Ngày 18/7, Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng “Đề án Trung tâm đầu mối ở Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng gắn với vùng nguyên liệu thủy sản khu vực ven biển”.
Thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, giữ vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương ven biển vùng ĐBSCL.
Đối với tỉnh Sóc Trăng, ngành thủy sản đang phát triển đồng bộ ở cả 3 lĩnh vực: Khai thác, nuôi trồng và chế biến xuất khẩu. Đóng góp 1,05 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu năm 2022 của địa phương. Tuy nhiên, phát triển thủy sản của tỉnh hiện còn nhiều hạn chế, thiếu các điều kiện để thúc đẩy phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.
Điển hình như quy hoạch, quản lý vùng nuôi, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, hạ tầng chưa đồng bộ để đáp ứng cho sản xuất. Bên cạnh đó, chi phí giá thành sản xuất khá cao, trong khi giá thủy sản thương phẩm không ổn định, sản xuất thiếu tính liên kết hoặc liên kết chưa chặt chẽ, liên kết vùng cũng chưa rõ nét.
Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng đánh giá việc xây dựng Trung tâm đầu mối ở Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng gắn với vùng nguyên liệu thủy sản khu vực ven biển là cần thiết. Góp phần đẩy mạnh nuôi trồng theo hướng hiện đại, bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi các khu vực trồng lúa tập trung và các mô hình sinh kế khác có giá trị kinh tế thấp sang nuôi trồng thủy sản, phát triển công nghiệp chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần, hạ tầng nghề cá.
Theo Cục Thủy sản, xây dựng Đề án Trung tâm đầu mối ở Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng gắn với vùng nguyên liệu thủy sản khu vực ven biển là một trong những định hướng trong Quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
Mục tiêu cụ thể của Đề án là đánh giá được hiện trạng sản xuất, cung ứng nguyên liệu thủy sản, hiện trạng chế biến, logistics và tiêu thụ thủy sản vùng ven biển ĐBSCL.
Đồng thời xác định được mô hình trung tâm đầu mối gắn với vùng nguyên liệu ven biển tại 3 tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng. Trong đó, Sóc Trăng sẽ là trung tâm khai thác ven biển phía Đông, là trung tâm nuôi trồng thủy sản, khai thác hải sản, trung tâm công nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản tiểu vùng ven biển Đông.
Tỉnh Kiên Giang sẽ là trung tâm khai thác tiểu vùng ven biển phía Tây, bao gồm hoạt động nuôi trồng thủy sản, khai thác hải sản, trung tâm công nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản tiểu vùng ven biển Tây.
Và tỉnh Cà Mau sẽ là trung tâm khai thác tiểu vùng ven biển khu vực bán đảo Cà Mau. Đây sẽ là trung tâm nuôi trồng thủy sản, khai thác hải sản, trung tâm công nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản tiểu vùng bán đảo Cà Mau.
Bước đầu khởi động đề án, các đơn vị chuyên môn 3 tỉnh: Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau và các chuyên gia đã có chia sẻ, góp ý thẳng thắn cũng như cân nhắc khi xây dựng nội dung dự thảo đề án.
Trong đó, đề nghị đơn vị tư vấn cần đi sâu tìm hiểu những điều kiện cần và đủ cho sự thành công của trung tâm dựa trên tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Từ đó, khi xây dựng Đề án sẽ có những nội dung chi tiết phù hợp với vùng ĐBSCL. Đồng thời, đẩy mạnh làm việc, trao đổi trực tiếp với các địa phương, huy động sự tham gia của nhiều sở ban ngành ở các tỉnh.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản bày tỏ, ý tưởng đầu tiên thành lập trung tâm đầu mới sẽ còn nhiều khó khăn. Bước tiếp theo phải dựa trên những số liệu, kết quả điều tra dựa trên những ý kiến tham vấn để xây dựng dự thảo đề án thành lập trung tâm.
Ông Luân khẳng định, vai trò của các địa phương rất quan trọng trong Đề án xây dựng trung tâm đầu mối ở Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng gắn với vùng nguyên liệu thủy sản khu vực ven biển, để tránh tình trạng “xây chợ xong không có tiểu thương”.
Ông Luân đề nghị đơn vị tư vấn cùng với các đơn vị chuyên môn của Cục Thủy sản xây dựng dự thảo đề án tiếp tục trao đổi bàn bạc với các địa phương.
Đề án Trung tâm đầu mối ở Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng gắn với vùng nguyên liệu thủy sản khu vực ven biển sẽ được triển khai thực hiện đến năm 2030, tầm nhìn 2045 theo đúng định hướng Quy hoạch vùng ĐBSCL.
Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2023, Cục Thủy sản sẽ hoàn thành các hoạt động tham vấn ý kiến về kế hoạch xây dựng Đề án các địa phương và Bộ, ban ngành; Khảo sát, thu thập số liệu; Hoàn thiện Đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.