| Hotline: 0983.970.780

Đê Đông xuống cấp, xâm nhập mặn uy hiếp ngàn ha đất canh tác

Thứ Tư 27/03/2024 , 06:15 (GMT+7)

Bình Định Tràn Dương Thiện thuộc hệ thống đê Đông dài 250m, có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp giờ đã như ‘răng rụng’.

Mất khả năng ngăn mặn

Theo ông Nguyễn Minh Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước, Bình Định), tràn Dương Thiện thuộc hệ thống đê Ðông nằm trên địa bàn xã này do đưa vào khai thác, sử dụng đã lâu nên hiện nhiều vị trí ở khu vực phía Bắc bị sụt lún sâu, làm nước mặn từ đầm Thị Nại rò rỉ qua các cửa tràn xâm nhập vào các hồ nuôi trồng thủy sản và nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Thậm chí, có nhiều cửa ngăn nước mặn bắt đầu hư hỏng, gỉ sét nghiêm trọng. Trước đây, ngành chức năng tỉnh Bình Định đã cho khắc phục bằng cách lấp nhiều cửa tràn bằng bê tông. Tuy nhiên, phương án khắc phục này chỉ là cách “chữa cháy” tạm thời, không mang lại hiệu quả bền vững.

“Thực trạng này khiến chính quyền địa phương và người dân rất lo lắng. Bởi, tràn Dương Thiện là công trình xung yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cũng như sản xuất của rất nhiều hộ dân”, ông Thiện lo lắng.

Tràn Dương Thiện nằm trên địa bàn xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước, Bình Định) thuộc hệ thống đê Đông dài 250m, có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt. Ảnh: V.Đ.T.

Tràn Dương Thiện nằm trên địa bàn xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước, Bình Định) thuộc hệ thống đê Đông dài 250m, có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt. Ảnh: V.Đ.T.

Nguyên nhân xâm nhập mặn được chính quyền xã Phước Sơn giải thích thêm là do tràn Dương Thiện trước đây được xây dựng thấp, nên khi nước thủy triều dâng đã vượt qua các cổng tràn và trụ bin, nước mặn từ đầm Thị Nại cứ thế tràn vào những ao hồ nuôi trồng thủy sản và nhiều diện tích cánh tác lúa của người dân địa phương.

Nông dân Trần Văn Nam ở thôn Dương Thiện (xã Phước Sơn), chia sẻ: “Tràn Dương Thiện bị sụt lún, xuống cấp, gây khó cho sản xuất nông nghiệp, bị ảnh hưởng nặng nhất là cánh đồng lúa nằm sát đê khu Đông. Mỗi khi triều cường dâng lên là nước biển qua tràn từ 0,4 - 0,6m, gây ngập úng, cây lúa bị nhiễm mặn không phát triển nổi, nhiều diện tích phải gieo đi sạ lại nhiều lần”.

Không chỉ gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, tình trạng sụt lún, xuống cấp của tràn Dương Thiện còn gây khó cho giao thông của người dân ở các xã Phước Sơn và Phước Hòa.

Bà Lê Thị Cẩm, người dân ở thôn Dương Thiện, bức xúc: “Do tràn là đường độc đạo kết nối từ thôn Dương Thiện đến các thôn Kim Đông, Kim Tây thuộc xã Phước Hòa, hàng ngày không ít người dân bất chấp nguy hiểm chạy xe máy, xe đạp băng qua tràn. Tối nào nước cũng ngập đường đi, vào mùa hè thường có mực nước cao nhất, nguy hiểm rập rình”. 

Nước mặn từ đầm Thị Nại rò rỉ qua các cửa tràn Dương Thiện xâm nhập vào hồ nuôi trồng thủy sản và nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Ảnh: V.Đ.T.

Nước mặn từ đầm Thị Nại rò rỉ qua các cửa tràn Dương Thiện xâm nhập vào hồ nuôi trồng thủy sản và nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Ảnh: V.Đ.T.

“Tràn Dương Thiện xuống cấp là thực trạng rất đáng lo ngại. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, bà con nhân dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng sớm khảo sát, bố trí kinh phí để sữa chữa, nâng cấp, nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì”, ông Phạm Quang Ân, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước bộc bạch.

Giải pháp tiêu úng

Ông Lê Xuân Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bình Định (Sở NN-PTNT), giải thích thêm: Tràn Dương Thiện bị nghiêng và sụt lún nghiêm trọng do nền địa chất khu vực này rất yếu. Để nâng cấp, sửa chữa tràn, theo tính toán của đơn vị tư vấn phải cần đến nguồn kinh phí lên đến vài trăm tỷ đồng.

“Tỉnh chưa thể bố trí vốn để sửa chữa. Do đó, Chi cục Thủy lợi Bình Định tiếp tục đề nghị Sở NN-PTNT kiến nghị UBND tỉnh Bình Định quan tâm đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030 để nâng cấp tràn”, ông Sơn cho hay.

Tràn Dương Thiện bị nghiêng và sụt lún nghiêm trọng do nền địa chất khu vực này rất yếu. Ảnh: V.Đ.T.

Tràn Dương Thiện bị nghiêng và sụt lún nghiêm trọng do nền địa chất khu vực này rất yếu. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, vùng ven đê Đông thuộc địa bàn các xã Phước Thắng, Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Hòa và cả 1 phần thành phố Quy Nhơn cứ vào đầu vụ đông xuân hàng năm, hoặc thời điểm có mưa tiểu mãn, mưa muộn thì vùng này bị úng nặng, cây lúa phát triển không nổi. Có năm nước ngập mênh mông không thoát được, lúa vụ đông xuân phải sạ đi sạ lại 2 - 3 lần gây thiệt hại vô kể, vừa gieo sạ xong trời đổ xuống cơn mưa, nước không thoát được giống bị “điếc” hết, cây lúa không phát triển được.

Trước thực trạng trên, ngành chức năng Bình Định dự kiến sẽ xây dựng hệ thống đường dẫn kênh tiêu đưa nước úng xuống dọc đê Đông, rồi bố trí 1 số trạm bơm điện để tiêu úng bằng cả 2 phương pháp động lực và trọng lực kết hợp.

“Hệ thống kênh tiêu dọc đê Đông chỉ cần có 8 trạm bơm điện, mỗi trạm bố trí 4 máy bơm có công suất 1.000 khối/giờ là có thể giải quyết nạn ngập úng vào đầu vụ đông xuân hàng năm cho những diện tích canh lúa ven đê Đông”, ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định chia sẻ.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.