| Hotline: 0983.970.780

Đem cây dừa tới Trung Đông - Châu Phi

Thứ Hai 29/01/2024 , 07:13 (GMT+7)

Các Đại sứ Việt Nam khu vực Trung Đông - Châu Phi nhiệm kỳ 2024-2027 cam kết hỗ trợ, tìm hiểu, quảng bá, mở cơ hội cho sản phẩm từ dừa của Việt Nam.

Các Đại sứ đã lắng nghe chia sẻ, giới thiệu của các doanh nghiệp ngành dừa. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Các Đại sứ đã lắng nghe chia sẻ, giới thiệu của các doanh nghiệp ngành dừa. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Cơ hội mở thị trường cho cây dừa Việt Nam

Ngày 9/1, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao Quyết định bổ nhiệm và giao nhiệm vụ cho 18 Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, 8 Đại sứ và Tổng lãnh sự đại diện Việt Nam tại nước ngoài và tổ chức quốc tế trên cả năm châu lục. Đây là những cán bộ có nhiều năm làm công tác đối ngoại, đang công tác tại Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương và Văn phòng Chủ tịch nước.

Nhằm nắm bắt thông tin tình hình sản xuất, tiềm lực của các mặt hàng nông sản của Việt Nam trước khi lên đường làm nhiệm vụ tại các nước sở tại, Phái đoàn Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài (Bộ Ngoại giao) nhiệm kỳ 2024-2027 gồm 8 Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các nước thuộc khu vực Trung Đông và Châu Phi đã có chuyến công tác tại TP.HCM, Bình Dương và Bến Tre.

Các Đại sứ đã có buổi làm việc với Hiệp hội Dừa Việt Nam tại TP.HCM và gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp ngành dừa vào chiều ngày 25/1. 

Theo ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, hiện nay theo thống kê, Việt Nam có trên 200.000ha dừa được trồng mới, đóng góp vào phát triển kinh tế của các tỉnh trải dài từ Thanh Hóa đến đất mũi Cà Mau.

Đến nay, ngành dừa Việt Nam đã có trên 200 sản phẩm từ dừa với 4 nhóm ngành chính đã xuất khẩu trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm thực phẩm - y dược; thủ công mỹ nghệ - gỗ; nguyên phụ liệu cho ngành khác; dừa tươi nguyên trái. 

Đại diện Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè (Vicosap) giới thiệu các sản phẩm từ dừa với các Đại sứ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đại diện Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè (Vicosap) giới thiệu các sản phẩm từ dừa với các Đại sứ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Xanh hóa sa mạc

Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp hiện nay đã rất năng động, chủ động không chỉ phụ thuộc vào một thị trường, mà luôn tìm kiếm thị trường mới. Thị trường giàu có Trung Đông, hay các thị trường mới nổi như các thị trường khối Châu Phi và Nam Mỹ cũng là những thị trường tiềm năng của doanh nghiệp ngành dừa trong thời gian tới, với nhu cầu sử dụng thực phẩm Halal cao.

Ông Khoa cũng cho biết, Hiệp hội Dừa Việt Nam vinh dự được Chính phủ tín nhiệm giao đại diện cho Việt Nam tham dự tại Hội chợ, Triển lãm quốc tế CocoTech do Cộng đồng dừa thế giới (ICC) tổ chức 2 năm 1 lần. “Mục tiêu của ICC buộc 22 nước thành viên phải nắm rõ được thông tin của ngành dừa từng nước, phải theo dõi diện tích dừa, diện tích trồng mới, dừa đang có tuổi hay đang cho trái sung sức nhất từ 5-20 năm, dừa trên 20 năm và kế hoạch của từng quốc gia xây dựng lên bộ giống mới cho từng ngành để sở hữu thương hiệu giống đó trên thế giới”, ông Khoa nói và cho biết, CocoTech sẽ được tổ chức vào năm 2025 tại Sri Lanka.

Do đó, ông Khoa đề nghị, Đại sứ Việt Nam tại Sri Lanka sẽ cùng Hiệp hội Dừa Việt Nam tham dự tại CocoTech 2025 để quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại với các quốc gia có dừa trên thế giới.

Ngoài ra, Hiệp hội Dừa Việt Nam cũng đề nghị các Đại sứ, trong nhiệm kỳ mới, kết nối, truyền tải các thông tin của các sự kiện hội chợ, triển lãm mới thuộc các nước sở tại; nhu cầu của người tiêu dùng các nước sở tại; doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào ngành dừa, các ngành liên quan đến dừa tại Việt Nam… Từ đó, các doanh nghiệp dừa Việt Nam sẽ có những chiến lược phát triển phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của nước sở tại.

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam kỳ vọng, với nhiệm vụ mới của mình tại các nước sở tại, các Đại sứ có thể hỗ trợ ngành dừa tổ chức Ngày dừa Việt Nam tại các nước sở tại, từ đó giới thiệu đến nước bạn về cây dừa Việt Nam - có thể là một trong những loại cây giúp “xanh hóa sa mạc” tại các nước Trung Đông và Châu Phi. 

Bà Phan Thị Phương Hoa, Chuyên viên Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bà Phan Thị Phương Hoa, Chuyên viên Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bà Phan Thị Phương Hoa, Chuyên viên Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao cho biết, buổi làm việc nhằm giúp các Đại sứ, Tổng lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài tìm hiểu tình hình sản xuất, chuỗi liên kết xúc tiến thương mại, nhu cầu tìm kiếm thông tin thị trường,... của các doanh nghiệp ngành dừa và các ngành liên quan đến dừa của Việt Nam. Từ đó, có cái nhìn toàn diện, cũng như là cơ sở để các Đại sứ, Tổng lãnh sự xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, hiệu quả trong nhiệm kỳ mới để là cầu nối về xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá các sản phẩm nông sản của Việt Nam ra thế giới.

“Hiện nay, Bộ Ngoại giao, đặc biệt là Vụ Trung Đông - Châu Phi đang phối hợp với các Đại sứ quán triển khai “Góc nông sản” tại các cơ quan đại diện của Việt Nam khu vực Trung Đông - Châu Phi. Góc nông sản này là cơ hội để chúng ta quảng bá nông sản Việt Nam ra thế giới. Trong khi các doanh nghiệp, chưa có điều kiện tham dự các hội chợ thì có thể gửi các sản phẩm tới các cơ quan đại diện ở nước ngoài trưng bày, giới thiệu tại các “Góc nông sản”, bà Hoa thông tin.

Tại buổi làm việc, các Đại sứ cam kết, trong nhiệm vụ 3 năm của mình tại nước sở tại, sẽ quan tâm, tìm hiểu về nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng nước sở tại đối với các sản phẩm từ dừa; cũng như các sự kiện hội chợ, triển lãm về dừa. Từ đó, thông tin cụ thể cho Hiệp hội Dừa Việt Nam, nhằm mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại, mang cây dừa Việt Nam đến với các nước khu vực Trung Đông và Châu Phi, đem ngoại tệ về cho Việt Nam.

Xem thêm
Trung Quốc vẫn sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của sắn Việt Nam

Tuy nhiên, tại thị trường này, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh với Thái Lan, Lào và Campuchia.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Bảo vệ sức khỏe trái tim: Chìa khóa cho cuộc sống khỏe mạnh

Hiện nay, nhiều người chưa thật sự quan tâm đúng mực đến sức khỏe của trái tim, dẫn đến nhiều hệ lụy từ các bệnh lý tim mạch.  

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.