| Hotline: 0983.970.780

Đề xuất mới cho thủy điện La Ngâu và hồ Thủy lợi La Ngà 3

Thứ Ba 26/10/2021 , 11:13 (GMT+7)

Tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị Thủ tướng Chỉnh phủ, Bộ Công thương xem xét điều chỉnh đưa dự án thủy điện La Ngâu ra khỏi quy hoạch điện VIII.

Việc kiến nghị này của tỉnh Bình Thuận nhằm tránh việc chồng lấn quy hoạch phát triển điện và quy hoạch phát triển công trình thuỷ lợi.

Sự cấp thiết đầu tư dự án hồ La Ngà 3

Thời gian qua UBND tỉnh Bình Thuận đã có các văn bản số 1233 ngày 10/4/2019, số 1394 ngày 23/4/2021 và số 3459 ngày 17/9/2021 tham gia ý kiến gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, trong đó có đề nghị xem xét điều chỉnh đưa dự án thủy điện La Ngâu ra khỏi quy hoạch điện VIII.

Mới đây nhất ngày 8/10, UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục đã có văn bản đề nghị Bộ Công thương xem xét điều chỉnh đưa dự án thủy điện La Ngâu ra khỏi quy hoạch điện VIII. Khi biết Bộ này đang dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030 có xét đến năm 2045 (gọi tắt là quy hoạch điện VIII) để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dự án thủy điện La Ngâu chưa đầu tư xây dựng hạng mục chính của công trình thủy điện và từ năm 2010 chủ đầu tư không tiếp tục triển khai thi công. Ảnh: KS.

Dự án thủy điện La Ngâu chưa đầu tư xây dựng hạng mục chính của công trình thủy điện và từ năm 2010 chủ đầu tư không tiếp tục triển khai thi công. Ảnh: KS.

Theo tìm hiểu chúng tôi, dự án Thủy điện La Ngâu có quy mô công suất 46 MW tại xã La Ngâu, huyện Tánh Linh (Bình Thuận) sử dụng trực tiếp nguồn nước từ suối Đa Mi để xây dựng công trình phát điện. Dự án được UBND tỉnh Bình Thuận cấp Giấy Chứng nhận đầu tư ngày tháng 1/2008 sau khi Nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Thủy điện La Ngâu có Công văn số 85 ngày 28/ 8/2007 cam kết với tỉnh  là sẽ chịu trách nhiệm và chấp nhận rủi ro khi công trình La Ngà 3 được đầu tư.

Thời gian qua chủ đầu tư đã triển khai một số hạng mục chuẩn bị đầu tư, chưa đầu tư xây dựng hạng mục chính của công trình thủy điện. Từ năm 2010 chủ đầu tư không tiếp tục triển khai thi công.

Ngày 25/5/2018 Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 193 về kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về dự án thủy điện La Ngâu và dự án hồ thủy lợi La Ngà 3.

Theo đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo cần ưu tiên đầu tư xây dựng các hồ chứa nước có dung tích lớn, đa mục tiêu nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước trên sông La Ngà phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam tỉnh Bình Thuận và vùng phụ cận thuộc các tỉnh: Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Phó Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận và các cơ quan liên quan rà soát, điều chỉnh các quy hoạch liên quan đến các hồ thủy lợi và hồ thủy điện trên lưu vực sông La Ngà, xác định các công trình không còn phù hợp với thực tế để đưa ra khỏi quy hoạch, công trình cần bổ sung vào quy hoạch để đầu tư giai đoạn tới. Trong đó lưu ý ưu tiên đầu tư các hồ chứa nước có dung tích lớn, đa mục tiêu, nhằm đảm bảo nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và sinh hoạt trong khu vực.

Tỉnh Bình Thuận kiến nghị xem xét điều chỉnh đưa dự án thủy điện La Ngâu ra khỏi quy hoạch điện VIII. Ảnh: KS.

Tỉnh Bình Thuận kiến nghị xem xét điều chỉnh đưa dự án thủy điện La Ngâu ra khỏi quy hoạch điện VIII. Ảnh: KS.

Từ thông báo số 193 này, UBND tỉnh Bình Thuận xét thấy việc quy hoạch, đầu tư hồ thủy lợi La Ngà 3 trong giai đoạn tới cần thiết và ưu tiên hàng đầu, nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước trên sông La Ngà phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và sinh hoạt của nhân dân trong khu vực 5 huyện thị phía Nam tỉnh Bình Thuận và các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu trong điều kiện biến đổi khí hậu, hạn hán thường xuyên xảy ra nhất là đối với tỉnh Bình Thuận, một tỉnh khô hạn nhất cả nước.

Do đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIII nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh xác định hồ La Ngà 3 là công trình thủy lợi chiến lược, quan trọng.

Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, dự án hồ La Ngà 3 đã có trong các quy hoạch đã được phê duyệt của các cấp thẩm quyền. Trên cơ sở đó, ngày 26/8/2020, Bộ NN-PTNT đã có Quyết định số 3386 giao Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 7 thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư Dự án hồ La Ngà 3.

Đập dâng Tà Pao tại xã La Ngâu. Ảnh: KS.

Đập dâng Tà Pao tại xã La Ngâu. Ảnh: KS.

Tiếp đến ngày 2/11/2020, Bộ NN-PTNT có Quyết định số 4367 phê duyệt đề cương, dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư (bước lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi) dự án hồ La Ngà 3. Hiện nay dự án này đã được Bộ NN-PTNT hoàn thành công tác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đang chuẩn bị trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bởi khi triển khai xây dựng và đưa công trình thủy lợi hồ La Ngà 3 vào hoạt động, những công trình kiến trúc, xây dựng, nhà cửa... trong khu vực lòng hồ sẽ bị ngập, không tiếp tục hoạt động được và phải thực hiện di dời theo quy định; trong đó có công trình thủy điện La Ngâu sẽ bị ngập hoàn toàn trong lòng hồ nếu triển khai xây dựng.

Theo ông Phước, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, hồ La Ngà 3 theo quy hoạch có dung tích thiết kế 470 triệu m3 nước, có nhiệm vụ đảm bảo cấp 1.011 triệu m3 nước tưới cho 77.615 ha cho tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Cùng với đó cấp 300.000 m3/ngày nước sinh hoạt, công nghiệp, du lịch và dịch vụ cho tỉnh Bình Thuận và cấp 300.000 m3/ngày nước sinh hoạt cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài ra, phát điện (sau hồ) với công suất lắp máy 34 MW và 5 MW, dự kiến cung cấp điện lượng khoảng 152,2 triệu KW/năm. Tính hiệu quả kinh tế của việc xây dựng hồ La Ngà 3 là rất cao, tác động lớn đến đời sống kinh tế xã hội không chỉ cho tỉnh Bình Thuận mà còn cho các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, với hàng triệu người dân được hưởng lợi từ dự án này.

Hướng giải quyết dự án thủy điện La Ngâu

Do tính chất đặc biệt quan trọng của công trình hồ La Ngà 3 đối với việc đảm bảo cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và sinh hoạt cho tỉnh Bình Thuận và một số tỉnh vùng Đông Nam Bộ, trong bối cảnh dự báo nguồn cung nước ngọt trong tương lai sẽ thiếu hụt trầm trọng, ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Dự án thủy điện La Ngâu trong danh mục các công trình thủy điện tại Dự thảo Quy hoạch điện VIII từ vị trí trong lòng hồ công trình thủy lợi hồ La Ngà 3 (sử dụng nguồn nước trực tiếp từ suối Đa Mi, xây dựng công trình để phát điện) sang vị trí sau công trình thủy lợi hồ La Ngà 3 (sử dụng nguồn nước xả từ hồ La Ngà 3 để phát điện) với quy mô công suất từ 35-40 MW.

Tỉnh Bình Thuận cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định điều chỉnh Dự án Thủy điện La Ngâu tỉnh này sẽ chỉ đạo các sở, ngành của tỉnh phối hợp các cơ quan liên quan làm việc với chủ đầu tư để đảm bảo hài hòa lợi ích. Ảnh: KS.

Tỉnh Bình Thuận cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định điều chỉnh Dự án Thủy điện La Ngâu tỉnh này sẽ chỉ đạo các sở, ngành của tỉnh phối hợp các cơ quan liên quan làm việc với chủ đầu tư để đảm bảo hài hòa lợi ích. Ảnh: KS.

Việc điều chỉnh vị trí quy hoạch nêu trên vừa tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Bình Thuận, Bộ NN-PTNT trình cấp có thẩm quyền sớm phê duyệt đầu tư Dự án thủy lợi hồ La Ngà 3, triển khai thực hiện đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2021-2025, góp phần giải quyết tình hình hạn hán ngày càng nghiêm trọng ở tỉnh Bình Thuận và đảm bảo nguồn cung cấp nước ngọt cho các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa Vùng Tàu, vừa đảm bảo duy trì nhà máy thủy điện để sử dụng hiệu quả nguồn nước của hồ La Ngà 3, trong lúc việc đầu tư các nhà máy thủy điện sử dụng nguồn nước trực tiếp từ sông, suối hiện nay có những ảnh hưởng nhất định đến môi trường tự nhiên của khu vực, củng như hiệu quả không cao.

Cũng theo UBND tỉnh Bình Thuận, sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định điều chỉnh Dự án Thủy điện La Ngâu trong quy hoạch phát triển điện VIII như kiến nghị nêu trên, tỉnh này sẽ chỉ đạo các sở, ngành của tỉnh phối hợp các cơ quan liên quan làm việc với chủ đầu tư Dự án thủy điện La Ngâu có phương án xử lý các vấn đề liên quan đến chi phí của chủ đầu tư khi dừng thực hiện dự án để triển khai công trình thủy lợi hồ La Ngà 3, nhằm đảm bảo lợi ích chung của người dân và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp nhà đầu tư và quy định của pháp luật.

Ngày 25/10, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An cũng đã có bản gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành kiến nghị xem xét điều chỉnh Dự án thủy điện La Ngâu tại Quy hoạch điện VIII. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ưu tiên xây dựng Hồ chứa nước La Ngà 3, xem xét điều chỉnh Dự án thủy điện La Ngâu trong danh mục các công trình thủy điện tại Dự thảo Quy hoạch điện VIII từ vị trí trong lòng hồ công trình thủy lợi hồ La Ngà 3 (sử dụng nguồn nước trực tiếp từ suối Đa Mi, xây dựng công trình để phát điện) sang vị trí sau công trình thủy lợi hồ La Ngà 3 (sử dụng nguồn nước thủy từ hồ La Ngà 3 để phát điện) với quy mô công suất từ 35-40 MW.  Việc điều chỉnh vị trí quy hoạch nêu trên vừa tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Bình Thuận, Bộ NN-PTNT trình cấp có thẩm quyền sớm phê duyệt đầu tư Dự án thủy lợi hồ La Ngà 3, triển khai thực hiện đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2021-2025, tránh việc chồng lấn quy hoạch phát triển điện và quy hoạch phát triển công trình thuỷ lợi...

Tháng 9/2021, Bộ NN-PTNT cũng có văn bản gửi Bộ Công thương góp ý quy hoạch điện VIII, trong đó có nêu: Không đưa công trình thủy điện La Ngâu vào Quy hoạch điện VIII, vì có vị trí xây dựng chồng lấn vị trí dự kiến xây dựng hồ chứa thủy lợi La Ngà 3. Hiện Bộ NN-PTNT đang triển khai quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đề xuất xây dựng hồ La Ngà 3 với dung tích 435 triệu m3 cấp nước cho tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và hạ lưu sông La Ngà.

Xem thêm
Chọn phương án tối ưu để Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước dừng hoạt động

Chiều 6/1, Thủ tướng chủ trì phiên họp thảo luận việc kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Điều tra việc đào bới trái phép mộ chúa Nguyễn Phúc Khoát

Nơi an nghỉ của chúa Nguyễn Phúc Khoát bị kẻ xấu đào bới trái phép. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Về xứ Tuyên ở nhà trên núi

Nông thôn xứ Tuyên đang dần tìm lại bóng dáng làng xưa với niềm tự hào kiêu hãnh, cũng bởi lẽ đó nhiều khách phương xa muốn tìm về!