| Hotline: 0983.970.780

Để thực sự trở về

Thứ Tư 29/01/2014 , 22:06 (GMT+7)

Có những người yêu Tổ quốc trong những giấc mơ của họ. Trong giấc mơ ấy, họ trở về hạnh phúc. Nhưng trong đời thực họ lại ra đi hoặc dày vò hay trĩu nặng khi họ nghĩ đến sự trở về.

Tôi đã đọc trên một tờ báo thấy một thông tin rất đáng lưu ý về lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài: gần 4.000 người nhận học bổng của Chính phủ Việt Nam làm thạc sĩ và tiến sĩ ở nước ngoài trong mấy năm qua thì gần 50% số đó đã không về nước. Họ ở lại nước ngoài làm việc. Họ sẵn sàng hoàn lại số tiền học bổng họ nhận được từ Chính phủ.

Như vậy, Chính phủ không thất thoát tài chính và cho dù có thất thoát thì cũng không đáng kể mà cái đáng kể là thất thoát chất xám. Và thất thoát chất xám là thất thoát rất lớn đối với mọi quốc gia. Nhưng đó chưa phải là sự thất thoát lớn nhất.

Ngoài số lưu học sinh đi theo học bổng của Chính phủ, chúng ta còn một số lượng rất lớn học sinh, nghiên cứu sinh ra nước ngoài học tập và nghiên cứu theo con đường tự túc hoặc có học bổng từ các trường đại học trên thế giới. Số lượng sinh viên, nghiên cứu sinh đi theo con đường này mỗi ngày mỗi nhiều và số lượng người ở lại cũng tăng lên.

Chúng ta đang nói bằng một vài văn bản, một số bài báo về thực trạng này, và vì thế, chúng ta không hình dung hết sự thật “nguy hiểm” của thực trạng đó. Nhưng nếu chúng ta dựng một clip có hình bộ óc của một thân thể người có tên là Việt Nam và clip này dựng lên hình ảnh một dòng chảy chất xám qua một cái lỗ trên vỏ não. Từ cái lỗ trên vỏ não này có một ống nối vào các bộ não của các quốc gia khác trên thế giới.

Và chất xám từ bộ não cơ thể Việt Nam cứ ngày ngày thoát ra và chảy vào các bộ não khác. Cứ ngày ngày, sau chương trình thời sự, chúng ta lại phát clip này cho chính chúng ta xem. Như thế, chúng ta mới có thể có một chút lo sợ về sự thất thoát loại tài sản quí giá này của đất nước.

Những sinh viên và nghiên cứu sinh được chấp nhận vào các trường đại học trên thế giới mà chủ yếu tập trung vào các nước có nền giáo dục tiên tiến hầu hết là những sinh viên, nghiên cứu sinh có năng lực tốt. Một sự thật bây giờ là: hầu hết các học sinh xuất sắc nhất ở các trường PTTH đều luôn ý thức kiếm tìm học bổng để ra đi.

Và một sự thật mà tôi muốn chúng ta phải biết là: khi con cái đi ra nước ngoài học tập thì phần lớn cha mẹ chúng có ý thức định hướng cho chúng học xong ở lại làm việc ở nước đó và chỉ trở về khi thấy hợp lý hoặc không ít bậc cha mẹ định hướng con cái họ định cư ở nước ngoài.

Việc ở lại nước ngoài làm việc của sinh viên và nghiên cứu sinh không phải do cá nhân họ thích các nước giàu có mà ở lại, mà họ và gia đình họ nghĩ rằng kiến thức của họ, bằng cấp của họ nhận được từ nước ngoài lâu nay cũng không được trong dụng trong nước. Họ không muốn bỏ phí cơ hội được phát huy những gì học được và có một điều kiện làm việc tốt nhất. Vì lý do đó họ đã quyết định ở lại làm việc chứ không phải lãng quên đất nước hay không yêu đất nước.

Hơn nữa, các nước tiên tiến trên thế giới luôn luôn săn tìm những người có năng lực và “dụ dỗ” cũng như tạo điều kiện cho những sinh viên, nghiên cứu sinh nước ngoài ở lại làm việc. Những người này luôn luôn làm việc cao hơn mức mà các ông “chủ” ở các nước đó yêu cầu. Vì sao vậy, vì những người nước ngoài biết rõ sự “bất lợi” của họ là không phải người sở tại nên họ làm việc hết mình để chứng minh năng lực và ý thức công việc của họ. Và các ông “chủ” ở các nước đó cũng không phải trả họ một mức lương quá cao như trả cho những nhân viên người sở tại.

Có những trường hợp nhập quốc tịch nước ngoài và có một trình độ cao vẫn trở về đất nước làm việc. Có ba lý do cơ bản để họ trở về đất nước làm việc bán thời gian: Một, họ trở về Việt Nam làm việc như là sự hợp tác chứ không phải là nằm dưới sự quản lý của một cơ quan Nhà nước Việt Nam. Nếu thấy kiến thức của mình không được sử dụng đúng thì họ cứ việc chấm dứt hợp đồng mà không lo sợ mất công ăn việc làm.

Hai là họ thực sự muốn làm điều gì đó cho đất nước bằng một cách không bị gây khó khăn, cản trở nhất. Bởi có một sự thật là: cũng là con người đó, kiến thức đó nhưng nếu họ là nhân viên dưới quyền của ông A hay bà B thì họ chỉ là một cấp dưới không hơn không kém. Nhưng nếu họ dạy ở một trường đại học tiên tiến hay làm việc ở một nước tiên tiến thì họ về nước như một chuyên gia có trình độ cao và sẽ được đối xử công bằng và trọng thị hơn. Như thế, công việc của họ có hiệu quả hơn nhiều và không bị “sai vặt”, “ban phát” hay “đố kị” như là nhân viên cấp dưới lại có trình độ hơn lãnh đạo của mình. Nhưng số trở về nước làm việc như vậy rất ít. Cũng có không ít người sau một thời gian làm việc như vậy đã chủ động chấm dứt công việc của họ. Bởi họ thấy “quá khó” để làm việc, để hòa đồng với những người đồng hương xứ Việt của mình.

Ba là họ muốn có cơ hội để đoàn tụ với gia đình, bạn bè và xã hội, nơi họ đã sinh ra và lớn lên, nơi họ đã có biết bao kỷ niệm. Và một điều vô cùng quan trọng vì nơi đó là Tổ quốc họ.

Lý do gần như là duy nhất và quan trọng nhất để những người du học nước ngoài, rồi làm việc ở đó, điều kiện làm việc và điều kiện sống rất cao, mang quốc tịch khác nhưng vẫn mang giấc mơ trở về Tổ quốc. Đó là cố hương họ. Điều này đôi khi ta không giải thích được. Nó mang rất nhiều tính tâm linh.

Rất nhiều người Việt Nam mà tôi đã gặp ở nước ngoài họ đã nhập quốc tịch cả nửa thế kỷ rồi, phần nhiều ra nước ngoài từ khi còn nhỏ, cũng không ít người sinh ra và lớn lên ở nước ngoài tiếng Việt không sõi. Nhưng lòng tự hào về Tổ quốc không bao giờ mất đi trong họ. Nếu đất nước có điều gì đó mất thể diện trước thế giới, lòng họ cũng đau đớn như mọi người Việt sống ở trong nước. Chúng ta đều nhớ những ngày đầu khi đất nước thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp, Cụ Hồ đã kêu gọi kiều bào trở về xây dựng đất nước. Và đông đảo các trí thức tài ba, danh tiếng gốc Việt đã từ bỏ đời sống đầy đủ của họ để trở về. Vậy tại sao bây giờ nhiều người lại ra đi?

Câu hỏi ấy có làm cho chúng ta buồn không? Có đánh thức trong lòng chúng ta một điều gì không? Có làm cho chúng ta lo sợ không? Những điều tôi nói có thể làm cho một số người nghĩ rằng tôi quá trầm trọng vấn đề. Điều lo sợ nhất là không phải chúng ta thiếu chất xám hay mất đi chất xám trong một gian đoạn nào đó mà là chúng ta không có khả năng làm cho những người trẻ yêu đất nước mình nữa hoặc yêu một cách buồn bã trong căn phòng nhỏ hẹp của họ.

Có những người yêu Tổ quốc trong những giấc mơ của họ. Trong giấc mơ ấy, họ trở về hạnh phúc. Nhưng trong đời thực họ lại ra đi hoặc dày vò hay trĩu nặng khi họ nghĩ đến sự trở về. Chúng ta muốn họ trở về không phải là một ông giáo sư, một bà tiến sĩ hay một chuyên gia mà trở về như một đứa con tìm về ngôi nhà của ông bà, cha mẹ mình, muốn họ trở về bằng xương bằng thịt, bằng trọn vẹn tâm hồn họ, muốn họ thấm đẫm hương đất đai của tổ tiên, muốn họ ngày ngày bước đi trên đất đai tổ tiên và muốn họ khi đi hết đời sống của mình được yên nghỉ vĩnh viễn trên đất đai ấy.

Và một trong những điều quan trọng nhất để họ trở về như chúng ta hằng mong đợi là chúng ta phải làm cho họ nhận ra và tin rằng: chúng ta, những chủ nhân của đất nước, những người đang cai quản đất nước, yêu Tổ quốc này bằng tất cả máu thịt và linh hồn mình. Còn nếu họ không tin điều ấy thì sự trở về của họ cũng giống như một vị khách hay là những người đi kiếm tìm cơ hội làm ăn của họ mà thôi. 

Xem thêm
Quang Linh Vlogs hội ngộ hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên

Chàng Youtuber nổi tiếng Quang Linh Vlogs đang ở Việt Nam để có chuyến đi chơi xuyên Việt cùng bố con Matiloi - người bạn đến từ châu Phi.

Real Madrid thoát thua trên sân Bayern Munich

Với cú đúp của Vinicius, Real Madrid đã có được trận hòa 2-2 ngay trên sân của Bayern Munich tại bán kết lượt đi UEFA Champions League.

Alexandre Polking - ứng viên sáng giá cạnh tranh vị trí HLV đội tuyển Việt Nam

HLV Kim Sang-sik đang được đồn thổi là tân HLV đội tuyển Việt Nam, nhưng theo thông tin mới nhất cựu HLV trưởng Thái Lan ông Polking cũng đang nằm trong tầm ngắm.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.