| Hotline: 0983.970.780

Để ngày 8/3 thực sự ý nghĩa

Thứ Bảy 06/03/2021 , 08:10 (GMT+7)

Nhiều bà vợ cảm kích khi vào ngày 8/3 được chồng tặng hoa, quà và những lời chúc ngọt ngào, trìu mến.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Không còn niềm vui nào hơn thế nên họ cho rằng như thế là quá đủ đối với mình, vì ít ra vào ngày trọng đại “Anh ấy cũng còn nhớ đến vợ”.

Tuy nhiên, cũng không ít các bà vịn vào cớ này mà lên giọng, ra oai, làm nũng, … nhằm hành hạ chồng mình cho thỏa chí.

“Hành xác”

Với quan niệm đàn ông có đến 364 ngày “tung hoành”, còn phụ nữ thì chỉ có một ngày duy nhất là 8/3 nên vào ngày này, chị Phượng thường hành hạ chồng để bù lại những ngày làm việc nhà không ngơi nghỉ.

Nhưng cũng may, chị là dân buôn bán, anh chồng là nhân viên văn phòng, nên chị chỉ có dịp ra oai chồng vào buổi tối. Chị buộc chồng sau khi đi làm về phài rửa chén, giặt đồ, lau nhà và nhiều việc linh tinh khác, mà làm bằng cả sự nhiệt tình chứ không cẩu thả.

Do có sự chuẩn bị từ ngày 7/3 nên chồng chị Phượng khỏi phải lo hết việc để làm. Sau bước khởi đầu gian nan là đến phần chế biến thức ăn thịnh soạn để chị và hai cô công chúa thưởng thức. Cuối cùng là phần quà tặng bất ngờ.

Nói là bất ngờ nhưng thực ra chị đã biết trước “kết quả xổ số”. Tuy chị không đòi hỏi chuyện quà tặng nhưng chị muốn anh phải “biết điều” chứ không giả vờ làm lơ.

Trước ngày 8/3, chị Phượng đã nhắc khéo chồng để anh biết mà chọn lựa, đại loại như: “Anh ơi, cái váy nhung trên tờ tạp chí này đẹp quá, rất hợp với dáng em”, “Đôi giày mà cô người mẫu mang trên ti-vi sang nhỉ, em cũng thích được như vậy để tôn vinh chiều cao của mình”, “Những chiếc đầm của con mình đã quá cũ, chắc em phải mua cho chúng cái mới”…

Anh chồng nghe phải thuộc nằm lòng để mua theo, chứ mua trái ý hoặc không mua thì coi như trong nhà có “pháo nổ” ngay 8/3.

Tuy phần quà tặng đã kết thúc “chương trình”, nhưng anh chồng chưa được yên thân, còn phải rửa hết chén bát ngay trong đêm, tự ủi đồ và ngoan ngoãn ngồi cạnh chị để khi có chuyện cần sai vặt như rót nước, gọt trái cây chẳng hạn.

Chị thường tâm sự với các bà bạn rằng: “Tụi mình bị bọn họ hành hạ cả năm rồi, chỉ được có một ngày 8/3, tội gì không trả đũa”. Cũng may là chồng chị Phượng hiền, lại biết chút ít việc nhà nên không phàn nàn về chuyện này cho lắm.

“Được voi đòi tiên”

Chị Sương, nhân viên kế toán ngân hàng, hay có thói quen “mè nheo” với chồng trong những ngày lễ tôn vinh phụ nữ như Valentine, Quốc tế phụ nữ, Phụ nữ Việt Nam… Ngày thường vốn dĩ chị đã thế nên vào ngày trọng đại 8/3, cái sự “mè nheo” của chị nó tăng lên gấp ba, gấp bốn lần.

Chị không hành hạ chồng làm việc nhà nhưng thay vào đó, anh chồng phải biết chiều chuộng chị bằng những món quà đắt tiền mà chị thích. Mà cũng phải thôi, bởi anh chị là đôi vợ chồng son chỉ ở tuổi 25. Họ thích lãng mạn, hình thức và những nghi lễ cầu kỳ.

Tuy nhiên, cái gì cũng có giới hạn của nó. Cứ thêm một tuổi, thêm một lễ 8/3 là chị nâng mức giá trị quà tặng lên, chứ không “hạ giá” nên anh chồng bắt đầu phát oải, mặc dù không nói ra cho vợ biết. Nhớ 8/3 năm ngoái, chị thích chiếc váy hoa màu hồng phấn trị giá cả triệu đồng, vậy mà khi anh mua về, chị lại làm mình làm mẩy cho rằng anh mua không đủ bộ.

“Váy thì phải đi kèm với giày và túi xách chứ ông xã!”, chị bảo thế. Anh chồng lúng túng: “Sao em không nói trước?”.

Chị trả lời tỉnh bơ: “Không lẽ chuyện gì cũng phải đợi em nói hết sao. Làm chồng, anh phải biết ga lăng với vợ mình chứ. Hồi chưa cưới, em nhớ anh giỏi chuyện này lắm mà”.

Thế là anh chồng phải chạy xe ra cửa hàng thời trang mua thêm giày và túi xách cùng màu để tặng vợ. Về tới nhà anh phờ cả người, quên luôn việc chúc mừng. Chị Sương hơi bực mình, nhưng có những món quà mà mình ưng ý trong tay nên chị “miễn tội” cho chồng.

Năm nay, 8/3 lại về. Anh chồng lại làm tròn bổn phận của mình là mua cho vợ một cặp kính mát và lọ nước hoa đắt tiền. Nhưng chị Sương lại chưa vừa bụng, thủng thẩy: “Anh quên mua một cành hồng tặng em rồi đó. 8/3 mà không có hoa hồng coi sao đặng”.

Như một robot, anh chồng cuốc bộ ra ngoài đầu hẻm, mua một đóa hồng mà các sinh viên bán bên lề đường mang về tặng vợ. Vừa nhìn đóa hoa, chị đã sa sầm nét mặt: “Em không thích màu đỏ tía. Sao anh không chọn màu hồng phấn?”.

“Anh nhớ ngày xưa em thích màu này mà?”, anh chồng chưng hửng.

“Ngày xưa khác, bây giờ khác chứ anh”. Tuy hơi bực mình nhưng chồng chị Sương vẫn lủi thủi ra phố mua đóa hoa hồng màu hồng phấn. Cũng may là vợ chồng son nên anh không cộc cằn hay vũ phu, chứ nếu là vợ chồng trung niên thì chắc có chuyện. Nhưng chưa dám chắc là những ngày lễ 8/3 trong tương lai, chồng chị Sương có kiên nhẫn như hiện tại hay không.

Để ngày lễ thực sự ý nghĩa

Đồng ý rằng 8/3 là ngày tôn vinh tất cả phụ nữ trên toàn thế giới, nhưng không vì thế mà các cô, các bà lại ra sức “hành hạ” người đàn ông của mình chỉ để “trả thù” những tháng ngày cực nhọc trong năm.

Như thế là thiển cận. Đã qua cái thời trọng nam khinh nữ, giờ đây tất cả mọi người đều được bình đẳng giới như nhau.

Nếu như người vợ quần quật suốt ngày với việc nội trợ trong nhà thì người chồng cũng đau đầu với những công việc đặc thù ở cơ quan. Vì vậy, mong rằng những người vợ hãy trân trọng những gì mình đang có và phải tự kiêu hãnh rằng ít ra mình cũng có một ngày thật ý nghĩa mà các ông chồng có mơ cũng không được.

Một món quà, dù là lời chúc chỉ mang giá trị tinh thần nhưng cũng là tất cả tấm lòng của quý ông dành cho mình. Đừng quá khắt khe, vòi vĩnh, khó dễ sẽ chuốt khổ về phần mình, vì đôi khi những điều đó trở nên tác dụng ngược.

(Kiến thức gia đình số 9)

Xem thêm
Nỗi lòng của người phụ nữ nội trợ!

Công việc nội trợ không có danh xưng cao sang, nhưng nó là nền móng giữ cho gia đình vững vàng qua mọi sóng gió.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?