Nhóm giống lúa thơm đặc sản ST24 phát triển tốt trong mô hình tôm - lúa hữu cơ. |
Theo Cục Trồng trọt, cơ cấu các giống lúa SX vụ HT 2019 ở ĐBSCL tăng mạnh nhất là nhóm các giống lúa thơm, đặc sản chiếm tỷ lệ 24,80%, tăng hơn 2,4% so vụ HT 2018; nhóm giống lúa chất lượng cao chiếm chiếm 44%, chỉ tăng nhẹ 0,5%; nhóm giống lúa chất lượng trung bình chiếm 19%, giảm 1% và các giống khác chiếm 5%, giảm 1,9%.
Qua phân tích của Sở NN-PTNT các tỉnh trong vùng, do tình hình thị trường tiêu thụ lúa thương phẩm vụ ĐX (2018-2019) vừa qua giá bán thấp, tiêu thụ các giống lúa có chất lượng gạo trung bình gặp khó khăn. Vì vậy xu hướng chuyển đổi sản xuất của nông dân sang lúa chất lượng là hợp lý, được người tiêu dùng tại thị trường nội địa ưa chuộng và phục vụ xuất khẩu.
Giống lúa thơm OM4900 tính thích nghi mạnh các tiểu vùng sinh thái. Ảnh: HĐ. |
Trong vụ lúa TĐ 2018, Cục Trồng trọt khuyến cáo ưu tiên sử dụng một số giống lúa thơm cần chiếm tỉ lệ 30% trong cơ cấu giống: Jasmine 85, nhóm giống ST, Nàng Hoa 9, VD20, Đài Thơm 8; Nhóm giống lúa chủ lực xuất khẩu cần chiếm tỉ lệ 50-60%: OM5451, OM6976, OM 7347, OM4900; hạn chế xuống giống lúa nếp và nhóm giống giống chất lượng trung bình IR 50404, OM 576. Riêng vụ Mùa, bên cạnh các giống trung mùa địa phương như: Tài Nguyên, Nàng Thơm, sử dụng bổ sung một số giống sau: ST5, ST 20, OM4900, VD20…
Vụ HT 2019 vùng ĐBSCL SX trên 1,5 triệu ha, giảm 42.000 ha; năng suất ước 56,15 tạ/ha, tăng 1,35 tạ/ha; sản lượng ước đạt trên 8,7 triệu tấn. Tuy nhiên giảm khoảng 20.000 tấn so vụ HT 2018.