| Hotline: 0983.970.780

Đề xuất tháo gỡ khó khăn về lao động, việc làm cho doanh nghiệp

Thứ Hai 29/06/2020 , 20:01 (GMT+7)

Chiều 29/6, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị Các giải pháp tháo gỡ khó khăn về lao động, việc làm cho doanh nghiệp do tác động của đại dịch Covid-19.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh chủ trì hội nghị. Ảnh: Nam Khánh.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh chủ trì hội nghị. Ảnh: Nam Khánh.

Gần 8 triệu lao động bị mất việc làm hoặc phải nghỉ luân phiên, giãn việc

Tại Hội nghị, ông Vũ Trọng Bình – Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, tính đến tháng 6/2020 cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19.

Trong đó, số người bị ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng lớn nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng (tương ứng 17,6 triệu người); 7,8 triệu lao động bị mất việc làm hoặc phải nghỉ luân phiên, giãn việc.

Lao động khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất, tiếp đến là khu vực công nghiệp, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Một số doanh nghiệp như công ty TNHH PouYuen Việt Nam dự kiến cắt giảm gần 3.000 lao động trong thời gian tới; công ty dệt may Huê Phong, công ty gỗ Woodworth Wooden cũng đã xây dựng kế hoạch cắt giảm hơn 2.000 lao động do lượng đơn hàng giảm đến 50%.

Toàn cảnh Hội nghị Các giải pháp tháo gỡ khó khăn về lao động, việc làm cho doanh nghiệp do tác động của đại dịch Covid-19. Ảnh: Nam Khánh.

Toàn cảnh Hội nghị Các giải pháp tháo gỡ khó khăn về lao động, việc làm cho doanh nghiệp do tác động của đại dịch Covid-19. Ảnh: Nam Khánh.

Một loạt các thị trường lao động nước ngoài lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc… bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam. Nhiều đơn hàng tuyển dụng, đợt xuất cảnh lao động đều bị tạm dừng. Trong 6 tháng đầu năm 2020, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài giảm 39,7%.

Trong khi số lao động mất việc làm liên tục gia tăng thì kết quả giải quyết việc làm trong 6 tháng đầu năm rất thấp, ước tính giải quyết việc làm cho 540.000 lao động, đạt 36,5% kế hoạch. Số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp 6 tháng đầu năm là 565 ngàn người, số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp gần 7.000 tỷ đồng.

Ông Vũ Trọng Bình – Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) - phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nam Khánh.

Ông Vũ Trọng Bình – Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) - phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nam Khánh.

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Đối với nền kinh tế, khi các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc không thể hoạt động bình thường thì các hoạt động sản xuất, chế biến, chế tạo, du lịch trong nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo ông Đỗ Anh Tuấn, đại diện Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist), đại dịch COVID-19 đã tác động trầm trọng tới doanh nghiệp ngành du lịch.

Với Hanoitourist, kết quả sản xuất 2 quý đầu năm chỉ đạt 93 tỷ đồng, đạt 9% kế hoạch năm. Lượng khách lưu trú giảm 39% trong khi công suất phòng giảm 43% so với cùng kỳ năm 2019.

Mặc dù thị trường nội địa đang dần phục hồi, tuy nhiên khai thác du lịch khách quốc tế, đưa khách Việt ra nước ngoài vẫn chưa được phép hoạt động trở lại. Vì vậy, doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Ông Đỗ Anh Tuấn, đại diện Tổng công ty Du lịch Hà Nội, nêu những khó khăn của doanh nghiệp do ảnh hưởng từ đại dịch. Ảnh: Nam Khánh.

Ông Đỗ Anh Tuấn, đại diện Tổng công ty Du lịch Hà Nội, nêu những khó khăn của doanh nghiệp do ảnh hưởng từ đại dịch. Ảnh: Nam Khánh.

Tuy nhiên, với thành công trong phòng, chống dịch Covid-19, Việt Nam đang dần trở thành một điểm đến vô cùng hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư nước ngoài và được coi là điểm đến an toàn, tiềm năng.

Trước thách thức và cơ hội như vậy, Chính phủ, các bộ, ban, ngành cần làm gì để hỗ trợ được doanh nghiệp nhiều hơn nữa, xây dựng môi trường kinh doanh tốt hơn nữa, chuẩn bị nguồn nhân lực, lực lượng lao động chất lượng cao hơn nữa phù hợp với nhu cầu thực tế và sẵn sàng cho các cơ hội tương lai?

Ngày 9/4/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 quy định về việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Các giải pháp phần lớn mới tập trung hỗ trợ người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, với các doanh nghiệp mặc dù đã có các chính sách như vay vốn để trả lương ngừng việc; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất,... nhưng chưa thực sự hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Hoài Thu, Phó Giám đốc SaiGontourist cho biết: “Để có giải pháp hỗ trợ, hồi phục doanh nghiệp sau đại dịch, doanh nghiệp kiến nghị được phép miễn thị thực và giảm thị thực cửa khẩu cho khách quốc tế vào Việt Nam. Đồng thời cho phép doanh nghiệp và lao động chậm nộp BHXH tới hết năm 2021.”

Bà Nguyễn Hoài Thu, Phó Giám đốc SaiGontourist kiến nghị cho phép doanh nghiệp và lao động chậm nộp BHXH tới hết năm 2021. Ảnh: Nam Khánh.

Bà Nguyễn Hoài Thu, Phó Giám đốc SaiGontourist kiến nghị cho phép doanh nghiệp và lao động chậm nộp BHXH tới hết năm 2021. Ảnh: Nam Khánh.

Theo đại diện Vietnam Airlines: Trong tháng 4 thì đơn vị ngừng bay, tháng 5 khởi động lại và tháng 6 đã hoạt động gần như đạt công suất về các chuyến bày nội địa như trước đây nhưng lượng khách chỉ đạt khoảng 50% công suất. Hiện lực lượng lao động trực tiếp đi làm lại khoảng 60% và lao động gián tiếp đi làm lại khoảng 30%.

Đơn vị cũng đang tính toán để người lao động làm việc luôn phiên để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Do đó, Vietnam Airlines cũng kiến nghị giãn đóng BHXH, với lao động tạm ngừng hợp đồng thì chuyển sang BHXH tự nguyện.

Ông Nguyễn Bùi Lâm, Phó Trưởng ban Dân sự Tổng công ty Hàng không Việt Nam, phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nam Khánh.

Ông Nguyễn Bùi Lâm, Phó Trưởng ban Dân sự Tổng công ty Hàng không Việt Nam, phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nam Khánh.

Các giải pháp tháo gỡ khó khăn về lao động, việc làm cho doanh nghiệp

Trước tình thế khó khăn của doanh nghiệp và vấn đề người lao động mất việc làm, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 8 giải pháp:

Thứ nhất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng có những chính sách, chiến lược mạnh dạn, tức thời để khai thông nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, đơn giản hoá thủ tục và điều kiện kinh doanh để doanh nghiệp tự tin hơn trong đầu tư dài hạn.

Thứ hai, chủ động nắm bắt tình hình thị trường lao động trên địa bàn để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong trường hợp thiếu hụt nguồn lao động, chuyên gia người nước ngoài; lao động bị thôi việc, mất việc làm.

Thứ ba, nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối cung - cầu lao động cũng như thực hiện thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, khai trình sử dụng lao động, thu thập, cập nhật thông tin thị trường lao động.

Thứ tư, chỉ đạo hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến, chủ động cung ứng nguồn lao động đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp.

Thứ năm, xây dựng chính sách về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng người lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Thứ sáu, xây chính sách về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Thứ bảy, rà soát các quy định pháp luật về lao động, việc làm để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động, tránh sa thải hàng loạt hoặc ngừng hoạt động, phá sản. Đồng thời, hỗ trợ người lao động duy trì, ổn định cuộc sống trong bối cảnh ngưng việc, mất việc làm, giảm thu nhập.

Thứ tám, tiếp tục nghiên cứu, trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các nghị quyết để hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh khắc phục khó khăn để ổn định, phát triển sản xuất.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh khẳng định: Bộ mong muốn lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để trong phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra vào đầu tháng 7 để kiến nghị với Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Việc hỗ trợ cho lao động tại doanh nghiệp trong thời gian qua còn rất chậm, số người hưởng rất ít do vướng mắc nhiều điều kiện để vay vốn trả lương, hỗ trợ lao động tạm ngừng hợp đồng.

Do đó, từ kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ sẽ kiến nghị nới các điều kiện hỗ trợ cho người lao động tại doanh nghiệp gặp khó khăn.

Xem thêm
Xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia, chè Việt Nam vẫn cần lưu ý điều gì?

Nhìn chung các thị trường đều yêu cầu ngày càng cao đối với an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường.

Thương hiệu quốc gia Việt Nam 'Vươn mình tiến vào kỷ nguyên Xanh'

Tối 4/11, tại Hà Nội diễn ra Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 với chủ đề ‘Vươn mình tiến vào kỷ nguyên Xanh’.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...

Thu ngân sách Nhà nước gần 1,45 triệu tỷ đồng, tăng 17,9%

Sau 9 tháng, lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.448,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,1% dự toán năm và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái...