| Hotline: 0983.970.780

Đề nghị giãn nợ đồng loạt cho doanh nghiệp

Chủ Nhật 26/09/2021 , 21:23 (GMT+7)

Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo khối ngân hàng thương mại thực hiện sâu sát Thông tư 14.

Nhiều doanh nghiệp chật vật xoay xở trong thời gian giãn cách xã hội.

Nhiều doanh nghiệp chật vật xoay xở trong thời gian giãn cách xã hội.

Ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Thông tư nhận nhiều phản hồi tích cực, khi quy định thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch Covid -19 đối với khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hoặc kể từ ngày đến hạn của từng số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Tuy nhiên, khi triển khai Thông tư 14 trong thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được với những ưu đãi này. Phát biểu trong Hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương ngày 26/9, ông Đặng Hồng Anh, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc chứng minh doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi Covid-19.

Bên cạnh đó, để nhận được hỗ trợ, doanh nghiệp còn phải chứng minh năng lực tài chính, và được ngân hàng đánh giá là có khả năng trả nợ sau thời gian giãn nợ.

Trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp đều khó khăn như nhau, ông Hồng Anh kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo khối ngân hàng thương mại giãn nợ đồng loạt cho các doanh nghiệp trong vòng từ 6-9 tháng, không để xuống nhóm nợ, trừ các ngành vẫn hoạt động tốt trong đại dịch như y tế, thực phẩm, sắt thép…

Tại Hội nghị, ông Hồng Anh cho biết, cộng đồng doanh nhân trẻ chia sẻ và cảm thông với áp lực của Thủ tướng và các bộ, ban ngành, địa phương trong công tác phòng, chống dịch. Thay mặt hiệp hội, ông cảm ơn sự hỗ trợ của Chính phủ và địa phương tới các doanh nghiệp trong thời gian qua, nhất là trong 4 đợt bùng phát dịch bệnh.

Trên cơ sở tập hợp những kiến nghị từ cộng đồng doanh nhân trẻ trên cả nước, Hội doanh nhân Trẻ Việt Nam đề xuất thêm 6 chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, bên cạnh việc giãn nợ đồng loạt. Một, là kiến nghị Bộ Y tế và địa phương mua bộ kit xét nghiệm nhanh Covid-19 với số lượng lớn.

Hai, là kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu thêm các bài thuốc đông y để hỗ trợ điều trị Covid-19, trong đó tận dụng nguồn dược liệu của Việt Nam. Ba, là kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chính quyền giảm một nửa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính hiện hành. 

Bốn, là kiến nghị Chính phủ giảm 50% thuế giá trị gia tăng đến hết tháng 6/2022, đồng thời áp dụng đại trà, không chọn lọc về mặt hàng. Năm, là kiến nghị Chính phủ gia hạn thực hiện một số dự án đầu tư công khi doanh nghiệp tư nhân bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Sáu, là đề xuất cho hiệp hội tham gia các tổ tư vấn về phục hồi kinh tế. 

Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam có 28 năm hình thành và phát triển. Năm 2020, hưởng ứng lời kêu gọi của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã huy động 5 tỷ đồng trong vòng 11 giờ, hỗ trợ vốn cho Công ty Việt Á sản xuất bộ kit xét nghiệm Covid-19, phục vụ cho công tác chống dịch.

Xem thêm
Xuất khẩu cà phê Việt Nam quý II sẽ tăng do nhu cầu thế giới tăng?

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 756.000 tấn cà phê, trị giá 2,57 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng và 57,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Liên doanh DHN với mô hình kinh tế xanh trong nông nghiệp tại Tây Ninh

Chủ tịch Hùng Nhơn Group Vũ Mạnh Hùng chia sẻ định hướng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại Lễ công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Tây Ninh, chiều nay.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.