Để chuẩn bị cho việc lập phương án thi công Dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô (dự án thành phần 3) theo hình thức PPP, UBND TP. Hà Nội vừa đề xuất mức phí để kêu gọi nhà đầu tư thực hiện dự án.
Tại công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải, UBND hai tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên, đề nghị thống nhất giá và lộ trình tăng giá dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc, áp dụng cho dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô.
Đây là dự án thành phần đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức PPP (đối tác công - tư).
Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cho biết việc thống nhất giá và lộ trình tăng giá là cơ sở để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 3, trong đó có phương án tài chính, hoàn vốn cho công trình.
Cụ thể, dự án thành phần 3 có mức giá sử dụng dịch vụ đường cao tốc cơ sở là 1.900 đồng/xe tiêu chuẩn/km, thời gian dự kiến đưa vào khai thác là năm 2027. Lộ trình giá dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc được điều chỉnh tăng 3 năm/lần cho đến thời điểm hoàn vốn.
Theo đề xuất của UBND TP. Hà Nội, nhóm 1 (gồm xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn) có mức phí thấp nhất mỗi km là 1.900 đồng, cao nhất là nhóm 5 (xe tải từ 18 tấn trở lên, container 40 fit) 7.220 đồng. Như vậy, xe con lưu thông trên toàn bộ vành đai 4 dài 113 km, mức phí dự kiến khoảng 214.000 đồng, xe nhóm 5 khoảng 815.000 đồng.
Mức phí các loại phương tiện được tăng 3 năm một lần cho đến khi dự án hoàn vốn. Đến năm 2054, khi gần kết thúc hoàn vốn, mức phí mỗi km cao tốc lên tới 5.400 đồng với xe nhóm 1 và 20.520 đồng với xe nhóm 5.
Cụ thể, Dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô được tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi với tổng mức đầu tư 56.500 tỷ đồng, hình thức huy động vốn PPP. Phương án thu phí được nhà đầu tư đề xuất có 3 kịch bản.
Kịch bản thứ nhất, tuyến đường cao tốc vành đai 4 được tập trung đầu tư xong trước năm 2024, sau đó có mức phí được tính toán dựa trên số liệu khảo sát, dự báo lưu lượng xe trong giai đoạn từ 2024 đến 2026 là 1.700 đồng/km với xe tiêu chuẩn (xe ô tô dưới 12 chỗ), đi toàn tuyến trên 100 km là 188.000 đồng/lượt.
Kịch bản thứ hai, tuyến đường cao tốc vành đai 4 thi công xong trước năm 2027, mức phí được tính toán cho xe tiêu chuẩn là 1.900 đồng/km, đi toàn tuyến là 210.000 đồng/lượt.
Kịch bản thứ 3, tuyến đường xây dựng xong trước năm 2030, mức phí được tính toán cho xe tiêu chuẩn là 2.100 đồng/km, đi toàn tuyến là 233.000 đồng/lượt.
Thuyết minh lý do đưa ra phương án này, UBND TP. Hà Nội cho biết mức giá và lộ trình điều chỉnh giá tại dự án thành phần 3 được xây dựng theo phương pháp so sánh theo quy định tại Điều 5, Thông tư số 25/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Cùng với đó, khung phí sử dụng dịch vụ đường cao tốc tại đường cao tốc vành đai 4 có tham chiếu khung giá vé của các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo hình thức BOT giai đoạn 2017-2020 đang được triển khai và khung giá dịch vụ sử dụng đường bộ được quy định tại Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải.
Dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô có chiều dài 112,8km (gồm 103,1km đường vành đai 4 và 9,7km tuyến nối). Tổng mức đầu tư dự án là 85.813 tỷ đồng. Thời gian thi công từ năm 2023 đến 2027.
Dự án đi qua 3 tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh với 7 dự án thành phần. Trong đó, mỗi tỉnh phụ trách một dự án giải phóng mặt bằng, một dự án đường song hành qua địa bàn tỉnh mình. Riêng dự án cầu cạn cao tốc toàn tuyến sẽ đầu tư theo phương thức BOT và giao Hà Nội quản lý.
Hạng mục cao tốc Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ có 39,86km đi dưới thấp (35% tổng chiều dài) và 73,66km đi trên cao (cầu cạn). Cầu cạn cao tốc được thiết kế với tĩnh không tối thiểu 7,5m. Mặt cắt ngang cao tốc có 4 làn xe (bề rộng đường 17-17,5m). Dải dừng khẩn cấp được bố trí cách nhau 4-5km, không liền mạch.
Ngày 25/6 vừa qua, UBND TP. Hà Nội chính thức khởi công dự án này.