| Hotline: 0983.970.780

ĐBSCL: Sạt lở ngày càng nghiêm trọng

Thứ Năm 22/08/2019 , 08:50 (GMT+7)

ĐBSCL đang vào mùa mưa, nước lũ về muộn, thiếu phù sa bồi đắp nền đất ven sông yếu đã xảy ra liên tục nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng.

Đâu cũng thấy sạt lở

Từ đầu năm đến nay tại Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang… liên tiếp xảy ra hàng chục vụ sạt lở bờ sông, cuốn trôi nhiều nhà cửa, uy hiếp, cắt đứt nhiều đoạn giao thông huyết mạch gây thiệt hại lớn về tài sản.

14-55-52_nh_1_st_lo_dt_bo_song_ti_dbscl_ngy_cng_dien_r_nghiem_trong
Sạt lở bờ sông tại ĐBSCL diễn ra nghiêm trọng.

Mới đây nhất vào đầu tháng 8/2019 là vụ sạt lở với chiều dài hơn 80m mặt đường của tuyến Quốc lộ 91 lấn sâu về phía bờ hơn 25m thuộc địa bàn huyện Châu Phú, An Giang. Rất may vụ sạt lở này không gây thiệt hại về người. Ngân sách phải cấp 25 tỷ đồng để khắc phục hố xoáy sạt lở nói trên.

Trước đó 1 tháng cũng tại An Giang, xảy vụ sạt lở bờ sông Hậu thuộc địa bàn xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, làm 27 hộ lâm cảnh phải bỏ nhà đi nơi khác trú ngụ. Vụ sạt lở này có chiều dài lên tới 150m, ăn sâu vào đất liền 6m.

Dọc sông Tiền, địa bàn tỉnh Đồng Tháp cũng xuất hiện hàng chục điểm sạt lở nhà dân. Tại khu vực sông Nha Mân, thuộc địa phận ấp Tân Thuận, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, bị sạt lở với chiều dài 100m, ăn sâu vào đất liền 4m khiến 5 căn nhà của dân rơi xuống sông. Ngoài ra, vụ sạt lở cũng làm con đường dân sinh bị chia cắt. Tại thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp cũng xảy ra vụ sạt lở nhà dân ở bờ sông Tiền, có chiều dài 60m, ăn sâu vào bờ 20m, làm một cụ bà thiệt mạng.

Tại hạ nguồn TP. Cần Thơ có sông Hậu chảy qua, cũng là địa phương hứng chịu nhiều vụ sạt lở. Trong tháng 7 vừa qua huyện Vĩnh Thạnh xảy ra sạt lở làm 6 căn nhà dân rơi xuống sông ước thiệt hại cả tỷ đồng.
 

Lên phương án khắc phục

Ông Nguyễn Ngọc Hè, GĐ Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết, từ đầu năm đến nay địa phương có 21 điểm sạt lở làm sạt hoàn toàn 7 căn nhà, 21 căn bị ảnh hưởng, tổng chiều dài sạt lở 486m, thiệt hại hơn 12 tỷ đồng. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn TP. Cần Thơ kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ bố trí vốn cho thành phố đầu tư xây dựng một số công trình kè chống sạt lở trọng điểm bức xúc như: Dự án kè chống sạt lở sông Bình Thủy, phường An Thới, dự án kè chống sạt lở sông Ô Môn và dự án kè chống sạt lở sông Cần Thơ (xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền).

Tại Đồng Tháp, theo thống kê toàn tỉnh có 21 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố đang bị sạt lở. Tổng số điểm đang sạt lở và có nguy cơ sạt lở là 85 điểm. Diện tích sạt lở hơn 19ha. Trong năm 2018 và đến tháng 7/2019 đã thực hiện di dời 409 hộ đến nơi an toàn. Thiệt hại về vật chất ước tính hơn 43 tỷ đồng. Sạt lở kênh, rạch nội đồng không gây thiệt hại về người nhưng thiệt hại về vật chất ước tính khoảng 7,7 tỷ đồng.

Tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành kế hoạch ưng phó và khắc phục sạt lở bờ sông đến cuối năm 2019 trên địa bàn. Đồng thời nhận định từ nay đến cuối năm tình hình sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.

Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: tỉnh đã đưa ra một số giải pháp và chỉ đạo phương án ứng phó cụ thể cho từng khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở trong thời gian tới. Phương án phải bám sát theo phương châm “Bốn tại chỗ” và yêu cầu “Ba sẵn sàng”.

Bên cạnh đó, tỉnh khẩn trương xây dựng các cụm tuyến dân cư ở giai đoạn 2 sẽ tiếp tục quy hoạch và đầu tư xây dựng thêm các cụm, tuyến dân cư phục vụ tái định cư các hộ dân vùng sạt lở. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình kè chống xói lở đã có quyết định đầu tư.

Ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc khai thác cát sông, đặc biệt tại các khu vực đang diễn ra sạt lở nghiêm trọng. Thực hiện hoàn thành dự án đo đạc, giám sát đánh giá ổn định bờ sông Tiền, thiết lập hành lang sạt lở tại khu vực đông dân cư và cơ sở hạ tầng trên địa bàn Đồng Tháp.

14-55-52_nh_2_st_lo_dng_l_noi_lo_rt_cu_nguoi_dn_dbscl
Sạt lở là nỗi lo rất lớn của người dân ĐBSCL.

Theo nhận định của các chuyên gia, những năm gần đây tình trạng sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu ngày càng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu do tác động của dòng chảy gây ra sạt lở. Sạt lở thường diễn ra ở những khu vực các cù lao, khu vực nhập lưu của các nhánh sông, đoạn sông có luồng lạch không ổn định.

Ngoài ra, sạt lở xảy ra còn do các hoạt động của con người như khai thác cát không đúng quy định, xây dựng các công trình trái phép, neo đậu bè cá và nuôi thuỷ sản tại các bãi bồi lấn chiếm mặt sông cũng làm thay đổi lòng dẫn và cản trở thoát lũ. Phương tiện giao thông chạy với tốc độ lớn dẫn đến hiện tượng sạt lở cục bộ. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng, thủy điện thượng nguồn cũng có những tác động đến quá trình sạt lở...

Khi được hỏi về việc các hố xoáy xuất hiện ở hai bên sông Hậu có phải là nguyên nhân gây sạt lở nghiêm trọng, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện, lý giải: Trên toàn hệ thống sông Mekong có 584 hố, hố sâu nhất đến 90,5m và hố dài nhất 18km, hố nhỏ nhất có thể tích 29.000 m3, hố lớn nhất có thể tích 1,46 triệu m3. Các hố này đã hình thành từ lâu. ĐBSCL có 22 hố đã được Ủy hội Mekong quốc tế khảo sát lập bản đồ từ 2008. Các hố này khác với hố nhân tạo do khai thác cát tạo nên. Các hố sâu tự nhiên không phải là nguyên nhân gây sạt lở.

Theo ông Thiện, nguyên tắc của các hố sâu tự nhiên là vào tháng 7 đến tháng 8 khi mùa lũ vừa bắt đầu, nước thượng nguồn đổ về nhưng chưa mạnh thì dòng nước mang cát vào lấp khoảng 1/3 thể tích hố. Sau đó, tới tháng 9 đến tháng 10 nước lũ chảy mạnh, nước sẽ nạo vét hố sâu và mang cát xuống dưới. Vậy hố sâu là chỗ tạm trữ cát vào đầu mùa để chuyển tiếp vào giữa mùa lũ.

Như vậy hố sâu này được duy trì năm này qua năm khác một cách tự nhiên. Khi xảy ra sạt lở, con người cho lấp các hố này là không thể và không nên, vì lấp hố sẽ gây mất cân bằng động lực dòng chảy, gây sạt lở tiếp tục chỗ khác.

Xem thêm
Xuất nhập khẩu đạt mốc gần 800 tỷ USD

Xuất nhập khẩu với tổng kim ngạch gần 800 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu tăng gần 14%, vượt xa so với mục tiêu đề ra (6%).

Xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, kỳ vọng vào 2025

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.