| Hotline: 0983.970.780

Đề xuất định mức chi phí tái chế bằng 0 với bao bì giấy, nhựa cứng, kim loại

Thứ Tư 28/06/2023 , 15:22 (GMT+7)

15 hiệp hội ngành hàng đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường tính toán lại lộ trình, phương thức triển khai EPR trong dự thảo quyết định về định mức chi phí tái chế.

Hội thảo góp ý do VCCI phối hợp Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng 28/6. 

Hội thảo góp ý do VCCI phối hợp Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng 28/6. 

Tại Hội thảo góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng ban hành định mức chi phí tái chế (Fs), Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) Chu Thị Vân Anh đánh giá, các nghiên cứu tham vấn Fs hiện có kết quả khác nhau và độ tin cậy chưa cao, chưa phù hợp với thực tế ở Việt Nam.

Cụ thể, Fs cho bao bì nhôm là 6.180 đ/kg, hơn gần 5 lần so với trung bình các nước là 1.250đ/kg. Định mức chi phí tái chế cao dẫn đến nguy cơ giá sản xuất và tiêu dùng tăng cao, theo bà Vân Anh.

Đại diện ngành đồ uống đề xuất, áp dụng "Fs=0" cho các bao bì, sản phẩm có giá trị vật liệu thu hồi được cao hơn chi phí tái chế, bao gồm bao bì giấy, bao bì nhựa cứng, bao bì kim loại, vì các bao bì, sản phẩm này về cơ bản đã được thu hồi hết, ít có nguy cơ tới môi trường.

Với các vật liệu có giá trị thu hồi thấp như bao bì ni lon, bao bì giấy hỗn hợp, Phó Chủ tịch VBA cho rằng, cần tính toán kỹ để đưa ra mức Fs phù hợp, không cao hơn so với thế giới nhưng vẫn đủ sức hỗ trợ cho nhà tái chế.

Đại diện Công ty TNHH Green Future, đơn vị chuyên tái chế các sản phẩm bao bì mềm, đồng tình với quan điểm này. Người này cho biết thêm, rằng có một thực tế là những người thu gom vật liệu tái chế ở Việt Nam hiện nay thờ ơ, thậm chí không thu gom bao bì mềm. Họ chỉ tập trung lấy bao bì cứng (vỏ lon, chai nhựa...) vì có thể bán được tiền.

"Tại nhiều nơi, bao bì mềm trở thành những ngọn núi, gây nỗi nhức nhối, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn", vị này chia sẻ.

Một vấn đề nữa, được đại diện Green Future nêu, là cách tính của tổ biên tập dự thảo khi lấy trung bình kết quả của nhóm chuyên gia tư vấn và hiệp hội tái chế để xác định Fs chưa phù hợp. Từ hoạt động thực tế của doanh nghiệp, vị này nhấn mạnh: Chi phí thu gom, phân loại luôn lớn hơn mức công bố của dự thảo.

Bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch VBA đề xuất một số hướng áp dụng Fs trong thời gian tới.

Bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch VBA đề xuất một số hướng áp dụng Fs trong thời gian tới.

Phó Tổng thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn chia sẻ với những tâm tư của doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng. Ông cho rằng, các doanh nghiệp luôn ủng hộ Chính phủ trong việc bảo vệ môi trường cũng như thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đồng thời cam kết thực hiện tốt một cách nhất trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). 

Vấn đề, theo ông Tuấn, là cần tính toán định mức chi phí tái chế Fs sao cho hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam. 4 khía cạnh được phía VCCI nêu, bao gồm: phương pháp tính, chi phí quản lý hành chính, cơ chế thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và lộ trình áp dụng.

“Ban soạn thảo có nhiều nguồn tham khảo từ các nghiên cứu khoa học, kinh nghiệm quốc tế, nhưng ý kiến phản biện của doanh nghiệp trong nước cũng đặc biệt quan trọng. Thông qua hình thức tham vấn, việc xây dựng chính sách sẽ được tiến hành một cách toàn diện hơn và nhanh chóng đi vào cuộc sống", ông Tuấn bày tỏ.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Phan Tuấn Hùng nhận xét, khó khăn chính trong quá trình xây dựng dự thảo về định mức Fs nằm ở khâu tính toán. Dù đã bám sát Nghị định 08 và Luật Bảo vệ môi trường, cơ quan quản lý vẫn muốn lắng nghe thêm đóng góp từ các bên liên quan, nhằm hoàn thiện dự thảo.

Tại hội thảo sáng 28/6, đại diện Hội đồng EPR quốc gia cũng làm rõ một số điểm về Fs. Trong đó, Fs không bao gồm chi phí thu mua phế liệu và không trừ lại giá trị vật liệu tái chế. Vị này cũng thông tin về công thức tính Fs hiện là: Fs=1,03*a*[Tp+Cv+Re], với các thành phần tương ứng lần lượt là hệ số điều chỉnh, chi phí thu gom, chi phí vận chuyển và chi phí hoạt động tái chế.

Hệ số 1,03 tương ứng với chi phí quản lý hành chính ở mức 3%. Hội đồng EPR nhận xét, đây là mức trung bình đang được nhiều quốc gia áp dụng.

Tại Việt Nam, hoạt động tái chế bao bì giấy trở nên sôi động thời gian qua. Đối tượng tái chế chính là vỏ hộp sữa giấy.

Tại Việt Nam, hoạt động tái chế bao bì giấy trở nên sôi động thời gian qua. Đối tượng tái chế chính là vỏ hộp sữa giấy.

Bên cạnh thảo luận, 15 hiệp hội ngành hàng đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường tính toán lại lộ trình, phương thức triển khai EPR.

Theo đó, trong hai năm đầu (2024 và 2025), cơ quan quản lý tập trung vào hướng dẫn thi hành, chưa áp dụng hình thức xử phạt. Khảo sát một số doanh nghiệp, nhất là ngành đồ uống cho thấy, 70% số được hỏi nói gặp khó khăn với tỷ lệ tái chế bắt buộc hiện nay; 80% doanh nghiệp gặp vấn đề về việc tìm đơn vị tái chế và thiếu nhân lực.

Các hiệp hội cũng kiến nghị cho phép thay đổi cách thức nộp từ tạm ứng đóng góp hỗ trợ tái chế từ đầu năm 2024, sang quyết toán theo số lượng thực tế khi kết thúc năm 2024. Bởi trong thời gian này, doanh nghiệp vẫn thực hiện đầy đủ trách nhiệm về môi trường, đồng thời giảm được khó khăn về dòng tiền.

Với quan điểm thúc đẩy sử dụng vật liệu có tính tái chế cao, doanh nghiệp đề xuất có chính sách ưu đãi riêng khi sử dụng bao bì thân thiện với môi trường hoặc sử dụng vật liệu tái chế. 

Thay vì bắt chọn một, các công ty mong muốn được cho phép thực hiện kết hợp cả hình thức tự tái chế và đóng góp hỗ trợ tái chế cho một loại bao bì trong cùng năm. Đây là lời giải cho việc nhiều loại bao bì, sản phẩm hiện chưa có giải pháp tái chế hiệu quả, phù hợp.

Fs là định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu. Dự kiến cuối năm 2023, Thủ tướng sẽ ban hành quyết định về vấn đề này.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.