| Hotline: 0983.970.780

Hệ thống cán bộ nông nghiệp Hà Nội bị khuyết 'chân tay'

Thứ Tư 29/05/2019 , 13:10 (GMT+7)

Lực lượng cán bộ kỹ thuật cấp cơ sở được ví như “chân tay” của hệ thống nông nghiệp, giúp cho việc quản lý, chỉ đạo và nhất là kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm tại gốc nhưng nhiều nơi tại Hà Nội đang bị khiếm khuyết…

Khuyết khuyến nông đã 6 năm nay

Ông Trần Văn Khánh - Chủ tịch xã Tự Lập, huyện Mê Linh thông tin, trước đây, đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp do ngân sách xã trả phụ cấp để giúp chỉ đạo sản xuất trên 456 ha đất nông nghiệp ở đây. Năm 2013 UBND thành phố Hà Nội thực hiện Quyết định 31 khoán biên chế cán bộ không chuyên trách, trong danh sách này không hề có cán bộ bảo vệ thực vật (BVTV), khuyến nông, thú y.

Sau đó có quyết định của Sở NN- PTNT Hà Nội về ký hợp đồng với trưởng ban thú y xã, cán bộ BVTV xã, hưởng lương theo bằng cấp, kinh phí do các Trạm trả. Tuyệt nhiên không có quyết định nào cho cán bộ khuyến nông cơ sở nên “cây cầu” chuyển giao tiến bộ kỹ thuật từ đó bị cắt đứt. Không có khuyến nông cơ sở, chẳng có hội nghị nào được tổ chức cũng chẳng được đi tham quan, giao lưu, học tập mô hình ở các nơi.

08-37-44_nh_3
Người dân Mê Linh thu hoạch hoa hồng.

“Mất khuyến nông, chúng tôi phải nói cán bộ BVTV kiêm nhiệm thêm nhưng họ không được trả thêm chế độ gì vì theo quyết định 31, khuyến nông không được nằm trong danh sách cán bộ không chuyên trách, nếu cố tình trả thì cũng bị loại ra.

Cán bộ BVTV bị “quàng” thêm nhiệm vụ của khuyến nông nhưng cũng chỉ loanh quanh ở địa phương chứ chẳng mấy khi được đi đâu cả bởi không kinh phí, không ai mời. Bởi thế, xã tôi chỉ giao cho người này mỗi việc xây dựng kế hoạch, kiểm tra, dự báo, tham mưu về sản xuất nông nghiệp trong nội bộ địa phương mà thôi”, ông Khánh giãi bày.

Là người từng làm tổ trưởng tổ khuyến nông xã từ năm 1997 đến 2003 nên ông Khánh hiểu khá rõ vấn đề này: “Đã đẻ ra là phải nuôi. Sinh ra hệ thống khuyến nông cơ sở mà không có kinh phí để thực hiện thì cũng không có giá trị gì. Tiếp xúc cử tri thành phố, đã hai lần chúng tôi có ý kiến về chuyện này nhưng không thấy phản hồi gì, không có chính sách gì nên cũng đành phải chịu.

Từ hồi không còn khuyến nông cấp cơ sở tôi thấy hoạt động của Trạm Khuyến nông huyện cũng trở lên mờ nhạt, hầu như khó mà vươn tới được các xã vì không có tiền, không có quân bên dưới, còn chỉ đạo được ai nữa khi “chân chẳng đến đất, cật chẳng đến trời”?

Cũng chung tình trạng ấy, ông Nguyễn Đức Thành - Phó Chủ tịch xã Tam Đồng cho biết, là địa phương thuần nông với 470 ha đất nông nghiệp và thủy sản, 80% dân tham gia nông nghiệp, trước đây khuyến nông đóng vai trò rất tích cực trong việc phát triển kinh tế. Giờ không có cán bộ khuyến nông cũng không có ai kiêm nhiệm cả nên địa phương khó tiếp cận được các chương trình, dự án nông nghiệp.

“Sau khi dồn điền đổi thửa, chúng tôi có quỹ đất rộng nhưng lại không có khuyến nông để hướng dẫn, định hướng sản xuất hàng hóa nên bà con phải tự đi tìm các mô hình mà học. Nhiều khi thấy người ta làm thắng, mình làm theo lại thất bại vì đó là làm mò.

Cũng có một số chương trình khuyến nông về nhưng không nhiều, hiệu quả cũng chưa cao bởi một phần thiếu bộ máy khuyến nông cấp xã nên không có ai hướng dẫn về giống, vốn, kỹ thuật cho bà con”, ông Thành chia sẻ.
 

Trống cán bộ BVTV ở những vùng nhiều nông nghiệp

Không chỉ khuyết cán bộ khuyến nông cấp cơ sở, huyện Mê Linh còn đang thiếu cán bộ BVTV phụ trách ở hai địa bàn xã Tráng Việt và thị trấn Chi Đông. Cả hai đều có diện tích đất nông nghiệp khá lớn, cụ thể Chi Đông có khoảng 150 ha còn Tráng Việt có khoảng 300 ha. Tráng Việt thiếu từ tháng 6 năm 2018 vì người phụ trách xin chuyển về huyện Đan Phượng cho gần nhà còn Chi Đông thiếu từ tháng 5 năm 2018 vì người phụ trách xin chuyển về trạm BVTV huyện.

Dù Trạm BVTV huyện sau đó có cử cán bộ phụ trách ở hai xã này nhưng vẫn không thể bù đắp, cân bằng nổi. Điều tra, dự tính, dự báo sâu bệnh cũng như quản lý vật tư nông nghiệp nếu là người ở xã thì sẽ đi được thường xuyên từng khu đồng cũng như các cửa hàng bán thuốc BVTV. Còn nhân viên của huyện phụ trách thêm xã thời gian dành cho Trạm sẽ nhiều hơn, dưới xã chỉ được một phần, phải “chẻ đôi người” nên không thể bám sát.

Tình hình sâu bệnh thường phát hiện chậm hơn 2-3 ngày hoặc phát hiện trên diện hẹp chứ không trên diện rộng. Sau khi phát hiện ra dịch bệnh, công tác chỉ đạo phòng chống cũng không được sâu sát như trước bởi nếu có cán bộ BVTV cấp xã thì sẽ đôn đốc đài truyền thanh tuyên truyền, phát lệnh phun, đến các đại lý hướng dẫn nông dân chọn loại thuốc, cách phun và kiểm tra được việc nông dân có phun hay không trên đồng ruộng.

Kể cả công tác quản lý thuốc BVTV cũng kém hơn vì không có người thường xuyên kiểm tra bởi cán bộ của Trạm BVTV huyện tham gia hỗ trợ xã cũng chỉ ở trong 1-2 ngày trong chiến dịch phòng trừ sâu bệnh rồi lại rút.

Anh Bùi Mạnh Tiến - Trạm trưởng Trạm BVTV Mê Linh lo lắng: “Có định biên của 2 xã đấy, chúng tôi cũng đang tìm người nhưng chưa ra bởi con trai thường không thích về xã vì lương thấp còn con gái - đối tượng chấp nhận lương thấp để có thể ổn định cuộc sống gia đình lại chưa tìm thấy. Một điều quan trọng nữa là đã nhiều năm nay mới chỉ tổ chức thi viên chức có 1 lần nên những người đang làm cán bộ BVTV chủ yếu là hợp đồng, tinh thần cũng bị dao động”.

Còn ông Phạm Thành Đô - Trưởng phòng Kinh tế Mê Linh cho hay, hiện ở nông thôn cần phải tiến hành áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất qua nhiều kênh, trong đó không thể thiếu được đội ngũ cán bộ kỹ thuật khuyến nông, thú y và BVTV.

08-37-44_nh_4
Ông Phạm Thành Đô - Trưởng phòng Kinh tế Mê Linh: “Do kiêm nhiệm nên cán bộ không có lòng đam mê hay nhiệt tình trong chỉ đạo sản xuất”.

 “9 xã của huyện đang có cán bộ khuyến nông còn lại là kiêm nhiệm. Do kiêm nhiệm nên không có lòng đam mê, nhiệt tình trong chỉ đạo hoặc đề xuất ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, mô hình mới hay tìm tòi, học hỏi ở nơi khác để áp dụng. Nói chung là bị thụ động”, ông Đô nói.

“Khuyến nông cơ sở không phải xã nào, thị trấn nào cũng cần bởi phải căn cứ theo tỷ lệ nông dân cũng như quỹ đất sản xuất nông nghiệp. Như huyện Mê Linh có 18 xã, thị trấn thì ở đâu có hơn 100 ha đất nông nghiệp nên bố trí một cán bộ khuyến nông”, lời một cán bộ cơ sở.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.