổng lượng mưa từ 10-30mm.
Với đặc điểm nguồn nước như hiện nay, vùng thượng ĐBSCL, được xem là thuận lợi hơn về nguồn nước so với các vùng khác trên đồng bằng. Dự báo từ tháng 1-2/2019, mực nước bình quân ở mức tương đương với TBNN cùng thời kỳ.
Vùng giữa ĐBSCL, nguồn nước đến hiện tại được xem là thuận lợi nhưng cần đề phòng ảnh hưởng mặn bất thường từ tháng 2; khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả.
Vùng ven biển ĐBSCL, nguồn nước ngọt có nguy cơ bị thiếu hụt, xâm nhập mặn dự báo tại các cửa sông Cửu Long có khả năng cao hơn TBNN và ở mức tương tự mùa khô năm 2017. Tức là từ cuối tháng 1 này, vùng cách cửa sông Cửu Long 30-40km sẽ có mặn vượt quá 4g/l. Sang tháng 2, mặn sẽ xâm nhập sâu vào vùng cách cửa sông 40–50km, nhất là trong các đợt triều cường kết hợp gió chướng, độ mặn có thể tăng cao đột ngột hơn so với dự báo. Trong tháng 3, 4 và 5, xâm nhập mặn trên các cửa sông có khả năng giảm, các khu vực từ 50 km trở vào nguồn nước ngọt khá thuận lợi, mặn chỉ xuất hiện vào lúc triều cường.