| Hotline: 0983.970.780

Dễ và khó trong cơ giới hóa đồng bộ ở Hà Nội

Thứ Tư 27/04/2022 , 08:45 (GMT+7)

HÀ NỘI Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 74 về phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2025 với nhiều mục tiêu lớn…

Giải phóng các khâu nặng nhọc, độc hại

Theo đó, đến năm 2025, những vùng hàng hóa tập trung của Hà Nội cơ bản được cơ giới hóa và cơ giới hóa đồng bộ. Mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp đến năm 2025 đối với các cây chủ lực phải đạt cụ thể: Khâu làm đất 98%, khâu gieo cấy 15%, khâu chăm sóc 60%, khâu thu hoạch (lúa) 95%.

Tỷ lệ cơ giới hóa trong thu hoạch lúa hiện nay đã đạt khoảng 95%. Ảnh: NNVN.

Tỷ lệ cơ giới hóa trong thu hoạch lúa hiện nay đã đạt khoảng 95%. Ảnh: NNVN.

Hà Nội cũng phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 36 tổ, nhóm dịch vụ kỹ thuật phục vụ sản xuất theo mô hình những cánh đồng lớn; 10 tổ, nhóm dịch vụ kỹ thuật phục vụ sản xuất cây màu; 100% sản phẩm rau, quả đã qua chế biến truy xuất được nguồn gốc, áp dụng mã QRcode thông minh để tiện cho việc quản lý, theo dõi...

Hãy cùng nhìn lại những gì Hà Nội đã làm được và còn tồn tại về cơ giới hóa đồng bộ trong giai đoạn qua để rút ra kinh nghiệm.

- Thứ nhất, việc thực hiện hỗ trợ kinh phí mua máy, thiết bị phát triển cơ giới hóa qua mô hình khuyến nông: Thực hiện Nghị định 02 ngày 08/01/2010 của Chính phủ về Khuyến nông, Quyết định 2002 ngày 05/3/2013 của UBND TP Hà Nội ban hành quy định: "Mô hình cơ giới hóa nông nghiệp, bảo quản chế biến, ngành nghề nông thôn được hỗ trợ chi phí mua công cụ, máy cơ khí, thiết bị ở địa bàn khó khăn, xã nghèo được hỗ trợ 100% chi phí, nhưng tối đa không quá 150 triệu đồng/mô hình; ở địa bàn còn lại hỗ trợ tối đa 50% nhưng không quá 75 triệu đồng/mô hình”.

Từ năm 2016 đến hết năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ xây dựng các mô hình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp cụ thể như sau: Trong trồng trọt có 161 máy làm đất; 17 máy cấy 4 hàng và 6 hàng, đi kèm 17 dây chuyền gieo mạ khay; 24 máy gặt đập, 17 hệ thống tưới nước tiết kiệm. Trong chăn nuôi, có 5 hệ thống làm mát; trong chế biến có 28 nhà lạnh bảo quản nông sản...

Làm đất là công đoạn có tỷ lệ cơ giới hóa cao nhất. Ảnh: NNVN. 

Làm đất là công đoạn có tỷ lệ cơ giới hóa cao nhất. Ảnh: NNVN. 

Thông qua hỗ trợ xây dựng các mô hình dây chuyền gieo mạ khay, đã giúp hình thành được 7 trung tâm sản xuất mạ khay đạt tiêu chuẩn của Kubota Việt Nam tại các huyện Thạch Thất, Quốc Oai,  Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thanh Trì, Ứng Hòa và Thanh Oai với năng lực sản xuất 25.000 - 30.000 khay mạ/vụ/trung tâm.

Đây chính là cơ sở để mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy, phát huy vai trò dịch vụ của các HTX nông nghiệp, thúc đẩy việc hình thành các tổ dịch vụ cho người sản xuất, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất lúa. Qua đó, từng bước tạo vùng sản xuất lúa tập trung cùng giống, cùng thời vụ, khắc phục được tình trạng thiếu nhân lực, đáp ứng được tính khẩn trương của thời vụ, góp phần thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

- Thứ hai là việc thực hiện hỗ trợ 100% phí quản lý vay vốn quỹ khuyến nông Thành phố hay lãi suất ngân hàng để mua máy, thiết bị cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp với thời hạn tối đa là 3 năm, mức vay được hỗ trợ tối đa 100% giá trị sản phẩm.

Trong 4 năm của giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố đã giải ngân cho vay được 196 máy với tổng số hơn 77 tỉ đồng. Các phương án vay vốn thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp hiện cho thấy đều mang lại hiệu quả về kinh tế cho các hộ vay vốn, thể hiện bằng việc tỉ lệ hộ nợ quá hạn nguồn vốn cho vay đầu tư phát triển cơ giới hóa trong 4 năm rất thấp (~0,016%).

Mạ khay, máy cấy là công đoạn có tỷ lệ cơ giới hóa còn rất thấp ở Hà Nội. Ảnh: NNVN.

Mạ khay, máy cấy là công đoạn có tỷ lệ cơ giới hóa còn rất thấp ở Hà Nội. Ảnh: NNVN.

Trên cơ sở áp dụng chính sách hỗ trợ của Trung ương và Thành phố, Hà Nội đã có 332 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ phí quản lý, hỗ trợ kinh phí khi thực hiện đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ngày càng cao, nhất là sản xuất lúa, tập trung chủ yếu khâu làm đất đạt 95%; trong thu hoạch đạt 85%; trong gieo cấy đạt 2,55%.

Với chăn nuôi, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu vắt sữa đạt 37,7%; hệ thống ăn uống bán tự động đạt 31,5% (trong chăn nuôi gà), đạt 24,8% (trong chăn nuôi lợn); hệ thống làm mát đạt 23,4% (trong chăn nuôi gà), đạt 12,6% (trong chăn nuôi lợn). Với thủy sản, hệ thống quạt nước đạt 44% diện tích nuôi trồng.

Cơ giới hóa nông nghiệp đã giúp giải phóng nông dân Thủ đô dần ra khỏi những công đoạn lao động nặng nhọc, độc hại hay mang tính thời vụ khẩn trương, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của một số nông sản chủ lực hay đặc thù. Đồng thời, thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất, hình thành các tổ chức dịch vụ ở nông thôn như doanh nghiệp với HTX, doanh nghiệp với nông dân để đưa máy móc vào từ làm đất, cấy, phun thuốc BVTV, thu hoạch đến sơ chế, chế biến và bảo quản.

Những “hòn đá tảng” cần phải dẹp bỏ

Tuy nhiên thực tế cho thấy, vẫn có những “hòn đá tảng” ngăn bước quá trình cơ giới hóa đồng bộ của Hà Nội bởi nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

- Thứ nhất, do nông nghiệp Hà Nội vẫn chủ yếu là nông hộ quy mô nhỏ, tính hợp tác, sản xuất hàng hóa chưa được quan tâm nhiều nên việc đầu tư cơ giới hóa gặp nhiều khó khăn, nhất là các loại máy có công suất lớn.

Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của Hà Nội vẫn còn những rào cản lớn. Ảnh: NNVN.

Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của Hà Nội vẫn còn những rào cản lớn. Ảnh: NNVN.

Trong khi đó, chính sách của Thành phố đã ban hành nhưng mức hỗ trợ còn thấp, không khuyến khích được nông dân mua máy tốt, máy có công suất lớn. Cụ thể, với mức hỗ trợ 100% chi phí, nhưng tối đa không quá 150 triệu đồng/mô hình tại địa bàn khó khăn, xã nghèo và hỗ trợ tối đa 50% nhưng không quá 75 triệu đồng/mô hình ở địa bàn còn lại không còn phù hợp với các mô hình sản xuất quy mô lớn, tập trung, máy móc, thiết bị có công suất lớn.

- Thứ hai, các hộ có nhu cầu vay vốn quỹ khuyến nông để đầu tư phát triển cơ giới hóa nông nghiệp đối với những máy móc, thiết bị hiện đại có giá trị lớn không có khả năng đối ứng số tiền còn lại của giá trị  máy vì theo Quyết định số 142 ban hành từ năm 2007 của UBND Thành phố Hà Nội thì mức vay tối đa không quá 500 triệu đồng/phương án.

Cũng theo quy định của Quyết định này, khi vay vốn quỹ khuyến nông phải có nguồn vốn chủ sở hữu, có tài sản đảm bảo tiền vay có giá trị lớn hơn giá trị vốn vay. Tuy nhiên theo bảng giá các loại đất trên địa bàn thì có nhiều hộ không thể tiếp cận được nguồn vốn vay vì tài sản đảm bảo không đủ để vay do diện tích nhỏ, do giá trị đất thấp hơn giá thực tế nhiều lần…

Bên cạnh đó, các tổ chức liên kết, các HTX khi muốn đầu tư, phát triển cơ giới hóa nông nghiệp tại địa phương lại gặp khó khăn do không có tài sản đảm bảo tiền vay, không có quyền sử dụng đất.

Mạ khay - máy cấy cần phải có chính sách mạnh mẽ hơn nữa để lan tỏa ra diện rộng ở Hà Nội. Ảnh: NNVN.

Mạ khay - máy cấy cần phải có chính sách mạnh mẽ hơn nữa để lan tỏa ra diện rộng ở Hà Nội. Ảnh: NNVN.

- Thứ ba, chưa có nhiều doanh nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị nông nghiệp trong nước mà chủ yếu là máy móc nhập ở nước ngoài nên giá bán cao, phụ tùng thay thế bắt buộc là chính hãng và phải chờ nhập khẩu nên nhiều hộ khó tiếp cận.

Bên cạnh đó, quá trình quản lý, vận hành máy đều sử dụng kinh nghiệm thực tế, "học lỏm" qua nhau là chính mà không được đào tạo cơ bản và chuyên sâu nên người vận hành trực tiếp thường gặp khó khăn khi có trục trặc về kỹ thuật.

- Cuối cùng, do sản xuất nông nghiệp phụ thuộc lớn vào thiên nhiên, mang tính rủi ro cao nên chưa thu hút được các hộ cá nhân tham gia vào quá trình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp. Ngay cả những hộ mạnh dạn vay vốn vay quỹ khuyến nông để mua máy cũng chỉ nhăm nhăm chọn những loại dễ thực hiện, dễ thu hồi vốn như làm đất, gặt đập.

Để tháo gỡ khó khăn bất cập, giúp việc cơ giới hóa sản xuất thuận lợi, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đề xuất đối với hỗ trợ kinh phí mua máy, thiết bị phát triển cơ giới hóa thì UBND Thành phố sớm ban hành chính sách.

Trong đó, đa dạng danh mục máy móc thiết bị, ưu tiên máy móc thiết bị sản xuất trong nước có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn cơ sở đã công bố. Hỗ trợ 100% chi phí mua máy, thiết bị, công cụ đối với địa bàn khó khăn, xã nghèo, mức hỗ trợ tối đa không quá 300 triệu đồng/điểm thực hiện. Hỗ trợ 50% chi phí mua máy, thiết bị, công cụ đối với các địa bàn còn lại, mức hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng/điểm thực hiện.

Đối với hỗ trợ phí quản lý vay vốn quỹ khuyến nông, Thành phố cần bổ sung thêm nguồn vốn để có thể tiếp tục cho vay đầu tư phát triển cơ giới hóa nông nghiệp thực hiện Nghị quyết 10, tăng mức cho vay để khuyến khích người dân mua máy tốt, có công suất lớn hơn.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Vật nuôi khốn đốn vì mưa lạnh kéo dài

BÌNH ĐỊNH Thời gian gần đây, Bình Định có mưa lạnh kéo dài, khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm sút, đây là cơ hội để dịch bệnh phát sinh, người chăn nuôi lo ngay ngáy.

Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản tăng 6,3%

Ngày 26/12, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024, triển khai kế hoạch công tác năm 2025.