Ngôi làng toàn hộ nghèo
Ít có làng nào mà toàn bộ dân số đều dính đến chữ “nghèo” như làng O2 nằm trên đỉnh núi Konhlon thuộc xã vùng cao Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định). Làng O2 hiện có 54 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu; trong đó, đã có đến 44 hộ thuộc diện hộ nghèo và 10 hộ thuộc diện cận nghèo. 54 hộ dân nói trên sống biệt lập trong ngôi làng nằm chon von trên đỉnh Konhlon như sống trong “ốc đảo”. Bởi, làng O2 cách trở với miền xuôi Vĩnh Kim chỉ 9km nhưng toàn đường rừng với nhiều con đèo, dốc “dựng đứng”, nên cư dân làng O2 hiếm có điều kiện giao lưu với cộng đồng.
Con đường dẫn đến làng O2 bắt đầu từ cây cầu treo dựng tạm bợ bằng tre và dây mây, chiếc cầu treo này dẫn chân khách đến những con dốc dài và cao đến “mũi người đi sau chạm gót giày người đi trước”, vòng vèo dưới tán rừng.
“Người khỏe muốn đến được làng O2 trong điều kiện thời tiết bình thường cũng phải mất đến 3-4 tiếng đồng hồ đi bộ trên đoạn đường đèo, dốc dài hơn 4km, quãng đường còn lại được thanh niên trong làng dùng xe máy “chuyên dụng” để chở mất thêm 1 tiếng đồng hồ nữa. Nếu không gặp xe máy, đi bộ hết tuyến đường từ cầu treo đến làng O2 phải mất đến nửa ngày”, ông Đinh Khích, Trưởng làng O2 cho hay.
Cũng theo ông Khích, do giao thông cách trở, nên tư liệu sản xuất của dân làng O2 cũng rất “nghèo nàn”, nên không thể khai thác hết tiềm năng đất đai của địa phương. Thêm nữa, đường đi cách trở cũng làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của bà con. Dân làng gặp khó trong việc đưa nguyên vật liệu, nhu yếu phẩm từ trung tâm xã Vĩnh Kim về làng O2, cũng như vận chuyển nông sản, vật nuôi từ làng xuống trung tâm xã để tiêu thụ.
“Bà con nơi đây chủ yếu canh tác lúa nước, lúa rẫy; trồng cây ngắn ngày như mì, đậu, bắp và chăn nuôi 1 ít heo, bò, gà; năng suất, chất lượng lại thấp do thiếu thốn đủ bề. Đã thế, do không có giao thông nên nông sản của dân làng hầu như nằm im tại chỗ, tiêu thụ theo kiểu tự cung, tự cấp. Đặc biệt, làng O2 chưa có điện thắp sáng và không có sóng điện thoại di động, gần như bị cô lập với xã hội bên ngoài”, ông Đinh Khích cho biết thêm.
Những khó khăn “không thể tả” của ngôi làng trên đỉnh Konhlon đã “níu chân” ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, vượt đèo cao, dốc sâu để lên đến làng O2, nhằm tận mắt chứng kiến cái khổ cái nghèo của người dân ở đây. Trong chuyến công tác này, ông Tuấn cám cảnh nỗi khó khăn của dân làng O2, nên quyết định hỗ ngay cho dân làng 5 bộ đèn năng lượng mặt trời 1.000W, 5 máy cày cầm tay, 5 bồn chứa nước i-nox loại 1.500 lít và 2.000m ống nước để dẫn nước từ suối về làng. Ngoài ra, trong thời gian tới đây, UBND tỉnh sẽ lập dự án hỗ trợ cho dân làng O2 mỗi hộ 2 con bê cái sinh sản và hỗ trợ cho làng 2 con bò đực để phối giống nhằm tạo sinh kế bền vững cho bà con.
“Dân làng O2 rất biết ơn những món quà chủ tịch tỉnh Bình Định tặng trong dịp này, cũng như cám ơn các đoàn từ thiện đã đến thăm làng trước đây mang theo nhiều món quà rất ý nghĩa. Đặc biệt là món quà thiết bị điện năng lượng mặt trời và việc lắp đặt, sửa chữa đường ống dẫn nước sạch từ suối về làng để dân làng O2 có điện, nước do Tỉnh đoàn Bình Định và các đoàn từ thiện thực hiện”, ông Đinh Khích, Trưởng làng O2 cảm kích nói.
Hạ thấp độ cao cho O2
Ông Đinh Khư, cán bộ Kiểm tra Huyện ủy Vĩnh Thạnh, trước đây là Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim, nhớ lại: Cách đây hơn 5 năm, để con em của dân làng O2 có được chỗ học ổn định, UBND xã Vĩnh Kim đã vận động toàn dân trong xã tham gia cõng xi măng, gạch, ngói vượt đèo dốc để lên xây dựng 2 trường học kiên cố, 1 cho các cháu mẫu giáo và 1 cho các cháu học từ lớp 1 đến lớp 5. Hai 2 trường học nói trên phải cần đến khoảng 3.000-4.000 viên ngói. Trừ làng O2, người dân 5 thôn miền xuôi của xã Vĩnh Kim Đều tham gia vận chuyển vật liệu xây dựng để xây trường cho con em làng O2. Thôn nào có nhiều lao động, xã phân công vận chuyển nhiều ngói hơn.
“Người khỏe mạnh thì 1 chuyến cõng khoảng 10 viên ngói, người yếu cõng ít hơn, khoảng 4-5 viên. Xi măng thì tháo bao, phân ra từng túi nilon, 3 lao động đảm nhiệm vận chuyển 1 bao. Cứ thế làm túc tắc, chuyến này đến chuyến khác, ngày này sang ngày kia, chẳng bao lâu xây dựng xong 2 ngôi trường. Nói là trường “cho sang” chứ chỉ là 2 phòng học, 1 phòng dành cho các cháu học mẫu giáo và 1 phòng dành cho cả 5 lớp cấp I”, ông Đinh Khư chia sẻ.
Để bớt khổ sở về giao thông, đầu năm 2018, người làng O2 đã chung tay phát rừng, trục đá tảng để hình thành đoạn đường mòn khoảng hơn 3km từ đầu làng về xuôi để xe máy có thể vận hành. Sau khi có con đường mòn, người làng O2 đưa nông sản về xuôi được xe máy “cõng” đi được 1 chặng khoảng hơn 3km nên cái lưng người làng đỡ vất vả.
Trong chuyến về thăm làng O2 mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn quyết định sẽ tháo gỡ khó khăn cho làng O2 theo kiểu “bánh tét lột lần”, giải quyết từng bước một.
Để thực hiện, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao UBND huyện Vĩnh Thạnh tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; chú trọng công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số; chủ động phối hợp với ngành giáo dục quan tâm cải thiện, nâng cao điều kiện dạy, học cho thầy cô giáo và học sinh tại các điểm trường vùng cao, vùng sâu, vùng xa; tuyên truyền, vận động ngăn chặn tình trạng bỏ học trong học sinh…
UBND huyện Vĩnh Thạnh còn được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai bê tông hóa đường giao thông lên làng O2, đảm bảo cho xe gắn máy đi lại theo tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm, bắt đầu thực hiện từ tháng 7/2024.
UBND tỉnh Bình Định dự kiến sẽ đầu tư cho làng O2 hệ thống pin mặt trời cỡ lớn, bộ tích trữ điện đủ để người dân sử dụng. Đồng thời trang bị thêm 2 máy nổ công suất cao, đề phòng trường hợp không thể phát điện từ pin mặt trời thì dùng máy nổ. Sau khi có hệ thống điện, Bình Định sẽ tính tới việc xây dựng, lắp đặt trạm phát sóng di động để đảm bảo thông tin liên lạc cho người dân.
Người dân làng O2 càng mừng hơn khi trong chuyến ghé thăm mới đây, ông Phạm Anh Tuấn giao các Sở, ngành liên quan và lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh sớm triển khai khảo sát đường đi, hướng tuyến chuẩn bị làm đường về làng O2. Sau khi thống nhất hướng tuyến, Nhà nước đầu tư kinh phí mua xi măng, cát, sỏi; nhân dân làng O2 cung cấp nhân công làm đường. Trong quá trình làm đường, công lao động được Nhà nước lo tiền ăn hằng ngày. Dự kiến, tuyến đường từ xã Vĩnh Kim đi O2 rộng từ 1-1,2m, đổ bê tông mặt đường dày khoảng 15-20cm phục vụ tốt cho xe mô tô lưu thông.
“Sở NN-PTNT, Sở LĐ-TB&XH, Ban Dân tộc tỉnh… chủ động phối hợp với UBND huyện Vĩnh Thạnh rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức mới, mô hình hay trong sản xuất nông nghiệp cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh nói chung và xã Vĩnh Kim nói riêng, ưu tiên các mô hình người dân đã và đang triển khai hiệu quả như nuôi bò thịt, heo rừng...”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn, nhấn mạnh.