| Hotline: 0983.970.780

Khao khát cháy bỏng có con đường lên làng O2 trên đỉnh Konhlon

Thứ Tư 07/09/2016 , 14:01 (GMT+7)

Làng O2 thuộc xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) dường như chẳng mấy khi được khách đến thăm. Bởi, làng nằm tận trên đỉnh Konhlon, xa và cao lắm. Cao đến mức...

17-31-49_1
Con đường về làng O2

 Phải mất hơn 8 tiếng đồng hồ băng rừng vượt suối, những đôi chân đau nhức của chúng tôi mới chạm được lên mảnh đất heo hút giữa đại ngàn.

 

Mơ ước truyền đời

Còn nhớ lần đầu tiên chúng tôi đến làng O2 vào năm 1995, khi ấy làng O2 còn heo hút hơn bây giờ. Tổng dân số của làng O2 lúc đó chỉ 19 hộ đồng bào dân tộc Bana, cư ngụ trong những ngôi nhà tranh tre nứa lá dựng tạm bợ trên 1 triền đồi.

Hồi đó, dân làng không ai nói thạo tiếng Kinh. Cũng may có ông Gan, người học cao nhất làng, hết lớp 3, làm “thông dịch” nên chúng tôi mới có thể trò chuyện được với dân làng. Tuy nói tiếng Kinh không thạo, nhưng khi nói đến ước mơ, những người dân của làng O2 ai cũng nói tròn vành rõ chữ một câu: “Dân làng muốn có 1 con đường để đi lại làm ăn, cuộc sống đỡ khổ”.

Bây giờ, sau hơn 20 năm trở lại, ước mơ ngày xưa của dân làng O2 vẫn nguyên vẹn như xưa. Bok Hun (bok: già), già làng O2, năm nay đã 107 tuổi nhưng còn rất minh mẫn. Trò chuyện với khách mà đôi mắt bok Hun cứ nhìn xa xăm.

“Bok nghe nói năm kia, huyện đã khảo sát làm đường lên O2, cái bụng bok nó mừng lắm. Nhưng 2 năm rồi không thấy ai nói nữa. Buồn. Chắc là tốn nhiều tiền lắm nên không làm nổi. Không biết bok có sống đến ngày thấy làng O2 có con đường nối với miền xuôi không nữa”, bok Hun nói buồn buồn.

Khao khát ấy còn cháy bỏng hơn khi dân số của làng O2 bây giờ đã tăng đến 47 hộ dân với 183 nhân khẩu. Người sinh sôi nẩy nở, nhưng chuyện làm ăn chẳng thể thay đổi được gì khi làng chưa có con đường để giao thương với các địa phương bên ngoài. Chỉ ai năng động lắm như anh Đinh Văn Nhin (35 tuổi) mới tính được chuyện làm ăn trong bối cảnh chưa có đường giao thông.

“Trồng lúa, trồng mì, trồng bắp muốn bán là phải gùi, cõng xuống xuôi. Trèo đèo lội suối khổ lắm nhưng chẳng được bao nhiêu tiền, vì cái lưng không như cái xe mà vận chuyển được nhiều. Nên mình để hết lúa mì bắp làm lương thực cho cả nhà, và phục vụ chăn nuôi.

Nuôi con gà, con vịt để làm thực phẩm cải thiện bữa ăn hàng ngày. Muốn bán thì phải nuôi con gì có 4 chân, như con bò, con trâu thì mới có thể bắt nó đi xuống núi để mình bán”, anh Nhin chia sẻ.

Học tập anh Nhin, dân làng O2 bây giờ đã chú trọng đầu tư nuôi đại gia súc. Hiện đàn trâu ở O2 đã có trên 200 con, đàn bò gần 140 con, bình quân mỗi hộ có trên 7 đầu gia súc. Để bảo toàn đàn gia súc, làng O2 đưa vào hương ước chuyện thay đổi tập quán chăn nuôi.

17-31-49_2
Một góc làng O2

 

Trâu, bò không còn thả rông vào rừng mà được chăn dắt, nuôi nhốt nên mỗi mùa mưa lạnh không còn tình trạng trâu bò chết “tha hương” trên đại ngàn, chăn nuôi thực sự mang lại hiệu quả. Nhờ đó, ở làng O2 bây giờ những ngôi nhà tranh tre nứa lá đã dần được thay thế bằng những ngôi nhà vách ván, lợp tôn rộng rãi.

Hôm chúng tôi lên O2, anh Nhin không giấu được niềm vui khi được ở trong ngôi nhà mới. “Phải nhiều đợt trâu, bò theo mình về xuôi để mình bán chúng thì mới có tiền làm ngôi nhà này đấy”, anh Nhin bộc bạch.

Mơ ước 1 con đường ăn sâu vào tâm khảm người dân làng O2, vì thế mới có chuyện 5 hộ dân ở đây mua xe máy “cõng” về chạy loanh quanh trong làng cho “đỡ thèm”.

Anh Đinh Văn Sơn kể: “Mình xuống dưới xã, thấy nhiều xe máy quá, còn làng mình chẳng có cái nào. Muốn quá, mình mua ngay một chiếc, nhờ mười mấy thanh niên trai tráng trong làng khiêng lên những con dốc, mất một ngày trời chiếc xe mới về đến làng. Mình mua xe để chạy trong làng cho vui thôi, xuống xuôi thì lấy đường đâu mà chạy”.

Sau anh Sơn đã có thêm 4 hộ ở O2 mua xe máy. Tiếng động cơ xe máy vang vang khắp làng mỗi buổi chiều cũng làm cho ngôi làng vùng cao xa xôi bớt đi sự heo hút.

 

Đến ti vi cũng chẳng nói năng

Câu chuyện về điện, nước ở đây cũng chẳng sáng sủa gì. Những tấm panel điện mặt trời được lắp từ những năm 90 (TK XX), đến nay đã già mua, hư hỏng nhiều.

Những chiếc tuabin thủy điện nhỏ tận dụng sức nước từ con suối cạnh làng do bà con tự bỏ tiền mua về lắp đặt, sau vài năm sử dụng giờ cũng đã hư hỏng hết, chẳng ai biết sửa nên đành bỏ luôn. Chiếc máy nổ do huyện cấp chạy bằng dầu diezel mỗi tối chạy 2 tiếng cũng hay hư vặt. 

Ông Khít chỉ chiếc tivi phủ đầy bụi nằm trong góc nhà sàn, nói: “Cả năm rồi nó không nói năng gì cả vì thủy điện nhà mình hư rồi, còn máy nổ của làng thì cũng đau lên đau xuống. Nó làm thinh thì cả nhà đều buồn”.

17-31-49_4
Một trong 4 chiếc xe máy của làng O2

 

Ở giữa làng, bà con đào chung 2 hố nước cạnh khe suối, một để lấy nước uống và một để tắm rửa, giặt giũ. Nhà nào có điều kiện thì mua ống nhựa dẫn nước về chứa trong bể làm bằng ván ghép, bên trong lót bạt. Con suối cạnh làng mùa khô vẫn có nước, nhưng lại nằm dưới đáy. Muốn lấy nước người làng phải gùi, cõng từng can nhựa.

Đêm ở làng vùng cao O2, nghe tiếng học bài của thằng con trai út anh Đinh Văn Nhin vang vọng giữa đại ngàn, chúng tôi cảm thấy ấm lòng. Tuy nhiên, theo ông Đinh Ly, nguyên Bí thư Chi bộ làng O2, chuyện học ở đây cũng đã trải qua lắm gian nan.

Khoảng năm 1994, dân làng góp công sức vào rừng chặt cây làm 1 phòng học tạm, rồi xin ngành giáo dục huyện cử giáo viên dưới xuôi lên dạy chữ cho con em trong làng. Nhưng vì đường sá xa xôi cách trở, thầy giáo đi dạy “bữa đực bữa cái”, nên chuyện học của các cháu cũng “khi có khi không”, như những đợt gió rừng.

Năm 1995, làng bị hoả hoạn, bà hỏa “nuốt” luôn trường học. Đến năm 1997, ngành giáo dục huyện tiếp tục hỗ trợ tôn lợp để bà con làm trường mới. Lại có 2 thầy giáo dưới xuôi được cử lên để dạy chữ cho các cháu.

“Việc học của con em trong làng O2 được duy trì từ ấy đến giờ. Bây giờ đã có gần 20 con em học chữ tại trường làng, và có khoảng 20 cháu đang học ở trường xã, trường huyện”, ông Ly nói.

 

Giữ rừng để rừng ban “lộc”

Canh tác nông sản không mang lại hiệu quả vì khó khăn trong chuyện mua bán, trao đổi, người dân làng O2 lấy rừng để làm cứu cánh.

Nhiều năm qua, dân làng O2 có thêm nguồn thu nhập chính từ việc nhận khoán bảo vệ rừng do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh giao khoán. Những cánh rừng nguyên sinh rộng hàng ngàn hecta bao quanh làng được những người dân sống giữa rừng bảo vệ, nên hạn chế được sự xâm hại của lâm tặc. Một lý lẽ đơn giản nhưng thực tế được những người già trong làng giải thích: “Chỉ những người dân ở cạnh rừng mới có thể bảo vệ rừng tốt nhất”.

Người dân O2 làm tốt công tác bảo vệ rừng thì rừng cũng hào phóng ban phát cho “lộc” cho người dân. Những cánh rừng nguyên sinh bao quanh làng O2 cho nhiều sản vật đa dạng và phong phú. Các lâm sản phụ dưới tán rừng cũng mang lại cho người làng nguồn thu nhập đáng kể.

17-31-49_3
Ông Khít đang vắt mật ong rừng

 

Hàng năm, từ tháng 3 đến tháng 6 là mùa hoa rừng nở, cũng là mùa ong đi tìm mật. Khi đại ngàn tràn ngập hương hoa thì thanh niên trai tráng làng O2 bắt đầu đi rừng lấy mật. Giá mật ong rừng luôn ổn định từ 250 ngàn đến 300 ngàn đồng/lít nên đã mang lại cho bà con nguồn thu nhập không nhỏ.

Ông Khít cho biết: “Mỗi mùa ong, cả làng vào rừng lấy mật, nhà nào nhiều thì cũng được vài ba trăm lít, gia đình mình cũng lấy được không dưới một trăm lít mật mỗi mùa. Tiền bán mật được người làng xem là một trong những nguồn thu nhập chính trong năm, cõng nó về xuôi bán cũng dễ”.

“Nếu có đường giao thông, toàn bộ diện tích đất rừng, đất nông nghiệp ở O2 sẽ được khai thác đúng mức, mở ra hướng phát triển chăn nuôi, trồng rừng, khai thác lâm sản phụ và trồng cây dược liệu dưới tán rừng; đưa toàn bộ diện tích đất chưa sử dụng ở khu vực này vào SXNN để tạo ra sản phẩm hàng hóa”, ông Đinh Cư, Chủ tịch HĐND xã Vĩnh Kim.

 

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cần Thơ điều chỉnh, ban hành lại quy chế họp báo gây tranh cãi

Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ sẽ tham mưu UBND thành phố tiếp tục điều chỉnh một số nội dung trong quy chế họp báo và ban hành lại cho phù hợp.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm