| Hotline: 0983.970.780

Đê điều quy mô nhỏ, địa chất yếu, năng lực phòng chống thiên tai gặp khó

Thứ Ba 27/06/2023 , 17:16 (GMT+7)

ĐBSCL Trải qua nhiều năm đầu tư, hệ thống đê điều ở ĐBSCL đang xuống cấp, khiến năng lực ứng phó trước thiên tai của các địa phương trong vùng gặp nhiều khó khăn.

Hệ thống đê điều tồn tại nhiều ẩn họa, xuống cấp

Sẵn sàng cho công tác phòng, chống thiên tai, quản lý, bảo vệ đê điều và hộ đê, ngày 27/6, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ thuật hộ đê, phòng chống thiên tai cho lực lượng chuyên trách quản lý đê điều năm 2023.

Hội nghị tập huấn kỹ thuật hộ đê, phòng chống thiên tai cho lực lượng chuyên trách quản lý đê điều năm 2023. Ảnh: Kim Anh.

Hội nghị tập huấn kỹ thuật hộ đê, phòng chống thiên tai cho lực lượng chuyên trách quản lý đê điều năm 2023. Ảnh: Kim Anh.

Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai - ông Phạm Đức Luận đánh giá, thực tế công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống lũ, bão nhiều năm qua cho thấy, nhiệm vụ của lực lượng quản lý đê có vai trò quan trọng.

Đây là lực lượng trực tiếp triển khai xử lý sự cố đê ngay từ giờ đầu để hạn chế thiệt hại gây ra. Đồng thời, lực lượng cũng tiên phong kiểm tra ngăn chặn xử lý vi phạm pháp luật về đê điều gây ảnh hưởng đến thoát lũ và an toàn đê điều.

Khu vực ĐBSCL có hệ thống đê bao, bờ bao lớn trên 45.500km. Trong đó, 26.400km chống lũ triệt để và 19.000km chống lũ thời vụ. 3 tỉnh có đê cấp III gồm Long An, Đồng Tháp, An Giang. Hai tỉnh Cà Mau và Trà Vinh cũng đã được phân cấp đê.

Vì thế, việc tăng cường học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý đê điều, hộ đê, phòng chống thiên tai giữa các địa phương có đê và các địa phương khu vực ĐBSCL được ông Luận đánh giá quan trọng.

Ông Vũ Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai nhìn nhận, hệ thống đê điều cả nước đang bị xuống cấp, tồn tại nhiều ẩn họa. Dẫn chứng số liệu, cả nước có trên 274km đê thiếu cao trình thiết kế; hơn 300km đê mặt cắt nhỏ hẹp.

Ngoài ra hàng trăm km đê thường bị đùn sủi, kè bị xuống cấp hư hỏng có diễn biến sạt lở. Nhiều tuyến đê cấp III trở lên mặc dù không xảy ra lũ lớn trên hệ thống sông nhưng vẫn tiếp tục xảy ra những sự cố như lún, nứt mặt đê, sạt lở kè mái đê…

Riêng tại ĐBSCL, một số tuyến đê biển, đê cửa sông chưa khép kín, mặt cắt đê nhỏ hẹp, chưa hoàn chỉnh, thậm chí nhiều đoạn đê thiếu cầu, cống. Đối với các tuyến đê biển được thiết kế đảm bảo chống bão cấp 9 và ứng phó thủy triều tần suất 5% chưa phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế hiện hành và yêu cầu thực tiễn. Hơn nữa, tình trạng sạt lở bờ biển gia tăng, làm mất rừng phòng hộ, uy hiếp an toàn đê và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Hiện trạng đê điều ở khu vực ĐBSCL phần lớn quy mô bao nhỏ, địa chất yếu, chưa bảo đảm nhiệm vụ chống lũ. Ảnh: Kim Anh.

Hiện trạng đê điều ở khu vực ĐBSCL phần lớn quy mô bao nhỏ, địa chất yếu, chưa bảo đảm nhiệm vụ chống lũ. Ảnh: Kim Anh.

Đối với hệ thống đê bao ở ĐBSCL, hầu hết hình thành mang tính tự phát. Phần lớn quy mô bao nhỏ, đắp thủ công, vật liệu tại chỗ, nằm sát kênh, rạch và trên nền địa chất yếu, chưa bảo đảm nhiệm vụ chống lũ.

Bên cạnh đó, một số tuyến chưa khép kín, thiếu trạm bơm, cống nên mức ổn định không cao. Dẫn đến tình trạng bị tràn và vỡ đê bao. Nhiều tuyến không đảm bảo hành lang bảo vệ đê theo quy định. Công tác quản lý không có tính thống nhất, chặt chẽ, thiếu lực lượng trực tiếp quản lý.

Từ thực tế đó, lãnh đạo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cho rằng, công tác tập huấn cho lực lượng chuyên trách quản lý đê điều là tiền đề để trao đổi các bài học, kinh nghiệm hay trong công tác quản lý đê. Từ đó, lập quy hoạch, cũng như phát hiện ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, xử lý sự cố đê. Đảm bảo mục tiêu giữ đê an toàn, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhà nước và người dân.

Trong giai đoạn 2022 - 2023, từ ngân sách Trung ương đã bố trí khoảng 440 tỷ đồng/năm nhằm thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng đê điều. Cụ thể là gia cố mặt đê, làm đường hành lang chân đê, tu sửa kè, sửa chữa nâng cấp kho vật tư hoặc điểm canh đê.

Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai đánh giá, lực lượng quản lý đê có vai trò quan trọng, tiên phong ngăn chặn xử lý vi phạm pháp luật về đê điều. Ảnh Kim Anh.

Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai đánh giá, lực lượng quản lý đê có vai trò quan trọng, tiên phong ngăn chặn xử lý vi phạm pháp luật về đê điều. Ảnh Kim Anh.

Năng lực phòng chống thiên tai còn nhiều cái khó

Báo cáo từ Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho thấy, do diễn biến bất thường của thời tiết, biến đổi khí hậu, nước biển dâng khiến tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển diễn biến phức tạp.

Thống kê từ năm 2016 đến nay, cả nước xuất hiện trên 3.700 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài hơn 4.200 km. Trong đó sạt lở ở ĐBSCL có diễn biến phức tạp cần phải xử lý trên 300 điểm, tương đương 460km.

Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở khu vực ĐBSCL diễn biến phức tạp cần phải xử lý trên 300 điểm, tương đương 460km. Ảnh: Kim Anh.

Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở khu vực ĐBSCL diễn biến phức tạp cần phải xử lý trên 300 điểm, tương đương 460km. Ảnh: Kim Anh.

Tại tỉnh Bạc Liêu, có tuyến đê biển Đông chiều dài trên 52km, với nhiệm vụ phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai cho địa phương. Đồng thời, đảm bảo ổn định sản xuất cho trên 51.000 ha đất nông, ngư, lâm và diêm nghiệp.

Trước tác động của thiên tai, triều cường dâng cao kết hợp với gió mạnh gây sóng lớn đánh trực tiếp vào tuyến đê, gây sạt lở mái và thân đê. Để đảm bảo an toàn đê điều cho khu vực này, bên cạnh các phương án xử lý sạt lở tạm thời, về lâu dài tỉnh Bạc Liêu đang đầu tư triển khai thực hiện công trình kè ngầm giảm sóng. Công trình hoàn thành sẽ giúp giảm áp lực sóng biển trực tiếp tác động vào thân đê.

Hiện nay, dọc theo tuyến đê biển Đông tỉnh Bạc Liêu còn một đoạn dài 4km thuộc địa bàn xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu hiện trạng đê còn mảnh, nhỏ, chưa được gia cố. Sở NN-PTNT tỉnh kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét, bố trí nguồn vốn để đầu tư xây dựng công trình giảm sóng, gây bồi từ xa, bảo vệ an toàn cho đê chính.

Vùng cực Nam tổ quốc tỉnh Cà Mau cũng đang đối mặt với tình trạng xói lở bờ biển có xu hướng ngày càng gia tăng về mức độ và phạm vi. Hệ thống đê biển Tây tỉnh Cà Mau có chiều dài trên 108km, trong đó gần 80km được phân cấp là đê cấp IV.

Dọc theo tuyến đê biển Tây, tỉnh Cà Mau đã đầu tư, đưa vào sử dụng gần 44km kè cơ bản chống sạt lở, tạo bãi bồi, khôi phục rừng ngập mặn ven biển. Đồng thời xây dựng 16 cống qua đê thực hiện công tác ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng, xổ phèn phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Tỉnh Cà Mau đầu tư, đưa vào sử dụng gần 44km kè cơ bản chống sạt lở, tạo bãi bồi, khôi phục rừng ngập mặn ven biển. Ảnh: Kim Anh.

Tỉnh Cà Mau đầu tư, đưa vào sử dụng gần 44km kè cơ bản chống sạt lở, tạo bãi bồi, khôi phục rừng ngập mặn ven biển. Ảnh: Kim Anh.

Tuy nhiên, với những đoạn đê đất chưa được đầu tư nâng cấp (dài khoảng 57km), qua nhiều năm sử dụng, không giữ được kích thước ban đầu. Điều này khiến tuyến đê biển Tây không thể bảo vệ dân cư và sản xuất trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét nâng cấp đê biển Tây tỉnh Cà Mau từ đê cấp IV lên cấp III để phù hợp thực tế địa phương.

Thống kê của Bộ NN-PTNT, từ năm 2016 đến nay, Trung ương đầu tư và đã có kế hoạch đầu tư cho các tỉnh, thành vùng ĐBSCL 190 công trình kè chống sạt lở, với chiều dài trên 245km.

Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cũng đưa ra một số giải pháp mềm bảo vệ bờ sông, bờ biển, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác củng cố, nâng cấp, bảo vệ tuyến đê biển, đê sông. Điển hình như: Xây dựng tường mềm giảm sóng bảo vệ bờ biển; Trồng rừng ngập mặn chống xói lở…

Qua thực tiễn triển khai tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL, những giải pháp này đã phát huy hiệu quả bảo vệ bờ sông, bờ biển. Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam nhận định cần mở rộng ứng dụng giải pháp mềm này ra nhiều khu vực. Đồng thời có thể nghiên cứu xây dựng thành tiêu chuẩn quốc gia.

Ngày 6/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 957/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030. Mục tiêu cụ thể của Đề án là điều tra, đánh giá, cập nhật cơ sở dữ liệu về sạt lở bờ sông, bờ biển.

Phấn đấu đến năm 2023 cơ bản hoàn thành bản đồ về hiện trạng sạt lở, công trình phòng chống sạt lở vùng ĐBSCL. Đồng thời, quản lý chặt chẽ việc xây dựng công trình, nhà cửa tại khu vực ven sông, ven biển.

Phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành xử lý sạt lở tại các khu vực trọng điểm xung yếu ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, hệ thống đê điều.

Và đến năm 2030, ổn định dòng chảy tại một số phân lưu, hợp lưu, trên các đoạn sông chính, khu vực cửa sông, ven biển có diễn biến xói, bồi phức tạp.

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hơn 300 cơ sở ở Thái Nguyên vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện hơn 320 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...

Bình luận mới nhất