Xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN-MT), ngày 27/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2024/NĐ-CP quy định về giá đất, trong đó quy định về phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất; định giá đất cụ thể quy định; điều kiện hành nghề tư vấn xác định giá đất; áp dụng phương pháp định giá đất của các trường hợp chuyển tiếp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 257 Luật Đất đai.
Bộ TN-MT có trách nhiệm quy định chi tiết về xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn.
Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn, do đó, để phù hợp với Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản quy phạm pháp luật cũng như thực tiễn yêu cầu của công tác quản lý đất đai trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng và ban hành Thông tư là rất cần thiết.
Bộ TN-MT đề xuất dự thảo Thông tư quy định chi tiết về xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn với các quy định cụ thể về: Đánh giá điều kiện khu vực xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn; thu thập, tổng hợp thông tin về đặc tính thửa đất; xác định vùng giá trị; căn cứ lựa chọn thửa đất chuẩn; lập bảng tỷ lệ so sánh; rà soát, kiểm tra, hiệu chỉnh kết quả xác định giá của thửa đất cụ thể…
Theo dự thảo, căn cứ vào kết quả tổng hợp thông tin về đặc tính của tất cả các thửa đất, bổ sung lớp dữ liệu về giao thông lên bản đồ địa chính số; xác định các điểm trung tâm hành chính, trung tâm thương mại, chợ, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, cơ sở thể dục, thể thao, cơ sở y tế, công viên, khu vui chơi giải trí trên bản đồ địa chính số.
Việc thiết lập vùng giá trị thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định số 71/2024/NĐ-CP.
Vùng giá trị được xác định ranh giới, đánh số thứ tự và biểu thị trên bản đồ địa chính số, cụ thể như sau: Ranh giới vùng giá trị thể hiện bằng nét liền, màu đỏ; sử dụng mã ký hiệu các loại đất và đánh số vùng giá trị đất; màu sắc vùng giá trị đất sau khi xác định được khoảng giá: các vùng giá trị có cùng khoảng giá thì cùng màu, vùng có khoảng giá cao màu đậm hơn vùng có khoảng giá thấp.
Bảng giá đất cần đánh giá tác động tới người dân, doanh nghiệp
Theo Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân, một trong những nội dung mang tính đột phá của Luật Đất đai 2024 là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, phát huy vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai, trong đó có nội dung điều chỉnh, xây dựng bảng giá đất. Do là chính sách đột phá, phân cấp mạnh mẽ, triệt để và nhiều điểm mới nên thời gian đầu không tránh khỏi một số khó khăn, vướng mắc, lúng túng tại các địa phương.
Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, vướng mắc, lúng túng thời gian qua chủ yếu liên quan đến quy định tại, khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024. Khoản này nêu rõ bảng giá đất theo Luật Đất đai 2013 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2024 cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương.
“Đây là quy định chuyển tiếp, nhằm nhằm giúp các địa phương thực hiện lộ trình từng bước xây dựng bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024 để áp dụng từ 1/1/2026, tránh cú sốc tăng giá đột biến ảnh hướng đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Tuy nhiên khi tiến hành điều chỉnh bảng giá đất hiện hành, nếu các địa phương không xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, đánh giá tác động một cách đầy đủ thì sẽ xảy ra trường hợp bảng giá đất điều chỉnh có chênh lệch rất lớn so với giá đất bảng giá đất hiện hành. Điều này khiến người dân, doanh nghiệp phản ứng vì số tiền họ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai sẽ tăng cao so với khi áp dụng bảng giá đất cũ.
Còn nếu không điều chỉnh kịp thời bảng giá đất cho phù hợp với tình hình tại địa phương thì rất dễ dẫn đến giá đất trong kết quả đấu giá chênh lệch rất lớn so với giá khởi điểm tạo nên sự đột biến, bất thường và có thể gây thất thu cho ngân sách nhà nước”.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, cả hai trường hợp này đều là hiện tượng không tốt, gây phản ứng trái chiều, thiếu đồng thuận trong dư luận xã hội, tiềm ẩn nguy cơ lợi dụng để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường, tác động đến phát triển kinh tế, an ninh xã hội, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều địa phương gặp vướng mắc, lúng túng trong triển khai Luật Đất đai trong thời gian qua.
Để đảm bảo các điều kiện triển khai Luật Đất đai 2024 từ ngày 1/8 (sớm hơn 5 tháng so với kế hoạch), thời gian vừa qua Chính phủ, Thủ tướng chính phủ đã có những chỉ đạo rất quyết liệt.
Theo đó, chỉ trong thời gian ngắn, Bộ TN-MT và các bộ, ngành, cơ quan liên quan đã chủ động, phối hợp xây dựng, trình Chính phủ ban hành nhiều Nghị định quy định chi tiết thi hành luật. Bản thân Bộ TN-MT cũng ban hành nhiều thông tư, văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai luật.
Chỉ tính riêng vấn đề liên quan đến giá đất, bảng giá đất thuộc thẩm quyền của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì từ ngày 8/8/2024 đến nay, Bộ TN-MT đã có 3 lần có các văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố để đôn đốc, hướng dẫn các địa phương hoàn thiện các văn bản thẩm quyền được giao tại Nghị định số 71/2024 và việc điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp với tình hình thực tế giá đất tại địa phương.
Theo dự thảo, căn cứ lựa chọn thửa đất chuẩcần thống kê tần suất xuất hiện các đặc tính về diện tích, hình thể, kích thước của các thửa đất chuẩn trong từng vùng giá trị.
Căn cứ lựa chọn thửa đất chuẩn được đề xuất cụ thể như sau:
1- Thửa đất có tần suất xuất hiện các đặc tính về diện tích, hình thể, kích thước trong vùng giá trị nhiều nhất.
Trường hợp các thửa đất trong vùng giá trị có nhiều loại diện tích với tần suất như nhau thì chọn thửa đất theo thứ tự ưu tiên thửa đất có diện tích gần nhất với diện tích bình quân của các thửa đất trong vùng giá trị.
Trường hợp các thửa đất trong vùng giá trị có nhiều hình dạng phức tạp, xuất hiện với tần suất như nhau thì lựa chọn thửa đất theo thứ tự ưu tiên thửa đất tương đối giống hình chữ nhật, hình vuông làm thửa đất chuẩn.
2- Thửa đất ít có biến động về vị trí, mục đích, hình dáng, quy hoạch.
3- Thửa đất có ranh giới rõ ràng, đầy đủ pháp lý về quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất (nếu có), không bị tranh chấp về quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất (nếu có).
Lập bảng tỷ lệ so sánh
Dự thảo nêu rõ, tổ chức thực hiện định giá đất căn cứ dữ liệu tổng hợp thông tin về đặc tính của tất cả các thửa đất, tổng hợp thông tin giá đất đầu vào tại quy định nêu trên, sử dụng phân tích thống kê để xác đinh cách thức điều chỉnh đối với từng mức độ chênh lệch của từng yếu tố ảnh hưởng đến giá đất.
Căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương, kết quả xác định cách thức điều chỉnh đối với từng mức độ chênh lệch của từng yếu tố ảnh hưởng đến giá đất bằng phân tích thống kê theo quy định trên, tổ chức thực hiện định giá đất phân tích, đánh giá và dự thảo bảng tỷ lệ so sánh.
Tổ chức thực hiện định giá đất khảo sát ý kiến chuyên gia về dự thảo bảng tỷ lệ so sánh bằng hình thức phỏng vấn trực tiếp hoặc tổ chức hội thảo lấy ý kiến; tổng hợp ý kiến và đề xuất bảng tỷ lệ so sánh trong Báo cáo thuyết minh xây dựng bảng giá đất.