Tại tỉnh Kiên Giang, Sở NN-PTNT hiện có 17 đơn vị chuyên môn. Nếu đề án trên được triển khai, sẽ giảm còn 14 đầu mối. Cụ thể, BQL Dự án Đầu tư xây dựng NN-PTNT sẽ chuyển về UBND tỉnh quản lý. Giải thể Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản, chuyển giao chức năng, nhiệm vụ về Chi cục Trồng trọt - BVTV, Chi cục Chăn nuôi – Thú y, Chi cục Thủy sản. Sáp nhập các BQL Rừng An Biên – An Minh; Hòn Đất – Kiên Hà, phòng hộ Phú Quốc thành BQL Rừng Kiên Giang.
Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, sau khi tinh gọn sẽ còn có 28 định suất, giảm được khá nhiều người |
Một số đơn vị như Trung tâm Giống nông lân ngư nghiệp Kiên Giang sẽ tiến hành CPH, Trung tâm Nước sạch và VSMTNT chuyển từ đơn vị sự nghiệp tự chủ một phần sang tự chủ hoàn toàn từ năm 2019.
Ở cấp huyện, sẽ sáp nhập các Trạm Khuyến nông, Chăn nuôi – Thú y và Trồng trọt - BVTV thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (TTDVNN) thuộc UBND huyện, TX, TP. Ông Hoàng Trung Kiên, GĐ Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, hiện đơn vị đang có 409 cán bộ, công chức, viên chức, phần lớn là cán bộ khuyến nông cơ sở (hoạt động tại Tổ Kinh tế Kỹ thuật xã, phân bố ở 127/145 xã, phường, thị trấn, với 309 viên chức).
Sở đã xây dựng xong đề án, nhưng do chưa có hướng dẫn từ Bộ Nội vụ nên tạm thời dừng lại. Nếu đề án được triển khai thì Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ giảm nhân sự đi rất nhiều, chỉ còn 1/8 so với hiện nay, tức còn lại 51 công chức, viên chức.
Việc sáp nhập các đơn vị giúp giảm các đầu mối, tinh giản bộ máy là điều rất rõ. Tuy nhiên, nhiều người cũng tỏ ra lo ngại khi hoạt động chuyên môn theo hệ thống ngành dọc từ tỉnh xuống huyện, xã không còn, các hoạt động chỉ đạo SX, lịch mùa vụ, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi sẽ gặp khó khăn, trở ngại. Liệu cán bộ TTDVNN cấp huyện có chuyên tâm cho công việc, hay sẽ lo làm dịch vụ để kiếm sống, có dự án, có kinh phí thì thực hiện, không thì “làm việc tà tà” cho qua ngày?
Ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cũng đã xây dựng xong đề án sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhưng cũng đang ngồi chờ Nghị định hướng dẫn của Bộ Nội vụ để triển khai. Ông Ngô Minh Long, PGĐ Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, cái khó là hiện chưa có nghị định hay thông tư hướng dẫn nên chưa thể làm. Chẳng hạn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nếu sắp xếp lại sẽ chuyển đổi thành TTDVNN tỉnh. Còn ở cấp huyện thì sẽ thành lập TTDVNN huyện, bằng việc sáp nhập 6 trạm chuyên môn lại. “Để sắp xếp bộ máy đạt hiệu quả, Sở dự kiến chọn huyện Phụng Hiệp làm thí điểm trước, sau đó sẽ nhân rộng ra toàn tỉnh. Tuy nhiên, do chờ hướng dẫn nên chưa làm và tới đây sẽ triển khai ra toàn tỉnh chứ không thí điểm nữa”, ông Long nói.
Tại Bạc Liêu, Sở NN-PTNT cũng đã ban hành nhiều văn bản nhằm thực hiện tốt các Nghị quyết của Trung ương, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu về đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy ngành nông nghiệp địa phương. Trên cơ sở đó, Sở đã có văn bản trình UBND tỉnh về Đề án sắp xếp tổ chức, bộ máy và biên chế của đơn vị.
Theo đó, Sở NN-PTNT Bạc Liêu đang có 19 đơn vị gồm, 5 phòng, 7 Chi cục, 4 Trung tâm và 2 ban. Năm 2017, Sở được UBND tỉnh giao 626 biên chế. Trong đó, 195 biên chế hành chính, 431 biên chế đơn vị sự nghiệp và 26 định suất. Đến tháng 5/2018 UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT tỉnh 380 biên chế. Trong đó, có 195 biên chế hành chính, 185 biên chế sự nghiệp. "Riêng 12 biên chế BQL cảng cá, chưa được UBND tỉnh giao mà Sở chỉ mới phê duyệt đề án vị trí việc làm. Có 28 định suất, giảm 246 biên chế do Sở chuyển biên chế sự nghiệp từ các Trạm tuyến huyện như Trồng trọt- BVTV, thủy lợi, khuyến nông…thành Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp và giảm viên chức sau khi sắp xếp”, GĐ Sở NN-PTNT Bạc Liêu Lương Ngọc Lân cho biết.
Thực tế cho thấy, Đề án sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy ngành nông nghiệp Bạc Liêu là hiệu quả, giảm số người rất đáng kể. Đồng thời, những đơn vị sau khi sáp nhập sẽ đi vào hoạt động nề nếp, hiệu quả hơn và không còn rườm rà, chồng chéo. Đây được xem là bước cải cách tích cực, hiệu quả mà tỉnh này mạnh dạn làm. Chính việc sáp nhập, sẽ góp phần làm giảm con người và nguồn ngân sách. Đồng thời, một khi bộ máy tinh gọn, thì hiệu quả và chất lượng công việc tăng lên. Tuy nhiên, đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, để tránh những hiệu ứng tiêu cực từ việc sáp nhập một cách tùy tiện, nóng vội, thì đòi hỏi các đơn vị, Sở ngành, địa phương cần vạch ra hướng đi vững chắc, phù hợp với điều kiện đơn vị mình và xây dựng Đề án triển khai thận trọng với tiêu chí “chậm mà chắc”.
Bên cạnh đó, để quyền lợi của người lao động sau khi thực hiện tinh gọn được đảm bảo, thì địa phương cần quán triệt, tuyên truyền kịp thời và có cơ chế chính sách phù hợp, tương xứng với thời gian cống hiến và công sức mà họ bỏ ra để phục vụ Nhà nước. Đồng thời, khi sáp nhập, các đơn vị cần có quy chế làm việc cụ thể, rõ ràng, tránh những quy định “khô cứng” làm cản trở năng lực của cán bộ.
“Thời gian qua, Sở NN-PTNT Bạc Liêu đã thực hiện tốt vai trò tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ NN-PTNT nhiều nhiệm vụ được giao, hoàn thành tốt và vượt chỉ tiêu được giao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thì vẫn còn một số hạn chế nhất định, do chưa phát huy hết nội lực. Đồng thời, chức năng, nhiệm vụ của một vài đơn vị trực thuộc còn mâu thuẫn, trùng lắp nhau”, ông Lân nhìn nhận. |